Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Những lý do khiến Việt Nam hay bị trọng tài ép

Thứ Hai 16/12/2013 17:45(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Các trọng tài xử lý thiếu công bằng ở các kỳ SEA Games không còn là chuyện lạ nhưng có nhiều lý do khiến tỷ lệ các sự cố kiểu này rơi vào đoàn Việt Nam nhiều hơn.

Thế mạnh lớn nhất của thể thao Việt Nam ở các kỳ đại hội khu vực là nhóm các môn võ vật. Số lượng HC vàng từ nhóm môn “fighting” luôn chiếm trên 50% tổng số HC vàng của cả đoàn, thậm chí có đại hội con số này lên tới 60-70%. Ở các môn thi đấu đối kháng và biểu diễn, tác động của trọng tài luôn rất lớn do luật lệ một số môn chưa minh bạch. Chẳng hạn ở môn wushu, việc VĐV từng giành HC vàng thế giới và mới vô địch World Games Nguyễn Thanh Tùng đứng cuối cùng trong số các VĐV tham dự SEA Games cũng là điều bình thường do quyết định cảm tính của các trọng tài.

Bài biểu diễn thuyết phục của đội kata nữ Việt Nam vẫn bị các trọng tài chấm dưới điểm đội Myanmar
Bài biểu diễn thuyết phục của đội kata nữ Việt Nam vẫn bị các trọng tài chấm dưới điểm đội Myanmar

Trong khi Việt Nam dựa vào các môn võ vật thì Thái Lan lại mạnh đều ở nhiều môn thể thao, trong đó chủ lực là những môn xuất hiện tại Olympic. Thế nên dù Thái Lan chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp ngôi đầu bảng với đoàn Myanmar nhưng đoàn này chưa bị trọng tài “hành” nhiều như Việt Nam. Tương tự, các đoàn Malaysia, Singapore cũng tập trung đầu tư cho các môn Olympic vốn có luật rõ ràng nên tác động của trọng tài ít hơn.

Việt Nam bị trọng tài o ép cũng có nguyên nhân từ việc chúng ta có quá ít quan chức và trọng tài cầm trịch ở các cuộc thi đấu khu vực. Nhìn cảnh 5 quan chức họp bàn quyết định lá đơn kiện của đoàn Việt Nam về việc VĐV Li Tao (Singapore) xuất phát phạm luật mà 4 trong số đó là đồng hương Singapore thì người ta đủ hiểu quyết định cuối cùng sẽ nghiêng về ai. Tương tự với môn pencak silat, Việt Nam từng làm mưa làm gió ở nội dung đối kháng nhưng chưa bao giờ giành HC vàng SEA Games ở nội dung biểu diễn. Nguyên nhân là quê hương của môn võ này là Indonesia luôn kiểm soát lực lượng trọng tài và có đủ quyền lực để phân chia huy chương theo ý muốn.

Rào cản lớn đối với các quan chức và trọng tài Việt Nam khi tham gia các tổ chức quốc tế là vấn đề ngoại ngữ. Không có đủ trình độ giao tiếp một cách tương đối nên rất ít quan chức Việt Nam được giao trọng trách ở các liên đoàn, hiệp hội thể thao khu vực. Từ đó, chúng ta luôn phải nhìn cảnh các VĐV của Việt Nam khóc ròng vì uất ức sau mỗi cuộc đấu.

HLV trưởng đội karatedo Lê Công từng phân tích rằng người Việt Nam có thể lực yếu hơn hẳn các đối thủ trong khu vực do ảnh hưởng của yếu tố lịch sử, chiến tranh. Thế nên, trong thi đấu chúng ta thường không giành được chiến thắng áp đảo như cách mà Thái Lan thường làm nên những trọng tài không công tâm có cơ hội ra tay. Nhận định của HLV Lê Công là khá chính xác khi mà những gương mặt xuất sắc vượt trội như Nguyệt Ánh (karatedo), Nguyễn Văn Hùng (taekwondo), Mẫn Bá Xuân, Đới Đăng Hỷ (vật) hiếm khi phải phàn nàn vì vấn đề trọng tài vì họ luôn thắng áp đảo đối thủ.

Một lý do nữa là đổ lỗi cho trọng tài hay ban tổ chức chủ nhà cũng trở thành mốt và là cách dễ nhất để che lấp cho những vấn đề yếu kém khác. Trong một số trường hợp, trọng tài hoặc một lý do khách quan nào đó (sân bãi, khán giả, dụng cụ thi đấu) được đưa ra làm bình phong để hướng sự chú ý của dư luận về phía khác. Thế nên, đôi lúc khán giả có cảm giác chỉ riêng đoàn Việt Nam phải chịu ấm ức, trong khi những tác động khách quan thì đoàn nào cũng có, chỉ khác về số lượng.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X