Khi còn trẻ, Gerrard vẫn thường mặc chiếc áo của đội tuyển Anh với cái tên Paul Gascoigne ở sau lưng và tưởng tượng rằng mình sẽ ghi bàn quyết định trong một trận chung kết World Cup trong khi chơi những trận bóng trên các con phố ở thị trấn Huyton. Thế rồi rất nhanh chóng Gerrard đã trải qua 114 lần khoác áo đội tuyển Anh, thành tích mà chỉ có đúng hai người làm được hơn thế. Sự chia tay của anh trong màu áo đội tuyển quốc gia tạo ra hai luồng dư luận: một bên là sự ngợi ca, một bên là sự nuối tiếc. Không ai phải gánh chịu nhiều bi kịch của bóng đá Anh những năm gần đây nhiều như thủ quân của Liverpool.
Đó là tin tức mà nhiều người đã biết được từ trước. HLV Brendan Rodgers là người được hưởng lợi nhiều nhất từ quyết định này của tiền vệ 34 tuổi này trong bối cảnh mùa này Liverpool sẽ phải chinh chiến ở đấu trường Champions League. Cách đây chín tháng ông tin rằng điều này sẽ xảy ra. Đội tuyển Anh của HLV Roy Hodgson đã phải sớm dừng bước World Cup 2014 ngay sau vòng bảng, và Gerrard không thể không chịu một phần trách nhiệm khi anh không thể ngăn cản Suarez lập cú đúp vào lưới Joe Hart. Điều này khiến cho ngày chia tay của Gerrard là điều không thể tránh khỏi, dù anh phải mất đến bốn tuần mới có thể đưa ra quyết định của mình. Trong cuốn tự truyện của mình, Gerrard nói rằng “Đội tuyển Anh đã ám ảnh tôi trong những năm đầu đời”. Thế nên quyết định này của Gerrard hẳn không hề dễ dàng gì.
Dẫu sao, đội tuyển Anh cũng đã mất đi một người cận vệ xuất sắc, với kinh nghiệm, tư cách thủ lĩnh, và có tầm ảnh hưởng phía sau hậu trường. Điều này được phản ánh qua lời mời làm đại sứ của Liên đoàn bóng đá Anh (FA), và Gerrard đã chấp nhận nó. HLV Roy Hodgson đã nói về Gerrard hôm thứ Hai vừa qua như sau: “Gerrard không chỉ là cầu thủ khiến đám đông cổ động viên có cơ hội tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời. Cậu ta còn là một thủ quân vĩ đại và là hình mẫu cầu thủ cho bất kì ai có may mắn được gặp gỡ. Chúng tôi sẽ nhớ mãi phẩm chất thủ lĩnh của cậu ta khi chuẩn bị bước vào chiến dịch vòng loại EURO 2016 với một đội hình nhiều cầu thủ trẻ”.
Tất nhiên vẫn có những điểm không trùng khớp trong câu nói của HLV Roy Hodgson. Đúng là Gerrard đã để lại không ít dấu ấn, như bàn thắng trong chiến thắng 5-1 trước Đức ở vòng loại World Cup 2002, hay màn trình diễn xuất sắc ở trận gặp Hungary trên sân Wembley. Tuy nhiên, tất cả lại không đến trùng với thời điểm Gerrard có được phong độ tốt trong màu áo Liverpool. Chưa một HLV nào của đội tuyển Anh có thể tận dụng hết khả năng của Gerrard như cách mà Gerard Houllier, Rafa Benitez hay Brendan Rodgers làm được ở cấp độ câu lạc bộ.
Trước khi đạt đến cột mốc 100 lần khoác áo đội tuyển Anh ở trận gặp Thụy Điển vào tháng 11/2012, tiền vệ chỉ đánh giá bản thân ở điểm 6-7 trong thang điểm 10 khi được tự mình yêu cầu đánh giá về sự nghiệp thi đấu quốc tế. Tính đến nay chỉ có 8 cầu thủ vượt con số 100 lần khoác áo đội tuyển Anh. Tuy vậy, thủ quân Gerrard bác bỏ suy nghĩ rằng chỉ có chơi bóng ở một câu lạc bộ hàng đầu mới khiến cho một cầu thủ có cơ hội chạm đến cột mốc đó: “Trong bóng đá bây giờ thật dễ dàng để có thể ban phát vị thế người hùng và huyền thoại. Như tôi thấy chỉ có 11 người hùng thực sự trong lịch sử. Số còn lại theo tôi chưa xứng đáng để được vị thế đó”.
Một điều thú vị là hồi còn trẻ, Gerrard bị coi là thiếu năng lực để thi đấu cho đội U15 Anh ở Lilleshall. Anh luôn phải hứng chịu nỗi ám ảnh phải chứng tỏ năng lực thi đấu cho tuyển Anh. Nhưng rồi cuối cùng thủ quân của Liverpool cũng chứng minh cho các quan chức Liên đoàn bóng đá Anh (FA) thấy họ đã sai khi góp mặt ở sáu giải đấu lớn trong màu áo đội tuyển quốc gia.
Bắt đầu từ EURO 2000, với việc vào sân từ ghế dự bị trong trận gặp Đức. Thế rồi anh không thể góp mặt trong trận đấu quyết định gặp Romania vì chấn thương bắp chân, cùng cảm giác nhớ nhà khiến Gerrard tự nghi ngờ về sự xuất hiện của mình. Nó kéo dài đến tận kỳ EURO kế tiếp.
4 năm sau, ở EURO 2004, Gerrard mắc sai lầm chết người với đường chuyền về bất cẩn để Zidane ghi bàn đem về chiến thắng cho tuyển Pháp. Dẫu sao, đó cũng là giải đấu bước ngoặt cho anh, khi HLV Sven Goran Eriksson bố trí Gerrard đá cùng Lampard ở trung tâm hàng tiền vệ, đẩy Paul Scholes ra hành lang cánh trái. Tròn 10 năm sau, hai người tái hợp nhau trong trận đấu cuối cùng ở vòng bảng giữa Anh và Costa Rica. Đó cũng có thể coi là trận đấu quốc tế cuối cùng của Gerrard.
Ngoài ra, vẫn còn đó quả phạt đền hỏng ăn của Gerrard ở trận thua trước Bồ Đào Nha tại tứ kết World Cup 2006. 4 năm sau, Gerrard không được HLV Fabio Capello coi trọng ở kỳ World Cup trên đất Nam Phi. Điều an ủi là tại EURO 2012, tiền vệ của Liverpool được xuất hiện trong đội hình tiêu biểu ở giải đấu trên đất Ba Lan và Ukraine.
Dù sao đi nữa, việc Gerrard chia tay đội tuyển Anh sẽ để lại một lỗ hổng không nhỏ cho HLV Roy Hodgson, ít nhất là ở vòng loại EURO 2016 sắp tới.
Theo Thể Thao Văn Hoá