Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Karatedo Việt Nam tìm lối thoát cho cảnh âm thịnh, dương suy

Thứ Ba 17/12/2013 07:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giống SEA Games 2011 ở Indonesia, các nam võ sĩ karatedo lại chịu cảnh “trắng’ HC vàng kỳ này và phải nhờ cả vào các đồng nghiệp nữ trong nhiệm vụ hoàn thành chỉ tiêu được giao.

“Tại SEA Games 27, có cả những gương mặt mới lẫn những cái tên kỳ cựu, các cháu nữ của chúng ta đều thi đấu tốt. Nhưng các vận động viên nam thì chưa tốt. Ở các nội dung nam, nhiều nước Đông Nam Á đang vươn lên mạnh mẽ và mình muốn tốt thì phải tuyển chọn gắt gao. Sắp tới, chúng ta cần đẩy mạnh sử dụng các cháu trẻ, thay thế dần cho thế hệ hiện tại. Với các nội dung nữ, chúng ta cũng phải tìm một vài gương mặt có đột biến về kỹ chiến thuật, nghĩa là có lối đánh đặc thù hơn, có tầm vóc thể lực tốt hơn. Về nữ thì không lo, chỉ cần năm tới thôi thì sẽ có nhưng nam là điều cần phải suy nghĩ”, HLV Lê Công chia sẻ với VnExpress.net sau khi đội tuyển karatedo Việt Nam hoàn tất các nội dung thi đấu hôm 15/12.

Lăng Thị Hoa (áo trắng) là một trong ba nữ võ sĩ mang về các tấm HC vàng cho karatedo Việt Nam tại SEA Games 27. Các nam võ sĩ không đoạt được chiếc HC vàng nào
Lăng Thị Hoa (áo trắng) là một trong ba nữ võ sĩ mang về các tấm HC vàng cho karatedo Việt Nam tại SEA Games 27. Các nam võ sĩ không đoạt được chiếc HC vàng nào

Nhận định đó của vị chuyên gia lão làng có lẽ là sự phản ánh ngắn gọn và chính xác nhất những vấn đề mà karatedo Việt Nam đang gặp phải, cũng như hướng giải quyết trong thời gian tới. Với ba chiếc HC vàng giành được trên đất Myanmar, karatedo Việt Nam không cho thấy sự tiến bộ so với SEA Games 2011 trên đất Indonesia và cũng giống giải hai năm trước, cả ba huy chương vàng đó đều do các nữ võ sĩ một tay mang về. Thành tích ở hai kỳ SEA Games liên tiếp này có lẽ là minh chứng đủ rõ ràng cho một thực trạng tồn tại đã lâu - karatedo Việt Nam đang chịu cảnh âm thịnh dương suy, các nữ võ sĩ có trình độ vượt trội so với các đồng đội nam.

Karatedo nữ Việt Nam đã đạt tới đẳng cấp châu lục từ rất lâu, với những chiếc HC vàng Asiad của Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Vũ Kim Anh tại Busan (Hàn Quốc) năm 2002 hay Lê Bích Phương ở Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010. Đó đều là những huy chương quý giá, cứu cho thành tích của cả đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ Á vận hội đó. “Nữ hoàng kata” Nguyễn Hoàng Ngân thậm chí còn vươn tới tầm cao hơn khi từng vô địch thế giới 2008 và World Games 2009.

Đặt cạnh bảng thành tích chói lọi của các đồng đội nữ, kết quả thi đấu của những nam võ sĩ karatedo Việt Nam thật sự gây thất vọng. Ngay cả ở đấu trường SEA Games, họ cũng không thể giành chiến thắng trong các trận chung kết. Để cải thiện tình trạng này và nghĩ đến việc chinh phục những thành tích cao, theo HLV Lê Công, karatedo nam Việt Nam cần phấn đấu trong một quá trình dài với các khâu tuyển chọn, huấn luyện, đưa đi thi đấu tích lũy kinh nghiệm.

Về phía các võ sĩ nữ, hai trong ba tuyển thủ giành HC vàng tại SEA Games 27 - Nguyễn Hoàng Ngân, Vũ Thị Nguyệt Ánh - đều thành danh từ lâu. Giữa họ có một điểm chung lý thú là cả hai đều trở lại sau một thời gian dài vắng mặt vì chấn thương. Nhưng dù là kết quả đáng mừng cho những nỗ lực không mệt mỏi của họ, việc hai đàn chị này, nhất là Nguyệt Ánh, phải nai lưng thi đấu gánh vác trọng trách HC vàng cũng cho thấy mặt trái - khoảng trống về thế hệ kế cận phía sau họ.

Tìm được những sự thay thế xứng tầm, đạt đến đẳng cấp của Hoàng Ngân ở các bài quyền thuật, đối luyện hay Nguyệt Ánh trên sàn đấu đối kháng là điều không hề dễ dàng. Hoàng Ngân, ở tuổi 29, có lẽ cũng chẳng còn thi đấu đỉnh cao được thêm bao năm. Còn với Nguyệt Ánh, đây đã là kỳ SEA Games cuối cùng, như những gì cô chia sẻ sau khi giành được chiếc HC vàng thứ bảy ở đấu trường số một khu vực. Ở tuổi 30 của Nguyệt Ánh hiện tại, nhiều võ sĩ khác đã giã từ thảm đấu để chuyển sang công tác huấn luyện, còn vận động viên kỳ cựu người Hải Phòng này vẫn phải căng sức thi đấu vì thành tích của đội tuyển.

Trước khi bước lên bục vinh quang tại SEA Games 27, Nguyệt Ánh đã trải qua hai trận đấu liên tiếp rất căng thẳng và chỉ thắng với điểm số sít sao. Trong trận chung kết, cô cũng để đối thủ Indonesia dẫn điểm trước khi thắng ngược, phần nhiều là dựa vào kinh nghiệm. Điểm yếu thể lực của Nguyệt Ánh cũng thể hiện rõ khi cô tỏ ra bất lực trước võ sĩ Malaysia ở bán kết kumite đồng đội nữ trong ngày thi đấu cuối cùng.

Nếu Nguyệt Ánh chia tay đội tuyển, karatedo nữ Việt Nam sẽ phải chờ đợi vào Bích Phương - nhà vô địch ASIAD nhưng vắng mặt tại SEA Games này bởi chấn thương, vào Lăng Thị Hoa (hạng 68kg), Trần Hoàng Yến Phượng (hạng 55kg)… Tuy nhiên, những niềm hy vọng này cũng cần thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm, điều mà họ chưa thể hiện được và vì thế, để thua một số trận đấu gây tiếc nuối tại SEA Games 27 lần này, như Lê Thị Thùy ở chung kết kumite 61 kg hay Yến Phượng ở bán kết kumite 55 kg. Nhưng thời gian thì karatedo Việt Nam lại không có nhiều, bởi Asiad 2014 tại Incheon (Hàn Quốc) đã đến rất gần, dù HLV Lê Công hứa hẹn về một lứa nữ võ sĩ nhiều triển vọng vào năm tới.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X