Tại SEA Games 27, bắn súng là đội tuyển quốc gia ‘nặng gánh’ nhất, theo đúng nghĩa đen khi phải mang theo lượng dụng cụ thi đấu khổng lồ gồm súng, đạn, áo chuyên dụng.
Tính ra sơ sơ mỗi xạ thủ cũng phải mang ít nhất 30 kg hành lý chưa kể đến đồ dùng cá nhân. Tổng khối lượng hàng của đội bắn súng trong chuyến đi sang Myanmar nặng không dưới nửa tấn. Đơn cử một khẩu súng trường đã nặng 13 kg, một khẩu súng ngắn cũng 7 kg. Nhiều xạ thủ trọng điểm còn mang đi vài khẩu, có khi tới 4-5 khẩu để dự nhiều nội dung khác nhau, cũng như phòng ngừa nguy cơ hỏng hóc.
Hành lý di chuyển của những xạ thủ như Hoàng Xuân Vinh thường nặng hơn nhiều những hành khách bình thường
Bao giờ trước khi lên đường, đội bắn súng cũng phải mất tối thiểu 2 ngày để chuẩn bị, thu xếp hành lý lỉnh kỉnh, phức tạp sao cho gọn nhẹ nhất. Môn này lúc nào cũng ra sân bay sớm nhất và về chỗ ở muộn nhất vì còn lo gửi và nhận hành lý.
Từ nhiều tháng trước khi dự SEA Games, các nhà quản lý huấn luyện của môn này phải có công văn đề xuất với ngành công an và bên hành không, để xin phép cho mang súng đạn ra nước ngoài thi đấu. Thủ tục cũng rất kỹ lưỡng và phức tạp, phải đăng ký số lượng rồi cả chủng loại của súng đạn. Có lần vì không kịp hoàn thành thủ tục trước một giải đấu quốc tế, nên bắn súng Việt Nam phải tay không lên đường rồi sang đó thuê súng, mua đạn rất tốn kém.
Cả mấy chục khẩu súng mà các xạ thủ Việt Nam đem sang Myanmar tranh tài đều có báng súng do chính các chủ nhân… gọt báng. Do súng nhập ngoại, trong nước lại thiếu điều kiện, nên thay vì được đo và gọt báng bằng máy, các xạ thủ Việt Nam sau khi nhận súng phải kỳ công tự gọt báng cho vừa tay. Nhanh cũng mất cả tuần, có khi cả tháng, hết gọt lại bắn thử cho đến lúc nào thật vừa và quen tay thì thôi.
Đây là điều khiến các xạ thủ nữ lo sốt vó vì không quen thao tác như các đồng nghiệp nam. Trước thềm Olympic 2012, Hoàng Xuân Vinh được trang bị một khẩu súng ngắn mới “xịn” nhưng do không kịp đẽo báng nên đến Đại hội vẫn dùng súng cũ.
Từng đoạt tới 11 và 7 HC vàng ở hai kỳ SEA Games trước nhưng lần này, đội tuyển của “nửa tấn hành lý” chỉ đặt mục tiêu 1-2 HC vàng. Không phải do bắn súng Việt Nam yếu hay thiếu hụt lực lượng mà xuất phát từ việc bị cắt giảm tới phân nửa số nội dung thế mạnh.
Ngay cả một số ngôi sao hàng đầu như Hà Minh Thành, từng đoạt HC bạc ASIAD, bắn vượt cả mức HC vàng và kỷ lục Olympic cũng phải ở nhà vì nội dung “tủ” súng ngắn bắn nhanh bị bỏ. Thực tế, bắn súng Việt Nam chỉ có tối đa 4 “cửa” có thể tranh chấp HC vàng ở các mức độ khác nhau, với niềm hy vọng lớn nhất đặt vào xạ thủ số một Hoàng Xuân Vinh.
Theo Vnexpress