Trong khi Kepa là nhân vật tâm điểm, tạo ra sự tranh cãi gay gắt giữa các CĐV, chịu sự chỉ trích nặng nề của giới chuyên môn cũng như hàng loạt cựu danh thủ Chelsea thì có một chi tiết đáng chú ý trong câu chuyện này mà chúng ta không thể lảng tránh. Vai trò của những cầu thủ- đầu tàu của Chelsea ở đâu trong vụ việc này.
Lịch sử cúp Liên đoàn Anh có lẽ chưa từng chứng kiến tiền lệ như những diễn ra trong và hậu trận chung kết giải đấu này năm nay, giữa Chelsea và Man City. Không có nhiều bài viết tôn vinh về kẻ chiến thắng (Man City của Pep Guardiola) cũng chẳng có mấy bài phân tích chuyên môn dành cho phía bại trận (Chelsea).
|
Vụ Kepa từ chối rời sân: Vai trò thủ quân của Azpilicueta đâu rồi? |
Bởi tâm điểm của trận chung kết cúp Liên đoàn Anh 2019 lại nằm ở một chi tiết gây chia rẽ mạnh mẽ trong cộng đồng fan cũng như giới chuyên môn. Chi tiết Kepa Arrizabalaga từ chối rời sân trong những phút cuối khi BHL Chelsea đã cho thấy ý định rõ ràng về việc thay thủ môn này, thể hiện qua việc trọng tài bàn đã nâng bảng điện tử thay “số 1” The Blues.
Việc Kepa từ chối rời sân khiến HLV Chelsea Maurizio Sarri nổi điên bên ngoài đường pitch. Ông ném bút, ném giấy ghi chép, “xả” những điều gì đó với các trợ lý như Zola và vùng vằng đi thẳng vào đường dẫn tới phòng thay đổi (một lúc) nhưng quay lại ngay sau đó.
Hậu trận đấu, trong cuộc họp báo, Sarri phát biểu rằng những gì diễn ra trong “thời khắc kì dị” này xuất phát từ việc không hiểu ý giữa ông, BHL Chelsea và Kepa. Sarri nói, Kepa có dấu hiệu không thể thi đấu tiếp nên ông quyết định sử dụng quyền thay người cuối cùng khi tung lão tướng Caballero vào sân.
|
HLV Sarri tức giận với hành động của cầu thủ người TBN |
Bên cạnh đó, Sarri cũng khẳng định việc Kepa từ chối thay người khi thủ môn này cảm thấy mình có đủ thể trạng để tiếp tục thi đấu là đúng, không có gì đáng trách cả và dù Chelsea thất bại trong trận chung kết cúp Liên đoàn, lỡ cơ hội gần như tốt nhất để có 1 danh hiệu mùa này thì bản thân ông vẫn hài lòng về những gì học trò thể hiện trên sân cỏ.
Điều 3 luật FA về vấn đề thay người trong trận đấu thì Kepa không phạm luật và việc trọng tài chính cùng các trợ không thể tác động vào việc “thúc ép” Kepa rời sân khi anh không muốn là điều đương nhiên. Điều 3 luật FA cụ thể như sau: “Nếu 1 cầu thủ nhận được hiệu lệnh thay người từ BHL đội nhà nhưng anh ta từ chối rời sân, việc thay người sẽ được hủy bỏ và trận đấu tiếp tục”.
Bản thân Kepa, nhân vật chính của câu chuyện cũng tuyên bố giữa anh và BLĐ Chelsea, cụ thể là HLV Sarri chỉ là “sự hiểu lầm” và bản thân anh không hề có ý định xem thường hay thiếu tôn trọng quyết định của Sarri. Bên cạnh đó, Kepa cũng thẳng thắn thừa nhận: "Tôi đã nghĩ rất nhiều về sự cố xảy ra vào hôm qua. Mặc dù đó là sự hiểu lầm nhưng tôi đã phạm sai lầm với cách cư xử của mình trong tình huống này. Tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới HLV Sarri và thủ môn Willy Caballero cũng như những đồng đội khác. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hình thức kỷ luật của CLB”
Theo thông tin mới nhất từ trang chủ Chelsea, thủ thành người Tây Ban Nha sẽ phải nộp phạt 200.000 bảng Anh, tương đương với 1 tuần lương vì hành vi của mình trong trận chung kết Cúp Liên đoàn. Số tiền này được chuyển vào quỹ từ thiện của CLB.
Về cơ bản, “saga” của Kepa đã được giải quyết. Tuy nhiên, điều đáng bàn là Chelsea sẽ-như-thế-nào sau câu chuyện kì dị này. Những câu hỏi lớn nhất: Tương lai của Kepa tại Chelsea, ít nhất là vị trí bắt chính của anh trong khung gỗ The Blues từ giờ tới hết mùa giải? Tương lai của Sarri, sau một serie những kết quả kém cỏi trên sân cỏ và những rạn nứt có thật giữa ông và cầu thủ?
Trong khi Kepa là nhân vật tâm điểm của “saga”, tạo ra sự tranh cãi gay gắt giữa các CĐV, chịu sự chỉ trích nặng nề của giới chuyên môn cũng như hàng loạt cựu danh thủ Chelsea thì có một chi tiết đáng chú ý trong câu chuyện này mà chúng ta không thể lảng tránh. Vai trò của những cầu thủ- đầu tàu của Chelsea ở đâu trong vụ việc này.
Tất cả những gì chúng ta chứng kiến trong những phút cuối trận chung kết cúp Liên đoàn, khi Kepa nhất mực không chịu rời sân còn ngoài đường pitch Sarri gần như phát khùng, mất cả sự kiểm soát, từ các cầu thủ trên sân của The Blues chỉ là hành động, có thể là vỗ về, có thể là phân tích của trung vệ Luiz.
Đội trưởng của Chelsea, hậu vệ Cesar Azpilicueta ở đâu khi anh đáng ra phải thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trên sân? Câu trả lời: Azpilicueta đóng vai một khán giả “xem kịch”. Là một trong những cầu thủ có thâm niên lâu nhất, được CĐV tôn trọng nhất, lại là đồng hương Tây Ban Nha của Kepa và đường đường là thủ quân của The Blues, Azpilicueta đáng ra phải là “liên lạc viên”, “hòa giải viên” trong vụ việc này.
Một vài câu nói với Kepa, tiếp nhận thông tin từ đồng đội trẻ đồng hương rồi truyền đạt nó tới BHL cùng HLV Sarri và ngược lại. Thế là đủ để các bên hiểu nhau và thời khắc “xấu xí” của Kepa, của Sarri chắc chắn sẽ không có cơ hội xuất hiện trước hàng chục ngàn CĐV trên sân, hàng triệu khán giả truyền hình.
Vấn đề là ở chỗ, cứ cho Azpilicueta là một người hiền lành, ngại va chạm như chúng ta vẫn biết về anh thì việc thủ quân Chelsea thể hiện sự “vô can” trong vụ này, dù phân tích theo hướng nào cũng đáng lo cho The Blues cả. Hoặc giả Azpilicueta không đủ uy để chỉ huy các đồng đội dù anh là đội trưởng. Hoặc giả Azpilicueta “cố tình” bàng quan trước những rắc rối mà anh phải can thiệp, để khiến cuộc khủng hoảng của đội bóng “được” nhân rộng hơn, nhằm phục vụ cho một mục đích nào đó.
Nếu Azpilicueta không có uy lãnh đạo ở một CLB có nhiều cái tôi lớn và “mang tiếng” rất nhiều trong quá khứ như Chelsea thì khả năng The Blues còn chìm sâu hơn nữa trong phần còn lại mùa giải là điều chắc chắn. Nếu Azpilicueta có khả năng xử lý rắc rối nhưng… mặc kệ thì chẳng khác nào anh khiến người ta hiểu anh và một nhóm cầu thủ nào đó mới chính là phe chống đối Sarri. Cái sự chống đối này còn đáng lo ngại hơn bội phần việc Kepa từ chối rời sân!
ELFLACO (TTVN)