Copa America, Messi, Sanchez và thân phận “tù khổ sai” của những ngôi sao bóng đá

Tác giả August - Thứ Ba 18/06/2019 11:06(GMT+7)

Zalo

Các cầu thủ chuyên nghiệp của thời đại này, đặc biệt là nhóm những ngôi sao ưu tú, những người kiếm bộn tiền nhờ năng lực bóng đá của họ, suy cho cùng, nào có khác gì “những người tù khổ sai” bị vắt kiệt đến tận cùng trí lực?

Cuối tháng trước, Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Colombia đã công khai chỉ trích từ LĐBĐ nước này đến Ban tổ chức giải VĐQG vì thái độ tắc trách, việc thờ ơ với sức khỏe cầu thủ, sự thiếu tôn trọng lợi ích các CLB, người hâm mộ và các nhà tài trợ (…). Nguyên nhân của màn đấu đá giữa một bên là Công đoàn đại diện cho cầu thủ và một bên là cơ quan điều hành bóng đá Colombia bắt nguồn từ việc triệu tập các tuyển thủ chuẩn bị cho giải Copa America 2019 tại Brazil

Copa America, Messi, Sanchez và thân phận tù khổ sai hình ảnh
 
Copa America chính thức khởi tranh vào ngày 14/6, chỉ một ngày sau khi trận lượt về chung kết tranh chức vô địch Apertura Colombia giữa Deportivo Pasto và Junior kết thúc.  Trước đó, ngày 31/5 là hạn chót để các đội chốt hạ danh sách tuyển thủ dự giải Copa America.  Phản ứng của Công đoàn cầu thủ Colombia là dễ hiểu bởi việc Liên đoàn triệu tập các cầu thủ hay nhất cho đội tuyển trong thời gian cập rập như thế, rõ ràng có ảnh hưởng đến chất lượng của trận đấu (2 lượt) quan trọng nhất mùa giải Apertura.
 
Rốt cuộc Pasto không chịu nhả cầu thủ nào cho đội tuyển quốc gia còn Junior chỉ cho phép tiền đạo 22 tuổi Luis Diaz hội tuyển vào giờ chót. Sự mâu thuẫn giữa Công đoàn cầu thủ và LĐBĐ Colombia xuất phát từ việc lịch đấu Copa America sớm đã được ấn định từ 2 năm trước nhưng Liên đoàn vẫn thờ ơ trong việc bố trí một lịch thi đấu để giải vô địch quốc gia có thể diễn ra suôn sẻ, đồng thời các cầu thủ quốc nội hay nhất và có cơ hội lên tuyển không bị bào mòn trí lực bởi những trận đấu liên tiếp.
 
Những gì diễn ra ở Colombia có vẻ… hơi thiếu chuyên nghiệp trong kỉ nguyên bóng đá hiện đại. Nhưng đấy không hoàn toàn là ngoại lệ trong một thời đại bóng đá mà các cầu thủ, đặc biệt là nhóm ngôi sao hàng đầu bị bào mòn khủng khiếp về thể lực và tinh thần bởi quá nhiều giải đấu với quy mô ngày càng mở rộng.
Một nhóm không hề nhỏ các tuyển thủ Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Thụy Sỹ, từ 2 đội dự trận chung kết Champions League đêm 1/6, của Liverpool và Tottenham, cảm nhận rõ thực tế này hơn ai hết.
Virgil Van Dijk: 5005 phut dau, cu lua cua Merino va su ben bi cua ke chinh phuc
 
Chỉ vài ngày sau trận đấu tại Madrid, họ lại xỏ giầy chiến đấu ở bán kết, tranh hạng ba và chung kết nhóm A Nations League. Vinh quang chiến thắng hay niềm đau thất bại thì 2018/19 đúng là mùa giải dài đằng đẵng và mệt mỏi. Cá biệt có Van Dijk, chơi xấp sỉ 60 trận mùa qua cho Liverpool và tuyển Hà Lan với số phút đấu lên tới hơn 5000.
 
Nhưng nếu như Van Dijk đã… sẵn sàng nghỉ hè, thì với nhiều đồng đội của anh, cuộc “hành xác” vẫn chưa kết thúc. Các ngôi sao Nam Mỹ và châu Phi của Liverpool (Alisson, Firmino, Mane, Salah, Keita) vẫn còn những cuộc chiến cam go phía trước tại Copa America và CAN. Tottenham cũng ở vào tình trạng tương tự với Juan Foyth (Argentina), Davinson Sanchez (Colombia), Victor Wanyama (Kenya), Serge Aurie (Bờ Biển Ngà) là những tuyển thủ sẽ phải chiến đấu Hè này.
 
Jurgen Klopp, người vừa cùng Liverpool giành danh hiệu đầu tiên – chức vô địch Champions League, đầu mùa giải 2018/19 từng cảnh báo về “breaking point – điểm tới hạn của các cầu thủ” trong bối cảnh số lượng và quy mô các giải đấu bóng đá có xu hướng ngày càng mở rộng. “Chúng ta phải thực sự nghĩ cho họ - các cầu thủ chuyên nghiệp. Từ chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi, thi đấu… Tất cả. Phải giúp họ có được trạng thái trí-lực tốt nhất, môi trường cạnh tranh tốt nhất, thay vì ném họ vào hàng chục trận đấu suốt cả năm”. Với Klopp “Nations League là giải đấu tuyệt đối… vô bổ, hệt như cách bắt Anthony Joshua – cựu vô địch Boxing hạng nặng phải đi đấu với tần suất 2 đêm/một trận vậy.
 
Hè 2019 là một mùa Hè vô cùng đặc biệt đối với sự vận động của bóng đá toàn cầu. Lần đầu tiên trong lịch sử, giải Vô địch các Quốc gia châu Phi CAN tổ chức vào mùa Hè, trong khi Copa America sẽ diễn ra vòng chung kết cuối cùng trong năm lẻ, trước khi chính thức tổ chức vào năm chẵn, theo chu kì 4 năm/1 lần như EURO kể từ… năm sau, 2020.
Messi
 
Và không có ví dụ nào tốt hơn, là câu chuyện về “hành trình khổ ải” của Lionel Messi, 1 trong những cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử bóng đá Thế giới và cũng là người bị “bóc lột” nhiều hơn bất kì ai. Kể từ năm 2014, Messi chỉ có duy nhất một kì nghỉ Hè đúng nghĩa khi mà sau mỗi mùa giải CLB kéo dài từ giữa tháng 8 - cuối tháng 5, anh vẫn phải sắm vai ngôi sao số 1 của đội tuyển Argentina tại World Cup 2014 ở Brazil, Copa America 2015 tại Chile, Copa America phiên bản đặc biệt kỉ niệm 100 năm diễn ra trên đất Mỹ 2016, rồi VCK World Cup 2018 và hiện tại thêm một kì Copa nữa ở Brazil.
 
Mùa giải vừa qua, Messi đã chơi 34/38 trận La Liga (2709 phút), 10 trận ở Champions League (837 phút), thêm 477 phút tại các giải Cúp quốc nội, tổng cộng hơn 4000 phút đấu thực tế. Trước đó, anh đá chính và đá trọn 360 phút của đội tuyển Argentina vào tới vòng 1/8 World Cup mùa Hè nước Nga và vừa rồi thêm 90 phút nữa cho Albiceleste ở lượt ra quân vòng bảng Copa America thua Colombia. Nhưng so với đa số các mùa giải trước đó, mùa này Messi còn “cày” ít hơn bởi anh được “tạm nghỉ” đội tuyển trong gần 1 năm, bởi tại Barca – HLV Valverde cũng đã linh hoạt hơn trong cách sử dụng siêu sao “số 10”.
 
“Không ai hoài nghi khát vọng giành 1 danh hiệu với đội tuyển của Leo lớn lao đến nhường nào. Nhưng nhìn đi, cậu ấy thực sự rất mệt mỏi. Nhưng trận đấu – giải đấu dày đặc cho CLB và đội tuyển, cùng trách nhiệm nặng nề và áp lực khủng khiếp đang bào mòn Leo. Cậu ấy vẫn ra sân, chơi bóng và tạo những phép màu. Nhưng quả thực, tôi phát sợ khi nhìn Leo cứ phải chơi như thế, trận này qua trận khác, năm này qua năm khác” – Cesar Menotti, HLV huyền thoại Argentina cảm thán.
 
Lionel Messi tai Argentina
 
Angel Di Maria, đồng đội lâu năm của Messi, là một ví dụ khác. Hệt như Messi, anh cũng là thành viên của Argentina dự liên tiếp các giải đấu lớn từ World Cup 2014 đến Copa America 2019, 5 VCK với đội tuyển quốc gia trong 5 năm với chỉ duy nhất mùa Hè 2017 được nghỉ ngơi trọn vẹn. Đó là quãng thời gian mà di Maria, hầu như mùa nào cũng dính một chấn thượng phải nghỉ từ 1-2 tháng. Một Di Maria đạt điểm “tới hạn” đến mức CLB chủ quản của anh trước đây Real Madrid từng phải gửi kiến nghị đến LĐBĐ Argentina “xin đừng sử dụng Di Maria cho trận chung kết World Cup 2014”. Thực tế, Di Maria chẳng thể góp mặt trong 2 trận đấu cuối cùng của Argentina năm đó bởi chấn thương.
 
“Red zone” và “breaking point” là hai thuật ngữ thường được dùng để chỉ vùng/điểm tới hạn về trí-lực của một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Và từ 5 năm trước, cuối tháng 12/2014, Arsene Wenger đã nhắc tới hai thuật ngữ này, rất nhiều, trong một bài phát biểu về sự lo ngại của ông đối với tình trạng của ngôi sao người Chile – Alexis Sanchez. 
 
Thời điểm đó, Sanchez mới 25 tuổi, vừa gia nhập Arsenal được vài tháng. Trước đó anh cùng đội tuyển Chile vào tới vòng 1/8 World Cup 2014 (thua chủ nhà Brazil) và sau đó, anh giúp Chile đăng quang chức vô địch Copa America 2015 trên sân nhà, đánh bại Argentina – Messi sau loạt đấu súng 11m ở trận chung kết.
Wenger thực sự lo lắng cho Sanchez. Nhưng ngôi sao người Chile thì không bận tâm vì với anh việc phục vụ đội tuyển quốc gia là trách nhiệm và vinh quang. Wenger đưa ra những ý tưởng và kế hoạch giúp Sanchez có thể nghỉ ngơi để trước mắt có được trạng thái trí-lực tốt nhất và sau đó là kéo dài tuổi nghề, nhưng anh lại thờ ơ với điều đó. Sanchez luôn tự cho mình là mẫu cầu thủ không-cần-ngơi-nghỉ.
 
Alexis Sanchez: Not thang lac dieu trong ban Ballad yeu duoi4
 
Những năm sau đó, mùa nào Wenger cũng đưa ra những lời cảnh báo tượng tự, với Sanchez, nếu tiền đạo người Chile cứ thi đấu cho CLB và đội tuyển với tần suất dày đặc như vậy.  Nhưng Sanchez vẫn không thực sự cảm nhận được nỗi niềm của HLV người Pháp. Trong màu áo Arsenal, Sanchez vẫn ra sân chiến đấu vẫn thể hiện tốt hầu như một tuần. Và anh, dĩ nhiên, cũng không bỏ lỡ bất kì cuộc gọi nào từ đội tuyển. 
 
Trong quãng thời gian khoác áo Arsenal trước khi gia nhập Man Utd tháng 1/2018, Sanchez đã chơi từ World Cup 2014, hai kì Copa 2015-2016, thêm giải Confed Cup 2017. Nếu Chile không đứng ngoài nhóm dự World Cup 2018 thì mùa Hè nước Nga năm ngoái, Sanchez cũng chẳng có cơ hội “được” nghỉ.
 
Sanchez vẫn là ngôi sao hàng đầu trong những năm tháng khoác áo Arsenal nhưng những cảnh bảo của một HLV luôn tận tâm với học trò và giàu kinh nghiệm y học thể thao như Wenger không thừa một chút nào. Sanchez không nhận ra hoặc có thể cảm thấy nhưng lại bỏ qua “breaking point” của anh trong những năm tháng thanh xuân nhưng hậu quả từ những mùa giải dài đằng đằng và nhiều mùa hè không nghỉ thì vẫn ở đó, trên cơ thể anh chờ ngày phát tác.
 
Serie những chấn thương liên tiếp và nhiều tuần dài đánh bạn với bệnh viện, chỉ trong 1 năm rưỡi khoác áo Man Utd của Sanchez không hề đến một cách ngẫu nhiên. Chúng là “di chứng’’ của những năm dài “cày ải” với tần suất khủng khiếp của ngôi sao người Chile. Và dù hầu như sắm vai “kẻ bên lề” trong mùa giải 2018/19 vừa kết thúc của Man Utd, vì chấn thương, vì không đáp ứng được kì vọng, vì không được HLV Solskjaer trao cơ hội, thì Sanchez thêm một lần nữa, như các năm 2014, 2015, 2016, 2017 lại chuẩn bị bước vào một Hè “hành xác” nữa: Copa America tại Brazil.
 
Cảnh báo của Wenger năm nào rốt cuộc cũng đã “bắt kịp” Sanchez! Những gì từng làm nên một Sanchez đặc biệt, khiến Man Utd phải phá kỉ lục bảng lương để đưa anh về Old Trafford, thực sự đã bị phá hủy bởi những năm dài không nghỉ với những giải đấu liên tiếp. Và trong khi Sanchez đang ở Brazil cho nỗ lực bảo vệ danh hiệu vô địch cùng tuyển Chile, thì tại Manchester các “bộ não” của Man Utd đang nghĩ đủ cách để có thể loại bỏi anh khỏi bảng lương của CLB. 
 
  

Sanchez là “nạn nhân” của chính mình và cũng là “nạn nhân” của một thời đại bóng đá với xu hướng mở rộng quy mô, đang bóc lột tàn tệ các cầu thủ ưu tú. Klopp, trong cuộc nói chuyện với tờ Independent vào tháng trước đã bày tỏ sự lo ngại về mức độ thương mại hóa bóng đá đã và đang “đẻ” ra rất nhiều giải đấu khiến cầu thủ trở thành “tù nhân” của nó”. Bất chấp FIFPro đã lên tiếng khuyến cáo và yêu cầu FIFA phải đảm bảo các cầu thủ phải có ít nhất 4 tuần nghỉ ngơi trong một mùa giải, để đảm bảo sức khỏe, thì xu hướng mở rộng các giải đấu vẫn tăng theo cấp số nhân.
 
Một VCK World Cup với 40, thậm chí có thể lên tới 48 đội sắp thành hình hài, sau Qatar 2022. VCK EURO cũng đã tăng số đội tham dự từ 16 lên 24 từ năm 2016. Liên đoàn bóng đá châu Âu đang xem xét kế hoạch phát triển quy mô Champions League, FIFA sắp công bố một phiên bản mới của giải Clubs World Cup và tất nhiên, serie những trận đấu với chất lượng chuyên môn không hề tương xứng với của Nations League ở mọi liên đoàn bóng đá châu lục trên toàn thế giới. Phải rồi, đừng quên Copa America đang diễn ra ở Brazil – một giải đấu kì dị với 4 VCK từ năm 2015-2020.
 
Y học thể thao ngày một phát triển để giúp cầu thủ có thể trạng tốt hơn những thế hệ trước và kéo dài tuổi nghề, những phản ứng tích từ Hiệp hội - công đoàn cầu thủ vẫn xuất hiện thường xuyên nhưng thương mại hóa bóng đá và mở rộng quy mô hàng loạt giải đấu là xu thế không thể đảo ngược. Và các cầu thủ chuyên nghiệp của thời đại này, đặc biệt là nhóm những ngôi sao ưu tú, những người kiếm bộn tiền nhờ năng lực bóng đá của họ, suy cho cùng, nào có khác gì “những người tù khổ sai” bị vắt kiệt đến tận cùng trí lực?
Bóng đá, từ lâu, đã không còn là một trò chơi nữa rồi…
 
Lược dịch từ ‘Risking Everything in Soccer’s ‘Red Zone’ – TheNewyorkTimes

AUGUST
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Bùng nổ và tiết chế cảm xúc - Arsenal đã thắng Man City như thế nào?

Đồng hồ trên sân điểm phút 85 khi trái bóng lăn ra ngoài đường biên gần khu vực đứng của HLV Mikel Arteta. Khi chuẩn bị tiến đến và đưa ra lời chỉ dẫn cho các học trò, chiến lược gia người Tây Ban Nha bất chợt quay mặt về phía khán đài và vung tay ra dấu cho đám đông cổ vũ nhiệt tình hơn. Sự khấn khích và năng lượng, đây chính là lúc để truyền tải chúng.

X
top-arrow