El remontada: Chúng tôi tin!!!

Tác giả Hàn Phi - Thứ Năm 09/03/2017 08:36(GMT+7)

Zalo
“Chúng tôi dẫn trước 4-0 nhưng giờ tôi vẫn đang vã mồ hôi ra như tên lửa,” một CĐV của PSG chia sẻ trên mạng xã hội Reddit chỉ ít phút trước giờ bóng lăn. Quả thực, những diễn biến trước và trong trận đấu cho thấy lo ngại của những người Paris là có cơ sở.
El remontada: Chung toi tin!!!1
El remontada: Chúng tôi tin!!!
Không phải bởi Barcelona là đội bóng có truyền thống tạo ra những cuộc siêu lội ngược dòng như thế, bằng chứng là họ chưa bao giờ vượt qua đối thủ sau khi bị dẫn trước 4 bàn ở lượt đi. Cũng chẳng phải bởi PSG là một đối thủ non nớt vì họ chưa bao giờ để thua cách biệt 4 quả từ khi những tỷ phú người Ả Rập lên nắm quyền điều hành đội bóng. Mà là bởi đội bóng phải rượt đuổi ngày hôm nay chính là đội giàu thành tích nhất kể từ kỷ nguyên mới, là đội sở hữu một thiên tài bóng đá, môn thể thao ngày càng xuất hiện nhiều những câu chuyện cổ tích thời đương đại.
 
Trước trận đấu này, người Catalan một lần nữa phải nhắc đến từ “remontada” – cuộc lội ngược dòng. Rất nhiều người hâm mộ Barcelona cũng chỉ post lên mạng xã hội duy nhất 9 chữ cái này, như là một phương thức cầu nguyện khác. Tờ Marca cũng giật dòng title lớn trên trang nhất: “La remontada: creer o no creer” – “Cuộc lội ngược dòng: Tin hay không tin”. Tất cả đều nhắc đến những chữ “chưa bao giờ”, nhưng “chưa bao giờ” không có nghĩa là “không thể” và câu trả lời của các cule đơn giản là: Tin!
 
Họ có thể không nghĩ đến việc Barca vượt qua đối thủ để đặt chân vào tứ kết, mà đơn giản là họ tin các chàng trai của HLV Luis Enrique sẽ thể hiện bản lĩnh, lầm lì và chiến đấu cho đến đúng những giây phút cuối cùng, không như những gì Arsenal đã trải qua trong trận đấu một ngày trước đó. Niềm tin của các cule được dâng cao hòa chung với bản lĩnh của Luis Enrique. Ông đã tuyên bố sẽ đưa sơ đồ mới mẻ 3-3-1-3 từng giúp họ đánh bại Sporting Gijon 6-1 giữa tuần trước vào trận đấu với PSG. Khi ấy, có người có thể đã cười khẩy và nói rằng, Gijon đâu phải Paris. Đi sâu hơn một chút vào quá khứ, Barcelona thậm chí còn chưa bao giờ giành thắng lợi ở lượt về, sau khi bị thua cách biệt 4 bàn ở lượt đi, bao gồm thất bại 0-3 (tổng tỷ số 0-7) trước Bayern Munich cách đây 4 năm. Ngay cả những người lạc quan nhất cũng chẳng dám lên tiếng dự đoán về một trang sử mới lờ mờ sắp được tạo ra.
 
3 phút, 40 phút rồi 50 phút đầu tiên, những tiếng cười nhạo dần tắt lịm, thay vào đó là một khuôn mặt đầy lo âu. Người Paris đã chuẩn bị rất kỹ cho những màn ăn mừng tại thành phố Barcelona. Bản thân đội bóng nước Pháp cũng làm một clip theo kiểu talkshow, với sự tham gia của Meunier, Matuidi, Verratti và Draxler trong một quán ăn, nói chuyện về trận lượt về với những tràng cười sảng khoái. Nhưng các CĐV Paris Saint-Germain có lẽ không thể cười nổi khi Messi tung ra cú đá quyết đoán trên chấm penalty ở phút 50. Nỗi lo lắng bao trùm lên những người Paris trong tình cảnh họ không thể thốt ra bất cứ lời nào nữa. Từ ngỡ ngàng, bàng hoàng cho đến sợ hãi và khiếp đảm. Người Paris được cho là thanh lịch, quý phái và đầy mộng mơ, nhưng họ đã bị đặt vào tình thế của một nghi can đang chờ kết quả xét xử của tòa án: Trắng án hay tử hình.
 
Ở mùa giải trước, chúng ta được chứng kiến câu chuyện cổ tích của Leicester City một cách không thể tưởng tượng nổi, nhưng sự hấp dẫn và kịch tính của nó được tính theo ngày, hay thậm chí là theo tháng. Niềm tin khi đó được vun đắp dần qua nhiều tháng tranh tài, để rồi “bầy cáo” chỉ còn chờ ngày đăng quang giống như những anh chàng sinh viên đã biết sẵn điểm tốt nghiệp, và tạo ra những bữa tiệc chờ đến ngày nhận bằng. Câu chuyện của Barcelona ngày hôm nay có độ khó tin không thua nhiều so với chiến tích của Leicester là bao, nhưng về độ gay cấn nó không thua bất cứ bộ phim hành động nào. Kết quả sẽ được trả về ngay tức khắc. Từng giây, từng khoảnh khắc trong 12 phút sau khi Messi nâng tỷ số lên 3-0, là khoảng thời gian các cổ động viên như ngừng thở. Nếu họ yêu PSG, họ không thể thở nổi vì lo lắng và áp lực. Nếu họ yêu Barcelona, họ càng không thể thở nổi vì nỗi hưng phấn tột độ. Và nếu họ đơn giản chỉ là một tín đồ túc cầu giáo, họ sẽ cầu nguyện cho bóng đá, ở bên cạnh và đồng hành cùng những cule. Trong 12 phút ấy, bóng đá bỗng biến thành trò chơi khủng khiếp, có thể đoạt đi sinh mạng của những kẻ yếu tim.
 
Rồi thì căng thẳng cũng được giãn ra như một quả bóng bay bị chích cho xì hơi. Cú vô-lê trái phá của Cavani đến thật đúng lúc khi sức chịu đựng của người hâm mộ đã đến giới hạn. Cú đá hoàn toàn hết lực đầy thoải mái của Cavani lúc ấy tưởng chừng như đã đặt dấu hết cho câu chuyện remontada trong tưởng tượng của các cule. Chúng ta càng không tin Barcelona có thể làm nên chuyện ở thời điểm trước trận đấu bao nhiêu, thì niềm tin sau phút 62 còn thấp hơn thế những vạn lần. Thế nhưng Barcelona đã biết cách tạo nên một câu chuyện thần tiên mới. Nếu như những bộ phim hành động trước kia chỉ có một cao trào, giờ đây đó không còn là giới hạn nữa. Một cao trào thứ hai đã được dựng lên, bắt đầu bằng pha lập công đẹp mắt nhất trận đấu của cầu thủ có màn trình diễn sáng giá nhất: Neymar. Cầu thủ gần nhất với đẳng cấp của Ronaldo và Messi lúc này đã thi đấu nổi bật trong suốt trận đấu, nỗ lực cầm bóng rê dắt, tìm khoảng trống và thậm chí là lùi về tận vòng cấm địa đội nhà để hỗ trợ phòng ngự. Bàn thắng tuyệt đẹp trên chấm đá phạt của Neymar ở phút 88 sẽ là tình huống ít được nhắc tới mỗi khi người ta gợi lại ký ức về trận đấu này nhiều năm sau. Nhưng đây lại là một pha lập công đầy quan trọng. Hội tụ sức mạnh, độ chính xác và đẳng cấp, đường vòng cung mà Neymar vẽ lên chứng minh rằng Barcelona vẫn chưa từ bỏ và cũng là khi người ta tưởng rằng Camp Nou đã bị san bằng, thì một bàn tay bất ngờ ngoi lên khỏi mặt đất. Khoảnh khắc báo hiệu cho “la remontada” được tái sinh.
 
Và thế là trong ít phút cuối ngắn ngủi, người Paris lại phải sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ. Sau khi lại là Neymar ghi bàn thắng trên chấm phạt đền ở phút 90+1 mà trận đấu được bù giờ tới 5 phút, người Paris đã phải nói lời tạm biệt những chiếc móng tay của mình. Họ run sợ và hãi hùng như thế nào ở phút 50 thì lúc này nó còn nặng nề hơn thế gấp triệu lần. 4 phút còn lại không nhiều, nhưng quãng thời gian đó đủ lâu, để Manchester United ghi tới 2 bàn để vượt qua Bayern Munich và giành chức vô địch Champions League năm 1999, để Borussia Dortmund sút tung lưới Malaga 2 lần liên tiếp và đặt chân vào bán kết giải đấu danh giá nhất châu Âu này cách đây 4 năm, cũng đủ lâu để đoạt lấy sinh mạng một con người nếu họ nhịn thở quá 3 phút. Lúc này, Barcelona cần 1 đòn quyết định, nhưng nước mắt của các cule đã bắt đầu rơi. Bất luận trong 4 phút tiếp theo, thắng thua có như thế nào, hay trái đất có chuẩn bị nổ tung, thì họ chỉ cần biết rằng họ đang được sống trong giây phút của hạnh phúc, của niềm tin và của tinh thần quyết chiến không bao giờ từ bỏ. Một đội bóng đã và đang xưng hùng xưng bá tại châu Âu, vốn thường hạ sát đối thủ không thương tiếc ở đỉnh cao phong độ, nay lại phải trải qua tình trạng trở về từ cõi chết. Nhưng đó lại là một cảm giác mới mẻ mà các cule chưa bao giờ được trải nghiệm. Họ được sinh ra, đã được thấy mọi thứ, từ tài năng qua mọi thời đại của Leo Messi, cho đến sự bền bỉ dẻo dai của Iniesta hay những cú ăn ba mà các đội bóng khác chỉ có thể mơ đến. Chỉ có một thứ họ vẫn chưa được chứng kiến, đó là một cú remontada lịch sử, một “el remontada” – “siêu lội ngược dòng” để đời. Trước ngưỡng cửa của thiên đàng, người ta chỉ biết khóc. Là remontada, là niềm tin, nhưng quan trọng nhất, lúc này là hạnh phúc.
 
Và cánh cửa thiên đường đã mở ra với cú chạm bóng đầy nhạy cảm của Sergi Roberto đúng những giây cuối cùng. Đó là lúc các cule hiểu rằng sung sướng đến tột cùng là như thế nào. Ngay lúc ấy, mọi thứ đều xuất hiện, đầy rẫy những hình ảnh, vô vàn những cảm xúc hòa vào trong tâm trí họ. Là “el remontada”, là niềm tin bất diệt, là hạnh phúc vô bờ bến, là Sergi Roberto, là người đã đưa anh vào sân bằng quyền thay đổi người cuối cùng và người sẽ chia tay đội bóng vào cuối mùa, Luis Enrique, là Catalonia, là Barcelona, và là bóng đá.
 
HÀN PHI (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Lautaro Martinez tại Copa America 2024: Ăn khế trả vàng

Trước thềm diễn ra Copa America 2024, Lautaro Martinez chỉ có được duy nhất 1 bàn thắng cho đội tuyển quốc gia Argentina trong 17 trận gần nhất anh có cơ hội ra sân thi đấu. Đó quả là một thành tích trái ngược hoàn toàn so với những gì anh đã thể hiện trong màu áo của Inter Milan những mùa giải gần đây. Nhiều người còn tự đặt ra câu hỏi rằng liệu anh có quá vô duyên khi lên tuyển hay không? Phải chăng trong màu áo của Albiceleste, anh không thể phát tiết được hết những gì mình làm tốt nhất?

Dominik Szoboszlai: Hơn cả một người đội trưởng

Không ổn, thực sự tình hình là không ổn khi Szoboszlai nhìn thấy những cái vẫy tay liên tục của trung vệ Endre Botka. Những cái vẫy tay kêu gọi sự trợ giúp từ đội ngũ y tế trong khoảnh khắc có cầu thủ nằm sân chưa bao giờ là phút giây dễ chịu với bất kỳ cầu thủ hay vận động viên thể thao nói chung...

Ngày lịch sử của Gian Piero Gasperini và Atalanta!

Năm 2016, Gian Piero Gasperini tới Atalanta với nhiệm vụ tránh để đội bóng phải xuống chơi ở Serie B. Và từ một đội bóng xếp hạng 13 chung cuộc ở mùa giải 2015/16, Atalanta dưới bàn tay của Gasperini đã vươn lên về đích ở vị trí thứ 4 ở mùa giải sau đó và có được tấm vé tham dự Europa League vào mùa tiếp theo.

X
top-arrow