Cú lội ngược dòng vĩ đại của Barcelona dưới góc nhìn thống kê

Tác giả CG - Thứ Bảy 18/03/2017 01:18(GMT+7)

Zalo
Nou Camp như nổ tung. Một bàn thắng muộn là đủ để khiến bất kì cổ động viên nào có mặt tại đó vỡ òa. Vậy còn ba bàn thì sao? Đó là yêu cầu đối với Barcelona trong suốt 90 phút trận lượt về vòng knockout Champions League trước Paris Sanit-Germain ngày 8/3 vừa qua.
Cu loi nguoc dong vi dai cua Barcelona duoi goc nhin thong ke hinh anh
Cú lội ngược dòng vĩ đại của Barcelona dưới góc nhìn thống kê
Đội bóng xứ Catalan đã thất bại 0-4 ở lượt đi, một màn trình diễn thiếu sức sống trên sân Công viên Các hoàng tử ngày 14/2. Những hy vọng nhỏ nhoi lọt vào vòng tứ kết của Barça còn gặp trở ngại bởi luật bàn thắng sân khách: nếu tổng tỉ số sau hai lượt trận mà bằng nhau, đội ghi nhiều bàn thắng trên sân khách hơn sẽ giành quyền đi tiếp. Và sau khi đội chủ nhà vươn lên dẫn trước 3-0, Edinson Cavani - tiền đạo của Paris Saint-Germain - tung cú vô lê vào lưới Barcelona ở phút 63. Điều đó có nghĩa Barcelona có ghi được tổng cộng năm bàn họ cũng sẽ thất bại. Và nhiệm vụ lúc này là cần thêm ba bàn thắng trong vòng nửa giờ đồng hồ. Nhưng trong suốt 26 phút tiếp theo, họ không thể nào làm rung mảnh lưới đối thủ. 
 
Chỉ đến khi đồng hồ điểm sang phút thứ 88, một cơn mưa bàn thắng mới xuất hiện. Neymar mở đầu với cú đá phạt từ cự ly khoảng 27m vào góc cao khung thành. Hai phút sau, Luis Suarez - người đã từng bị thẻ vàng vì lỗi ăn vạ - ngã trong vòng cấm sau một tình huống cầu thủ đối phương chạm nhẹ vào anh và đem về một quả phạt đền. Neymar lại ghi bàn. Trận đấu có thêm năm phút bù giờ. Phút cuối cùng, Barcelona lại được hưởng một quả đá phạt nữa. Tất cả các cầu thủ Barça đều đã có mặt ở phần sân của PSG hòng tìm kiếm một bàn thắng ấn định tỉ số. Neymar lốp bóng vào vòng cấm địa và Sergi Roberto bất ngờ xuất hiện đệm vào lưới. Đồng hồ điểm 94:40. Thật sự điên rồ. Màn ăn mừng sau đó đích thực đã tạo ra một cơn địa chấn.
 
Vậy liệu chiến thắng 6-1 này có phải là màn “thoát hiểm” vĩ đại nhất trong lịch sử Champions League - giải đấu danh giá nhất châu Âu cấp câu lạc bộ - trong đó bao gồm cả 38 năm nó sống dưới cái tên European Cup? Câu trả lời phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa từ “vĩ đại nhất” là như thế nào. Cách đơn giản nhất là nhìn vào tỉ số mà đội bóng bị dẫn trước sau trận lượt đi. Xét trên tiêu chí này, thành tích của Barcelona thực sự xếp đầu: Mặc dù có tám câu lạc bộ trước đó đã từng lội ngược dòng sau khi bị dẫn ba bàn nhưng chưa có đội bóng nào lội ngược dòng cách biệt bốn bàn thua cả.
Cu loi nguoc dong vi dai cua Barcelona duoi goc nhin thong ke hinh anh 2
 Nguồn: ClubElo.com; RSSSF.com
Tuy nhiên, có người có thể cho rằng bảng xếp hạng đơn thuần này vừa quá nhẹ nhàng lại vừa quá “khắc nghiệt” với Barcelona. Mặt khác, nếu bạn định đặt cược vào bất cứ đội đội bóng nào có thể ghi ba bàn chỉ trong sáu phút, đó chỉ có thể là đội bóng sở hữu bộ ba Lionel Messi, Neymar và Suárez. Tổng cộng bộ ba ấy đã làm rung mảnh lưới đối thủ 335 lần trong ba mùa giải vừa qua. Mặc dù Paris Saint-Germain là một đội bóng đáng gờm (ClubElo.com - một website đánh giá các đội bóng dựa trên công thức Elo - xếp hạng họ đứng thứ sáu châu Âu trước trận lượt về) thì họ vẫn bị đánh giá thấp hơn về mặt lịch sử so với Barcelona vĩ đại. Trước khi trận đấu lượt đi diễn ra, ClubElo tính tỉ lệ đi tiếp của Barça là 75%. Điều này khiến họ trở thành đội bóng được yêu thích nhất trước trận đấu trong số tất cả ngoại trừ 1 trong 8 đội đã lội ngược dòng sau khi bị dẫn trước 3 bàn. Và ngay cả sau trận đấu ở Paris, thị trường cá cược vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng của Barcelona đến mức gán cho họ tỉ lệ cơ hội đảo ngược tình thế là 1/14.
 
Nhưng nếu lợi thế về tài năng của Barcelona làm cho thành tích của họ kém ấn tượng hơn thì thực tế là họ đã cố gắng biến nó trở thành một điều đặc biệt trong năm 2017. Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà bảy trong tám trận đấu ở bảng thống kê phía trên đến từ thời kì giải đấu còn có tên European Cup (trước năm 1992) khi mà những bàn thắng “dồi dào” hơn rất nhiều. Năm 1970, khi Panathinaikos gây bất ngờ trước Sao Đỏ Belgrade trong trận bán kết, trung bình khoảng 3,4 bàn thắng/trận được ghi - một tỉ lệ cao hơn gần 50% so với con số 2,3 bàn/trận ở vòng knockout Champions League mùa trước. 
 
Một lập luận nữa được đưa ra là ngay trong trận đấu, các cầu thủ Barça đã “hồi sinh” đến hai lần. Nhiều sự sa sút và “hồi sinh” nổi tiếng nhất của giải đấu này đều diễn ra ngay trong 90 phút của trận đấu chứ không phải là kéo dài sang hai lượt trận. Yếu tố sân nhà và sân khách là không thể có trong trận chung kết Champions League vì đó là trận đấu duy nhất được diễn ra trên sân trung lập. Làm thế nào mà chúng ta có thể so sánh cơn địa chấn trên sân Nou Camp với “Phép màu Istanbul” - trận chung kết năm 2005 - khi một Liverpool đã thua 0-3 trước giờ nghỉ giải lao lại có thể lội ngược dòng không tưởng để đánh bại AC Milan?
Cu loi nguoc dong vi dai cua Barcelona duoi goc nhin thong ke hinh anh 3
“Phép màu Istanbul” - trận chung kết năm 2005 
Để đánh giá một cách công bằng cho hai sự “hồi sinh” này, tôi đã lập nên một mô hình thống kê ước tính hai xác suất cho các trận đấu tại Champions League: thứ nhất, một đội thường có thể giành chiến thắng như thế nào với số bàn thắng ghi được trong trận lượt đi; thứ hai, tỷ lệ số bàn thắng hiện tại và khoảng thời gian trong trân lượt về (hoặc trận chung kết). Nó được áp dụng với tất cả các trận đấu trong lịch sử giải đấu, giải thích sức mạnh của các đội một cách tương đối (nơi mà dữ liệu có thể áp dụng) và tần suất ghi bàn trong bất cứ thời điểm nào.
 
Các kết quả đã xác nhận quan niệm thường thấy về sự “hồi sinh” của Liverpool và Barcelona gần như là rất hiếm (xem bảng bên dưới). Trong lịch sử Champions League chỉ có ba lần mà một câu lạc bộ có ít hơn 1/200 khả năng có thể chiến thắng kiểu như vậy. Năm 2013, Borussia Dortmund cần hai bàn thắng trong phút bù giờ để vượt qua Málaga. Trường hợp này được tính toán là có 0,5% cơ hội. Những sự hoài nghi có thể được biện minh vì các cầu thủ Málaga khẳng định rằng đội bóng của họ chỉ thua vì trọng tài biên đã nhìn ra hướng khác khi một cầu thủ Dortmund rơi vào thế việt vị. Kết quả của trận đấu tại Istanbul còn có ít khả năng xảy ra hơn khi nó yêu cầu Liverpool phải ghi được ba bàn thắng trong vòng 37 phút trước AC Milan. Tỷ lệ chỉ là 0,4%. Nhưng ngay cả như thế thì khả năng xảy ra cuộc lội ngược dòng đáng kinh ngạc đó cũng nhiều gấp bốn lần so với xác suất đội bóng xứ Catalan có thể lội ngược dòng trước Paris Saint-Germain. Sau phút 87, xác suất để Barça ghi ba bàn vào lưới những vị khách đến từ Paris có tỉ lệ 1/1000.
 
Việc chọn lựa giữa hai màn lội ngược dòng “thần thánh” này phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Các cổ động viên của Barcelona có thể cho rằng đội bóng của họ xứng đáng với màn lội ngược dòng sau thất bại ở trận lượt đi và giành chiến thắng trong phút cuối cùng của trận đấu nhờ luật bàn thắng sân khách. Các Liverpudlian sẽ phản đối rằng thành quả mà họ đạt được là đã lọt vào một trận chung kết và giành ngôi vô địch thay vì chỉ đơn thuần là có mặt ở vòng 16 đội. Đứng trước hai lập luận này, tôi đã kết hợp hai khả năng không có thực của mỗi trận đấu này lại và quy thành một điểm số bằng cách sử dụng hàm logarit nghịch đảo cơ hội chiến thắng của mỗi đội trước trận đấu lượt về và trong những thời điểm khó khăn nhất của trận đấu. Tôi cũng cộng thêm điểm cho những chiến thắng muộn và thêm gấp đôi điểm cho các trận chung kết vì nó chỉ bao gồm một trận thay vì hai lượt đi và về. Khi tất cả được tổng hợp lại, Liverpool chỉ đứng trước Barcelona một chút.
Cu loi nguoc dong vi dai cua Barcelona duoi goc nhin thong ke hinh anh 4
Nguồn: ClubElo.com; RSSSF.com 
Chú thích: Xác suất kết hợp là phương pháp thống kê nhằm tính toán khả năng hai sự kiện có thể xảy ra cùng một lúc và tại một thời điểm hay không
 
Tất nhiên bảng xếp hạng cuối cùng này là khá chủ quan với sự lựa chọn của một số người. Với việc giới hạn phân tích những trận đấu đơn lẻ, tôi coi mỗi trận đấu như một kết quả độc lập, không bị ảnh hưởng bởi những câu lạc bộ có nhiều cuộc lội ngược dòng trong cùng một mùa giải. Nếu như thế, mở rộng phạm vi ra khỏi một trận đấu thì chức vô địch của Manchester United năm 1999 có thể đưa lên vị trí số một. Chiến thắng trước Bayern Munich trong trận chung kết đã quá nổi tiếng với hai bàn thắng được ghi trong phút bù giờ. Tuy nhiên, Man United cũng từng phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn tương tự trong trận bán kết. Sau khi phải nhận hai bàn thua sớm trên sân khách trước Juventus, họ cần phải ghi được hai bàn vào lưới một trong những hàng phòng ngự số một châu Âu. Trong mỗi trận, xác suất giành chiến thắng của Manchester United giảm xuống còn 4%. Về mặt cá nhân,  tỉ lệ này cao hơn nhiều so với hai trận đấu ở Nou Camp và Istanbul, nơi mà sự tuyệt vọng của Barcelona và Liverpool gần như đã lên mức tối đa. Tuy nhiên, việc lội ngược dòng trong hai trận đấu liên tiếp để lên ngôi vô địch Champions League vẫn là rất ấn tượng.
Cu loi nguoc dong vi dai cua Barcelona duoi goc nhin thong ke hinh anh 5
Chức vô địch của Manchester United năm 1999
Sau những con số thống kê về những cuộc lội ngược dòng tạm xem là không tưởng trong quá khứ, có lẽ người hâm mộ cũng có thể phần nào “tha thứ” cho một vài trường hợp phải nhận thất bại khi chiến thắng tưởng như đã rất gần như vậy. Đội Cleveland Indians của môn bóng chày đã chấp nhận đầu hàng dù đã có tới 85% khả năng lên ngôi vô địch sau bốn trận đấu ở giải World Series 2016; ở địa hạt bóng rổ, Golden State Warriors đã phung phí 95% cơ hội chiến thắng trong trận chung kết NBA 2016 khi đã bước vào game đấu thứ năm và Atlanta Falcons bằng cách nào đó lại trở thành kẻ thất bại dù xác suất vô địch Super Bowl 2017 thậm chí lên tới 99,6%. Nhưng ngay cả trước những giải đấu mang tính cạnh tranh cao như vậy thì thành tích của Barça vẫn nổi bật lên cả. Có lẽ trong số những cái tên tham gia các giải đấu kia, không có ai phải trải qua cảm giác cứu vớt hy vọng như gã khổng lồ xứ Catalan khi Neymar đứng trước quả đá phạt trực tiếp trong lúc thời gian chính thức của trận đấu chỉ còn lại hai phút.
 
Lược dịch từ bài viết Craziness at the Camp Nou: Was Barcelona’s win the greatest comeback in Champions League history? trên The Economist

CG (TTVN)
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khi bóng đá ngày càng trở thành công cụ bất chấp để kiếm tiền

Premier League một lần nữa bỏ nghỉ đông, trong khi những giải đấu ở cấp độ CLB khác như Champions League hay FIFA Club World Cup cũng tăng số đội tham dự, đồng nghĩa với việc tăng số trận đấu. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ĐTQG. Sau tất cả, chỉ những cầu thủ là người chịu thiệt thòi!

Tại sao các đội bóng Premier League không mạnh tay ở phiên chợ hè 2024?

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng chuyển nhượng của các CLB Premier League 2024: Man United làm tốt nhất

Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 chứng kiến 20 CLB Premier League chi gần 2 tỷ bảng Anh để mua về hàng trăm con người có kỹ năng dứt điểm, đánh đầu hoặc bắt bóng. Một số đội mua sắm như thể ở Lotte Mall, một số đội đến chợ Phùng Khoang và có một CLB mua cầu thủ như chơi Football Manager ngoài đời thực (Chelsea).

Quả bóng Vàng 2024 sẽ thuộc về ai?

Rạng sáng hôm nay 5/9, tạp chí France Football đã công bố danh sách 30 ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng 2024. Lần đầu tiên sau 21 năm, cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều không có tên trong danh sách đề cử. Có thể nói, tuổi tác cộng với việc không còn chơi bóng ở lục địa già, khả năng để hai huyền thoại sống này trở lại danh sách kia gần như không còn nữa.

X
top-arrow