Đêm qua, sau gần 22 năm, Liverpool mới để thua Everton tại sân Anfield trong một trận đấu tại Premier League. Nhưng có lẽ fan của Lữ đoàn đỏ cũng không quá để ý đến chuyện này, lý do đơn giản là họ…đã thua quá nhiều thời gian qua.
Để nói về cái tệ về màn trình diễn đêm qua của Liverpool thì chỉ nằm ở hai điểm.
Thứ nhất là tình huống họ nhận bàn thua đầu tiên. Đó là pha bóng mà các cầu thủ áo đỏ tham gia tranh chấp thiếu đi sự tập trung, hay có thể nói nặng hơn là tương đối hời hợt, và thiếu trách nhiệm (đối với hàng phòng ngự trải qua nhiều trận đấu cực tệ gần đây), dẫn đến sự thoải mái trong khâu phối hợp của các cầu thủ Everton. Hậu quả, Richarlison đã quá dễ dàng thoát xuống để đánh bại Alisson.
Thứ hai là khâu dứt điểm quá thiếu hiệu quả của hàng công. Mane, Firmino, Salah đêm qua không phải là không có cơ hội, nhưng nếu tạm bỏ qua sự xuất sắc của Pickford, thì bộ ba có những tình huống xử lý cuối cùng có thể khiến fan của Liverpool không khỏi cau có, đặc biệt là Firmino. Đã có những lúc bàn thắng đến gần với Lữ đoàn đỏ, và nếu tận dụng cơ hội thành công, họ có thể đã hướng đến kết cục khác.
Ngoài hai điểm trên, màn trình diễn của thầy trò HLV Jurgen Klopp tại Anfield không đến nỗi quá xuống cấp như mọi người đang xôn xao, thậm chí nếu so với trận đấu giữa tuần gặp Leipzig, đêm qua Liverpool thi đấu mạch lạc hơn và cho thấy sự nguy hiểm nhiều hơn.
Bộ ba hàng công tuy gặp vấn đề ở khâu dứt điểm, nhưng vẫn biết cách khai thác những khoảng trống mà Everton, đa phần thời gian là chơi thấp phòng ngự, để lộ ra. Hàng tiền vệ thu hồi bóng hiệu quả ở những tình huống bóng hai, thoát pressing cũng khá tốt. Hai hậu vệ cánh có những pha đánh biên rất lợi hại. Còn hai trung vệ trẻ (sau khi Henderson rời sân), mặc dù còn lập bập, nhưng có thể gọi là chấp nhận được ở việc phòng vệ từ xa cho khung thành Alisson.
Bàn thua thứ hai chỉ đơn giản là hệ quả cho việc tấn công dồn dập trong một thời gian dài mà không thể ghi bàn, thì bị hồi mã thương. Những ai xem bóng đá đều quen thuộc với kịch bản này, nên có lẽ không cần phải bàn sâu.
Đêm qua, sau gần 22 năm, Liverpool mới để thua Everton tại sân Anfield trong một trận đấu tại Premier League. Nhưng có lẽ fan của Lữ đoàn đỏ cũng không quá để ý đến chuyện này, lý do đơn giản là họ…đã thua quá nhiều thời gian qua. Việc làm thế nào để quay trở lại là mục tiêu hàng đầu. Và mục tiêu hàng đầu này dẫn đến mối lo ngại nhất, đó là chấn thương của Henderson.
Như vậy, cả năm người, ba trung vệ chính thức và hai trung vệ tình thế (đáng tin tưởng nhất đối với Klopp) đã chấn thương cùng một lúc. Có lẽ, trước khi mùa giải khởi tranh, có tính toán đến trường hợp tệ nhất thì HLV người Đức cũng không thể ngờ đến hoàn cảnh này. Đây là lý do người ta nói rằng cơn ác mộng của Liverpool không những chưa thể chấm dứt, mà có thể còn tồi tệ hơn.
Việc thiếu vắng Van Dijk ảnh hưởng như thế nào đến Liverpool ở mùa giải này đã có nhiều bài viết phân tích, chúng ta hãy cùng điểm qua một vài điểm mấu chốt về mặt lối chơi.
Năm ngoái, chúng tôi đã từng viết về sự thay đổi trong chiến thuật phòng ngự của Liverpool với Van Dijk là chìa khóa. Trong đa phần trận đấu, Liverpool đẩy cao đội hình để dồn ép đối thủ, và họ chống phản công theo hai mảng miếng chính. Thứ nhất là các tiền vệ thực hiện áp sát ngay lập tức và đoạt lại bóng khi đối thủ sử dụng những tình huống bóng ngắn. Thứ hai, nếu đối phương sử dụng những tình huống bóng dài, thì các trung vệ ngăn chặn bằng những bẫy việt vị.
Những cái bẫy việt vị của Liverpool cực kỳ tinh vi và có những sự đòi hỏi đặc biệt dành cho nó. Đầu tiên chính là sự chỉ huy của Van Dijk, anh chính là người ra lệnh, người có bước di chuyển quyết định, là chiếc bản lề cho cái bẫy này sập xuống. Tiếp theo là tốc độ của Joe Gomez, và cả Van Dijk, để khỏa lấp cho các tình huống không thể gài bẫy việt vị với đối phương thì ngay lập tức áp sát đối phương. Tiếp nữa là khả năng đọc tình huống của Matip, Fabinho, và cả Van Dijk (anh đơn giản là toàn diện), để ngăn chặn các tình huống bóng bổng hoặc dùng sải chân dài để "gặt" đối phương khi cần thiết. Ở đây, tốc độ của Joe Gomez và khả năng bắt người của Matip là sự thay đổi khi được lựa chọn luân phiên cặp với Van Dijk.
Còn những tình huống khi đối phương phát bóng quá xa, đến gần vòng cấm của Liverpool, thì vai trò "bao khu vực" thuộc về Alisson.
Sự phân chia bài bản, rõ ràng như thế đã giúp Liverpool có một mùa giải đầy chắc chắn vào năm ngoái. Nó tạo cho người xem cảm giác Lữ đoàn đỏ phòng ngự rất nhàn, chênh lệch cú sút giữa họ và đối phương rất lớn, họ nhận ít bàn thua, mà đã nhận bàn thua thì đa phần mang lại cảm giác khá…ngớ ngẩn, đơn giản vì phần nhiều nguyên nhân là bởi sự tính toán sai lầm, hoặc sai lầm cá nhân dẫn đến sự không ăn ý của tập thể.
Mất Van Dijk, chiến thuật phòng ngự này đã phải chịu ảnh hưởng nhiều, rồi mất luôn cả Gomez và Matip thì coi như nó đã phá sản. Klopp đã cố gắng "chữa cháy" bằng Fabinho và Henderson, họ mặc dù không phải là các trung vệ thực thụ, nhưng kỹ năng không phải là kém trong khi tư duy lại gần với những cầu thủ phòng ngự chính thức của đội nhất. Tư duy ở đây không dễ giải thích, nhưng có thể tìm ví dụ để các bạn hình dung. Đó là sự khác nhau giữa cách phòng ngự của tân binh Kabak và Nathaniel Phillips vào đêm qua. Trong khi Kabak khá lúng túng cho việc tiến hay lùi khi chống phản công, thì Phillips cực kỳ quyết đoán trong việc lao lên phía trước. Trong một tình huống Richarlison phá bẫy việt vị trong hiệp hai, sai lầm của bẫy cũng đến từ sự chần chừ của Kabak.
Một tư duy hướng lên phía trên, tư duy tấn công, luôn tìm cách lấy lại bóng nhanh nhất và ngay lập tức đưa bóng lên cho hàng công. Tư duy khó tìm thấy ở những cầu thủ phòng ngự. Đó là lý do lý giải cho sự khác nhau giữa Nathaniel Phillips, một cầu thủ trưởng thành ở Liverpool, và Kabak, một tân binh. Và đó cũng là lý do Klopp buộc phải sử dụng Henderson hết trận đấu này đến trận đấu khác thời gian qua.
Có một điều, Fabinho và Henderson có thể đáp ứng về mặt chiến thuật, nhưng đáp ứng đủ vai trò của một trung vệ lại khác. Đi cùng với đó là sự đánh đổi về mặt nhân sự ở hàng tiền vệ, bởi cả hai đều là nhân tố quan trọng của tuyến giữa, đóng vai trò lớn cho việc thu hồi bóng, luân chuyển bóng và phát động tấn công của Liverpool.
Và theo thời gian, các đội bóng ở Premier League bắt đầu khai thác điểm yếu của Liverpool. Họ rót những đường bóng cao vì biết không còn những "cây sào" Matip, Van Dijk không chiến. Họ đưa bóng ngay trước mặt vòng cấm Liverpool vì biết sự ăn ý với Alisson đã không còn vào lúc này. Và họ khai thác lỗ hỏng sau hai hậu vệ cánh vì biết không ai bọc lót.
Klopp dĩ nhiên biết rằng đó chỉ là giải pháp tình thế chứ không phải lâu dài, ông chỉ đang cố gắng chờ đến thời điểm để kéo đội bóng trở lại. Đáng tiếc, càng ngày mọi thứ lại càng tệ. Các trung vệ chấn thương liên tục và đồng loạt nghỉ dài hạn. Hàng tiền đạo xuống phong độ một cách khủng khiếp ở mùa giải này, đến tân binh cứu vớt được hàng công, Diogo Jota, cũng chấn thương. Rồi sau này là những sai lầm cá nhân.
Đánh mất công thức chiến thắng, chấn thương ngay những cái tên then chốt để giải quyết khó khăn, những sai lầm tai hại ở những khoảnh khắc quan trọng. Klopp phải nói là đang gặp một "cái hạn" không thể giải thích nổi.
Nguyên nhân Liverpool thua thì nhiều, nhưng có một quan điểm khá sai lầm và có phần cổ hữu khi cho rằng đây là hậu quả của lối chơi bào mòn thể lực của Klopp.
Klopp dĩ nhiên có những cái sai khiến Liverpool lâm vào hoàn cảnh này, điển hình là sự tính toán về mặt nhân sự, khi ông đã chủ quan với những cái tên ông có trong tay trước khi mùa giải khởi tranh và thiếu đi sự chuẩn bị, mặc dù tấm gương của Man City ở mùa giải trước là cực kỳ rõ ràng để đối chiếu.
Nhưng khá là khó để nói đây là hậu quả từ lối chơi của Klopp.
Thứ nhất, như chúng ta đã phân tích ở trên, yêu cầu của các trung vệ trong lối chơi của Liverpool là sự tính toán và ăn ý. Trong hệ thống của Lữ đoàn đỏ, hàng tiền vệ là bộ phận làm việc tiêu tốn thể lực nhất, sau đó đến hai hậu vệ biên và các tiền đạo. Thế nên khá vô lý khi hậu quả của lối chơi bào thể lực lại ảnh hưởng đến bộ phận ít hao tốn thể lực nhất của đội bóng.
Và thứ hai, quan điểm Liverpool chơi bốc lửa cả trận khá là lỗi thời. Liverpool của Klopp không chỉ nổi lên trong hai ba năm qua, mà từ ngày ông dẫn dắt từ sáu năm trước, đây đã luôn là cái tên được ưa thích để phân tích. Một Lữ đoàn đỏ bốc lửa đến mức…"bốc đồng" là câu chuyện của bốn năm năm trước, họ giờ đây đã thay đổi rất nhiều, thậm chí là có nhiều trận thi đấu tương đối…buồn ngủ. Và những năm qua đã cho thấy, Liverpool thi đấu ngày càng hay hơn, hiệu quả hơn, cho đến đầu năm 2021 thì những vấn đề mới nảy sinh.
Niềm tin cho một HLV khó tránh khỏi tình trạng bị lung lay khi gặp những kết quả không ưng ý. Đặc biệt hơn, trước một đội bóng có được những thành công như Liverpool hai năm qua, sự sụp đổ ở thời điểm này càng khiến niềm tin ấy bị thách thức bởi những bình luận nghi ngờ và chỉ trích.
Nhưng hãy nhớ rằng, sự hồi sinh của Liverpool dưới thời Klopp chính là đến từ sự vững chắc của niềm tin mà người hâm mộ và những cá nhân sở hữu gửi gắm đến ông.
Phải công nhận, nhìn vào tương lai gần, Liverpool thật sự vẫn chưa thể tìm ra được ánh sáng khi mọi thứ đang tệ đi và chưa có dấu hiệu chuyển biến. Tuy nhiên, đây cũng là lúc mà niềm tin lại càng quan trọng.
Tin rằng sẽ có một cái tên nào đó bất ngờ đem đến sự thay đổi, có thể là một cá nhân trẻ nào đó tỏa sáng ở hàng phòng ngự, hay sự trở lại của Jota để cứu được hàng công. Hoặc trong lúc khó khăn, Klopp thay đổi chiến thuật và bất ngờ tìm được công thức chiến thắng như Pep đang có tại Man City.
Ai đó có thể nói tất cả những điều trên đều phải trông chờ vào may mắn. Nhưng biết sao được, Liverpool bây giờ cần may mắn hơn thứ gì hết. Nhưng để chờ may mắn ấy đến thì phải cần sự ủng hộ hết mình của Kopites vào đội bóng, đặc biệt là người thuyền trưởng của đội bóng.
Thời gian qua là bão tố đối với những năm tháng Klopp ở Anfield. Song, với những gì ông làm được cho đội bóng, tin rằng sau cơn mưa trời lại sáng.