Michael Owen và vầng hào quang bị đánh cắp

Tác giả Teddy - Thứ Bảy 13/08/2016 14:12(GMT+7)

Zalo
Michael Owen bước ra khỏi sân vận động Anfield sau một lễ chia tay lặng lẽ để đáp chuyến bay sang Madrid. Một chương mới trong sự nghiệp của chàng tiền đạo tài năng được mở ra; anh hướng về phía trước để đến với màu áo trắng hoa lệ, với Santiago Bernabeu của những danh hiệu, của những ánh hào quang. Những gì mà thần đồng của bóng đá Anh bỏ lại sau lưng là tấm bảng đề khẩu hiệu của đội bóng cũ Liverpool: “You will never walk alone”. 13/8/2004, anh sang Real Madrid. Một mình. Và chữ “đội bóng cũ Liverpool” nghe thật chua chát và cay đắng.
 
Michael Owen va Liverpool Tu Qua bong vang 2001 toi bi kich su nghiep hinh anh
Michael Owen - Thần đồng với vầng hào quang bị đánh cắp
Phút 72 trận Chung kết FA Cup năm 2001, Freddie Ljungberg mở điểm cho Arsenal. Liverpool điên cuồng dồn lên tấn công (thực sự là rất điên cuồng), và bóng đương nhiên được dồn cho một chân sút 22 tuổi. Phút 83, Owen ngả người volley găm bóng thẳng vào góc dưới tay phải David Seaman. 5 phút sau, nhận đường chuyền dài của đồng đội, số 10 loại bỏ một hậu vệ trước khi dùng chân không thuận đặt lòng vào góc xa. Bóng đi vào lưới không quá nhanh, đủ để các CĐV của The Kop trên sân Wembley cảm nhận thấy tim mình đứng lại một nhịp trước khi vỡ òa không kiểm soát trong cái khoảnh khắc vài giây tuyệt diệu ấy. Santo một vòng, Owen giơ đôi cánh tay ăn mừng trước mặt hàng vạn Liverpudlian vừa được chứng kiến cảnh tượng đội bóng con cưng biến điều không thể thành có thể. Một Wembley đang căng như dây đàn bỗng bùng nổ, Robbie Fowler và Patrick Berger chạy lại phía Owen mà ôm ghì lấy người đã hiện thực hóa những nỗ lực không mệt mỏi của họ trước đó. FA Cup đây rồi, Liverpool làm được rồi!
 
Và còn biết bao nhiêu khoảnh khắc như thế. Cú ngả người móc bóng sống vào góc chết khung thành Benfica. Màn solo giữa trùng vây hậu vệ Newcastle, ghi bàn rồi xoa tay ăn mừng, với camera chiếu cận vào gương mặt hân hoan vẫn còn búng ra sữa. Loại bỏ 5 người của West Ham trước khi thực hiện cú chích mũi giày quen thuộc. Tất cả đều chỉ còn là quá khứ.
 
THẦN ĐỒNG VÀ NHỮNG VINH QUANG LẨN TRÁNH
 
Những người yêu Michael Owen phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Kể cả ở hiện tại hay tương lai, Steven Gerrard mới là cái tên được người ta tri ân như huyền thoại sân Anfield. Hình ảnh đó khác xa với những gì diễn ra trong quá khứ, khi số 18 của Owen làm lu mờ số 17 của người đồng đội và đánh cắp bao trái tim của người hâm mộ. Những điểm sáng trong sự nghiệp của Owen, nói cho công bằng, đến theo một tần suất cực kì lắt nhắt; và khi những thời điểm ấy trôi qua thì rất ít được người ta nhắc lại. ĐT Anh đã thua ĐT Argentina ngay trong trận đấu chàng trai 19 tuổi khiến cả thế giới kinh ngạc bằng màn solo cực đỉnh từ giữa sân, nâng tỉ số lên 2-1. Khi nói về trận đấu ấy, “the wonderful goal” của Owen cũng chỉ gây chú ý tương đương với thẻ đỏ của chàng lãng tử tóc vàng Beckham sau tình huống anh bị Diego Simeone khiêu khích…
 
Đêm Istanbul huyền diệu chắc chưa ai quên. Milan dẫn trước Liverpool 3-0, bị lội ngược dòng và thua trên chấm 11 mét. Rafael  Benitez cách thời điểm đó 1 năm còn bị coi là tội đồ vì đã dám bán đi thần đồng đã gắn bó với nửa đỏ thành Merseyside; còn giờ ông là người hùng, là Vua đấu cúp.  Đội trưởng Gerrard giơ cao chiếc cúp Champions League trong niềm hân hoan, với những bông hoa giấy màu vàng được bắn lên rợp cả một vùng trời. Những người không yêu Owen thì chỉ thấy đó là một trận đấu phi thường, một hình ảnh phi thường và những trái tim vô cùng quả cảm khoác lên mình chiếc áo đỏ. Ở chiều ngược lại, những fan của chàng tiền đạo đang bị vứt bỏ trên ghế dự bị tại Bernabeu hình dung ra tâm trạng nửa vui nửa buồn của anh, với trái tim chia thành một ngăn màu trắng và một ngăn màu đỏ. Mùa đó, Real Madrid bị Juventus loại ở vòng 16 đội.
 
Michael Owen hinh anh 2
Khoảnh khắc giết chết một thiên tài
Có thể nói rằng số phận đã không công bằng với Owen, và anh chưa bao giờ được đối xử tử tế với tầm vóc mà mình có. Mùa 2004/05, Owen là chân sút có hiệu suất ghi bàn tốt nhất tập thể Kền kền trắng, dù vị trí thường xuyên của anh là dự bị cho Raul và Ronaldo. 13 bàn trong cả mùa, trong đó có chuỗi 5 bàn trong 6 trận, bắt đầu từ tháng 11/2004 và cú sút cận thành kết liễu Barcelona vào ngày 10/4/2005. Kết quả là anh vẫn bị bán và để lại số 11 cho… Cicinho, một hậu vệ biên, ở mùa bóng sau đó. Còn rất ít người nhớ Michael Owen chính là người Anh cuối cùng, tính cho tới thời điểm này, giành được Quả bóng Vàng châu Âu (Trớ trêu thay, cũng chính vì danh hiệu cao quý năm 2001 đó mà Owen không được lòng các Madridista, bởi họ cho rằng nó xứng đáng thuộc về Guti). Số 7 của Manchester United làm Old Trafford vỡ sân với bàn thắng ở phút 97 trong trận derby có thời gian bù giờ chính thức là 4 phút tại Premier League vào năm 2009, rồi sau đó vẫn bị coi là vô tích sự và là bản hợp đồng tốn cơm gạo của Sir Alex Ferguson.
 
Tuy nhiên, những người ủng hộ Owen cũng không vô lý khi có phần nào đó trách anh. Giá như mà anh bền chí, quyết tâm hơn một chút nữa thôi, biết đâu vết rách ở dây chằng chéo trước đã không khiến anh phải rời khỏi đỉnh cao của mình nhanh như thế. Họ muốn thấy một sự nghiệp trọn vẹn hơn thế, thay vì những nỗ lực trong vô vọng sau màn khởi đầu trong mơ…
 
MỘT BẢN LĨNH ĐÁNG HỌC HỎI
 
Những gì được đề cập đến ở trên chỉ là bề nổi của vấn đề. Bên trong con người Owen là một ý chí và bản lĩnh phi thường. Chấn thương đầu gối của anh thuộc loại không thể chữa, nhưng số 10 vẫn thi đấu đến tuổi 33. Thế giới bóng đá đã chứng kiến rất nhiều những trường hợp như Owen và không thể đứng dậy nổi, chứ đừng nói đến đá bóng. Wayne Harrison treo giày khi bước sang tuổi 23, gần đây hơn thì có Michael Johnson, Owen Hargreaves hay thậm chí là Jack Wilshere, người đã không thể đáp ứng được kì vọng dù đã từng được coi là thần đồng. 
 
Michael Owen hinh anh 3
Niềm vui của Owen sau bàn thắng khó tin vào lưới Man City
Lại nói về thời Owen kiên cường chắt chiu từng giây khoác áo Newcastle và Man Utd. Những nỗ lực của anh được đền đáp bằng những lời miệt thị của chính các Liverpudlian mỗi khi về thăm sân Anfield, một vài chiếc chai lọ rỗng và một cái đầu heo mang về để nấu cháo. Rời Newcastle sau 4 năm đeo băng đội trưởng, “Judas” Owen nhận về từ “khốn kiếp” trên mặt báo với một đôi lời so sánh rất độc miệng. Một cô gái điếm đứng đường sẵn sàng ngồi lên xe bất kì ai trả giá 50 bảng và một gã ăn mày chìa tay xin ân huệ, đó là những gì người ta dùng để ví với một Owen đang bị toàn bộ các đại gia quay lưng và bươn bả để cứu lấy chính mình. Gặp phải tình cảnh như thế, thử hỏi có mấy ai dám nhận lời về MU cùng Sir Alex và nỗ lực tập luyện đầy chuyên nghiệp, một mình đối mặt với giới truyền thông?
 
Không sang Trung Đông dưỡng già, từ chối về Wolverhampton để thành cầu thủ đắt giá nhất, không một lời trách móc khi phải ngồi dự bị và sẵn sàng đá trận nào ăn lương trận đó, Owen vẫn luôn ném mình vào những thử thách khó khăn nhất. Thậm chí trong cơn bĩ cực, thần đồng một thời hoàn toàn có thể lựa chọn từ bỏ bóng đá và quay về với một đống các nhà hàng, trường đua hay khách sạn, những dự án kinh doanh đã biến anh thành một trong những cầu thủ giàu nhất nước Anh. Nhưng anh không làm thế. No đủ rồi, Owen muốn được sống với đam mê của mình dù cho số phận đã đẩy anh vào góc tường mà không có lấy một đường lui. Tình yêu với trái bóng của Owen lớn đến mức anh quyết định trở thành một bình luận viên sau khi giải nghệ, ở nơi cabin mà chính tại đó, không ít kẻ từng ngồi vắt chân chữ ngũ, dè bỉu mỗi khi anh sút hỏng hay vụng về để quả bóng văng ra cả mét sau một đường chuyền hơi mạnh của đồng đội.
 
VÀ ANH VẪN ĐƯỢC GHI NHẬN NHƯ THẾ
 
Chỉ đá cho đội một Liverpool 6 năm, Owen vẫn nằm trong top 10 chân sút vĩ đại nhất mọi thời đại của The Kop. 10 năm khoác áo tuyển Anh, số trận của chàng tiền đạo sinh năm 1979 kém Wayne Rooney  hay Gary Lineker nhiều, nhưng anh vẫn đứng thứ 5 trong số những người ghi bàn nhiều nhất. Trong căn phòng riêng trưng bày những kỉ vật bóng đá của Owen, người ta vẫn thấy danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất Premier League 1998, cú ăn ba UEFA Cup, FA Cup và Siêu cúp Anh năm 2001. Và trên tất cả là danh hiệu QBV châu Âu cùng năm đó. 
 
Michael Owen hinh anh 4
Đây vẫn sẽ là khoảnh khắc khiến bóng đá Anh tự hào vơi thế giới
Những ánh vàng lung linh trên những danh hiệu cá nhân hay tập thể cũng như các con số đã nói lên rằng Owen chẳng có một sự nghiệp đáng quên đến thế. Người hâm mộ anh vẫn để trong bộ não của mình một đoạn phim quay nhanh những lần anh bứt tốc và chích mũi giày về góc xa, thi thoảng là những pha móc bóng ngẫu hứng, hay hình bóng nhỏ con bỗng nhiên từ đâu xuất hiện trong trùng vây và nhanh chân sút bóng trong sự ngỡ ngàng của tất cả. Hình ảnh cậu chàng Michael Owen mặc chiếc áo đỏ còn rộng thùng thình của Liverpool và sơ vin chỉnh tề thời trẻ sẽ tạm thay thế cho kí ức về chiếc áo số 11 xa hoa mà bạc bẽo trong những ngày anh được tri ân. Sự tri ân là thứ mà Owen xứng đáng có.
 
Đâu đó, thỉnh thoảng người ta nhớ đến Owen và thở dài, trong bối cảnh những ngày mà anh xứng đáng được đối xử cho đúng mực đã trôi đi đâu đó quá xa xôi. 
 
Họ tiếc cho anh. Tiếc cho một người con của Liverpool cũng có những lúc phải “walk alone”. Tiếc cho một vầng hào quang bị số phận đánh cắp.

► Xem thêm thông tin giải bóng đá Ngoại hạng Anh và lịch bóng đá Anh mới nhất.
 
TEDDY (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Bùng nổ và tiết chế cảm xúc - Arsenal đã thắng Man City như thế nào?

Đồng hồ trên sân điểm phút 85 khi trái bóng lăn ra ngoài đường biên gần khu vực đứng của HLV Mikel Arteta. Khi chuẩn bị tiến đến và đưa ra lời chỉ dẫn cho các học trò, chiến lược gia người Tây Ban Nha bất chợt quay mặt về phía khán đài và vung tay ra dấu cho đám đông cổ vũ nhiệt tình hơn. Sự khấn khích và năng lượng, đây chính là lúc để truyền tải chúng.

X
top-arrow