Sau 13 năm, Brazil mới gặp lại Scotland. Và cũng chừng đó thời gian, Brazil mới lại hồi tưởng về thảm họa 1982, tấn bi kịch của kỷ nguyên những người hùng và bóng đá đẹp. Dù chỉ là trận giao hữu chẳng xứng đẳng cấp, nhưng ít nhiều ở London, những người hoài cổ cũng nhìn thấy lịch sử…
Quá khứ
Với Zico, Falcao, Socrates… Brazil trình diễn thứ bóng đá ngoạn mục đến mức siêu tưởng tại Tây Ban Nha 1982. Họ đánh bại tất cả mọi đối thủ, kể cả Liên Xô lẫn đại kình địch Argentina bằng những vũ điệu đầy si mê. Nhưng rồi, thất bại ở những phút cuối trước Italia với tỷ số 2-3 ở vòng bảng thứ 2 (tương đương tứ kết) đã kết thúc giải đấu tưởng như tuyệt đẹp của Brazil, giống như một giấc mơ bị đánh thức giữa chừng.
Một Brazil trẻ trung sẽ biết cách đánh bại đối thủ Scotland
Trong hành trình đó, Brazil từng lật ngược thế cờ trước chính Scotland (4-1) để tạo nên một trong những trận đấu hay nhất World Cup 1982, với 4 bàn thắng được ghi theo 4 cách khác nhau, nhưng cùng mang đầy tính nghệ thuật.
Bàn đầu tiên của Zico là cú sút được chọn là bàn thắng bằng đá phạt trực tiếp đẹp nhất trong mọi kỳ World Cup (33’). Tiếp theo là quả đánh đầu tinh tế từ pha phạt góc của Oscar (49’). Tiếp theo là cú bấm bóng kinh điển từ 20m của Eder (65’) khi thấy thủ thành lên hơi cao, và kết thúc là cú sút xa khoảng 23m của Falcao sau hàng loạt pha phối hợp phức tạp.
Sau trận đó, thủ thành Alan Rough của Scotland chẳng buồn, thậm chí còn… vui khi bị Eder bấm bóng qua đầu, mà còn nhoẻn miệng cười thán phục: “Đó là bàn thắng tuyệt vời nhất tôi từng thấy. Ít nhất, tôi không bị anh ta hạ khi đứng sát cầu môn. Tôi mừng vì điều đó!”. Câu nói của Rough đã tạo nên nhiều phản ứng tại Scotland. Một bộ phận CĐV cho rằng Rough đã làm ĐT Scotland mất mặt, bởi đã không xấu hổ lại còn tán dương đối thủ và vui vì… thua trận.
Nhưng không ít người ủng hộ Rough và cho rằng đó là sự thừa nhận tất yếu có tính… cao thượng trong thể thao. Nhưng chính tính cách lập dị ấy, cùng những suy nghĩ khác người, cách nhận định công bằng đã giúp Rough trở thành… nhà báo khi giải nghệ và sau này là chuyên gia bình luận của tờ Daily Mirror.
Tương lai
Cuộc hội ngộ này chẳng có tính chất quyết liệt, hấp dẫn như năm 1982, và đẳng cấp của họ vẫn cách nhau rất xa. Nhưng có điều khác biệt là Brazil đang hướng tới những mục tiêu dài hơi chứ không phải là những thắng lợi để khẳng định tầm vóc. Đơn giản bởi đây không còn thời điểm của “thế hệ vàng” Brazil, khi những ngôi sao đã hết thời, mà tài năng thì hiếm hoi. HLV Mano Menezes phải bắt đầu xây dựng lại đội bóng mới với hình hài, phong cách mới, tạm cất đi chất Samba để nhường chỗ cho sự thực dụng. Lối chơi cũng đang được Menezes lựa chọn giữa sơ đồ 3 trung vệ (Lucio, D.Luiz, T.Silva), đấu pháp 4-4-2 hay 3-5-2…
Để thay thế hoàn toàn bộ máy cũ kỹ đã lỗi thời với Kaka, Ronaldinho, Robinho, Adriano… HLV Menezes bắt đầu tìm kiếm những tài năng, và đó là sự lựa chọn kiểu “đại trà”. Từ khi lên thay Dunga, Menezes đã triệu tập 52 cầu thủ và đội hình lần này cũng có 7 tân binh, một hàng tiền vệ lạ lẫm, thiếu hầu hết tên tuổi lớn. Nhưng trong số đó có nhiều nhân vật đáng chú ý như Neymar, Damiao, những tiền đạo đang nổi đình đám tại Brazil, hay lực lượng “đánh thuê” đang lên tiếng ào ào tại Premiership: Lucas Leiva (Liverpool), Ramires, David Luiz (Chelsea)… Họ sẽ là tiêu điểm cho cuộc thử nghiệm của Menezes tại London!
Đội hình dự kiến
Scotland: Gordon, Whittaker, D.Wilson, Caldwell, Crainey, McArthur, S.Brown , Adam, Commons, Miller, Maguire
Brazil: J.Cesar, Marcelo, D.Luiz, Lucio, Maicon, Ramires, Lucas, R.Augusto, Elano, Neymar, Damiao
Dự đoán: Brazil thắng 2-1
(Theo báo Bóng Đá)