Trong khoảnh khắc Christian Eriksen đổ xuống sân, bóng đá bỗng nhiên chẳng là gì cả.
Christian Eriksen đổ gục xuống sân trong sự bàng hoàng của tất cả. Khi mà không ai chuẩn bị tâm lý cho điều đó thì khoảnh khắc ấy thực sự gây ám ảnh. Trong tình huống ấy, bóng đá bị gạt sang một bên, việc kết quả ra sao không còn quan trọng, không còn ai là đối thủ của ai nữa, tất cả nhường chỗ cho những cảm xúc mang tính nhân bản.
Đội trưởng Simon Kjaer lập tức tiến tới sơ cứu để đồng đội mình không nuốt lưỡi, hồi sức nhịp tim và yêu cầu các đồng đội còn lại đứng vây quanh để che đi những ống kính truyền hình. Cả thế giới hồi hộp dõi theo tình hình của Eriksen. Cầu thủ cả hai đội ôm mặt, người chắp tay cầu nguyện.
Thế giới bóng đá đã chứng kiến 10 phút mà chúng ta không hề mong muốn. Trong quá khứ đã có những trường hợp tương tự xảy ra và không ít trong số đó không có phép màu nào đến. Trên sân Krestovsky, sau khi ghi bàn vào lưới đội tuyển Nga, Romelu Lukaku chạy đến máy quay và nói “Chris, tôi yêu quý anh”. Từ Copenhagen đến Saint Petersburg cho tới mọi nơi, tất cả đều nghĩ về sự an nguy của Eriksen.
Trong khoảnh khắc đó, bóng đá bỗng nhiên chẳng là gì cả. Không phải một ngành công nghiệp hái ra tiền, chẳng phải môn thể thao được ưa chuộng nhất thế giới. Bóng đá, trong khoảnh khắc ấy, phải xếp sau sinh mạng.
Cố HLV huyền thoại Bill Shankly từng nói: “Một vài người nghĩ bóng đá là vấn đề sự sống và cái chết. Tôi không thích thái độ đó. Tôi tin là nó còn quan trọng hơn thế nhiều”. Nhưng nếu chứng kiến những khoảnh khắc như của Eriksen hôm nay, hay Fabrice Muamba, Piermario Morosini, Antonio Puerta hay Marc-Vivien Foe nhiều năm về trước, ta thấy bóng đá không phải thứ đáng giá bằng cả mạng sống.
Năm 1982, nhà văn người Peru, Mario Vargas Llosa viết một tiểu luận mang tên “Thú vui rỗng tuếch của bóng đá”, trong đó có đoạn: “Có lẽ lời giải thích cho hiện tượng đương đại phi thường này, niềm đam mê bóng đá - một môn thể thao được nâng lên thành tôn giáo với số lượng tín đồ lớn hơn tất thảy - thực tế ít phức tạp hơn những gì các nhà xã hội học và tâm lý học nói với chúng ta. Bóng đá chỉ đơn thuần mang đến cho mọi người thứ mà họ ít có được: một cơ hội để vui, thư giãn, tận hưởng, phấn khích, để cảm thấy những cảm xúc mãnh liệt nhất định mà cuộc sống thường nhật ít khi mang tới cho họ”.
Bóng đá, suy cho cùng, cũng giống như đọc sách hay việc xê dịch, chỉ là những sở thích mang tới niềm vui, chẳng cần đến mức phải nâng tầm thành một tuyên ngôn nào đó. Như Vargas Llosa đã kết luận trong bài viết của mình:
"Thể thao, với những người thích nó, là một tình yêu hình thức, một cảnh tượng không vượt qua vật chất, cảm giác, cảm xúc tức thời. Đó là một cảnh tưởng không giống như một cuốn sách hay một vở kịch, hầu như không để lại dấu vết gì trong ký ức và cũng không làm giàu hay nghèo tri thức.
Đây là điểm hấp dẫn của nó: thú vị và rỗng tuếch. Vì lý do đó, người dù thông minh hay không, có văn hóa hay không cũng có thể thích xem bóng đá. Nhưng đến đây là đủ. Nhà vua đã tới, hai đội đã bước ra sân. World Cup đã chính thức khai màn. Trận đấu chuẩn bị bắt đầu. Việt vậy là đủ rồi. Hãy tận hưởng nó một chút".
Thế giới bóng đá đã được chứng kiến 10 phút đáng sợ. Nhưng vẫn có những hình ảnh đẹp, những cảm xúc rất con người mà đôi khi chúng ta tưởng như đã không còn trong môn thể thao này. Một chiến thắng đôi khi cũng chẳng thể mang tới những cảm xúc con người như thế vì đâu đó vẫn sẽ có những sự “diễn”, nhất là trong thời đại mạng xã hội bùng nổ như thế này, ai cũng có thể là “vedette” ở trang cá nhân của chính mình.
Dù sao, đó vẫn là những cảm xúc chúng ta không mong muốn phải trải qua thì tốt hơn. Sau tất cả, xin chúc bình an tới Christian Eriksen.