Đây chính là vấn đề gây nhức nhối ở Premier League. Phải làm sao khi có quá nhiều triệu phú trẻ được sản sinh từ giải đấu này là câu hỏi mà những người đứng nơi thượng tầng của giải đấu đang vò đầu bứt tai.
Quá nhiều và quá sớm
Jeremy Peace của West Brom đã trở thành Chủ tịch đầu tiên của một CLB ở Premier League lên tiếng kêu gọi cần phải kiểm soát tình hình. Kiếm được quá nhiều tiền ở độ tuổi quá trẻ đang trở thành điểm chung của các ngôi sao Premier League. Vấn đề nằm ở chỗ không có ai, tổ chức hay cơ quan nào đứng ra ngăn chặn họ phung phí khoản tiền lương kếch xù của mình.
Chỉ cần ít trận tỏa sáng, cầu thủ được CLB chủ quản biến thành triệu phú, không biết làm gì với tiền của mình ngoài việc tiêu xài. “Khi cầu thủ trẻ rơi vào cảnh túng quẫn, họ thắc mắc tại sao lại như vậy. Nhưng họ đâu có biết mình từng mua một chiếc Range Rover trước khi có bằng lái”- HLV Brendan Rodgers nhận xét.
Liverpool của ông Rodgers cũng chuẩn bị nâng lương cho cầu thủ trẻ Raheem Sterling. Tại Anfield, cầu thủ 19 tuổi đang nhận lương 40.000 bảng/tuần, con số không hề thấp khi so với cầu thủ cùng trang lứa. Nhưng nhờ những màn trình diễn tỏa sáng trong màu áo Liverpool và tuyển Anh, Sterling được nhiều CLB nhòm ngó. Để giữ chân ngôi sao, Liverpool không còn cách nào khác là phải đề xuất một thỏa thuận mới, nâng lương cho Sterling gấp hơn 3 lần con số hiện tại, lên 125.000 bảng/tuần.
Sự cạnh tranh giữa các CLB chính là nguyên do đẩy mức lương của các ngôi sao tăng phi mã. Khi CLB trở thành những doanh nghiệp, không thể ngăn chặn điều này xảy ra. Jeremy Peace cho rằng điều duy nhất các CLB, cơ quan quản lý có thể làm là tìm cách để bảo vệ tiền bạc của cầu thủ trẻ.
Địa ngục của tiền bạc
“Khi bạn đọc tin về việc Tyler Blackett và cầu thủ trẻ khác nhận được một bước nhảy vọt trong tiền lương, phản ứng tự nhiên là ‘Ô, chà, họ thật giàu có và sung sướng. Ít ai lo ngại cho tương lai của họ, nguy cơ họ có thể trắng tay vì cách tiêu xài vô độ của mình”- Jeremy Peace bộc bạch.
Tuổi nghề của cầu thủ bóng đá thường không dài, và các cầu thủ khi giải nghệ cũng không có nhiều nghề để lựa chọn. Nhiều năm qua, thế giới bóng đá đã chứng kiến không ít những trường hợp cầu thủ phá sản khi về hưu. Thống kê từ Xpro – một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ, tương trợ những cầu thủ đã giải nghệ tại Anh- cho biết 40% số cựu cầu thủ đã buộc phải tuyên bố phá sản sau 5 năm treo giày.
Người thân, bạn bè cầu thủ biết trước những rủi ro đó. Nhưng điều duy nhất họ có thể làm là đưa ra lời khuyên, nhắc nhở cầu thủ trẻ cất giữ tiền vào một nơi an toàn, phòng khi họ bất ngờ dính chấn thương, sự nghiệp bỗng dưng tụt dốc. Ở độ tuổi 19, 20 như Blackett và Sterling, không phải cầu thủ nào cũng đủ chín chắn để nhận ra điều cần phải làm. Họ mua nhà, tậu nhiều xế hộp và vung tiền cho những mối tình.
Cựu HLV Dario Gradi Crewe, người đã giúp phát triển sự nghiệp của hàng chục cầu thủ trong đó có David Platt và Danny Murphy cho rằng cần phải có cơ chế để tất cả tiền bạc mà cầu thủ trẻ kiếm được không bị tiêu xài phung phí.
Khi được hỏi, Jeremy Peace chưa đưa ra ý kiến cụ thể về cơ chế mà ông và Crewe bàn đến. Nhưng ông bóng gió về cách làm của một số CLB tại Hà Lan. Ở đó, họ thành lập một quỹ ủy thác tiền lương. Quỹ này sẽ hạn chế số tiền và số lần cầu thủ được rút dựa trên tuổi tác. Khi trưởng thành và đủ chín chắn, họ sẽ có quyền rút toàn bộ số tiền thuộc về mình.
Theo Thể Thao Văn Hoá