Chuyện ăn mừng: Khi bàn thắng là chứng nhân cảm xúc

Tác giả Teddy - Chủ Nhật 18/09/2016 15:37(GMT+7)

Zalo
Chúng ta hẳn đã quá quen thuộc với kiểu ăn mừng đồng đội của bóng chuyền, cách bốc đầu xe đầy cá tính sau khi cán đích đầu tiên của các tay đua moto GP hay kiểu khoác cờ Tổ quốc lên vai của các VĐV điền kinh hay bơi lội. Tuy nhiên, có lẽ bóng đá được coi là môn thể thao vua là có lý do của nó.
Chuyen an mung 1
 
Sau mỗi bàn thắng, các cầu thủ bóng đá thường có những cách ăn mừng rất riêng mà về sau trở thành thương hiệu. Từ những tình huống ăn mừng ấy, ta thấy được bản lĩnh, tình yêu, cá tính hay cái tôi của mỗi cá nhân trên sân bóng. Đành rằng bóng đá là môn thể thao của 11 người hoặc hơn thế, nhưng mỗi bàn thắng chỉ có 1 người đứng tên trên bảng tỉ số, và người đó có quyền cho tất cả thấy họ là ai.
 
Từ “Wow, I’m good!” đến “Why always me?” và “Calma Calma" 
 
Eric Cantona chưa bao giờ rời khỏi trang nhất của các mặt báo. Ông không chỉ xuất sắc trong chuyên môn, mà những hành động bên lề ngay trên sân bóng của cựu tiền đạo Man Utd cũng gây chú ý không kém. 10 năm trước, chắc hẳn chưa ai quên chân sút người Pháp đã phải sống dưới sự áp lực vô cùng nặng nề vì một tá thẻ đỏ và cú đá kung-fu huyền thoại đã khiến anh vĩnh viễn không còn được khoác áo ĐTQG và bị treo giò những 4 tháng. Trước mùa 1996/97, Cantona được các CĐV của Man Utd “ghi nhận” vì những rắc rối nhiều hơn là các đóng góp trên sân. Rất nhiều người đã chỉ trích Sir Alex Ferguson vì đã trao tấm băng đội trưởng cho số 7 trước khi mùa đó khởi tranh.
 
Thế nhưng, bước ngoặt của sự nghiệp Cantona đến khi ông ghi bàn cho Man Utd vào ngày 21 tháng Mười Hai năm 1996. Chỉ cần mất một nhịp luân chuyển với McClair, ông tâng bóng qua đầu thủ môn đối phương, vẽ một đường cong hoàn hảo vào lưới. Giơ cánh tay lên một cách đầy kiêu hãnh, Cantona thực hiện một trong những pha ăn mừng huyền thoại của Premier League. Gương mặt chân sút người Pháp lúc đó như thể đang nói lên rằng “Tôi là vua của Manchester”, vừa làm yên lòng các Manucians, vừa như một lời khẳng định về đẳng cấp bất chấp những lời chỉ trích bủa vây. Về sau này, người ta đã phải bình luận về pha ăn mừng đó như một khoảnh khắc gợi nhớ câu nói huyền thoại “Are you not entertained?” của Gladiator. Có người phấn khích bình luận rằng “Another planet the goal is from!” - bàn thắng đến từ hành tinh khác. Kiểu đảo ngữ hiếm dùng trong tiếng Anh này cho ta thấy Cantona đã làm các Manucians phấn khích đến như thế nào.
 
Chuyen an mung 3
Cantona - King of Old Trafford
Về sau, người ta thấy kiểu ăn mừng đầy kiêu hãnh này xuất hiện trở lại ở một số hậu bối của Cantona. Mario Balotelli với chiếc áo in dòng chữ “Why always me?” và khuôn mặt gần như không biến đổi cảm xúc như thể đang chọc giận các CĐV Man Utd. Cristiano Ronaldo với kiểu ra dấu bình tĩnh thường được sử dụng trong các trận đấu trên sân Camp Nou, hay còn được gọi là “calma calma”, cũng như kiểu nhảy bật lên không rồi đưa nắm đấm tay ngang hông như một lực sĩ đã thành thương hiệu. “Trận boxing giả tưởng” với cột cờ phạt góc là hình ảnh đã quá quen của Tim Cahill, trong khi Nani và Miroslav Klose không bao giờ quên santo vô cùng đẹp mắt sau mỗi pha nổ súng. 
 
Chuyen an mung 2
Balotelli - Why Always me?
Đôi lúc những pha ăn mừng cá tính trong khoảnh khắc còn được người ta nhớ tới và nhắc lại bằng nhiều cách về sau. Một ví dụ điển hình chính là cách các CĐV đối lập gọi Steven Gerrard là “Mr. Camera” sau tình huống anh hôn lên chiếc máy quay trong sự mất kiểm soát cảm xúc. Nhiều CĐV của Borussia Dortmund gọi Pierre-Emerick Aubameyang là Spiderman vì chiếc mặt nạ anh thường đeo sau mỗi pha lập công. Tất cả đều đã đi vào tâm trí người hâm mộ như đặc sản riêng của mỗi người.
 
Những tình yêu được gửi gắm
 
Nhiều giọt nước mắt đã rơi trên sân cỏ toàn thế giới, và không ít trong số đó đến từ những pha ăn mừng nửa vui mà nửa xúc động. Khi trận Chung kết World Cup 2010 đi vào thế bế tắc ở hai hiệp phụ, một khoảnh khắc loé sáng của Iniesta đã mang cúp vàng về với xứ đấu bò. Đáng nhớ không kém cú volley đập đất đó là pha cởi áo chạy về phía góc sân của số 6 tuyển TBN. Bên trong áo đấu, anh mặc một chiếc áo lót in dòng chữ “Dani Jarque: Siempre con nosotros”, có nghĩa rằng Dani Jarque luôn ở trong trái tim mỗi chúng ta. Bàn thắng ấy, chiếc cúp ấy được Ini tặng cho người bạn thân đã qua đời năm 2009 vì một cơn đau tim, cái chết tại đại bản doanh của Espanyol làm bóng đá TBN bàng hoàng và đau xót tột cùng. Chắc hẳn Iniesta muốn rằng trên trời cao, Jarque có thể được chung vui với anh và mỉm cười mãn nguyện. 
 
Ronaldinho tung chân tạo nên một tuyệt phẩm hình quả chuối vào lưới Figueirense. Sau siêu phẩm, anh chợt quỳ xuống sân, gục đầu vào cánh tay và làm gì đó như cầu nguyện. Khi cha mất, Ronnie vẫn ra sân thi đấu, và kể cả một bàn thắng đẹp như mơ cũng không làm anh nguôi đi nỗi đau canh cánh trong lòng. Ghi bàn vào lưới West Ham đưa Manchester United đi tiếp tại FA Cup, một Rooney với khuôn mặt tràn đầy lòng tiếc thương gửi một nụ hôn lên bầu trời, giơ đôi cánh tay lên như một hành động tưởng nhớ tới Rosie McLoughlin, em gái của người vợ Coleen, người vừa qua đời trước đó ở tuổi 14 do chứng rối loạn cấu trúc gen quái ác. Trong khi đó, David Silva có một hình xăm ghi tên của người em họ Cynthia ở cổ tay. Mỗi khi anh lập công, tiền vệ của Man City luôn hôn vào đó để ghi nhớ lại thời tuổi thơ của mình, nơi có Cynthia, một tuổi thơ hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi căn bệnh ung thư đã cướp đi Cynthia khi cô bé còn chưa vào lớp 1.
 
Chuyen an mung 4
Bale và màn ăn mừng quen thuộc
Angel Di Maria và Gareth Bale thì dùng đôi bàn tay tạo nên một trái tim, người thể hiện tình yêu cho vợ và con gái, người gửi bàn thắng tới 4 khán đài phủ kín người hâm mộ. Cũng muốn dành tặng người vợ những lời yêu thương từ trên sân, chiếc hôn lên nhẫn cưới của Raul Gonzalez tình cảm tới mức người ta gọi anh là Chúa nhẫn. Kiểu ăn mừng đầy tình yêu này phải chăng đã đi vào lòng mỗi chúng ta kể từ khi các đồng đội tại tuyển Brazil chạy ra ăn mừng theo kiểu đưa nôi cùng với Bebeto tại World Cup 1994. Ta cũng đã rất quen thuộc mỗi khi cầu thủ nào đó mang trái bóng vừa được đưa vào lưới lọt thỏm trong bụng áo mình, như thể để báo cho cả thế giới rằng: Tôi làm bố rồi đấy!
 
Và còn rất nhiều nữa…
 
Trong khuôn khổ của bài viết, tôi hằng tưởng tượng được ngồi bên tách trà hay ly cafe cùng với các độc giả của Trên Đường Pitch. Một buổi tâm sự ngắn ngủi vào một ngày Chủ nhật đẹp trời chẳng thể đủ để ta nhớ hết những kiểu ăn mừng. Kiểu chào bằng một tay đầy hào hứng của Alan Shearer, “chú bọ cạp” Bafetimbi Gomis, pha ném bowling rất đồng đội tại phương trời Iceland xa xôi hay gương mặt mếu máo chực trào nước mắt sau quả penalty đưa Brazil đến chức Olympic đầu tiên của Neymar. Còn thiếu nhiều lắm, bởi liệt kê những màn ăn mừng cũng là liệt kê những cá tính, những con người và những tâm hồn. 
 
Tuy vậy, sau mỗi bàn thắng, người ghi bàn lại có thể trực tiếp giao lưu với khán giả theo cách ấy. Và khi họ được cả một sân vận động rộng mênh mông nhảy lên ôm lấy nhau trong tột cùng cảm xúc vui sướng để chung vui, ấy hẳn phải là cảm giác khó quên nhất. Đối với mỗi chúng ta, chưa ai quên cú đánh đầu ngược xuất thần của Công Vinh vào lưới người Thái. 8 năm đã trôi qua rồi kể từ khi AFF Cup 2008 khép lại, nhưng mỗi khi xem lại đoạn băng ghi hình số 9 của chúng ta cởi phăng chiếc áo, chạy ra ngoài đường biên của một Mỹ Đình đang vỡ sân, trong tiếng hét khản giọng của các BLV truyền hình, không nổi da gà thì đôi mắt cũng ầng ậng nước.
 
Chuyen an mung 5
Công Vinh và bàn thắng để đời năm 2008
Và hôm nay, chúng ta lại được thấy Đội tuyển Futsal Việt Nam quả cảm làm nên kì tích tại vòng chung kết World Cup Futsal 2016. Với chiến quả vào đến vòng 1/8, họ đang ăn mừng nơi đất khách, nhưng với chúng ta, những người đang ngồi đây, cảm xúc tự hào dâng lên trong lồng ngực cũng chẳng hề kém cạnh...

TEDDY(TTVN)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lautaro Martinez tại Copa America 2024: Ăn khế trả vàng

Trước thềm diễn ra Copa America 2024, Lautaro Martinez chỉ có được duy nhất 1 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia Argentina trong 17 trận gần nhất anh có cơ hội ra sân thi đấu. Đó quả là một thành tích trái ngược hoàn toàn so với những gì anh đã thể hiện trong màu áo của Inter Milan những mùa giải gần đây. Nhiều người còn tự đặt ra câu hỏi rằng liệu anh có quá vô duyên khi lên tuyển hay không? Phải chăng trong màu áo của Albiceleste, anh không thể phát tiết được hết những gì mình làm tốt nhất?

Dominik Szoboszlai: Hơn cả một người đội trưởng

Không ổn, thực sự tình hình là không ổn khi Szoboszlai nhìn thấy những cái vẫy tay liên tục của trung vệ Endre Botka. Những cái vẫy tay kêu gọi sự trợ giúp từ đội ngũ y tế trong khoảnh khắc có cầu thủ nằm sân chưa bao giờ là phút giây dễ chịu với bất kỳ cầu thủ hay vận động viên thể thao nói chung...

Ngày lịch sử của Gian Piero Gasperini và Atalanta!

Năm 2016, Gian Piero Gasperini tới Atalanta với nhiệm vụ tránh để đội bóng phải xuống chơi ở Serie B. Và từ một đội bóng xếp hạng 13 chung cuộc ở mùa giải 2015/16, Atalanta dưới bàn tay của Gasperini đã vươn lên về đích ở vị trí thứ 4 ở mùa giải sau đó và có được tấm vé tham dự Europa League vào mùa tiếp theo.

X
top-arrow