Tờ Ole của Argentina gọi đó là “nỗi hổ thẹn”. Trong khi, tờ O Globo của Brazil thì miêu tả đó là “trò hề”. Và” đó” ở đây là những gì đã diễn ra trong trận đấu giữa Brazil và Argentina ở vòng loại World Cup 2022 khu vực Nam Mỹ vừa qua.
Trận đấu được mong chờ nhất của vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ giữa Brazil và Argentina đã bị hủy, sau khi diễn ra được khoảng 7 phút.
SỰ TÌNH
Vài giờ trước khi trận đấu được diễn ra theo kế hoạch, Cơ quan quản lý y tế của Brazil (Anvisa) đưa ra thông báo yêu cầu chính quyền địa phương (địa điểm diễn ra trận đấu là bang Sao Paulo) phải có biện pháp cách ly ngay lập tức 4 cầu thủ của Argentina, không cho các cầu thủ này được phép tham dự bất kỳ hoạt động nào trên đất Brazil.
Đó là 4 cầu thủ đến từ Premier League: Emiliano Martinez và Emiliano Buendia của Aston Villa, Giovani Lo Celso và Cristian Romero của Tottenham.
Vì sao Anvisa đòi cách ly 4 cầu thủ này? Theo quy định an toàn dịch tễ của Brazil, bất kỳ cá nhân nào đã ở nước Anh trong quãng thời gian 14 ngày trước khi đặt chân lên Brazil đều phải được cách ly ít nhất cũng trong 14 ngày. Anvisa cho biết 4 cầu thủ Argentina kể trên đã khai báo thông tin gian dối khi nhập cảnh vào Brazil, đồng thời những cầu thủ này đã không có biện pháp tự cách ly mà vẫn đến sân vận động nơi diễn ra trận đấu.
|
Trận đấu giữa Brazil và Argentina phải dừng lại vì cơ quan quản lý y tế Brazil cho rằng có 4 cầu thủ Argentina đã không tuân thủ quy định cách ly sau khi nhập cảnh từ Vương quốc Anh. Ảnh: Getty Images |
Phía Liên đoàn Bóng đá Brazil (CBF) và Argentina (AFA), cùng với Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) đã đàm phán với chính phủ liên bang Brazil để xin quyền đặc cách cho những cầu thủ này. Song, Anvisa từ chối.
Tuy vậy, trận đấu vẫn được diễn ra theo đúng dự kiến. Argentina tung đội hình ra sân có 3 trong số 4 cầu thủ nói trên là Emi Martinez, Lo Celso và Romero. Đến phút thứ 7, trận đấu gián đoạn khi bên ngoài khu vực chỉ đạo của hai đội, nhiều nhân vật lạ xuất hiện trong những bộ suit. Đó chính là các quan chức của Anvisa cùng lực lượng cảnh sát liên bang Brazil. Những người này bước vào sân, đòi đưa đi 3 cầu thủ của Argentina nói trên cùng cả Emi Buendia.
Trước đó, có tin cho biết những quan chức này đã tới khách sạn của tuyển Argentina với ý định kiểm tra xem 4 cầu thủ như đã nêu có đang tự cách lý hay không, nếu không sẽ “bế” họ đi. Có điều, bấy giờ, toàn đội Argentina đã di chuyển đến sân. Các quan chức của Anvisa và cảnh sát liên bang Brazil gặp tắc đường, nên họ mới di chuyển chậm trễ.
Sau sự việc, các cầu thủ Argentina cũng lui vào đường hầm. Sau một quãng thời gian đàm phán, tìm kiếm giải pháp, cuối cùng thông báo chính thức được CONMEBOL đưa ra: Hủy trận đấu ngày, đá quả bóng sang FIFA chờ phán xét. Các cầu thủ Brazil vẫn ở lại sân và thay đồ tập. HLV Tite muốn các học trò đá tập để không phí công đã đến sân, cũng như để an ủi các cổ động viên có mặt tại sân.
NHỮNG CÂU HỎI VÀ THUYẾT ÂM MƯU
Nhiều thuyết âm mưu được nhắc đến sau câu chuyện dở khóc dở cười này.
Có người cho rằng chủ nhà Brazil tìm cách “chơi khó” Argentina, trong bối cảnh Selecao vốn đã chịu thiệt vì vắng đi đến 9 cầu thủ đang chơi bóng tại Premier League khi những CLB nước Anh từ chối nhả quân, trong khi Albiceleste thì vẫn có được sự phục vụ của 4 cầu thủ từ Anh vì đạt được thỏa thuận riêng với Aston Villa và Tottenham. Giả thuyết này dựa trên phát biểu của Messi ngày hôm đó, khi siêu sao của PSG nói rằng: “Vì sao họ (Anvisa) lại không làm việc đó từ sớm, chúng tôi đã ở Brazil được 3 ngày rồi còn gì?”
Có người thì tin rằng động thái của Anvisa là thay mặt Brazil đưa ra lời đáp trả với các CLB Premier League vì đã hiệp đồng từ chối nhả cầu thủ cho các đội tuyển Nam Mỹ.
Nhiều câu hỏi cũng được đặt ra: Vì sao 4 cầu thủ Argentina kia lại từ chối cung cấp thông tin xác thực, khi ai cũng biết họ đã ở đâu những ngày trước đó? Họ đã cung cấp thông tin sai như thế nào? Liệu vấn đề không nằm ở những cầu thủ này, mà đơn giản là ở AFA khi họ mới là bên lo liệu giấy tờ cuối cùng cũng như tiếp nhận thông tin từ các cầu thủ để gửi đi? Liệu phía AFA đã được cảnh báo từ trước khi trận đấu diễn ra, dù theo lời HLV Lionel Scaloni thì “không một ai thông báo gì cho chúng tôi cả”?
Hơn nữa, vì sao các bên liên quan, gồm cả CBF, AFA và CONMEBOL không nắm rõ quy định an toàn dịch tễ của đất nước Brazil để có biện pháp ứng xử kịp thời? Nếu đã biết trước, liệu AFA có triệu tập 4 cầu thủ chơi bóng ở Anh kể trên? Vì sao mới cách đây chưa lâu, các đội tuyển Nam Mỹ vẫn còn được phép có mặt ở Brazil bình thường để thi đấu Copa America 2021, nay lại phải trải qua những quy định nghiêm ngặt như vậy?... Sẽ có nhiều câu hỏi không thể trả lời và không bao giờ được trả lời thỏa đáng, còn những giả thuyết sẽ chỉ mãi là nỗi canh cánh của nhiều người. Nhưng có vài thực tế chúng ta cần biết rõ.
Thời điểm Copa America 2021 diễn ra, giữa CONMEBOL và Liên đoàn Bóng đá các nước trong khu vực cùng chính phủ Brazil đạt được thỏa thuận cho phép nới lỏng các biện pháp an toàn dịch tễ, để những đội tuyển được phép đến Brazil thi đấu bình thường. Biện pháp nới lỏng này vẫn tồn tại đến nay, nhưng áp dụng cho phạm vi các đội bóng Nam Mỹ ở các chiến dịch Copa Libertadores hay Copa SudAmericana.
Từ thời điểm tháng 1/2021, Brazil đã ra quy định cấm các công dân từng có mặt ở Nam Phi, Ấn Độ, Bắc Ireland, và Vương quốc Anh trong 14 ngày trước đó nhập cảnh vào đất nước. Với riêng công dân quốc tịch Brazil và có hộ khẩu thường trú, họ vẫn được phép nhập cảnh nhưng vẫn phải cách ly 14 ngày. Đến giữa và cuối tháng 5, các quyết định 653 và 654 lần lượt được chính phủ thông qua.
Như đã biết, kỳ Copa America 2021 diễn ra trong những mâu thuẫn và tranh cãi, chính phủ Brazil của Tổng thống Jair Bolsonaro và CBF tự đề xuất nhận quyền đăng cai thay thế Argentina và Colombia, ngay cả khi Brazil khi ấy là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Nhiều cơ quan và thành viên nội các Brazil không ủng hộ quyết định ấy, trong đó có Anvisa. Cuối cùng, Copa America vẫn diễn ra.
Điều đó khiến những quyết định 653 và 654 nói trên bị “phá”. Cuối tháng 5, một số thành viên của Selecao đang chơi bóng ở Premier League kết thúc mùa giải và trở về quê nhà hội quân. Những cầu thủ này không phải tự cách ly gì cả, và sau đó trải qua những trận đấu bình thường ở Copa America. Rõ ràng, đã có một sự đặc cách nào đấy theo đề nghị từ CBF.
Vậy vì sao lần này lại xảy ra câu chuyện của những cầu thủ Argentina? Chúng ta lại hỏi, những câu hỏi chưa biết liệu có thể tìm được câu trả lời hay không. Phải chăng lần này, Anvisa quyết định làm gắt lên? Còn các cầu thủ Argentina thì đơn giản nghĩ rằng, mình mới ở đây trước đó 1-2 tháng, chắc chẳng làm sao, vì kiểu gì cũng sẽ được đặc cách dựa trên thỏa thuận của các bên Liên đoàn và chính phủ Brazil?
Dựa trên những thông báo sau sự việc của các bên Liên đoàn, CBF cùng AFA và CONMEBOL đều bàng hoàng, lấy làm tiếc trước sự việc xấu hổ này. Nếu Brazil thật sự muốn “thọc gậy bánh xe”, họ phải lường trước viễn cảnh trận đấu có nguy cơ bị xử thua đối với chính họ, khi sự việc phát sinh từ hành động của nước chủ nhà khiến trận đấu bị hủy.
Có thể, chẳng có bất kỳ thuyết âm mưu nào cả, mà thay vào đó chỉ là sự yếu kém trong năng lực tổ chức, giải quyết vấn đề của tất cả các bên. Và đấy mới thật sự là vấn đề lớn, với bức tranh lớn hơn đáng để lưu tâm.
BỨC TRANH LỚN
Đó chính là khi nền bóng đá nói chung và Nam Mỹ nói riêng cố gắng nhồi nhét mọi thứ trong một quãng thời gian không đổi của thời đại dịch toàn cầu.
Trong suốt lịch sử của mình, ngay cả khi bước vào kỷ nguyên mang tên Copa America, giải đấu diễn ra có khi mỗi năm một lần, lúc thì hai năm, có khi lại ba năm, thậm chí là sáu năm và mục tiêu sau này là quy về bốn năm. Nếu không có giải đấu kỷ niệm tuổi bách niên Copa America 2016, lộ trình 4 năm một lần của Copa America xem như được định hình từ năm 2007. Cứ chấp nhận trường hợp đặc cách đấy, thì năm 2019 là kỳ Copa America lần thứ 46 được tổ chức ở Brazil. Vậy thì theo lộ trình 4 năm một lần, kỳ Copa America tiếp theo phải là năm 2023. Nhưng không, Copa America lần thứ 47 được lên lịch diễn ra vào mùa hè 2020. Vì sao lại thế?
|
Copa America 2021 theo kế hoạch ban đầu diễn ra vào năm ngoái, nhưng vì đại dịch phải lùi lại. Trước thềm giải đấu, nước chủ nhà Argentina không thể tổ chức vì tình hình dịch bệnh căng thẳng, và Brazil đăng cai, bất chấp tình hình dịch ở đất nước này cũng không hề tốt. Ảnh: Getty Images |
Vì Copa America 2020 vốn là giải đấu chuyển giao cho một sự thay đổi. CONMEBOL được FIFA cho phép dời giải đấu vào các năm chẵn cho đẹp, thay vì năm lẻ và Copa America từ đó sẽ cứ 4 năm một lần được diễn ra, song song với ngày hội bóng đá châu Âu là Euro. Thế nên, Copa America 2020 sẽ là mốc đánh dấu cho cuộc chuyển giao.
Nhưng vì năm 2020 bùng nổ đại dịch, thế là cột mốc thay đổi phải dời lại vào mùa hè 2021 vừa qua. Coi như cũng đã thay đổi, mọi thứ sau này cứ giữ nguyên và kỳ Copa America tiếp theo sẽ là năm 2024 tại Ecuador.
Chúng ta cũng đã biết, Argentina và Colombia chứng kiến làn sóng bất ổn và phản đối dữ dội trước thời điểm họ trở thành những nước chủ nhà theo kế hoạch của Copa America 2021. Để rồi, Brazil dang rộng vòng tay đón lấy trọng trách cao cả đó, trong sự phẫn uất của chính đất nước và cả nỗi buồn khi nhìn người Argentina đăng quang ngay tại thánh địa Maracana trong trận chung kết.
Copa America 2021 là một giải đấu dồn ép, một “extra Copa” và là kỳ Copa thứ tư chỉ trong vòng có 6 năm. Lẽ ra, nếu không dồn ép, không tổ chức kỳ Copa vừa qua, các đội tuyển Nam Mỹ đã có thể dùng quãng thời gian đó để bù đắp cho các trận đấu vòng loại World Cup 2022, mà vốn dĩ đã không thể diễn ra vào tháng 9/2020 và tháng 3/2021 vì lệnh cấm di chuyển trong mùa đại dịch.
Và vì đã tổ chức giải đấu, khu vực CONMEBOL vừa qua còn đến 12 lượt trận vòng loại World Cup chưa hoàn tất; sau giai đoạn tập trung tháng 9 này, thì sẽ còn 9 lượt trận và loạt trận cuối cùng là cuối tháng 3 năm sau phải hoàn tất trong bối cảnh chỉ còn 3 đợt tập trung tuyển quốc gia còn lại (tháng 10, tháng 11 và tháng 3 năm sau).
|
Firmino, Alisson và Fabinho là 3 trong số các cầu thủ Nam Mỹ không được tập trung ĐTQG do các CLB Premier League từ chối nhả quân. Ảnh: Getty Images |
Vậy nên, mọi thứ lại phải dồn ép tiếp. Đó là lý do vì sao trong mỗi đợt tập trung tháng 9 này và vào tháng 10 tới, vòng loại World Cup khu vực Nam Mỹ có đến 3 lượt trận diễn ra, điều đó khiến các cầu thủ nếu hội quân sẽ không thể kịp trở về CLB cho các trận đấu vào cuối tuần này. Nhưng vẫn chưa đủ, thế nên FIFA lại đẻ ra thêm một đợt tập trung quốc gia vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm sau nhằm giúp CONMEBOL.
Không khó để nhận ra rằng động thái từ chối nhả quân của các CLB Premier League hay LaLiga vừa qua xuất phát từ câu chuyện “dồn ép” nói trên. Những CLB này không những ý thức được rằng những cầu thủ của họ vừa có thể bị ảnh hưởng thể lực khi phải thi đấu dồn ép, vừa phải trải qua nhiều ngày cách ly ở cả chiều đi lẫn chiều về. Đây chính là nguồn cơn của sự mâu thuẫn giữa các đội tuyển Nam Mỹ và các CLB châu Âu.
Dường như chẳng có một thuyết âm mưu nào sau những gì chúng ta đã chứng kiến tại Sao Paulo hay trong câu chuyện giữa CONMEBOL và UEFA. Chỉ có một sự thật được phơi bày hiển nhiên, là: sự tham lam, ngạo mạn được đặt trong sự yếu kém của khâu quản lý, tổ chức, thông tin và thấu hiểu của nền bóng đá Nam Mỹ. Những điều đó là hệ quả từ sự đi xuống và bị bỏ lại của nền bóng đá này so với châu Âu. Tháng 10 tới đây, liệu các CLB châu Âu có tiếp tục từ chối nhả quân? Câu hỏi này thì có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng đưa ra câu trả lời hay một lời dự đoán hơn nhỉ?!
Hoàng Thông Le Foot