Fusal Việt Nam: Từ tiếng cười nhạo đến ngày vinh quang

Tác giả Uno - Thứ Sáu 20/05/2016 10:28(GMT+7)

Zalo
Đây không phải là một bài tổng kết, mà là những câu chuyện xuyên suốt nói về hành trình kỳ diệu của đội tuyển Futsal Việt Nam.

“Rồi một ngày Việt Nam sẽ gặp lại Ý ở World Cup Futsal!”

Những người bạn đi cùng tôi và lắm kẻ xung quanh tôi phá lên cười ngặt nghẽo khi tôi thốt lên thật to cái câu ấy, đủ to đến mức mấy anh ở dưới sân và nguyên một góc khán đài Nhà Thi đấu Tân Bình ngày hôm ấy đều nghe thấy. Không một ai cho rằng câu nói ấy của tôi sẽ thành hiện thực, nó như là một lời viển vông của một kẻ giàu trí tưởng tượng, của một người điên và yêu futsal mù quáng. Họ chế nhạo tôi vì coi đó là điều phi lý. Vì ngày hôm ấy đội tuyển bóng đá trong nhà Việt Nam thảm bại 0-9 trước Italia ngay trên sân nhà.

Không ai có thể tin được, sau chỉ mới 4 năm kể từ cái ngày đội tuyển chúng ta, dưới con mắt của gần một nghìn con người, bị đội tuyển hạng 3 thế giới lúc đó hành hạ, và người ta coi đây là cơ hội cọ xát hiếm có khó tìm cho đội tuyển của chúng ta học hỏi từ nền bóng đá mạnh của thế giới, Việt Nam lại có cơ hội đá một trận đường hoàng với Italia tại một vòng chung kết World Cup mà không phải bỏ tiền để họ xuống nước đá với nhược tiểu khi xưa nữa. Những lời chế nhạo ngày nào bây giờ đã biến thành những lời tung hô, tán dương, ca tụng khi giấc mơ đã thành hiện thực. Có lẽ sẽ là 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn thế nữa,… nhưng chỉ cần 4 năm. Thần kì quá! Làm sao họ có thể làm được như thế?


THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ CON NGƯỜI, LỐI ĐI…

Hai mươi năm trước, đội tuyển futsal Việt Nam được thành lập. Nói là cầu thủ futsal, nhưng họ chỉ là cầu thủ sân lớn chuyển qua đá cho có lệ ở một giải đấu ở Thái Lan. Kết quả là… thua liểng xiểng. Hệ quả là 10 năm sau, trong khi Thái phát triển mạnh, futsal nở rộ, nhiều lần tham dự World Cup, thì Việt Nam vẫn cử đội qua cho có, và lại …thua liểng xiểng. Và 10 năm sau sẽ thế nào? Bước ngoặt đã đến với một cái tên đình đám trong ngành phân phối thiết bị điện ở đất Sài Thành, ông Trần Anh Tú.

Nhung khoanh khac khong the quen cua Futsal Viet
Những khoảnh khắc không thể quên của Futsal Việt

Nếu bóng đá sân lớn có bầu Đức dựng bờ cõi, thì nơi sân nhỏ bầu Tú cũng mở cờ xưng bá một phương. Lá cờ đầu Thái Sơn Nam một tay ông gây dựng, từ khi thai nghén đến lúc cho ra hoa thơm, quả ngọt. Rồi đến lượt những là Thái Sơn Bắc, rồi những câu lạc bộ vệ tinh khác ở những tỉnh thành lân cận cũng lần lượt ra đời, cũng do một tay ông Tú mà thành. Các giải đấu lần lượt diễn ra, như Cúp Quốc gia, TPHCM mở rộng, giải Vô địch Quốc gia, Cúp 2030… đưa sân chơi futsal từng bước chuyên nghiệp hơn, gần với khán giả hơn. Nhìn Cúp Quốc gia vừa rồi ở Nhà thi đấu Rạch Miễu mà xem, giải tổ chức rất quy củ, chuyên nghiệp đến những chi tiết nhỏ nhất, đó là kết quả nhiều năm học hỏi ở các quốc gia futsal phát triển của ông Tú. Tôi còn nhớ năm ngoái, ông Tú thẳng tay trừ điểm Casanco và Hải Phương Nam vì lối chơi tiêu cực, coi thường khán giả, khi cả hai chỉ cần hòa là dắt tay nhau đi tiếp. Và dù Casanco phản đối và biến mất, ông vẫn giữ quan điểm và không thỏa hiệp với những tiêu cực, nhờ vậy đem đến cho futsal Việt Nam những hình ảnh không tì vết và yêu mến từ người hâm mộ.


Thêm vào đó, ông Tú còn đưa về những người có tâm, có tầm về Việt Nam, theo một lộ trình “từ nhà ra ngõ”. Khi futsal ta còn kém, ta học hỏi từ những chuyên gia Thái, nơi trình độ hơn hẳn ta, có căn bản, có cách làm đúng, nhưng phù hợp với trình độ “thua liểng xiểng” của tuyển bấy giờ. Sau đó, ta mời “thầy” Gargelli về, chính thầy đã liên hệ với nhiều mối quen biết của mình đưa tuyển ta đi tập huấn, đá giao hữu với các đội mạnh, nhờ có thầy, năm 2012 ta được học hỏi từ Ý, được sang châu Âu ăn tập, nhờ thầy, cầu thủ ta đã có ý thức chiến thuật, chứ không ỷ lại kỹ thuật và lao hùng hục như xưa. Chính thầy Gargelli, chứ chưa phải là thầy Formoso mới là người đặt những viên gạch đầu tiên lên cái nền móng vững chắc của sân nhỏ Việt. Thầy yêu Việt Nam lắm, nhưng chiếc áo Việt Nam tiếc đã quá rộng với thầy. 

VÀ NHỮNG THÀNH CÔNG LẦN LƯỢT TỚI…


Thật may mắn cho những ai có cơ hội từng bước chứng kiến những dấu son chói lọi của đội tuyển. Nhưng mọi thứ vẫn diễn ra thất quá nhanh và bất ngờ. Năm 2012, tôi chứng kiến đội ta lội ngược dòng trước Kuwait 4-2 tại NTĐ Tân Bình. Năm 2013, trên sân Phú Thọ, tôi hòa cùng dòng người trong trận thắng 3-2 trước Brazil. Năm 2014, tôi vỡ òa với chiến thắng trước Kuwait để lần đầu tiên vào tứ kết giải châu Á. Năm 2015, tại sân bay Tân Sơn Nhất, tôi chào đón những người hùng Thái Sơn Nam với hạng Ba giải futsal các CLB châu Á. Và đến năm 2016, tôi may mắn là những người Việt Nam còn sống và được chứng kiến cái ngày mà cái tên Việt Nam được xướng lên trong một giải đấu chính thức của FIFA. Nhanh thế, bất ngờ thế và may mắn đến thế.

Dẫu cho rằng, Italy nhẹ tay trước ta năm 2012, Brazil đá giao hữu là chính năm 2013, hay Kuwait bị FIFA cấm thi đấu vào mùa giải năm nay, yếu tố may mắn luôn hiện diện, nhưng bóng đá trong nhà Việt Nam rõ ràng là đội phát triển nhanh nhất trong các đội ở châu Á, thậm chí là bình diện thế giới. Khi mà bản đồ bóng đá futsal thế giới gần như cố định trong những năm gần đây, với những gương mặt quen thuộc thường xuyên góp mặt và định hình sẵn, việc một đội có lần “debut” tại World Cup đã là một vinh dự lớn lao, một bước chuyển mình thần kì. Năm 2012, còn không lọt nổi vòng chung kết châu Á, hai năm sau đã vào đến Tứ kết, và bảy trăm ngày sau là thứ tư chung cuộc. May mắn ư? Không chỉ vậy, đó là sự tiến bộ không ngừng.

SAU THÀNH CÔNG LÀ CHÔNG GAI?

Có một sự thật, dù đã cố gắng chuyên nghiệp trong một vài năm trở lại đây, nhưng Futsal Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Sau 10 năm, với những thành công tịnh tiến như thế, vẫn chỉ có bầu Tú, và địa phương TPHCM tiên phong đi đầu, và các bầu khác thì … chưa được sinh ra. Hoàng Thư Đà Nẵng, BV An Phước Bình Thuận, hay thậm chí là Sanatech vẫn còn “nay đây mai đó”, long đong bất định, và điểm sáng hiếm hoi dường như là Hải Phương Nam Phú Nhuận đoạt thuyết phục Cúp Quốc gia 2015, vẫn cần lắm những bầu Tú khác, để cân bằng những thái cực, vì cạnh tranh là cùng nhau phát triển.

Một người anh, người thầy của tôi, người đoạt chức vô địch Cúp quốc gia có lần nói với tôi: “Anh em futsal ít người được đào tạo chuyên nghiệp lắm em à.” Như anh, anh còn làm nhiều việc tay trái khác, như đi dạy, đi làm… để mưu sinh cho cuộc sống. Văn Vũ xuất thân từ sinh viên Cao đẳng, còn Long Vũ nghe đâu đá phong trào cho Văn Lang, rồi mới chuyển sang Futsal, giờ đang kèm cho một trường đại học nọ ở TPHCM. Bảo Quân, Văn Huy thì xuất thân đá sân lớn rồi mới đá sân gỗ. Thành công đấy, tiềm năng đấy, nhưng mỗi người mỗi cảnh, còn lắm gian nan.

VÀ THẤP THOÁNG ĐÂU ĐÂY LÀ FUTSAL NỮ…

Nếu bóng đá nam sân lớn được quan tâm ở mức A super +, thì futsal nam chắc chỉ ở mức B -, còn futsal nữ chắc sẽ nhận điểm F. Thậm chí một số bạn đang đọc bài này còn chưa biết Việt Nam có đội Futsal nữ. Vậy mà Futsal nữ lại thuộc top 6 châu Á, đã từng vô địch Đông Nam Á, so kè sòng phẳng với Thái Lan, và có khả năng, đội nữ cũng có thể tham dự World Cup cho nữ. Rõ ràng tiềm năng từ Futsal nữ là rất lớn, có khả năng tiến xa, và nếu chúng ta bỏ qua cơ hội, chúng ta sẽ mất đi xuất phát điểm khá tốt của mình. Nhưng đó có phải đòi hỏi quá cao không khi sự quan tâm cho Futsal nữ là không có, để con gái đá bóng chuyên nghiệp sân nhỏ quả là không đơn giản. Và quả nhiên, không khó để nhận ra, Futsal nữ Việt Nam, tiềm năng, nhưng còn nghiệp dư lắm, đến Quả bóng Vàng Việt Nam 2014 Tuyết Dung còn lấn sân sang sân nhỏ để làm cả vua phá lưới giải mở rộng TPHCM!

Bao giờ cho đến tháng Chín? Đó là câu mà tôi cửa miệng hằng ngày. Tôi vẫn hy vọng, Việt Nam sẽ có dịp đối đầu với Ý, linh ứng với lời nguyện cầu năm xưa, với Brazil, với Tây Ban Nha, với Nga, với Argentina, với Colombia, không phải vì thành tích, mà đó là những trải nghiệm khó quên, đó là cả niềm tự hào của một dân tộc. Có thể có lúc có người quay lưng với các anh, như một stream của gamer tắt giữa chừng không xem hết trận các anh thua thảm, sau khi tán dương các anh hết lời trước đó. Nhưng tôi cho rằng và tin rằng, cả dân tộc sẽ đứng bên các anh dù các anh có thế nào vào tháng Chín vì các anh đã đem lại cho chúng tôi quá nhiều. Cám ơn các anh, cảm ơn bác Tú, cảm ơn thầy Gargelli, cảm ơn thầy Formoso VFF đã cho chúng tôi một ngày vinh quang như thế…

Rồi ngày vinh quang sẽ vẫn cứ tiếp diễn…

Uno (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Khi bóng đá ngày càng trở thành công cụ bất chấp để kiếm tiền

Premier League một lần nữa bỏ nghỉ đông, trong khi những giải đấu ở cấp độ CLB khác như Champions League hay FIFA Club World Cup cũng tăng số đội tham dự, đồng nghĩa với việc tăng số trận đấu. Tình trạng tương tự cũng xuất hiện ở ĐTQG. Sau tất cả, chỉ những cầu thủ là người chịu thiệt thòi!

Tại sao các đội bóng Premier League không mạnh tay ở phiên chợ hè 2024?

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2024 tại nước Anh đã chính thức đóng cửa vào thứ Sáu tuần trước theo một cách khá ảm đạm. Ngày hạ màn đã không diễn ra theo đúng kỳ vọng, nhất là khi một vài thương vụ bom tấn từng được đề cập nhiều trước đó đã không trở thành hiện thực. Chúng ta có thể kể đến trường hợp của Marc Guehi chuyển đến Newcastle, hay như câu chuyện tốn nhiều giấy mực nhất về việc Victor Osimhen đầu quân cho Chelsea. Vậy đâu là nguyên nhân?

Xếp hạng chuyển nhượng của các CLB Premier League 2024: Man United làm tốt nhất

Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2024 chứng kiến 20 CLB Premier League chi gần 2 tỷ bảng Anh để mua về hàng trăm con người có kỹ năng dứt điểm, đánh đầu hoặc bắt bóng. Một số đội mua sắm như thể ở Lotte Mall, một số đội đến chợ Phùng Khoang và có một CLB mua cầu thủ như chơi Football Manager ngoài đời thực (Chelsea).

Quả bóng Vàng 2024 sẽ thuộc về ai?

Rạng sáng hôm nay 5/9, tạp chí France Football đã công bố danh sách 30 ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng 2024. Lần đầu tiên sau 21 năm, cả Lionel Messi và Cristiano Ronaldo đều không có tên trong danh sách đề cử. Có thể nói, tuổi tác cộng với việc không còn chơi bóng ở lục địa già, khả năng để hai huyền thoại sống này trở lại danh sách kia gần như không còn nữa.

X
top-arrow