Nam Phi chào đón người Đức như một lẽ tất yếu. Và thế giới một lần nữa phải nhắc đến ĐT Đức như một tượng đài của ý chí, bản lĩnh và sự kiên nhẫn, chai lỳ trong những hành trình vượt qua giông bão ...
Vượt qua tất cả những rào cản về tâm lý, trở ngại về sân bãi và cả nhân sự, Đức lầm lũi tiến lên đúng với dáng vẻ của một “Cỗ xe tăng”, già cỗi nhưng đầy tính hủy diệt. Đức có thể thua kém Nga một cách toàn diện về phong độ của từng vị trí trên sân, nhưng họ luôn tạo được sức mạnh tập thể với tính hiệu quả phi thường mà không ĐT nào có được. Cuộc chiến tại Moscow chỉ là hồi kết cho một hành trình đầy bản lĩnh mà Đức đã trải qua trong suốt hơn 1 năm qua.
ĐT Đức: Tỏ mặt anh hào
Ở vòng loại mà họ không gặp nhiều khó khăn, việc Đức chiếm ngôi số 1 không nằm ngoài dự đoán, nhưng cách họ vượt mặt Nga lại là một thành công ngoài sức tưởng tượng. Kể từ sau ngôi Á quân EURO 2008, Đức tưởng như sẽ sụp đổ với những khó khăn về lực lượng, phong độ của các trụ cột và cả những lục đục trong nội bộ. Ballack, Frings trở thành những kẻ “hư đốn” khi chỉ trích J.Loew về chuyên môn, rồi Kuranyi bất cần bỏ đội ngay trong trận đấu. Uy tín của Loew sứt mẻ đáng kể sau những scandal không đáng có, nhưng ông vẫn đứng vững và dung hòa mọi quan hệ với những quyết định cứng rắn.
Tuy nhiên, điều đáng nể nhất ở Loew lại là việc sắp xếp nhân sự, tổ chức lối chơi của Đức dựa trên những con người không phải mạnh nhất. Trên chiếc xe tăng do Loew chỉ huy, bao gồm rất nhiều những cầu thủ trẻ (Marin, Oezil, Tasci, Boateng, Adler…) cộng với những ngôi sao đang mờ nhạt dần theo thời gian, những người trên lý thuyết không xứng đáng có mặt trong hàng ngũ ĐTQG. Klose đã trải qua gần 500 phút “tịt ngòi” ở Bundesliga. Podolski chỉ còn là cầu thủ hạng Hai trong suốt hơn 1 năm qua. Oezil phập phù, khi hay khi dở. Schweinsteiger chỉ còn là cái bóng mờ nhạt… Nhưng kỳ lạ thay, khi họ đứng cạnh nhau, Loew đã tạo nên một siêu phẩm thực sự với chất kết dính là đẳng cấp của một tập thể giàu truyền thống và đầy cá tính, khác hẳn với dàn sao đơn lẻ, quá đề cao cái tôi của Bồ Đào Nha, và sự bệ rạc của Pháp.
Vượt qua Nga trong trận quyết định bằng khoảng cách tối thiểu, bằng lối chơi thấm đầy toan tính và bản lĩnh, Đức luôn biết phát huy điểm mạnh trong những trận đấu quan trọng. Trong cả quá trình vòng loại, Đức chưa bao giờ có lực lượng tốt nhất, phong độ cao nhất, nhưng họ cứ thắng như chẻ tre với những cách thắng rất khác nhau. Họ hủy diệt những đối thủ yếu (Liechtenstein 6-0, 4-0; Azerbaijan 4-0), nhưng chỉ thắng những đối thủ mạnh bằng những kết quả vừa đủ, bằng vũ khí là truyền thống và bản chất của một đại gia. Hai lần đánh bại Nga (2-1, 1-0) là 2 trận đấu Đức đều chơi lép vế về cơ hội, thế trận và sự hoa mỹ. Hai lần hạ xứ Wales bằng sự thực dụng (1-0, 2-0). Một lần may mắn hòa Phần Lan (3-3) bằng quyết tâm, ý chí chiến đấu đến cùng (gỡ hòa phút 84 sau 3 lần bị dẫn trước). Đức là như thế, chỉ mạnh khi ở thế khó. Và để đến Nam Phi của họ cũng đã phải vượt qua một hành trình giông bão!
(Theo báo Bóng Đá)