Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Thể thao Việt Nam tại SEA Games 27: Chưa thi đã biết đứng thứ 3

Thứ Tư 04/12/2013 10:53(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

SEA Games 27 chưa khởi tranh, song ngay từ giờ có thể dự báo thành tích Top 3 vững như bàn thạch của thể thao Việt Nam, và số HCV kiểu gì cũng vượt quá 70. Không phải chỉ lần này mà các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á trước cũng vậy. Vì sao?

Niềm vui của Hà Thanh (giữa) và đồng đội Ngân Thương (bên trái) khi đăng quang tại SEA Games 26
Niềm vui của Hà Thanh (giữa) và đồng đội Ngân Thương (bên trái) khi đăng quang tại SEA Games 26

Khó xuống thứ 4 (?!)

“Ai làm trưởng đoàn, Việt Nam cũng đứng thứ 3”, đó là ví von có phần hài hước nhưng lại rất thật của một chuyên gia thể thao về khả năng tranh chấp của Việt Nam trên đất Myanmar tới đây, với vị trí thứ 3 được mặc định, muốn hơn cũng không thể mà xuống còn… khó hơn. Với lợi thế quá lớn của nước chủ nhà, Myanmar sẽ giành trên 100 HCV để lên ngôi nhất toàn đoàn, trong khi Thái Lan sẽ xếp hạng 2 với khoảng 90 HCV nhờ thực lực vượt trội. Không đua được với hai đối thủ này song chỉ cần giành 70 HCV - một mục tiêu khả thi, Việt Nam lại chắc chắn đoạt hạng 3 và bỏ xa các đoàn xếp sau. Một số đoàn tạm coi là đối thủ của Việt Nam đặt chỉ tiêu rất khiêm tốn: Malaysia với đích 40 HCV, Singapore trên dưới 30 HCV, Philippines 25-30 HCV.

Sở dĩ Việt Nam cầm chắc vị trí thứ 3, không phải vì mạnh hơn, nếu không muốn nói là kém xa Malaysia, Indonesia, Singapore nếu đó là cuộc tranh tài quy mô châu lục hoặc thế giới. Tất cả đơn giản vì trong khu vực, chỉ có Việt Nam “máu” SEA Games nhất. Về bản chất, nền thể thao Việt Nam được đầu tư phát triển theo đúng kiểu cách và phục vụ cho sân chơi vẫn được coi là “hội làng” này.

Đăng ký “vừa tay”

Không chỉ thứ hạng chung mà kể cả số lượng HCV của đoàn thể thao Việt Nam cũng có thể “đếm” được mà tựu trung lại: Thế nào cũng vượt 5-10 chiếc. Việt Nam đặt đích phấn đấu tối thiểu 70 HCV song chí ít cũng phải giành trên 75. Có một thực tế là: Kể từ SEA Games 2003 lên ngôi nhất toàn đoàn trên sân nhà, lần nào dự báo của người trong ngành về thành tích chung cuộc của Việt Nam tại SEA Games cũng trúng phóc.

Điều này dễ hiểu, không phải bởi các nhà quản lý, huấn luyện của Việt Nam giỏi đầu tư, dự báo mà mặt bằng chung của mấy chục môn thể thao tại các kỳ SEA Games gần như không thay đổi, phát triển gì. Với lực lượng VĐV trong tay, căn cứ vào chương trình thi đấu, họ đã có thể cơ bản “đọc” đúng thành tích chung cuộc.

Có thể môn này vượt, môn khác giảm chút ít nhưng về tổng thể của cả đoàn thể thao chắc chắn từ đạt đến vượt. Cũng phải nói thêm rằng, hầu hết các ĐTQG đều đăng ký chỉ tiêu gần như ở mức tối thiểu nhất của mình để đảm bảo an toàn, nên chung quy thế nào cũng vượt.

Ra khỏi “hội làng” là thua

Luôn dự đoán trúng và vượt chỉ tiêu đề ra ở SEA Games song bước lên tầm châu lục, mọi dự báo, hay nói chính xác hơn là nỗ lực phấn đấu thành tích ở các đấu trường lớn hơn, như ASIAD hay Olympic, đều sai.

Tại ASIAD 2006, Việt Nam đặt quyết tâm giành 5 HCV nhưng cuối cùng chỉ đoạt 3 HCV (2 Cầu mây nữ, 1 Karatedo và đều nằm ngoài dự kiến). Đến ASIAD 2010, chỉ tiêu cũng tương tự như thế, nhưng thậm chí Việt Nam còn thảm bại hơn khi chỉ có nổi 1 HCV với trường hợp xuất thần của võ sĩ Karatedo Lê Bích Phương.

Chính vì thế, như một nghịch lý, các nhà quản lý, huấn luyện ai cũng có thể “phán xanh rờn” về thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games 27 mà có lẽ chẳng dám đưa ra và đảm bảo về thứ hạng, thành tích tại ASIAD 2014.

Theo GTVT

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X