Chiến đấu như chiến binh và ra đi như một ông hoàng

Tác giả KDNX - Thứ Hai 21/06/2021 10:25(GMT+7)

Zalo

Sẽ là quá sớm để nói trước điều gì, tuy nhiên những người hâm mộ Azzurri lâu năm hoàn toàn có thể tin vào một kết cục đẹp cho đoàn quân Thiên thanh ở mùa giải Euro năm nay, một giải đấu mà Italy đã thể hiện được sự thanh thoát trong lối chơi cũng như sự lạnh lùng trong các pha dứt điểm, điều mà họ đã luôn tìm kiếm trong 3 năm trở lại đây.

Italy Chiến đấu như chiến binh và chết như một ông hoàng
Ảnh: Getty Images

Vốn không phải là một người đam mê với những cuộc thi thố về âm nhạc, vì vậy, tôi chẳng mấy quan tâm tới Eurovision, một trong những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc lớn nhất Châu Âu.
 
Eurovision năm nay cũng không phải là ngoại lệ. Những gì tôi biết về cuộc thi năm nay đó là những dòng tiêu đề trên báo, những bài viết từ các trang tin. Vì vậy, những gì tôi biết về quán quân năm nay đó là cái tên của họ, Maneskins, dịch từ tiếng Đan Mạch có nghĩa là "ánh trăng", và việc họ đến từ Italy.
 
Cho đến một ngày, tôi va phải một đoạn story trên facebook, đó là một đoạn clip rất bình thường của một cô gái mà bạn có thể gặp bất cứ đâu trên facebook. Nhưng cái đọng lại trong đoạn clip ngắn đó chính là bài hát trong đoạn clip. Đó là một bài hát có chất rock nặng, nhưng cũng đong đầy sự đỏng đảnh, kiêu kỳ trong đó, một bài nhạc đặc biệt tới mức khiến tôi phải tìm kiếm ngay lập tức bằng Shazam.
 
Voila! Bất ngờ thật ! Bài hát đó là của Maneskins, ban nhạc mà trước đó tôi chưa hề quan tâm tới. 
 
Kể từ cái ngày định mệnh đó, tôi đã bị cuốn vào thứ âm nhạc của ban nhạc rock có những thành viên mà tuổi đời còn rất trẻ này, một ban nhạc có phong cách và lối trình diễn rất riêng, thậm chí chưa từng thấy ở đâu khác ngoài Italy.
 
Và hôm nay, khi đã bước sang ngày tiếp theo trong chuỗi ngày chìm đắm với thứ âm nhạc của ban nhạc rock tới từ Italy ấy, tôi bỗng nhớ đến hành trình của Azzurri, đội bóng thân yêu của tôi, suốt từ đầu mùa giải Euro tới giờ. Có lẽ, để mô tả về hành trình của đoàn quân Thiên Thanh lần này, tôi sẽ sử dụng 2 bài hát của Maneskins mà tôi cho rằng giống với hành trình của các học trò do HLV Roberto Mancini dẫn dắt nhất, những bài hát mà tôi đã nghe đi nghe lại tới gần chục lần.
 

KHI CON QUÁI VẬT TÌM KIẾM SỰ CỨU RỖI

 
Là một ban nhạc Italy nhưng Maneskins cũng thường xuyên biểu diễn và sáng tác bằng tiếng Anh. Một trong những bài hát hay nhất của họ chính là: "I Want To Be Your Slave" (Anh muốn làm nô lệ đời em - ND). Trong bài hát đó, có một đoạn như sau:

Maneskins
Ban nhạc Maneskins tới từ Italy. Ảnh: Eurovision
 
"Because I'm the devil
Who's searching for redemption
And I'm a killer
Who's searching for redemption
I'm a motherf***ing monster
Who's searching for redemption
And I'm a bad guy
Who's searching for redemption"
 
Tạm dịch: "Vì anh là con quỷ dữ tìm kiếm sự cứu rỗi, vì anh là gã sát nhân tìm kiếm sự cứu rỗi, vì anh là gã trai hư tìm kiếm sự cứu rỗi."

Có thể thấy, sự cứu rỗi được lặp đi lặp lại xuyên suốt đoạn này như một lời khẳng định của một gã trai hư, của một kẻ lầm lạc đang muốn sự thứ tha của người hắn ta yêu. Azzurri của tôi cũng giống y như vậy. Họ đã từng sai lầm, họ đã từng lầm lạc, để rồi phải trả cái giá khá đắt đó là không thể đến được với vòng chung kết World Cup diễn ra trên đất Nga cách đây 3 năm trước. Đó là một nỗi ô nhục, một sự đau đớn tới cùng cực với những ai yêu màu áo Thiên thanh. 
 
Khi đó, người ta đã dồn hết tức giận lên Liên đoàn Bóng đá Italy (FIGC), đã có hàng trăm ngàn bài báo mổ xẻ thất bại của Italy khi đó. Thậm chí, người ta dồn hết mọi tội lỗi lên Giampiero Ventura, HLV của Italia thời điểm ấy. Họ gọi ông bằng đủ thứ tên gọi xấu nhất. Nhưng có ai hiểu cho ông, một nạn nhân của những chính sách lầm lạc của FIGC?
 
Sau thất bại ở kỳ World Cup năm đó, bóng đá Italy mới bắt đầu nghĩ tới một cuộc cách mạng thực sự, hay nói đúng hơn là một "chuộc tội". Hàng loạt những cải tổ từ thượng tới hạ tầng được đưa ra, một HLV mới được đem về, lần này là Roberto Mancini, một người có lối chơi tân tiến và hiện đại hơn rất nhiều, một người sẵn sàng vượt ra khỏi cái tư duy chiến thuật cũ kỹ của bóng đá Italia để đem đến một cái gì đó tươi mới hơn cho Italia. Nhờ đó, Azzurri đã có được sự thanh thoát trong lối tấn công của mình, thứ mà ai cũng có thể thấy được ở trận đấu gặp Thụy Sĩ lượt trận thứ 2 vòng bảng.
 

PHÁ CÁCH NHƯNG VẪN TÔN TRỌNG TRUYỀN THỐNG

 
Điều đầu tiên mà chúng ta có thể nhận ra ở Maneskins khi lần đầu nghe thứ âm nhạc của họ, đó là sự phá cách. Họ không phải là một ban nhạc rock thuần, mà là một sự kết hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó có một chút glam rock, một chút punk rock, thậm chí là có cả jazz trong đó nữa.
 
Azzurri dưới thời Roberto Mancini cũng giống như vậy. Đã không còn cái tư duy lui về phòng thủ thường thấy của Azzurri những năm trước đây nữa. Thay vào đó là một lối chơi thiên về tốc độ và cánh nhiều hơn dựa trên sơ đồ 4-3-3, sơ đồ đã được HLV Roberto Mancini sử dụng ở 30 trong số 31 trận gần đây của Azzurri, theo thống kê của The Athletic.

Italy Chiến đấu như chiến binh và chết như một ông hoàng
Italy đã thay đổi dưới thời Roberto Mancini. Ảnh: Getty Images
 
Cũng theo thống kê của trang này trong một bài viết trước khi Euro khởi tranh, Italy chỉ để thua 2 trận tính từ thời điểm tháng 5 năm 2018, tức 3 năm kể từ sau thất bại đau đớn ở vòng loại World Cup 2018, một con số cho thấy sự xuất sắc của Azzurri dưới thời Mancio.
 
Có lối âm nhạc tân tiến là thế, nhưng Maneskins vẫn có được lối biểu diễn đậm chất punk-rock cổ điển. Italy cũng vậy. Dù sở hữu một lối chơi giàu tốc độ và thiên về tấn công, đoàn quân của HLV người Italy vẫn giữ vững 2 gã "cận vệ già" ở hàng phòng ngự, đó chính là Bonucci  và Chiellini. Nhờ đó, họ đã có được tỷ lệ bàn thắng bại là 7, tức ghi được 6 bàn sau 3 trận và chưa để thủng lưới lần nào.
 
Để đạt được hiệu suất ghi bàn khủng khiếp đó, Azzurri đã phải nhờ đến những pha bứt tốc rồi cứa lòng cực kỳ sắc bén của Lorenzo Insigne, sự tươi mới và sức trẻ của Locatelli, người đã ghi được cú đúp trong trận gặp Thụy Sĩ. Nhưng trên hết, đó là khả năng di chuyển cùng cảm quan chiến thuật nhạy bén của Inmobile, người đã ghi tên mình trên bảng tỷ số ở cả hai trận đấu của Azzurri trước Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Sĩ.
 
Ở trận đấu gặp Xứ Wales vừa qua, dù đưa ra 8 sự thay đổi khác nhau,  đoàn quân của HLV Roberto Mancini vẫn cho thấy mình mạch lạc và lạnh lùng như thế nào ở các tình huống tấn công cánh, một món "đặc sản" mà HLV người Italia có thể sẽ tiếp tục dùng để "thiết đãi" các đối thủ của Italy ở vòng sau.
 
Cái tên đầu tiên cần phải được nhắc tới trong trận đấu này đó chính là Federico Chiesa, con trai của huyền thoại Enrico Chiesa, người liên tục có những pha bứt tốc rồi tạt bóng cho các đồng đội ở trong dứt điểm. Chắc chắn, khi nhìn cậu con trai của mình thi đấu, Enrico Chiesa sẽ rất đỗi tự hào.

Italy Chiến đấu như chiến binh và chết như một ông hoàng
Italy từng không thể giành quyền tham dự World Cup 2018, đó là nỗi thất vọng to lớn. Ảnh: Getty Images
 
Có lẽ, tình huống đáng nhớ nhất của Federico Chiesa ở trận đấu này chính là tình huống anh thực hiện một pha bứt tốc đặc trưng ở hành lang cánh ĐT Italy, sau đó hãm bóng rồi nhả bóng lại cho Andrea Belotti, đáng tiếc thay cho tiền đạo thuộc biên chế Torino, anh lại không thể "kết liễu" thủ môn Danny Ward.
 
Nhưng ngoài Chiesa ra, cái tên cần được nhắc tới nhiều nhất chính là Marco Veratti, nhất là ở tình huống tiền vệ công đang thi đấu cho PSG này thực hiện cú đá phạt thẳng vào vị trí của Matteo Pessina, người lúc này chỉ còn phải thực hiện nhiệm vụ cuối cùng đó là đệm bóng thẳng vào lưới Danny Ward bên phía Xứ Wales. Trước khi Euro diễn ra, đã có nhiều ý kiến lo ngại về sự thiếu chiều sâu đội hình của Azzurri, đặc biệt là ở hàng tiền đạo. Có lẽ sau trận đấu gặp ĐT Xứ Wales, những hoài nghi đó sẽ bị dập tắt một cách nhanh chóng bởi màn trình diễn tuyệt vời này của các cầu thủ áo Thiên Thanh.
 

"CHẾT" NHƯ MỘT ÔNG HOÀNG

 
Sau thành công ở Eurovision, Maneskins đã được cả Châu Âu lẫn thế giới biết tới. Có lẽ, sau vòng chung kết Euro năm nay, lứa cầu thủ này của Italy sẽ nhận được nhiều lời mời gọi hơn từ các đội bóng hàng đầu Châu Âu.
 
Sẽ là quá sớm để nói trước điều gì, tuy nhiên, chúng tôi, những người hâm mộ Azzurri lâu năm, hoàn toàn có thể tin vào một kết cục đẹp cho đoàn quân Thiên thanh ở mùa giải Euro năm nay, một giải đấu mà Italy đã thể hiện được sự thanh thoát trong lối chơi cũng như sự lạnh lùng trong các pha dứt điểm, điều mà họ đã luôn tìm kiếm trong 3 năm trở lại đây.
 
Nếu có “chết” ở vòng sau đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng Azzurri sẽ “chết” theo cái cách mà Maneskins đã mô tả trong phần điệp khúc của  Moriro Da Re (Chết như một ông hoàng-ND), bài hát được họ ra mắt cách đây 3 năm trước. 

Italy Chiến đấu như chiến binh và chết như một ông hoàng
Azzurri đang bay cao ở Euro 2020. Ảnh: Getty Images
 
"E allora prendi tutto quanto
Baby prepara la valigia
Metti le calze a rete e il tacco
Splendiamo in questa notte grigia
Amore accanto a te
Baby accanto a te
Io morirò da re"
 
Tạm dịch: "Thu dọn đi em. Xách va-li lên đi em. Mang cái tất lưới vào, mang đôi giày cao gót vào, cùng nhau tỏa sáng dưới cái đêm xám xịt này. Bên cạnh em, người yêu hỡi...anh sẽ chết như một ông hoàng. Bên cạnh em, người yêu hỡi...anh sẽ chết như một ông hoàng."
 
Vâng, hãy chiến đấu như một chiến binh, để dù có "chết", thì cũng "chết" một cách kiêu hùng như một ông hoàng nhé, các chàng trai Azzurri!

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lautaro Martinez tại Copa America 2024: Ăn khế trả vàng

Trước thềm diễn ra Copa America 2024, Lautaro Martinez chỉ có được duy nhất 1 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia Argentina trong 17 trận gần nhất anh có cơ hội ra sân thi đấu. Đó quả là một thành tích trái ngược hoàn toàn so với những gì anh đã thể hiện trong màu áo của Inter Milan những mùa giải gần đây. Nhiều người còn tự đặt ra câu hỏi rằng liệu anh có quá vô duyên khi lên tuyển hay không? Phải chăng trong màu áo của Albiceleste, anh không thể phát tiết được hết những gì mình làm tốt nhất?

Dominik Szoboszlai: Hơn cả một người đội trưởng

Không ổn, thực sự tình hình là không ổn khi Szoboszlai nhìn thấy những cái vẫy tay liên tục của trung vệ Endre Botka. Những cái vẫy tay kêu gọi sự trợ giúp từ đội ngũ y tế trong khoảnh khắc có cầu thủ nằm sân chưa bao giờ là phút giây dễ chịu với bất kỳ cầu thủ hay vận động viên thể thao nói chung...

Ngày lịch sử của Gian Piero Gasperini và Atalanta!

Năm 2016, Gian Piero Gasperini tới Atalanta với nhiệm vụ tránh để đội bóng phải xuống chơi ở Serie B. Và từ một đội bóng xếp hạng 13 chung cuộc ở mùa giải 2015/16, Atalanta dưới bàn tay của Gasperini đã vươn lên về đích ở vị trí thứ 4 ở mùa giải sau đó và có được tấm vé tham dự Europa League vào mùa tiếp theo.

X
top-arrow