Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?
Thực trạng khó khăn của bóng đá Anh và toàn Châu Âu
Sự thật thì mức chi tiêu ròng của các đội bóng tại xứ sở sương mù đã giảm mạnh ở phiên chợ hè 2024. Theo Transfermarkt, tổng chi tiêu ròng tại Premier League trong mùa hè vừa qua chỉ rơi vào khoảng 630 triệu bảng, giảm tới 40% so với 1.070 triệu bảng ở cùng kỳ năm trước. Thống kê cũng chỉ ra rằng, con số này thấp hơn bất cứ mùa giải nào kể từ năm 2019. Và nếu chúng ta thực hiện tính toán theo mức độ lạm phát của dòng tiền, thì đây là mức chi tiêu thấp nhất kể từ mùa hè 2014.
Manuel Ugarte là tân binh hiếm hoi cập bến Premier League vào ngày cuối của TTCN |
Các nhà kinh tế gọi đây là sự điều chỉnh của thị trường. Thế nhưng theo cách nói dân dã thì các đội bóng đã chi quá nhiều tiền trong quá khứ và đây là lúc họ phải “thắt lưng buộc bụng”. Đây rõ ràng là xu thế chung của bóng đá Châu Âu chứ không riêng gì nước Anh. Thực tế cho thấy, trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu Châu Âu, khoản chi ròng tại Premier League vẫn cao hơn Bundesliga (cao thứ 2) và Serie A (cao thứ 3) cộng lại. La Liga – giải đấu rất nổi tiếng với độ chịu chơi với 3 đại diện ưu tú là Real Madrid, Atletico Madrid và Barcelona, thậm chí còn thua kém cả Ligue 1 ở mùa hè 2024.
Chuyên gia tài chính trong bóng đá là Swiss Ramble đã chia sẻ một vài thông tin thú vị về vấn đề này. Cụ thể, các khoản lỗ từ hoạt động của các đội bóng tại Premier League đã tăng gấp 3 lần, từ 413 triệu bảng ở mùa giải 2018/2019 lên đến 1.338 triệu bảng ở mùa giải 2022/2023. Nếu chỉ tính riêng hoạt động chuyển nhượng, con số lần lượt sẽ là lỗ 181 triệu bảng ở mùa giải 2018/2019 lên tới mức lỗ 710 triệu bảng ở mùa giải 2022/2023.
Kết quả là gì? Các chủ sở hữu buộc phải bỏ tiền túi, cho dù là dưới hình thức cho vay hay bơm vốn, để giúp đội bóng duy trì hoạt động. Thật vậy, khoản tiền 1,1 tỷ bảng là tổng nguồn tài trợ của chủ sở hữu tại Premier League 2022/2023. Và đây cũng chính là số tiền lớn nhất từng được ghi nhận tại giải đấu.
Todd Boehly là ông chủ chịu chi nhất tại Premier League ở thời điểm hiện tại |
Giới siêu giàu đầu tư bóng đá như thế nào?
Về cơ bản, có 3 lý do để các tỉ phú đầu tư vào bóng đá Anh:
Lý do 1: Bạn thích đội bóng đó và sẵn sàng đầu tư bất chấp các khoản lỗ. Có thể bạn là một người hâm mộ nhiệt thành, thích cảm giác đưa đội bóng yêu thích của mình gặt hái thành công, hoặc chỉ đơn giản là coi việc đầu tư như một dự án dài hạn được tài trợ bởi những người thực sự giàu có. Trường hợp này rất hiếm trong thế giới bóng đá.
Lý do 2: Bạn là một doanh nhân đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Và với mẫu tư duy như vậy, tất nhiên bạn có xu hướng lựa chọn một đội bóng đang thi đấu tại Premier League – giải đấu giàu có và có lợi nhuận lớn nhất để đầu tư. Bởi đó là nơi thu hút sự quan tâm của phần lớn người hâm mộ bóng đá, những người trực tiếp hoặc gián tiếp trả tiền để theo dõi các trận đấu.
Lý do 3: Bạn nghĩ rằng các khoản đầu tư của mình vào đội bóng sẽ mang lại giá trị cao trong tương lai, vì vậy bạn chấp nhận thua lỗ giai đoạn đầu.
Chắc hẳn chúng ta đã từng được chứng kiến BXH hoặc đánh giá về giá trị CLB, với sự áp đảo của bóng đá Anh. Tuy nhiên việc định giá không phải lúc nào cũng phản ánh đúng giá trị thực tế. Gia đình nhà Glazer từng nghĩ rằng họ có thể bán Man Utd với mức giá 7-8 tỷ bảng, nhưng cuối cùng thực tế là họ đã bán 25% cổ phần của mình cho INEOS với mức định giá chỉ là 5,25 tỷ bảng. Fenway Sports Group từng bóng gió nói về việc có thể bán Liverpool nếu nhận được 3 tỷ bảng, nhưng rốt cuộc đã chẳng có đối tác nào quan tâm.
Sir Jim Ratcliffe mua lại cổ phần Man Utd từ gia đình Glazer với mức định giá thấp hơn nhiều so với ban đầu. |
Trong bóng đá hiện đại, những người yêu đến bất chấp như lý do 1 gần như không còn. Về cơ bản, lý do 2 hay lý do 3 thì đều hướng đến mục đích thu lợi nhuận trong tương lai. Thế nhưng trước khi nghĩ đến các khoản tiền kếch sù chảy vào tài khoản của mình, các ông chủ cũng thừa sự khôn ngoan để hạn chế tối đa các khoản lỗ do đầu tư quá đà. Cũng chính vì vậy, mô hình cân đối thu chi bền vững được xem như kim chỉ nam cho việc kiểm soát tài chính.
Doanh thu từ bóng đá đến từ đâu?
Đối với một đội bóng, thông thường sẽ có 3 cách kiếm tiền cơ bản: doanh thu từ ngày thi đấu, doanh thu phát sóng và doanh thu thương mại (tài trợ và tiền thưởng). Trong số này, doanh thu từ ngày thi đấu là ít biến động nhất bởi lẽ bạn chỉ có thể khai thác một số tiền nhất định từ nguồn thu SVĐ (bán vé, kinh doanh dịch vụ trong sân). Việc tăng giá vé thường xuyên rất dễ gây ra sự tẩy chay từ người hâm mộ.
Doanh thu phát sóng? Ở Premier League, bản quyền phát sóng luôn là “chiếc bánh” được chia đều cho hầu hết các đội bóng. Tất nhiên, các CLB trong nhóm Big Six hoặc CLB có thành tích tốt sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Thế nhưng nếu đặt lên bàn so sánh với La Liga với áp đảo tuyệt đối của Real Madrid và Barcelona thì sự công bằng tại giải đấu cao nhất nước Anh vẫn luôn được đánh giá cao. Ở mùa giải 2022/2023, nhà đương kim vô địch Man City nhận 166 triệu bảng từ bản quyền phát sóng, trong khi đội bóng đứng cuối bảng là Southampton cũng nhận 94 triệu bảng. Đơn cử là việc Fulham và Chelsea cùng nhận được 128 triệu bảng dù danh tiếng của The Blues vượt trội hơn so với đối thủ cùng thành phố.
So với 2 nguồn thu kể trên thì doanh thu thương mại được cho là tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Con số này đã tăng 40% chỉ sau 4 năm (2019-2023). Danh tiếng và sự khôn ngoan trong việc xây dựng hình ảnh đội bóng chính là chìa khóa của thành công.
Tuy vậy, doanh thu tăng đồng nghĩa các chi phí cũng tăng theo, đặc biệt là quỹ lương. Thêm vào đó, những quy tắc về luật công bằng tài chính buộc các đội bóng phải cân đối thu chi, nếu không muốn nhận những án phạt nặng nề từ UEFA.
Cắt giảm chi tiêu là xu thế toàn cầu
Về cơ bản, khoảng 70% chi phí vận hành đội bóng đến từ phí chuyển nhượng cầu thủ và quỹ lương. Tùy vào số năm hợp đồng của cầu thủ để chúng ta xác định mức độ khấu hao tài sản được tính vào chi phí. Điều tuyệt vời là đa phần các hợp đồng ký kết đều chỉ có thời hạn từ 3-4 năm. Mỗi năm, khoảng 20% đội hình sẽ hết hạn hợp đồng. Và thế là xong! Các đội bóng không còn phải trả lương cho họ nữa và có thể thay thế bằng một tân binh mới rẻ hơn. Tất nhiên, việc chuyển nhượng cầu thủ cũng giúp cân bằng lại quỹ lương, đồng thời giúp thu về một khoản tiền nhất định để tái đầu tư trong tương lai.
Chelsea thẳng tay đẩy đi rất nhiều cầu thủ lương cao ở mùa hè vừa qua |
Nói cách khác, con đường dẫn đến lợi nhuận, hoặc ít nhất là tiến tới điểm hòa vốn không quá khó để tìm ra. Giới thượng tầng các CLB đã sớm nhận ra điều này. Họ đã triệt để loại bỏ những cầu thủ lương cao nhưng đóng góp hạn chế. Từ việc Man Utd để Raphael Varane và Anthony Martial rời đi theo dạng chuyển nhượng tự do, cho đến việc Chelsea thẳng tay loại nhóm cầu thủ bao gồm Kepa Arrizabalaga, Ben Chilwell, Trevoh Chalobah, Raheem Sterling và Romelu Lukaku ra khỏi kế hoạch, bắt tập luyện riêng để gây sức ép buộc họ phải ra đi.
Đó cũng là cách mà Juventus áp dụng với Federico Chiesa. Barcelona thậm chí hủy hợp đồng với Ilkay Gundogan trong sự ngỡ ngàng của truyền thông Tây Ban Nha, chỉ vài tháng sau khi tiền vệ người Đức trải qua một mùa giải thi đấu cực kỳ xuất sắc. Hay như câu chuyện Adrien Rabiot và Memphis Depay vẫn thất nghiệp sau khi thị trường chuyển nhượng hè đóng cửa. Đó chính là thực trạng chung của bóng đá Châu Âu vào lúc này.