Có đến 22/23 cầu thủ Iceland dự VCK EURO 2016 thể hiện danh tính theo truyền thống đặt tên kiểu “con ông cháu cha”, rất đặc trưng ở xứ Băng Thổ.
Iceland làm nên lịch sử tại Euro 2016 |
Có đến 22/23 cầu thủ Iceland dự VCK EURO 2016 thể hiện danh tính theo truyền thống đặt tên kiểu “con ông cháu cha”, rất đặc trưng ở xứ Băng Thổ. Trong cái tên Birkir Bjarnason thì chữ Bjarnason không phải là họ, mà chỉ có nghĩa là “con ông Bjarna”. Birkir là tên của cầu thủ ấy. Khi anh này có con trai thì sẽ chọn một cái tên nào đấy cho con (như tên Birkir của mình). Ví dụ chọn tên Eidur thì chú nhóc ấy sẽ có danh tính là Eidur Birkirson (Eidur, con ông Birkir).
Cầu thủ duy nhất trong đội Iceland không xưng danh theo truyền thống, hóa ra lại chính là cầu thủ duy nhất “con ông cháu cha” chính hiệu. Đó là Eidur Gudjohnsen. Gudjohnsen quả đúng là họ. Bố của Eidur là Arnor Gudjohnsen, cũng là một danh thủ Iceland. Arnor khoác áo ĐTQG từ năm 1979 đến năm 1997.
Hồi Iceland đá với Estonia (năm 1996), Eidur cũng lần đầu xuất hiện trong ĐTQG. Anh vào sân... thay bố, trong hiệp 2. Đấy là lần duy nhất trong suốt lịch sử bóng đá thế giới, có một cặp bố con thi đấu trong cùng một trận đấu quốc tế. Trớ trêu thay, họ vẫn không hề “sát cánh với nhau”, như mong ước của Arnor. Không, và cũng chưa bao giờ. Eidur Gudjohnsen cũng được dự EURO 2016 (đá vài phút ở trận gặp Hungary). Như vậy, bố con nhà Gudjohnsen đã liên tục phục vụ đội tuyển Iceland từ năm 1979 đến nay.
Cha con nhà Gudjohnsen thay nhau phục vụ đội tuyển quốc gia Iceland từ năm 1979 |
Iceland có hơn 300.000 dân, đứng thứ 34 trong bảng xếp hạng FIFA với 751 điểm. Tính theo đầu người, coi như cứ 400 người dân Iceland thì đem về cho ĐTQG 1 điểm trong bảng xếp hạng. Theo cách tính này, Đức cần 60.000 người dân để có 1 điểm; Brazil cần 160.000 người để có 1 điểm; Trung Quốc cần 3,7 triệu dân để có 1 điểm. Ở Iceland, có khoảng chục nhà tù, mỗi nơi đủ chứa... 7-8 tù nhân. Gọi họ là “những người bị quản thúc” thì đúng hơn. Iceland không có quân đội thường trực, nhưng họ có vé dự vòng tứ kết Euro.
Cứ 10 người Iceland thì có 1 người hiện đang ở Pháp cổ vũ đội tuyển. Những người ở lại Iceland thì vừa... bầu cử tổng thống hôm 25/6. Nhà sử học Gudni “con ông Johannes” đắc cử. Iceland có cả tổng thống lẫn thủ tướng. Iceland là nước đầu tiên trên thế giới bầu một phụ nữ vào ghế tổng thống. Iceland cũng là nước đầu tiên trên thế giới có một thủ tướng tự nhận mình là... người đồng tính luyến ái.
Cứ 4 năm/lần (giống chu kỳ EURO), sẽ có một ngọn núi lửa ở Iceland hoạt động. Hồi năm 1864, bậc thầy khoa học viễn tưởng Jules Verne viết quyển “Du hành vào lòng địa cầu”. Ông cho nhân vật của mình khởi hành tại xứ Băng Thổ. Họ chui xuống một miệng núi lửa ở đấy, thỏa chí du ngoạn, rồi tình cờ trở lại mặt đất qua một miệng núi lửa khác ở... Ý. Hình dung theo “sơ đồ xương cá” của EURO 2016 thì có nghĩa là 150 năm trước, Jules Verne đã tiên đoán Iceland gặp Ý tại EURO này? Thế thì, các bạn khoan “bàng hoàng” với “sững sờ” nhé. Bất ngờ chấn động còn ở phía trước, khi Iceland và Ý cùng nhau loại khỏi cuộc chơi 2 ứng cử viên vô địch nặng ký nhất - Pháp và Đức - ở vòng tứ kết sắp tới.
Theo Bongdaplus.vn