Euro 1960: Giấc mơ ba thập kỷ vì một châu Âu tái thống nhất

Tác giả Trên đường Pitch - Thứ Tư 09/06/2021 10:45(GMT+7)

Zalo

Năm 1960 đánh dấu kỳ Euro đầu tiên trong lịch sử với chức vô địch thuộc về Liên Xô. Một giải đấu sơ khai, thiếu sót hay như nhuốm màu yếu tố chính trị và quyền lực, song đồng thời cũng rất đáng nhớ và đong đầy ý nghĩa theo cách riêng của nó.

Euro 1960: Giấc mơ ba thập kỷ vì một Châu Âu tái thống nhất
Trận chung kết Euro 1960 giữ Liên Xô và Nam Tư. Ảnh: Football Makes History

Năm 1960, với những căng thẳng leo thang trong Chiến tranh Lạnh – đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và việc xây dựng bức tường Berlin, các chính trị gia nỗ lực hết sức để hàn gắn một Châu Âu bị chia rẽ. Sau cùng, đây cũng là nơi khởi nguồn và bị tàn phá nặng nề nhất bởi hai cuộc chiến tranh thế giới.
 
Chứng kiến thực trạng khốc liệt của đất nước sau hai cuộc thế chiến, người Pháp tỏ ra tích cực nhất và đem đến khá nhiều ý tưởng cho việc tái thống nhất lục địa già. Không quá bất ngờ, họ nhìn nhận bóng đá được chính là cầu nối, là phương tiện thiết thực hơn cả để mang Châu Âu lại với nhau thời bấy giờ.
 
Từ ba thập kỷ trước đó khi Jules Rimet, Chủ tịch của cả Liên đoàn bóng đá Pháp và FIFA, sáng lập nên kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức ở Uruguay, một số quan chức và nhà báo thể thao đồng hương của ông cũng đã ủng hộ khai sinh ra một giải đấu quốc tế cấp đội tuyển quốc gia với thể thức tương tự, nhưng tất nhiên chỉ ở quy mô trong lòng Châu Âu. Có thể nói Henri Delaunay chính là cha đẻ của Euro. Ông giữ chức tổng thư ký UEFA và trước đó là một trọng tài kỳ cựu, nhưng buộc phải giải nghệ sớm vì một tai nạn nguy hiểm đến độ rùng rợn trên sân cỏ. Trong một trận đấu do mình điều hành, ông đã bị bóng bay trúng mặt và gãy hai răng cửa, cũng như… nuốt chửng luôn chiếc còi trên miệng. 
 
Delaunay là người đầu tiên đề xuất về giải đấu tiền thân của Euro vào năm 1927. Tuy nhiên phải tận 27 năm sau, 1954 – thời điểm UEFA chính thức được thành lập, ý tưởng này mới được cân nhắc một cách nghiêm túc. Cuối cùng, giải đấu được khởi tranh từ vòng sơ loại vào 1958, ba năm sau khi Delaunay qua đời, đồng thời mang tên ông để tưởng nhớ và ghi công.
 
Song, không phải quốc gia nào cũng mặn mà với kỳ Euro đầu tiên sơ khai này, chủ yếu bởi vì vẫn còn ưu tiên tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh. Giải đấu thiếu vắng gần 2/3 các nước Châu Âu, kể cả một số cường quốc bóng đá như Anh hay Tây Đức và Italy – hai đội tuyển đã vô địch thế giới – cũng không vội vàng và từ chối góp mặt. 
 
Tổng cộng 17 đội tuyển quốc gia đăng ký tham dự ở kỳ Euro 1960 từ vòng sơ loại, bao gồm: Ireland, Tiệp Khắc, Liên Xô, Hungary, Pháp, Hy Lạp, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ, Na Uy, Áo, Nam Tư, Bulgaria, Đông Đức, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Tây Ban Nha và Đan Mạch. Cho đến trước vòng bán kết được tổ chức tập trung tại Pháp theo thể thức một trận đấu loại trực tiếp, giải đấu diễn ra với hai lượt đi về và các đội tuyển bắt cặp đá sân nhà sân khách với nhau.
 
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh và mọi thứ đều có thể được tận dụng làm công cụ tuyên truyền chính trị, Liên Xô thể hiện rõ thái độ nghiêm túc và tham vọng của mình ở Euro 1960. Hơn 100.000 cổ động viên đã tới sân theo dõi đội nhà ngay trận đấu đầu tiên, khi Liên Xô đánh bại Hungary ở Moscow và thắng chung cuộc với tỷ số 4-1.
 
Pháp, đội tuyển vừa mới trải qua một kỳ World Cup 1958 ở Thụy Điển quá đỗi ấn tượng với tấm huy chương đồng, dễ dàng vùi dập Hy Lạp đến 8-2 trong ngày ra quân ở thủ đô Paris, với màn tỏa sáng của cặp đôi huyền thoại Just Fontaine và Raymond Kopa. Cùng với Liên Xô và Tây Ban Nha, đây là ba ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch.
 
Liên Xô chinh chiến với phân nửa đội hình đã từng giành tấm huy chương vàng Olympic 1956 ở Australia, cũng như vẫn dưới sự dẫn dắt của HLV lão làng Gavriil Kachalin. Bên cạnh thực lực được đánh giá cao, “Hồng quân” còn được thần may mắn phù trợ trên hành trình lên đỉnh vinh quang của mình – bất chiến tự nhiên thành.

Euro 1960: Giấc mơ ba thập kỷ vì một Châu Âu tái thống nhất
Các thành viên đội tuyển Liên Xô tại Euro 1960, bao gồm cả HLV Gavriil Kachalin
 
Kết quả bốc thăm ở vòng tứ kết đưa Liên Xô đụng độ một đối thủ hùng mạnh khác là Tây Ban Nha. Tuy nhiên dưới chế độ độc tài cực hữu Franco, La Roja đã bị chính phủ hạ lệnh cấm tham dự cuộc đấu đáng chờ đợi này. Lý do vì trong quá khứ, Liên Xô đã từng can thiệp và chống lại phe Franco trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, cũng như màn trả đũa của Tây Ban Nha khi hỗ trợ quân đội Đức Quốc Xã tấn công lãnh thổ Liên bang Xô viết ở thế chiến thứ hai.
 
Alfonso de la Fuente Chaos, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha thời bấy giờ, cố gắng mọi cách để thuyết phục Franco thay đổi quyết định, thậm chí đề xuất giải pháp thi đấu trên sân trung lập, nhưng vô ích. Vậy là Tây Ban Nha, với dàn sao thượng hạng đương thời như Alfredo di Stefano, Paco Gento, Luis Suarez và Laszlo Kubala, hay nòng cốt của một Real Madrid thống trị tuyệt đối bóng đá Châu Âu với 5 chức vô địch C1 liên tiếp, buộc phải rời bỏ giải đấu trong cay đắng và nhường lại tấm vé bán kết cho Liên Xô.
 
Trong khi đó, người Pháp vẫn nhẹ nhàng thẳng tiến sau thêm một màn hủy diệt nữa trước Áo với tổng tỷ số 9-4. Hai tấm vé bán kết còn lại thuộc về Nam Tư và Tiệp Khắc, cũng với những chiến thắng tưng bừng lần lượt trước Bồ Đào Nha và Romania.
 
Những trận bán kết và chung kết, hay còn được coi là vòng chung kết chính thức của Euro 1960, được tổ chức tại Pháp. Tuy nhiên, đội chủ nhà không được kỳ vọng nhiều cho danh hiệu vô địch so với ba vị khách còn lại. Lúc này, họ đã không còn sự phục vụ của cả hai trụ cột Kopa và Fontaine, người thì dính chấn thương còn người… quyết định giải nghệ ngay trước thềm giải đấu trên quê hương.
 
Pháp gặp Nam Tư ở bán kết và cống hiến một cơn mưa bàn thắng cho giới mộ điệu. “Gà trống Gaulois” dẫn trước 4-2 sau hơn một giờ đồng hồ thi đấu, nhưng rồi bỗng chốc sụp đổ chóng vánh chỉ trong 5 phút khi để đối thủ chọc thủng lưới liên tiếp đến 3 lần. Lội ngược dòng ngoạn mục với tỷ số 5-4, Nam Tư bước vào trận đấu cuối cùng chạm trán Liên Xô, đội tuyển đã dễ dàng giành chiến thắng 3-0 trước Tiệp Khắc.
 
Trận chung kết được tổ chức trên sân Công viên các Hoàng tử tại thủ đô Paris vào tối ngày 10/7/1960. Đây cũng là một trận đấu hết sức đặc biệt, khi nó diễn ra giữa hai đội tuyển quốc gia giành huy chương vàng môn bóng đá nam ở hai kỳ Thế vận hội gần nhất thời điểm đó (Liên Xô – Olympic 1956 ở Australia và Tiệp Khắc – Olympic 1960 ở Italy).
 
Người Nam Tư mở tỷ số những phút cuối hiệp một với pha lập công của tiền đạo Milan Galic khoác áo Partizan Belgrade, nhưng Slava Metreveli thuộc biên chế Torpedo Moscow đã nhanh chóng gỡ hòa cho Liên Xô và đưa trận đấu trở về vạch xuất phát ngay đầu hiệp hai. Trận chung kết bước vào hiệp phụ và khi thời gian chỉ còn lại 7 phút trước hồi còi mãn cuộc (không sút luân lưu 11m mà phải đá lại), Viktor Ponedelnik trở thành người hùng dân tộc với cú đánh đầu tung lưới Nam Tư – bàn thắng quyết định đưa Liên Xô lên ngôi vô địch Châu Âu.

Euro 1960: Giấc mơ ba thập kỷ vì một Châu Âu tái thống nhất
Chức vô địch của Liên Xô
 
Qua màn hình TV đen trắng và đài phát thanh radio, người Liên Xô cả nước như thể phát điên. Sau này vài năm, Ponedelnik hồi tưởng lại: “Trận đấu diễn ra khi ở Liên Xô đã quá nửa đêm, nhưng người ta nói rằng không thể tìm thấy một ô cửa sổ tối đèn nào khắp mọi thành phố. Cả nước đều không ngủ, còn chúng tôi chỉ biết rơm rớm nước mắt khi được nghe kể lại.”
 
Chức vô địch Euro 1960 chính là chiến tích vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Liên Xô, cũng là bước ngoặt để từ đó sản sinh ra thế hệ huyền thoại như “nhện đen” Lev Yashin – thủ môn duy nhất tới giờ từng đoạt Quả Bóng Vàng, Igor Netto – người đội trưởng được ví như “trái tim và linh hồn của bóng đá Nga”, Mikheil Meskhi – “Garrincha vùng Georgia”, hay Valentin Ivanov – một trong những cây săn bàn xuất sắc nhất mọi thời đại.
 
Sau trận chung kết ở Paris, Santiago Bernabeu, Chủ tịch Real Madrid, quyết định phá két chuyển nhượng và đề nghị ký hợp đồng chiêu mộ… nửa đội hình tuyển Liên Xô vô địch Euro 1960 về CLB hoàng gia Tây Ban Nha. Tuy nhiên, kế hoạch điên rồ đó đã không bao giờ trở thành hiện thực bởi sự căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia.
 
Nhiều người hâm mộ cảm thấy tiếc nuối cho Liên Xô khi với dàn cầu thủ tài năng kiệt xuất qua các thế hệ của mình, họ cũng hoàn toàn có thể để lại dấu ấn sâu đậm hơn nhiều ở sân chơi World Cup. Mặc dù vậy, Liên Xô dường như chú trọng đầu tư và phát triển các bộ môn thể thao Olympic khác hơn là bóng đá. Ngoài ra, việc mỗi mùa giải ở Liên Xô không đồng bộ về thời gian với phần còn lại của Châu Âu do điều kiện khí hậu cũng được xem như bất lợi không nhỏ.
 
Thế nhưng bất chấp tất cả, Liên Xô vẫn đăng quang danh hiệu Euro 1960 và trở thành nhà vô địch Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử theo cách thuyết phục và xứng đáng nhất.
 
Hải Đường
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khi bóng đá ngày càng trở thành công cụ bất chấp để kiếm tiền

Premier League một lần nữa bỏ nghỉ đông, trong khi những giải đấu ở cấp độ CLB khác như Champions League hay FIFA Club World Cup cũng tăng số đội tham dự, đồng nghĩa với việc tăng số trận đấu. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ĐTQG. Sau tất cả, chỉ những cầu thủ là người chịu thiệt thòi!

Tại sao các đội bóng Premier League không mạnh tay ở phiên chợ hè 2024?

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng chuyển nhượng của các CLB Premier League 2024: Man United làm tốt nhất

Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 chứng kiến 20 CLB Premier League chi gần 2 tỷ bảng Anh để mua về hàng trăm con người có kỹ năng dứt điểm, đánh đầu hoặc bắt bóng. Một số đội mua sắm như thể ở Lotte Mall, một số đội đến chợ Phùng Khoang và có một CLB mua cầu thủ như chơi Football Manager ngoài đời thực (Chelsea).

Quả bóng Vàng 2024 sẽ thuộc về ai?

Rạng sáng hôm nay 5/9, tạp chí France Football đã công bố danh sách 30 ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng 2024. Lần đầu tiên sau 21 năm, cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều không có tên trong danh sách đề cử. Có thể nói, tuổi tác cộng với việc không còn chơi bóng ở lục địa già, khả năng để hai huyền thoại sống này trở lại danh sách kia gần như không còn nữa.

X
top-arrow