Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á

Tác giả Trọng Hiếu - Thứ Hai 12/08/2024 13:00(GMT+7)

Zalo

Tại Olympic Paris 2024, các quốc gia Đông Nam Á đã cho thấy sự tiến bộ với số lượng huy chương giành được cải thiện so với 3 năm trước, mặc dù Việt Nam trắng huy chương.

THÀNH CÔNG TỪ ĐÔNG NAM Á

Dù là vùng trũng của thể thao thế giới, khu vực Đông Nam Á đã có sự tiến bộ lớn tại Olympic kỳ này khi giành tổng cộng 16 huy chương (5 vàng, 3 bạc, 8 đồng) tại Paris 2024, so với 13 tại Tokyo 2021 (3 vàng, 4 bạc, 6 đồng). Con số này chỉ kém 18 huy chương (5 vàng, 10 bạc, 3 đồng) tại Rio 2016, kỳ đại hội Hoàng Xuân Vinh có 1 vàng, 1 bạc.

Thành công này đến từ những kế hoạch dài hạn, với phương pháp đào tạo học tập từ những nền thể thao hàng đầu thế giới.

Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 1
Bảng tổng sắp huy chương Đông Nam Á tại Olympic Paris 2024

Danh sách những người giành nhiều huy chương nhất Olympic nói lên nhiều điều. Zhang Yufei, nữ thần bơi bướm của Trung Quốc có 6 tấm huy chương (1 bạc, 5 vàng), là kết quả của phương pháp huấn luyện gà nòi ở đất nước tỷ dân. Torri Huske, Regan Smith (Mỹ), Mollie O’Callaghan, Kaylee McKeown (Australia) – những người giành 5 huy chương, đến từ những quốc gia có hệ thống thể thao học đường rất mạnh.

Leon Marchand, ngôi sao mới của đường đua xanh, cũng là nhà nòi từ gia đình có truyền thống bơi lội, là thành quả của cả 2 phương pháp đào tạo kể trên. VĐV sinh năm 2002 sớm được các hệ thống bơi chuyên nghiệp săn đón từ nhỏ nhờ lý lịch của mình, nhưng quyết định dành 3 năm sang Mỹ ở tuổi 18 để tầm sư học đạo mới là bước đột phá để Marchand giành 4 vàng, 1 đồng tại Olympic Paris. VĐV này nhận học bổng của ĐH bang Arizona và được huấn luyện bởi chuyên gia Bob Bowman, HLV của huyền thoại Michael Phelps.

Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 2
Leon Marchand, vị vua mới trên đường đua xanh

Cùng với Mỹ và Australia, thì Nhật Bản cũng là đất nước có hệ thống thể thao học đường nổi danh. Carlos Yulo của Philippines thuộc diện này, với 7 năm được đào tạo ở đất nước mặt trời mọc, luyện tập với những cơ sở vật chất tốt nhất trước khi 2 lần vô địch thế giới, 2 lần giành HCV Olympic, 10 lần vô địch châu Á và có 9 HCV SEA Games.

Tất nhiên cũng phải khẳng định rằng, để có thể tiếp cận với những nền thể thao mạnh nhất thế giới, Leon Marchand và Carlos Yulo cũng phải có nền tảng kinh tế vững vàng để theo học, điều khó xuất hiện ở Việt Nam. Trước Olympic, Yulo chia tay HLV lâu năm, dành 5 tháng đi khắp thế giới để học hỏi từ các đối thủ, tự tìm ra phương pháp tập luyện mới và nâng cao độ khó trong bài thi của mình.

Trong khi đó, các VĐV trọng điểm của Việt Nam cùng lắm cũng chỉ được đi tập huấn ở nước ngoài ngắn hạn với thời gian tính bằng ngày, bằng tuần, không phải được đào tạo bởi những nền thể thao hàng đầu thế giới.

Thái Lan giành tấm HCV từ cái tên được kỳ vọng nhất Panipak Wongpattanakit, vốn là thành quả từ chiến lược đầu tư cho hạng cân thấp nhất của Taekwondo (49kg) từ lâu. Nhưng Panipak không phải điều đáng mừng nhất của Thái Lan tại kỳ Olympic này, mà là Kunlavut Vitidsarn. Tay vợt sinh năm 2001 giành tấm HCB lịch sử cầu lông, chỉ chịu thua Viktor Axelsen, cho thấy thành quả của phương pháp đào tạo ở hệ thống tư nhân (Kunlavut theo học Trường cầu lông Banthongyord).

Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 3
Carlos Yulo
Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 4
Panipak Wongpattanakit
Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 5
Kunlavut Vitidsarn

Với những quốc gia có nền thể thao vùng trũng như Đông Nam Á, công thức chung để nhắm đến huy chương là tập trung vào những nội dung chia hạng cân như võ, cử tạ để giới hạn đối thủ, bên cạnh cải thiện những môn thể thao mũi nhọn và không quá yêu cầu thể hình, thể lực. 3/6 huy chương Olympic của Singapore đến từ bóng bàn, Thái Lan có 40/41 huy chương từ cử tạ, boxing, taekwondo. Philippines giành 12/18 huy chương từ cử tạ, boxing, Malaysia có 11/15 huy chương từ cầu lông, Indonesia có 30/40 huy chương từ cầu lông, cử tạ.

Nhưng bên cạnh kế hoạch từ các cơ quan chuyên môn, thì hệ thống tư nhân, nguồn vốn xã hội hoá đến từ doanh nghiệp, các nhà tài trợ cũng góp phần quan trọng trong quá trình này. Để so sánh, kinh phí dành cho các môn thể thao thành tích cao của Việt Nam khoảng 700 tỷ/năm, thua kém những nền thể thao hàng đầu khu vực từ 8-10 lần.

Kinh phí thấp khiến thể thao Việt Nam không phát triển bằng hàng xóm, cũng như ít được tranh tài ở những giải đấu quốc tế. Từng có câu chuyện đáng buồn, một chuyên gia nước ngoài tỏ ra bất ngờ khi Việt Nam không biết tham dự giải nào để tính điểm, giành vé tham dự những giải đấu lớn như ASIAD, Olympic.

Tại Paris 2024, Indonesia và Singapore giới thiệu cho các nước trong khu vực một cách nữa để giành huy chương Olympic, đó là khai thác những môn thể thao hiện đại và “đi tắt, đón đầu”. Veddriq Leonardo giành HCV môn leo núi thể thao tốc độ, nội dung lần thứ 2 xuất hiện ở Olympic, trong khi Maximilian Maeder đem về tấm HCĐ lịch sử cho Singapore môn lướt ván diều, lần đầu có mặt tại Olympic.

Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 6
Veddriq Leonardo giành HCV môn leo núi thể thao tốc độ, vượt qua bức tường 15m trong thời gian 4 giây 75
Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 7
Maximilian Maeder giành HCĐ lướt ván diều lần đầu có mặt tại Olympic

Maeder sinh năm 2006 nhưng đã là nhà vô địch thế giới môn thể thao này. Tháng 10 năm ngoái, chàng trai trẻ đem về tấm HCV ASIAD 19 lịch sử. Tại Olympic Paris 2024, nội dung này có 4 VĐV tranh tài và Maeder có cơ hội lớn để giành huy chương. Trưởng đoàn thể thao Singapore, Tan Wearn Haw cho biết: “Khi có sự đổi mới trong thể thao, bao gồm nội dung mới hay đổi thể thức thi đấu, chúng tôi cần nắm bắt cơ hội để cạnh tranh. Singapore vẫn còn non trẻ so với những quốc gia có truyền thống về thể thao. Chúng tôi cần phải thông minh và tập trung khai thác thị trường ngách, do đó chúng tôi cần đi trước xu hướng”.

Indonesia và Singapore là 2 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á. Họ chắc chắn sẽ tận dụng mọi cơ hội để tiếp tục đem về những tấm huy chương trong tương lai, với nền tảng tài chính rất mạnh. Trong khi đó, Việt Nam khó lòng khai thác điều này, bởi chúng ta còn đang loay hoay với những môn thể thao truyền thống.

Bên cạnh đó, tương tự như môn bóng đá, Indonesia (hay Malaysia) hoàn toàn có thể mở rộng kế hoạch khai thác nguồn lực từ nước ngoài, kêu gọi những VĐV có nguồn gốc trở về cống hiến cho đất nước. Hoặc thậm chí, nhập tịch hoàn toàn như Philippines đã làm. Việt Nam có làm được điều này không? Câu trả lời là có, với trường hợp tiêu biểu là Trương Twins sinh sống tại Mỹ, thi đấu tại Mỹ, đào tạo tại Mỹ, nhưng khi có giải là trở về.

Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 8
Thể thao Việt Nam còn đi sau nhiều quốc gia trong khu vực

 

NÂNG CẤP TỪ SEA GAMES

Ngay sau kỳ SEA Games 32 tại Campuchia tháng 5/2023, chủ nhà SEA Games tiếp theo Thái Lan đã chia sẻ kế hoạch xây dựng hệ thống các môn thể thao tranh tài theo chuẩn Olympic. Đây là một kế hoạch dài hạn và đồng bộ, được thực hiện bởi Thái Lan (2025), Malaysia (2027) và Singapore (2029) nhằm giúp các VĐV chuẩn bị tốt hơn cho ASIAD và Olympic.

Đó là diễn biến tích cực, yêu cầu các quốc gia Đông Nam Á sẽ phải theo quy chuẩn của thế giới, tăng cường những môn thể thao Olympic và hạn chế các môn thể thao địa phương. SEA Games 33 diễn ra vào cuối năm 2025, sẽ là bàn đạp để các quốc gia hướng đến ASIAD 20 tại Nhật Bản vào tháng 9/2026.

Việt Nam thấy gì từ thành công của các nước Đông Nam Á 9
SEA Games từng bước áp dụng quy chuẩn ASIAD, Olympic

Trong trường hợp thành công với kỳ SEA Games này, tương lai Đông Nam Á sẽ tiếp tục áp dụng để hỗ trợ những VĐV hàng đầu, cũng như tìm ra những gương mặt có khả năng trở thành Carlos Yulo, Panipak Wongpattanakit hay Kunlavut Vitidsarn thế hệ tiếp theo.

Đó là những gì Đông Nam Á đã và đang thực hiện, rõ ràng, cụ thể để từng bước tiếp cận với những nền thể thao hàng đầu thế giới. Dù muộn, nhưng giờ là thời điểm để Việt Nam đi theo dòng chảy của thời đại.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khi bóng đá ngày càng trở thành công cụ bất chấp để kiếm tiền

Premier League một lần nữa bỏ nghỉ đông, trong khi những giải đấu ở cấp độ CLB khác như Champions League hay FIFA Club World Cup cũng tăng số đội tham dự, đồng nghĩa với việc tăng số trận đấu. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ĐTQG. Sau tất cả, chỉ những cầu thủ là người chịu thiệt thòi!

Tại sao các đội bóng Premier League không mạnh tay ở phiên chợ hè 2024?

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng chuyển nhượng của các CLB Premier League 2024: Man United làm tốt nhất

Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 chứng kiến 20 CLB Premier League chi gần 2 tỷ bảng Anh để mua về hàng trăm con người có kỹ năng dứt điểm, đánh đầu hoặc bắt bóng. Một số đội mua sắm như thể ở Lotte Mall, một số đội đến chợ Phùng Khoang và có một CLB mua cầu thủ như chơi Football Manager ngoài đời thực (Chelsea).

Quả bóng Vàng 2024 sẽ thuộc về ai?

Rạng sáng hôm nay 5/9, tạp chí France Football đã công bố danh sách 30 ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng 2024. Lần đầu tiên sau 21 năm, cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều không có tên trong danh sách đề cử. Có thể nói, tuổi tác cộng với việc không còn chơi bóng ở lục địa già, khả năng để hai huyền thoại sống này trở lại danh sách kia gần như không còn nữa.

X
top-arrow