Messi thi đấu tốt lên, người hâm mộ vui một, còn tập thể Argentina thi đấu tốt lên, người hâm mộ vui tới mười.
Rạng sáng nay, người xem có thể thấy rõ việc Messi nhường lại hoàn toàn sân khấu cho các đồng đội. Những người chơi nổi bật nhất bên phía Argentina, nếu không tính tuyến dưới, là những Lautaro Martinez, De Paul, Paredes. Còn Messi, anh gần như ẩn hẳn vào trong những cuộc “vật lộn” với các tiền vệ to cao bên phía Venezuela ở tuyến giữa.
Nhưng các con số thống kê cho ta một câu chuyện khá thú vị.
Số đường chuyền của Messi chỉ là 37, không hề cao, nhưng nếu so với các trận đấu ở vòng bảng thì không chênh lệch nhiều (trận Qatar anh chuyền nhiều nhất cũng chỉ là 50), và nếu xét ở tỷ lệ chuyền thành công thì cao hơn cả ba trận đấu trước (88%), đồng thời số keypass (tạo cơ hội cho đồng đội dứt điểm) cũng đạt được con số 3, cũng là cao nhất từ đầu giải.
Messi có 7 lần nỗ lực qua người (mặc dù tỷ lệ thành công không cao khi chỉ hai lần thực sự thành công) nhưng chỉ ít hơn trận đấu gặp Paraguay, và người xem đều thấy cách tiếp cận của Venezuela và Paraguay là hoàn toàn khác nhau, khi Venezuela luôn sẵn sàng xông lên và phạm lỗi đối thủ bất cứ lúc nào. Messi cũng đã có 3 cú sút, con số ít ỏi nhưng cả ba trận vòng bảng cũng không khá hơn là bao.
Và đương nhiên rồi, những con số ấy tuy không ấn tượng như ở Barca, nhưng vẫn là đứng đầu trong trận đấu.
Các con số cho ta thấy điều gì?
Chúng ta không nên so sánh Messi ở Copa với Messi tại La Liga hay Champions League gì cho mất công, vì đó là điều khập khiễng. Hãy xem anh trong quá trình trong mùa hè năm nay.
Một Messi bị phụ thuộc hoàn toàn ở những trận đấu đầu tiên, và một Messi lùi lại đằng sau ở trận đấu hôm nay. Hai phiên bản ấy không hề có sự khác biệt về mặt đóng góp cá nhân thuần chuyên môn. Không khác về nỗ lực sút bóng, qua người hay chuyền bóng. Thậm chí một vài con số còn nhỉnh hơn.
Và nếu xem kỹ Messi trong rạng sáng nay, ngoài 20 phút đầu tiên nhập cuộc có vẻ chệch choạc, phần còn lại của trận đấu, Messi đã nhiều lần nhảy múa trước hàng tiền vệ Venezuela, mà chỉ có những pha va chạm mạnh bạo, mới giúp các cầu thủ Venezuela cản chân được anh. Anh đóng góp rất lớn trong những lần giúp đồng đội thoát khỏi sự vây ráp của đối thủ. Cũng như đóng góp vào việc phòng thủ, khi có đến ba lần tắc bóng thành công (bằng với số cú sút!).
Việc phải lùi lại, phải đóng vai trò là bàn đạp dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến Messi, nhưng anh đang chứng tỏ mình vẫn rất ổn trong vai trò này.
Nếu Messi không có sự thay đổi, thì Argentina...hoàn toàn khác biệt theo hướng tích cực.
Aguero mặc dù chưa lấy lại cảm giác sút tốt nhất, nhưng anh đã tỏ ra là một tay kéo bóng cừ khôi bên cạnh Messi, nếu được thi đấu rộng hơn. Peredes và De Paul ngày càng tạo nhiều dấu ấn với những pha xử lý kỹ thuật, cùng các đường chuyền mang tính sát thương cao. Và Lautaro Martinez đang toả sáng.
Messi thi đấu tốt lên, người hâm mộ vui một, còn tập thể Argentina thi đấu tốt lên, người hâm mộ vui tới mười. Đương nhiên, khi có một ngôi sao như Messi trong đội hình, chẳng có đội bóng nào tự tin nói rằng là không phụ thuộc vào anh cả. Nhưng chính cái sự dựa dẫm quá mức cần thiết đến mức tạo ra sự tù túng cho hai phía đã khiến cho Argentina nhiều lúc lâm vào thế lao đao.
Tự tin thi đấu, không cần phải xem Messi như trung tâm, không cần mọi đường bóng phải qua chân số 10, đôi khi lại tốt cho cả hai. Nghịch lý mà hợp lý chính là ở điểm này.
Tập thể Argentina giải này khó để so sánh với Brazil hay Uruguay, và ngay cả Colombia (đội bóng vừa bị loại), nhưng họ vẫn là những cái tên có tố chất. Và mọi người đang chờ sự bùng nổ khi cái gánh nặng về tâm lý được cởi bỏ. Và Messi lúc ấy đóng vai trò là một chất xúc tác hạng nặng để tạo ra điều đó.
Tuy nhiên, có thể nói rằng, Venezuela vẫn chưa phải là liều thuốc thử đủ liều để đánh giá được sự thay đổi của Argentina. Họ vẫn cần một liều thuốc mạnh hơn. Và chắc chắn Brazil là quá đủ rồi.
(Số liệu: Whoscored)