Khi chúng ta nghe tới một vụ mua bán CLB, chúng ta đều sẽ nghĩ rằng các thương vụ như thế đã được tính toán kỹ lưỡng từ trước, vì vậy, tỷ lệ thất bại của chúng là rất nhỏ. Tuy nhiên, vẫn có những lần các thương vụ này thất bại. Vậy, cần phải làm gì để không gặp thất bại trong một vụ mua bán CLB?
Không mua vì động cơ xấu hay đặt ra quá nhiều kỳ vọng
"Câu hỏi đầu tiên tôi dành cho các khách hàng của mình đó là: "Anh muốn đạt được cái gì và sẽ đạt được điều đó như thế nào ?", Trevor Watkins, trưởng bộ phận thể thao ở công ty luật đa quốc gia Pinsent Masons chia sẻ.
"Cái vế "đạt được điều đó như thế nào" quan trọng lắm đấy. Ai cũng nói rằng họ sẽ đạt được Champions League, nhưng chẳng ai nói được kế hoạch của họ ra sao, họ có làm được đó hay không và điều gì quan trọng với họ, giành được danh hiệu hay kiếm được tiền. Nhưng quan trọng nhất vẫn là: Anh muốn gì và anh đạt được điều đó như thế nào."
Terry Pritchard là giám đốc của Charter HCP, một công ty có trụ sở ở London chuyên giúp đỡ các ông chủ tiềm năng tìm kiếm các khoản vay hoặc nhà đầu tư để hoàn thành thương vụ mua bán CLB.
"Đừng có mua một CLB vì đó là giấc mơ thuở bé của anh hay vì anh đang bực bội cái gì đó. Anh mà làm thế là sẽ mất tiền nhanh chóng đấy."
The Athletic cũng trao đổi với một vài ngân hàng, mối lái và luật sư, những người muốn giữ kín danh phận của mình. Mỗi người trong số họ đều có cùng một câu trả lời cho những điều trên. Một người môi giới ở Anh chia sẻ rằng ông ta không giao dịch với ai có "niềm kỳ vọng thái quá" về việc thăng hạng ngay lập tức, có được danh hiệu hay lợi nhuận sớm nhất có thể.
"Anh có cái gì để giúp đỡ một đội bóng làm được điều đó chứ ? Ở các giải đấu lớn chỉ có vài đội bóng giành được danh hiệu kia kìa, mà mấy đội bóng đó lại cần rất nhiều sự đầu tư và tận tâm từ giới chủ đấy." Ông chia sẻ.
Trong khi đó, Steve Horowitz, một đối tác với ngân hàng thương nghiệp Inner Circle Sports có trụ sở ở New York lại "sấy" các đối tác của mình bằng một bài "sớ" mà ông gọi đùa là "bài sớ của gã Steve hay càu nhàu."
"Chúng tôi cho mấy tay nhà giàu này biết sở hữu một CLB bóng đá khó như thế nào, tốn nhiều chi phí ra sao trong 1 năm hay 5 năm, sau đó là một loạt những rủi ro tới từ việc xuống hạng hay việc các cầu thủ gặp chấn thương. Nếu họ vẫn "ngoan cố" thì chúng tôi sẽ tư vấn cho họ."
"Các khách hàng của tôi đều là những thương nhân thành công ở các ngành khác, vì vậy, họ muốn tham gia vào bóng đá. Chúng tôi muốn họ hiểu rằng ngành bóng đá là một ngành khó khăn. Nếu họ chỉ tập trung vào kiếm tiền từ một CLB, chắc chắn sẽ có cách dễ dàng hơn để kiếm tiền từ CLB đó."
Có một tầm nhìn vượt xa hầu bao
Chúng ta sẽ trở lại cái vế hai trong câu nói của Watkins về yêu cầu của giới chủ: làm thế nào và làm ra sao? Có đủ tiền không? Nhưng tối quan trọng nhất vẫn là: anh có đủ tiền hay không.
Có thể chúng ta sẽ nghĩ đây là một câu trả lời dễ dàng với một người thật thà. Nhiều người thậm chí sẽ nghĩ sau khi biết được giá và biết chi phí để vận hành một đội bóng, họ sẽ nhanh chóng tìm kiếm nguồn tiền để đầu tư vào hoặc mượn đủ tiền để trang trải kinh phí. Chẳng phải đây là cách chúng ta mua nhà hay sao ? Nhưng mua một CLB bóng đá không đơn giản như thế đâu.
Đây là lý do vì sao các vụ chuyển nhượng CLB luôn có các tay chủ mơ mộng, những gã cơ hội và những gã khoa trương, tóm lại ra rất nhiều cá tính từ cũ cho tới mới, luôn cố gắng mua những CLB mà không có gì trong tay để rồi suy sụp nhanh chóng chỉ sau một hoặc hai mùa.
Trong những năm gần đây, giới chức bóng đá đã cố gắng loại bỏ những kẻ tốn thời gian này. Giờ đây, các CLB bắt đầu quen với việc hỏi những ông chủ tiềm năng về việc họ sẽ hỗ trợ kinh phí của CLB như thế nào trong vòng 2 mùa. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều điều ngăn trở một ông chủ tiêu số tiền khổng lồ của họ vào đội bóng của mình.
"Đừng có nghĩ là vung tiền ra là xong," Christian Nourry, nhà quản lý ở Retexo Intelligence, một công ty chuyên về phân tích dữ liệu cho các nhà đầu tư tìm kiếm CLB tiềm năng mà không lo ngại mất vốn.
"Chỉ mua khi anh có đủ tiền đầu tư nhé. Đừng bao giờ mua khi anh nghĩ rằng mình có thể."
Kể cả khi có được số tiền cần thiết để đầu tư, các khoản chi trả sẽ luôn khiến bạn phải tốn nhiều tiền hơn bạn nghĩ.
"Chúng tôi luôn tư vấn với khách hàng rằng họ nên cổ phần hóa sâu rộng hơn thương vụ của mình," Horowitz chia sẻ. "Bởi lẽ, nếu bạn bắt đầu thương vụ khi có rất ít tiền trong tay, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận ảnh hưởng của thương vụ này lên mình về sau này."
Xác định rõ ai là chủ cuộc chơi
Một cách khác vẫn được nhiều người sử dụng để tránh trường hợp phải đầu tư quá nhiều vào một đội bóng đó là tập hợp thành một nhóm đầu tư.
Thương vụ mua lại Chelsea gần đây là một thương vụ như thế, một ví dụ khác đó là Fenway Sports, tập đoàn đã và đang đầu tư vào Liverpool kể từ năm 2010.
Nếu đây là cách chúng ta muốn làm, sẽ tốt hơn nếu chúng ta chiêu mộ đầy đủ nhà đầu tư trước khi bắt đầu bước vào bàn đàm phán, nhưng quan trọng nhất vẫn là thống nhất với nhau xem ai sẽ làm chủ cuộc chơi. Trong vụ mua lại Chelsea, có ít nhất một nhóm đầu tư vẫn đang tìm kiếm thủ lĩnh sau khi thủ tục mua bán đã bắt đầu được tiến thành, thậm chí một nhóm đầu tư phải bỏ cuộc vì các nhân vật chủ chốt vẫn chưa thống nhất được với nhau.
"Đừng có tiếp cận một CLB rồi nói với họ rằng bạn là nhóm đầu tư nếu chưa tìm ra một thủ lĩnh cho nhóm đầu tư đó," Nourry cho biết.
"Nếu bạn là một phần của một nhóm đầu tư, tốt nhất chỉ nên có 1 người lên tiếng. Việc có quá nhiều người lên tiếng trong thương vụ này có thể khiến những ông chủ hiện tại nghi ngại về tính an toàn và khả dụng của bạn."
Kroenke của Arsenal |
Không"tọc mạch" với đám nhà báo
Có một điều mà tất cả các bên được The Athletic phỏng vấn đều đồng ý, đó là: đừng "tọc mạch" với đám nhà báo.
Rõ ràng, họ không có ý đó (ít ra là chúng tôi nghĩ vậy). Bởi lẽ, họ đã chia sẻ với chúng tôi rất nhiều rồi mà ! Nhưng họ vẫn cho rằng việc chia sẻ với cánh truyền thông, hoặc nhà báo, thông qua mạng xã hội trước khi thương vụ được "chốt" thực sự là một tối kiến.
Một số thì cho rằng phỏng vấn một hai câu cũng không sao nếu vòng đàm phán với các ông chủ đã bắt đầu, một số khác thì nói: "Chỉ chia sẻ với những nhà báo anh cho là "tốt" về việc mình làm", nhưng tất cả đều cho rằng các thương vụ tiếp quản nên diễn ra trong yên lặng như thương vụ mua lại Walsall của tập đoàn Trivela, một thương vụ mà người ta chỉ biết tới sau khi nó đã gần như hoàn thành.
Luôn luôn lắng nghe, không nên phát biểu.
Vẫn có những trường hợp lao thẳng vào một CLB, nhanh chóng nhận ra những điểm sai của CLB rồi dọn dẹp nó một cách nhanh chóng những vấn đề đó, nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ.
"Đừng bao giờ mua lại một CLB nếu anh không biết rõ BLĐ hay chưa ngồi xuống lắng nghe những người thông hiểu văn hóa của CLB đó," Pritchard chia sẻ. "Hãy lắng nghe những thông tin xung quanh CLB đó và chắt lọc ra."
"Điều này chưa bao giờ được thực hiện một cách nghiêm túc, nhưng bạn không thể thay đổi cái lối tư duy này một sớm một chiều. Quan trọng nhất đó là bạn phải biết rõ những người hâm mộ của CLB đó."
Nourry cũng đồng ý với điều đó.
"Đừng ba hoa về việc anh giỏi thế nào trong một cuộc họp," ông chia sẻ. "Các ông chủ muốn thấy và muốn nghe việc anh tốt như thế nào, nhưng anh chỉ làm được việc khi lắng nghe họ. Bởi lẽ, họ chỉ bán lại CLB cho anh nếu họ cảm thấy anh hiểu họ."
Một nguồn tin khác cũng đồng ý với Nourry, nhưng chỉ ở một vài quan điểm.
"Anh phải hiểu rõ ý định của người bán," một người môi giới đã từng giúp đỡ một vài nhà đầu tư mua lại các CLB Châu u trong thời gian gần đây chia sẻ.
"Một vài người bán thực sự quan tâm ông chủ tiếp theo của CLB là ai, với họ, tiền không phải thứ yếu. Nhưng một vài trường hợp khác, tiền mới là thứ yếu chứ không phải người mua lại CLB đó là ai. Khi đó, mọi thứ có thể trở nên tệ hơn.
Ông chủ mới của Newcastle |
Tôn trọng văn hóa
"Đừng có nói với mấy ông chủ cũ rằng họ đã làm sai mọi thứ, rằng anh sẽ cách mạng hóa mọi thứ," Nourry chia sẻ. "Anh có thể nghĩ như thế, nhưng đừng có nói ra như thế."
Tuy nhiên, sự lịch thiệp đó còn vươn xa hơn thế.
"Nếu CLB đó ở nước ngoài, hay đảm bảo rằng anh biết rõ văn hóa cũng như những vấn đề nhạy cảm xung quanh văn hóa đó," ông thêm vào. "Nếu anh không muốn học ngôn ngữ của họ, tốt nhất là kiếm một tay thông dịch viên tốt. Đừng có cho rằng ai cũng nói tiếng Anh tốt như anh."
Nhưng kể cả khi ai cũng nói tiếng Anh, đừng có bao giờ nghĩ rằng người ta ai cũng giống như bạn.
"Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng sở hữu một CLB Châu Âu khác hoàn toàn với một sở hữu một CLB ở Mỹ," Horowitz, người từng giúp mua lại Liverpool, Portsmouth, Dagenham & Redbridge, Wrexham cùng nhiều CLB khác, chia sẻ.
"Ở Châu Âu, anh chỉ là người giám hộ một CLB cho NHM của CLB đó trong một khoảng thời gian, sau đó anh có thể nhường lại vị trí đó cho một ai khác tốt hơn. Thực tế, NHM mới là người sở hữu thực sự, vì vậy, ai không hiểu rõ điều này sẽ gặp rất nhiều khó khăn đấy."
Thực sự không khó để tìm ra một ví dụ về việc các ông chủ tới từ Mỹ phạm phải một vài sai lầm tới từ những khác biệt giữa các nước, từ việc giá vé tăng, cho đến các khoản lỗ tới từ đại dịch hay việc NHM Châu Âu phản đối mô hình Siêu Giải đấu như của Mỹ.
"Hãy chắc chắn rằng bạn biết rõ NHM cũng như cộng đồng của mình," Watkins, người giúp cứu vớt CLB Bournemouth khỏi phá sản bằng một quỹ đầu tư của NHM 25 năm trước, chia sẻ. "Một số nhà đầu tư không quan tâm tới việc NHM nghĩ gì mà chỉ làm theo ý thích mà thôi."
Dịch từ bài viết của Matt Slater cho trang The Athletic.