10 cầu thủ trẻ đã chết cháy trong vụ hỏa hoạn tàn khốc năm ngoái tại trung tâm huấn luyện của Flamengo. Một năm trôi qua, CLB và các gia đình vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về việc bồi thường thiệt hại.
10 cầu thủ trẻ đã chết cháy trong vụ hỏa hoạn tàn khốc năm ngoái tại trung tâm huấn luyện của Flamengo. Một năm trôi qua, CLB và các gia đình vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung về việc bồi thường thiệt hại.
Simone Souza đứng bên ngoài sân tập của Flamengo, hy vọng được phép vào đó. Cô chỉ muốn đi vào bãi đậu xe, thắp một ngọn nến và cầu nguyện cho người cháu trai Jorge Eduardo. Ngày 08/02/2019, cậu bé 15 tuổi cùng với 9 người bạn đã chết trong trận hỏa hoạn thiêu rụi ký túc xá mà CLB dựng tạm lên để làm chỗ ngủ cho những đứa trẻ.
Trong ngày kỷ niệm vụ cháy, các cầu thủ và nhân viên trên dưới Flamengo dành thời gian nói lên những cảm nghĩ tuyệt vời dành cho 10 nạn nhân xấu số. Simone cũng muốn làm điều tương tự nhưng bị từ chối. Cô và người thân của những nạn nhân khác bị đuổi sang bên kia đường, buộc họ phải quỳ xuống để cầu nguyện. Quyết định nhẫn tâm - “sỉ nhục” như từ ngữ Souza dùng – khiến chỉ trích bùng lên khắp Brazil. Nó là minh chứng cho việc Flamengo đã ứng xử tồi tệ đến thế nào sau thảm kịch.
Vụ cháy cướp đi sinh mạng và ước mơ của Christian Esmerio, Joerg Eduardo, Athila Paixao, Rykelmo Vianna, Arthur Vinicius de Barros Silva Freitas, Bernardo Pisetta, Samuel Thomas Rosa, Pablo Henrique, Victor Isaias và Gedson Santos – tất cả đều nằm trong độ tuổi 14 đến 16. Chỉ có 3 gia đình đạt được thỏa thuận đền bù với Flamengo. Không một ai chịu trách nhiệm cụ thể trước tòa về vụ hỏa hoạn thương tâm trước tòa án. Trong khi đó, cùng thời gian CLB gặt hái những thành công chưa từng có: vô địch Brazil, vô địch Copa Libertadores, vào chung kết Club World Cup so tài với Liverpool và báo cáo tài chính tốt nhất trong lịch sử CLB.
Flamengo từ lâu đã được cảnh báo về độ an toàn của ký túc xá dựng tạm. Các container cũ tái sử dụng đặt san sát nhau, đồng nghĩa với cửa sổ bị chặn lại, chỉ còn một một lối thoát duy nhất nếu xảy ra hỏa hoạn. Địa điểm của khu ký túc xá chỉ được cấp phép để làm bãi đỗ xe. Và thực tế nơi lưu trú này đã bị nhà chức trách phạt tới 31 lần vì thiếu chứng nhận an toàn. Vụ cháy bắt đầu khi một cục mát bị chập mạch và lan nhanh chóng thông qua các miếng cách nhiệt dùng trong xây dựng, thêu chết 10 trong 26 đứa trẻ có mặt lúc đó.
“Chúng tôi chỉ còn tìm thấy thi thể bên trong” – một lính cứu hỏa cho biết. Mọi thứ đã bị lửa thêu rụi hoàn toàn.
Các công tố viên Rio de Janeiro đề nghị thương lượng ngoài tòa án, gợi ý Flamengo phải thanh toán tại chỗ 2 triệu reais Brazil cho mỗi gia đình (tương đương 355 nghìn bảng Anh) và chu cấp 10 nghìn reais (khoảng 1.750 bảng Anh) mỗi tháng cho đến ngày các nạn nhân bước sang tuổi 45. Con số này chỉ là muỗi so với khoản tiền Flamengo kiếm được trong năm 2019: 857 triệu reais (152 triệu bảng) – số tiền lớn nhất mà một CLB Brazil từng kiếm được trong một năm. Trong 18 tháng gần nhất, CLB cũng đã chi 200 triệu reais (36 triệu bảng) cho việc chuyển nhượng cầu thủ.
Tuy nhiên thay vì trả tiền, chủ tịch CLB Rodolfo Landim và các cộng sự xem xét phần đời còn lại của các nạn nhân không đáng giá như con số trên. Họ đề nghị mức trả trước 400 nghìn reais (71 nghìn bảng Anh) và chu cấp trong 10 năm mức lương tối thiểu một tháng ở Brazil, 988 reais, và đã bị từ chối ngay lập tức.
3 trong số 10 gia đình đạt thỏa thuận với CLB, đồng ý ký vào mức phạt 500 nghìn reais nếu phá vỡ thỏa thuận, nhưng 7 gia đình còn lại vẫn tham gia vào trận chiến pháp lý đau đớn kéo dài. Hồi tháng mười hai, một phiên tòa ở Rio đã buộc Flamengo phải chu cấp 10 nghìn reais mỗi tháng cho mỗi gia đình đến khi vụ kiện được giải quyết. CLB đang chấp hành bản án đó, nhưng việc họ ngay lập tức kháng cáo cho thấy CLB không phục.
Khi vụ hỏa hoạn xảy ra, Landim tuyên bố rằng: “không thể nghi ngờ gì nữa, đây là thảm kịch kinh khủng nhất mà CLB này từng gánh chịu” và “điều tối quan trọng hiện nay làm giảm bớt sự thống khổ của những gia đình mất con”. Tuy nhiên, ông đã tránh mặt trong các cuộc phỏng vấn hồi năm ngoái và biến mất trong phiên điều trần đầu tháng hai, một phần của cuộc điều tra về vụ hỏa hoạn.
Đáng nói, ông hướng sự chỉ trích đến những gia đình nạn nhân vì đã đến sân tập vào ngày kỷ niệm vụ cháy. “Tại sao họ lại đến mà không thông báo trước cho CLB chứ?”. Ông cũng cáo buộc những gia đình này "cố tình tạo ra ồn ào để thu hút sự chú ý của truyền thông". Và trong khi gia đình nạn nhân phải cầu nguyện bên vệ đường, Landim chủ trì buổi lễ tưởng niệm bên trong CLB.
Một ngày sau đó, Flamengo đánh bại Madureira tại Maracana trong bầu không khí lẫn lộn giữa cảm xúc tưởng nhớ đến các nạn nhân và phản đối nhắm tới hành xử không của BLĐ. Sau trận đấu, Landim tuyên bố về khoản bồi thường trên truyền hình:
“Flamengo không thể chấp nhận những đề nghị vô lý”.
Flamengo, nơi coi mình là CLB của nhân dân và tự hào với lượng cổ động viên đông nhất Brazil, đã bị cả đất nước lên án. Phóng viên bóng đá Pedro Ivo Almeida, viết trên UOL Esporte, cáo buộc CLB đã hành xử với các gia đình như kẻ thù. Carlos Eduardo Mansur viết cho O Globo với giọng điệu tương tự: "Flamengo lẽ ra đã phải giải quyết xong vấn đề về đền bù và cần nỗ lực hơn để xóa bỏ cảm giác họ đang hướng tới một cuộc tranh chấp vụn vặt. Nhưng đây không còn là chuyện của tiền nong. Đây là lời cảnh báo được đưa ra, bởi hàng triệu người nuôi sống giấc mơ mà Flamengo đang bán, rằng tuyệt đối không nên đàm phán về giá trị mạng sống của con người, hoàn toàn có thể vượt qua khuôn phép bình thường để tỏ bày sự đồng cảm”.
Khi CLB thể hiện kỷ niệm thảm kịch trên Twitter, một cổ động viên đã phê phán: “hãy đối xử với các gia đình bằng sự nhân đạo, tôn trọng, quan tâm và nồng hậu". Một người khác viết: “chúng tôi muốn có công lý”.
Fausto Silva, một trong những người dẫn chương trình nổi tiếng nhất ở Brazil hiện tại, chỉ trích đích danh Flamengo trong talkshow riêng mỗi tối chủ nhật: “Hành vi của BLĐ Flamengo trong vụ hỏa hoạn thật không thể chấp nhận, hoàn toàn trái đạo lý. Vấn đề không phải là tiền. Con số to cỡ nào thì những đứa trẻ cũng không thể trở lại được. Vấn đề ở đây là đạo đức, sự cảm thông, và chút nhân tính”.
Đáp lại Silva, Flamengo đưa tuyên bố rằng người dẫn chương trình này “thiếu hiểu biết về vụ án”. Tuyên bố của họ nêu ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ sau vụ việc, bao gồm khoản thanh toán 10 nghìn reais cho gia đình. Và "đề nghị bồi thường là lớn hơn nhiều so với những án lệ tương tự ở Brazil”.
Gia đình của ba nạn nhân – Jorge Eduardo, Christian Esmerio và Pablo Henrique – đã đáp lại thông qua luật sư, rằng Flamengo đang cố tình bóp méo sự thật. Tòa án Brazil chưa từng có phán quyết nào tương tự với vụ hỏa hoạn năm ngoái, xét mức độ thiệt hại về con người. “Như mọi báo cáo đều chứng minh, chưa từng có vụ việc nào trong lịch sử có mức độ tương đồng với thảm kịch lần này”. Họ cũng chỉ ra khoản tiền 10 nghìn rea là “do quyết định của tòa án chứ CLB không hề tự nguyện”.
Họ vẫn đi tìm công lý cho những mảnh đời bị đánh mất.
Theo Joshua Law | The Guardian