“Bàn tay của Chúa”, đỉnh điểm dối lừa
Thierry Henry có lẽ đã nghĩ về một giai thoại mới tương tự “Bàn tay của Chúa”, nhưng xin lỗi anh, bàn thắng từ cú đập bóng chuyền của Diego Maradona ở Mexico 86 sẽ luôn là pha bóng điển hình nhất cho một tình huống bịp bợm kinh điển trong bóng đá. Sự lừa dối thì ở đâu cũng giống nhau và đều đáng bị phê phán, nhưng lừa dối trong bóng đá có thể phân biệt ra những “đẳng cấp” khác nhau. Sự tinh quái của Maradona khác hẳn với cái cách thủ quân của “Les Bleus” lấm lét hãm bóng, để rồi ăn mừng như thể vừa vô địch thế giới! Trong khi William Gallas, cầu thủ đã trực tiếp đánh đầu thành bàn từ pha kiến tạo bằng cả tay lẫn chân ấy, cảm thấy có lỗi đến mức chỉ bày tỏ “niềm vui” bằng một vẻ mặt...đờ đẫn thẫn thờ.
Thày trò Henry - Domenech không cảm thấy xấu hổ chút nào sau trận đấu "lừa lọc" |
Sự láu cá ấy làm sụp đổ hoàn toàn hình ảnh về một đội Pháp hào hoa, lịch lãm và luôn ngẩng cao đầu bất chấp mọi hoàn cảnh trong quá khứ. Người ta vẫn bị ám ảnh bởi ánh mắt bất lực, nhưng khinh bạc của Eric Cantona sau thất bại lịch sử trước ngưỡng cửa World Cup 1994. Khoảnh khắc ấy là một bi kịch, nhưng nó toát lên thần thái gấp bội phần cái cách mà Henry chạy vòng quanh sân và ăn mừng trong một rừng cờ ba màu phấp phới. Đó là đỉnh điểm của sự dối lừa. Người Pháp đã loại Ireland bằng một pha bóng bịp bợm đáng xấu hổ, nhưng đồng thời họ cũng đã tự đánh lừa chính mình. Một đội tuyển như thế có thể hy vọng làm nên điều gì ở Cúp thế giới? Một HLV chỉ “sống” nhờ may mắn, đã đứng mút tay cả trận lượt về và chỉ đưa ra vài ba sự điều chỉnh vô nghĩa như mọi khi, sẽ chèo lái con thuyền “Les Bleus” đến những “bến bờ” thất vọng nào nữa đây?
Phẩm giá của một chiến thắng
13: Đây là lần thứ 13 Pháp có mặt trong tổng số 19 VCK World Cup đã được tổ chức. 6: Có đến sáu lần Pháp phải dừng bước ngay từ vòng bảng Cúp thế giới vào các năm 1930,1934, 1954, 1966, 1978 và 2002, hai lần đoạt giải ba vào 1958 và 1986, hai lần lọt vào chung kết năm 1998 (cũng là năm Pháp lên ngôi vô địch) và một lần giành ngôi á quân (2006, thua Italia trên chấm phạt đền) |
Đó không phải là tinh thần cần có của một đội bóng có khát vọng chiến thắng và dám chiến đấu một cách quân tử vì chiến thắng. Sẽ có nhiều người bảo rằng sự láu cá để khỏa lấp đi những yếu kém về chuyên môn là một phần của bóng đá. Thế nhưng nó chỉ nên được chấp nhận phần nào khi đi kèm với thực lực thực sự, để cách giành lấy thắng lợi trong một khoảnh khắc “sa ngã” như thế không quá thô thiển và khiên cưỡng. Nhìn từ góc độ này, không ai có thể cảm thông cho Pháp. Cá tính trong lối chơi của họ chỉ là một cái bóng mờ suốt chiến dịch vòng loại, những thắng lợi của họ chỉ gây tranh cãi về độ may mắn, sự xuất thần của các cá nhân, nhưng không thể tạo được ấn tượng về một lối đá tập thể nhuần nhuyễn.
Những người thực dụng có thể nói rằng dù sao thì Pháp cũng đã có mặt ở World Cup, và sự góp mặt của một tên tuổi lớn như thế vẫn đáng được hoan nghênh. Thế nhưng cái cách mà Pháp giành chiến thắng chung cuộc không chỉ khiến họ có lỗi với người Ireland, mà còn hạ thấp chính mình. Phẩm giá của một thắng lợi là một khái niệm quá ư mơ mộng trong thời buổi thực dụng này, và Pháp có thể không quá áy náy với điều ấy. “Tòa án lương tâm” có thể không phán xét, nhưng màn trình diễn ở World Cup năm sau sẽ nói thay tất cả.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)