Sau khi trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch EURO và lập nên kỳ tích vô tiền khoáng hậu giành ba danh hiệu lớn liên tiếp EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012, Tây Ban Nha được nhiều người đánh giá là đội tuyển quốc gia vĩ đại nhất trong lịch sử.
Họ đã đè bẹp Italia với tỉ số 4-0 trong trận chung kết, tỉ số chênh lệch nhất trong lịch sử các trận chung kết EURO hay World Cup. Họ cũng tiếp tục thành tích tuyệt vời là chưa từng để lọt lưới một bàn nào trong các trận đấu thuộc vòng loại trực tiếp, kể từ khi Zinedine Zidane ghi bàn trong trận thắng 3-1 của Pháp trước Tây Ban Nha ở tứ kết World Cup 2006.
Nhiều người so sánh Tây Ban Nha hiện nay với đội Brazil vĩ đại ở World Cup 1970 cùng ngôi sao sáng nhất là vua bóng đá Pele. Họ vô địch với sáu trận toàn thắng, đạt tỉ lệ trung bình 3,2 bàn một trận và đoạt chức vô địch thế giới lần thứ ba. Liệu có cơ sở nào cho sự so sánh đó, giữa một đội tuyển Tây Ban Nha được dẫn dắt bởi chiến lược gia lão luyện Vicente del Bosque trên nền tảng là các tiền vệ của Barcelona: Xavi và Andres Iniesta, với Selecao cách đây 42 năm, với các huyền thoại như Pele, Jairzinho và Tostao trong đội hình?
Góc nhìn khách quan
“Một đội bóng bảo vệ thành công chức vô địch EURO và đoạt một chức vô địch thế giới có thể được coi là đội bóng vĩ đại nhất”, phóng viên thể thao người Brazil của tạp chí World Soccer, Fernando Duarte, nhận xét. “Tôi có một chút tiếc nuối cho đội tuyển Brazil của năm 1970, họ không có nhiều cơ hội để tham gia các giải đấu lớn. Giải vô địch các quốc gia Châu Mỹ (hiện là Copa America) thường được tổ chức rất kém”.Tây Ban Nha VĐ EURO 2012
Sự thống trị của La Roja trong thời gian gần đây gắn liền với phong độ xuất sắc của đội trưởng, thủ môn Iker Casillas, người sau trận chung kết ở Kiev đã trở thành cầu thủ đầu tiên giành được 100 trận thắng trong màu áo đội tuyển quốc gia sau 137 trận khoác áo Tây Ban Nha. Thủ môn của Real Madrid chỉ để lọt lưới đúng một bàn trên con đường đến với chức vô địch EURO năm nay. Người duy nhất chọc thủng được lưới của “Thánh Iker” là tiền đạo của Italia Antonio Di Natale trong trận hòa 1-1 giữa hai đội ở vòng bảng.
Trong khi đó, ở Mexico 1970, đội bóng của huấn luyện viên Mario Zagallo đã để lọt lưới bảy bàn chỉ sau sáu trận.
“Tây Ban Nha có một trong những thủ môn hay nhất thế giới. Iker Casillas thật là siêu đẳng! Anh ấy giỏi đến mức mà giờ thì người ta mặc định rằng Tây Ban Nha luôn sản sinh ra nhưng thủ môn xuất sắc”, Duarte phân tích. “Cho đến tận giữa thập niên 80, Brazil chỉ sản sinh ra những thủ môn hạng xoàng. Felix, thủ môn bắt chính ở Mexico năm 1970 là một thủ môn tồi. Thậm chí chính những người Brazil còn bảo anh ta là một sự lựa chọn sai lầm”.
Nhưng thành công của đội bóng do Zagallo dẫn dắt không được xây dựng dựa trên hàng thủ. Họ có một hàng công không thể chống đỡ nổi, với tiền đạo giàu sức mạnh Jairzinho, một trong ba cầu thủ hiếm hoi đã từng ghi bàn trong tất cả các trận ở một kì World Cup. Chín bàn thắng của Jairzinho, cùng với bốn bàn của Pele và ba của Rivelino đã giúp Brazil ghi tới 19 bàn chỉ sau sáu trận ở Mexico 1970.
“Jairzinho là mẫu tiền đạo điển hình mà mọi đội bóng ở Châu Âu đều muốn có. Rồi họ có Pele, tỏa sáng trong giải đấu cuối cùng của mình sau hai kì World Cup 1962 và 1966 không thành công. Họ là một cỗ máy, một đội bóng vô cùng hiệu quả. Họ nhảy múa trên sân cỏ, nhưng đồng thời cũng toan tính hệt như một đội bóng Châu Âu”, Duarte tiếp lời.
Duarte cũng chỉ ra yếu tố thể lực cực kì sung mãn của đội hình xuất phát mà Zagallo đã lựa chọn, xóa đi định kiến rằng các đội bóng Nam Mỹ thường không có thể lực tốt, kết thúc bằng trận đè bẹp Italia 4-1: “Brazil đến Mexico City như một đàn ngựa. Họ chơi bóng đẹp, nhưng cũng có thể lực cực kỳ sung mãn. Italia đánh bại Tây Đức trong trận bán kết và đã kiệt sức khi gặp Brazil. Đội bóng vàng xanh lấn lướt hoàn toàn. Tại giải đấu đó, cứ mỗi khi vào hiệp hai là Brazil lại tàn sát đối thủ”.
Một lý do khác khiến đọi Brazil 1970 trở nên vĩnh hằng, theo Duarte, là công nghệ truyền hình đã giúp người xem lần đầu tiên được chứng kiến World Cup qua ti-vi màu và nhiều người lần đầu ngất ngây với màu áo vàng sau này sẽ trở thành truyền thuyết. “Đó là kỳ World Cup toàn cầu đầu tiên. Mọi người ngồi trước truyền hình và xem trực tiếp. Không ai nhờ World Cup 1962 ra sao và bên ngoài châu Âu, không ai biết tới World Cup 1966”.
Vậy thì liệu Tây Ban Nha với lối chơi kiểm soát bóng tiqui-taka và Brazil với lối đá tấn công tận hiến jogo bonito, đội bóng nào sẽ được coi là xuất sắc nhất trong lịch sử?
“Tôi muốn được nhìn thấy họ thi đấu với nhau. Tây Ban Nha thống trị trong một thời gian dài, trong khi đó Brazil năm 1970 không còn chút gì của đội bóng bốn năm trước. Đội Tây Ban Nha hiện nay đã thi đấu cùng nhau từ năm 2008. Khi họ đối đầu với nhau, chúng ta sẽ nhìn ra sự khác biệt. Tây Ban Nha không có một Pele, và không có một Carlos Alberto (hậu vệ đội trưởng đã ghi bàn thắng cuối cùng trong trận chung kết năm 1970, bàn thắng được nhiều người coi là đẹp nhất trong lịch sử bóng đá).
Hy vọng nào cho Brazil ở World Cup 2014?
World Cup kế tiếp sẽ được tổ chức ở Brazil, gợi lại những kỉ niệm khi họ tổ chức World Cup 1950, giải đấu mà họ thua đau đớn trước Uruguay trong trận chung kết.
“Áp lực khi thi đấu trên sân nhà là rất lớn. Kể cả trong một trận đấu vô thưởng vô phạt, nếu Brazil không ghi bàn trong 5 phút đầu tiên, khán giả đã bắt đầu la ó”, Duarte giải thích. “Tại trận chung kết giải vô địch thế giới các câu lạc bộ năm ngoái, Barcelona đã đè bẹp Santos, đội vô địch Copa Libertadores. Barcelona mà đá như đùa giỡn với đội bóng mạnh nhất Nam Mỹ. Người Brazil cảm thấy bị sốc và sợ hãi”.
Vậy liệu có hy vọng nào cho Brazil để có thể nâng cúp vàng lần thứ sáu ngay trên thánh địa Maracana? “Họ có một vài cầu thủ rất chất lượng. Tiền đạo Neymar là một thiên tài, ngoài ra họ còn có tiền vệ công Ganso và nhạc trưởng Oscar. Tôi nghĩ Brazil sẽ có một đội bóng mạnh tại World Cup 2014. Nhưng nếu bạn hỏi tôi ngay bây giờ rằng liệu Brazil có thể vô địch World Cup không, thì tôi sẽ trả lời ngay rằng không. Vậy liệu họ có cơ hội vô địch không? Có chứ, nếu mọi chuyện thay đổi. Tây Ban Nha là một chướng ngại vật quá lớn”.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)