Olympic Việt Nam vào bán kết ASIAD: Máu, nước mắt và những giọt mồ hôi

Tác giả Phương GP - Thứ Ba 28/08/2018 23:06(GMT+7)

Thật tình cờ (và may mắn), hôm trước chúng mình viết về Bùi Tiến Dũng và Văn Toàn, thì tối qua cả hai cùng “nổ” để đem về niềm vui vỡ oà cho tuyển Olympic Việt Nam.
 
Thôi thì khen nhiều quá lại không hay, hãy để hôm nay cho những người thầm lặng hơn. Cũng như một niềm tin về...“phong thuỷ”, một chút gọi là gửi lời chúc may mắn đến họ.
 
Tối qua, máu đã đổ, nước mắt đã tuôn và những tấm áo đã thấm đẫm cả mồ hôi. 
 
Olympic Việt Nam đã vượt qua đối thủ khó nhằn nhất từ đầu giải đến nay. Cách thức chiến thắng thì có nhiều góc nhìn: may mắn cũng được mà xuất sắc cũng chẳng sai. Thôi hãy để cho tranh cãi về chiến thuật hay may mắn được giãi bày sau. Có một thứ mà chúng ta buộc phải thừa nhận, và chúng ta vui khi được quyền thừa nhận, đó là sự cống hiến của những cầu thủ trẻ.
 
Ở Thường Châu vào những ngày đầu năm, cái tên Quang Hải thật sáng không kém gì Bùi Tiến Dũng. Nếu Tiến Dũng là chốt chặn đáng tin cậy ở hàng phòng ngự, thì thời gian ấy, cái chân của Quang Hải đã làm nên được bao nhiêu điều kỳ diệu. Những pha xử lý kỹ thuật, những cút sút hảo hạng đã làm trái tim người hâm mộ không ngừng vỡ oà.
 
Nhưng giờ đây, ở Indonesia, cái tên Quang Hải bị lu mờ hơn rất nhiều.
 
Nguyên nhân chính là vì Hải phải đá ở vị trí tiền vệ trung tâm, nơi không cho phép Hải thoả sức bùng nổ như vị trí tiền đạo cánh. Và đây cũng không phải là sở trường của Hải.
 
Quang Hải chia sẻ về chấn thương đổ máu trong trận đấu với Olympic Syria

Là vì sao mà Hải phải đá ở nơi đây? Vì Xuân Trường sa sút phong độ? Hay vì toan tính chiến thuật của thầy Park Hang-seo khi tìm cách cho Văn Quyết vào sân? 
 
Nhiều phân tích đã được đưa ra, và rồi nhận định cuối cùng là vì hoàn cảnh “chẳng thể nào tốt hơn” buộc Hải phải thi đấu như thế. Để rồi dòng máu đổ trên khuôn mặt Hải tối qua là lời nhắc nhở cho chúng ta về sự hy sinh vì lợi ích chung của Hải.
 
Tranh chấp để ngăn cản không cho đối phương cơ hội dứt điểm thuận lợi, Quang Hải ăn nguyên cùi chỏ vào mí mắt. Hình thể nhỏ nhắn ấy chưa bao giờ tỏ ra run sợ khi đối đầu với những cầu thủ to cao ở tuyến giữa của đối phương.
 
Tối qua, không ít lần chính Hải là người chơi thấp nhất hàng tiền vệ. Vào những phút đầu tiên, Đức Huy được đẩy cao để tranh chấp ngay lập tức mỗi khi Olympic Việt Nam mất bóng, chính Hải là người đứng phía sau để bọc lót. Còn những phút khi chúng ta bị dồn ép, mỗi khi bóng được phá ra, chính Hải là người cầm bóng và sử dụng kỹ thuật của bản thân để làm giảm áp lực cho đồng đội.
 
Hải không có sức như Hùng Dũng để có thể làm mọi thứ như một tiền vệ con thoi. Hải cũng không thể đủng đỉnh phất bóng tầm xa như Xuân Trường. Thứ tốt nhất Hải sở hữu là nền tảng kỹ thuật, đủ để Hải có thể giữ bóng trong vài nhịp chờ đồng đội sốc lại đội hình và thoát áp lực từ đối phương. Nhưng cũng chính lối chơi ấy khiến anh tự đặt mình vào rủi ro va chạm.
 
Thế nên, sự hy sinh của Hải không chỉ ở việc từ bỏ sở trường, mà còn chính cả cách anh chơi bóng ở vị trí mới. Máu là minh chứng cho sự hy sinh ấy.
 
Nhưng cả Hải, cùng với Đức Huy, đều không thể khoả lấp khoảng trống quá lớn nơi tuyến giữa. Cả hai đôi khi vì quá ham tranh chấp mà bỏ vị trí, để rồi không thể chạy kịp với đối thủ và để hàng phòng ngự phải đối diện với tình huống đối mặt. Tuy nhiên, khác với trận đấu trước, tối qua chúng ta đã có Đình Trọng.
 
Đình Trọng dính chấn thương trước trận gặp Bahrain

Đình Trọng vừa trở lại sau chấn thương, nhưng anh cho chúng ta cảm giác không có tổn hại gì về mặt thể chất và sức khoẻ cả. Đĩnh đạc và chắc chắn, Đình Trọng cắt mọi pha bóng khi đối phương vượt qua được phòng tuyến giữa sân. Không phải đơn giản mặc dù tuyến giữa chúng ta dễ bị khai thác như thế, nhưng đối phương chỉ biết sút xa hoặc triển khai tấn công cánh. 
 
Bóng cứ đến vòng 16m50 là bật ra, hiếm hoi lắm mới có một pha bóng buộc Bùi Tiến Dũng phải đối đầu một-một. Đối phương sút xa thì không hay, và trong một ngày mà Tiến Dũng bao quát không trung quá tốt, Olympic Syria bế tắc không phải là quá lạ.
 
So hai trận vòng 16 đội và tứ kết, chúng ta có thể thấy sự quan trọng như thế nào của Đình Trọng ở trên sân. Và khi hồi còi mãn cuộc vang lên, Đình Trọng liền vỡ oà trong cảm xúc dâng trào. 
 
Không hiểu vì sao anh lại xúc động như vậy. Nhưng anh đã khẳng định được vai trò của mình, cũng như cùng đồng đội khẳng định được sự khác biệt của lứa năm nay so với ngày xưa. Một lứa cầu thủ đủ tố chất để có thể phòng thủ trước những đối thủ mạnh, đủ độ lỳ để chịu một sức ép lớn. Và chỉ có kết quả mà cụ thể là chiến thắng mới có thể khẳng định sự khác biệt ấy. 
 
Và giọt nước mắt tuôn trào trong hạnh phúc của Đình Trọng là minh chứng cho lời khẳng định đó.
 
Mọi con đường tìm đến lời khẳng định đều phải được lót bằng sự cống hiến. Và cầu thủ chỉ hy sinh khi họ thi đấu với một tinh thần tận hiến quên mình. “Khẳng định” hay “hy sinh” đều mang yếu tố thời cuộc và khoảnh khắc, sự cống hiến là cả một quá trình.
 
Duy Mạnh kiệt sức
Ngay từ phút thứ 15, khi máy quay bắt cận mặt Duy Mạnh, chúng ta đã thấy người anh ướt đẫm mồ hôi. Đến phút thứ 20, máy quay lại bắt cận mặt Duy Mạnh, và lúc này mồ hôi đã chảy thành dòng, nhỏ giọt, còn tấm áo đã ướt đẫm. Không biết có phải khí hậu quá nóng hay không mà trông anh khổ sở thế. Nhưng theo dõi qua màn hình nhỏ, quả là Duy Mạnh đã cắt không biết bao nhiêu đường bóng của đối thủ, có khi cả ở cánh đối diện với vị trí của anh.
 
Vào hiệp phụ, Duy Mạnh có tình huống không chiến và tiếp đất đến rợn người, anh đã xin thay người từ lúc ấy, nhưng phải đến bảy phút sau, anh mới rời sân. Nhìn những bước chân tập tễnh của Duy Mạnh ngoài đường biên, có thể thấy rằng anh đã quá đau, nếu không có lẽ anh đã tiếp tục ở lại cùng đồng đội.
 
Và không chỉ Duy Mạnh, người thay anh là Xuân Mạnh đã có lúc ôm lưng chạy đi phòng thủ, Văn Thanh những phút cuối vẫn chạy như những phút đầu trận, Anh Đức hết trận ngồi thở không ra hơi. Những hình ảnh cụ thể của cả một tập thể đã cùng nhau trải qua một ngọn núi đầy chông gai.
 
Những tấm áo ướt đẫm được điểm xuyến thêm máu và nước mắt.
 
Như thế cũng đủ để chiến thắng này thực sự ngọt ngào.
 
#OlympicVietNam #ASIAD2018

PHƯƠNG GP (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lautaro Martinez tại Copa America 2024: Ăn khế trả vàng

Trước thềm diễn ra Copa America 2024, Lautaro Martinez chỉ có được duy nhất 1 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia Argentina trong 17 trận gần nhất anh có cơ hội ra sân thi đấu. Đó quả là một thành tích trái ngược hoàn toàn so với những gì anh đã thể hiện trong màu áo của Inter Milan những mùa giải gần đây. Nhiều người còn tự đặt ra câu hỏi rằng liệu anh có quá vô duyên khi lên tuyển hay không? Phải chăng trong màu áo của Albiceleste, anh không thể phát tiết được hết những gì mình làm tốt nhất?

Dominik Szoboszlai: Hơn cả một người đội trưởng

Không ổn, thực sự tình hình là không ổn khi Szoboszlai nhìn thấy những cái vẫy tay liên tục của trung vệ Endre Botka. Những cái vẫy tay kêu gọi sự trợ giúp từ đội ngũ y tế trong khoảnh khắc có cầu thủ nằm sân chưa bao giờ là phút giây dễ chịu với bất kỳ cầu thủ hay vận động viên thể thao nói chung...

Ngày lịch sử của Gian Piero Gasperini và Atalanta!

Năm 2016, Gian Piero Gasperini tới Atalanta với nhiệm vụ tránh để đội bóng phải xuống chơi ở Serie B. Và từ một đội bóng xếp hạng 13 chung cuộc ở mùa giải 2015/16, Atalanta dưới bàn tay của Gasperini đã vươn lên về đích ở vị trí thứ 4 ở mùa giải sau đó và có được tấm vé tham dự Europa League vào mùa tiếp theo.

Một Bayern Munich vô hồn đến "lạ"

Đã bao giờ trong một thập kỷ vừa qua, bạn chứng kiến Bayern Munich thi đấu 90 phút tại Champions League mà không thể tung ra một cú sút trúng đích nào chưa?

Khi đội tuyển Hàn Quốc cạn kiệt "may mắn"

Xét về hành trình của Hàn Quốc tại Asian Cup 2023, chúng ta phải công nhận rằng họ là đội tuyển có rất nhiều cá nhân xuất sắc sẵn sàng gồng gánh đội tuyển vào những thời điểm cần thiết. Tuyến tiền đạo, tiền vệ hay hậu vệ của Hàn Quốc đều sở hữu những cái tên rất chất lượng so với mặt bằng chung của cả giải nhưng lý do vì sao khi có một tập hợp mạnh đến thế mà Hàn Quốc lại phải rất chật vật để vào tới bán kết rồi thua đầy thất vọng trước Jordan?