Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Tại sao các đội bóng Premier League đổ xô tới châu Á?

Thứ Hai 15/07/2013 20:59(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tất cả 20 đội bóng hàng đầu của Anh đang chuẩn bị rời quê hương để xây dựng hình ảnh toàn cầu của họ trong mùa hè này. Trong khi mỗi đội có những điểm đến khác nhau, mọi ông lớn của Premier League đều ít nhất có một chặng dừng chân tại châu Á.

Mùa hè: Châu Á

Mùa hè ở châu Á có thể nóng nực, ẩm ướt và khó chịu hơn nhiều so với thời tiết bình thường ở Anh, nhưng tất cả các đại gia của Premier League, bao gồm Manchester United, Manchester City, Chelsea, Arsenal và Liverpool, đều tranh nhau tới châu lục đông dân nhất hành tinh. Năm 2011, 18 trong tổng số 20 đội bóng ở giải Ngoại hạng chọn cách lên máy bay, tới ngóc ngách nào đó của thế giới để du đấu. Năm 2012, cả 20 đội đều xách va-li lên đường, trong đó sáu đội tới châu Á (Arsenal, Everton, Man City, M.U, QPR và Sunderland). Năm nay, lại đủ 20 đội du đấu, với bảy đội tới châu Á (vắng QPR, đã rớt hạng, nhưng thêm Tottenham và Liverpool).

HLV Arsene Wenger (giữa) tươi cười bắt tay một lãnh đạo của hãng  hàng không Emirates. Du đấu đã trở thành một nghĩa vụ với các nhà tài trợ
 

Dù Bắc Mỹ và châu Âu là những điểm đến được ưu tiên do thuận lợi về khoảng cách địa lý, nhưng châu Á đang ngày càng chiếm ưu thế trong các chuyến du đấu hè của Premier League. Tại sao lại như vậy? Gốc rễ của câu trả lời tất nhiên là tiền bạc.

Việc hệ thống ngân hàng Barclays tăng gần 50% giá trị của bản hợp đồng tài trợ của mình để tiếp tục đồng hành cùng Premier League thêm ba năm nữa, chứng minh rằng giải đấu hấp dẫn nhất nước Anh theo cách nào đó là con cá lớn nhất trong cái ao tài chính, và phần thưởng sẽ đến với những ai biết nắm bắt nó.

“Giống như bất cứ thương hiệu nào, họ đang tìm cách để tiếp cận các thị trường mới nổi hoặc thị trường tiềm năng mà thị phần của họ ở đó đang yếu”, Adam Raincock của hãng tư vấn thể thao Synergy Sponsorship nhận định. “Họ sẽ xem xét nó hoàn toàn dựa trên chiến thuật kinh doanh, đặt ra những câu hỏi như: thế nào là thị trường mới nổi hay thị trường nào chúng ta muốn, rồi họ sẽ sử dụng du đấu như là một công cụ tiếp thị để thâm nhập vào đó. M.U đã có mặt khắp nơi, nhất là châu Á, thị trường mà họ tập trung mấy năm qua. Đó chẳng phải là sự tình cờ. Du đấu là cách tốt nhất để họ kích cầu với các sản phẩm thương mại của mình”.

Hình ảnh Wayne Rooney hay Chicharito cầm điện thoại của một hãng viễn thông ở Pakistan, Paul Scholes ngồi trên máy bay của một hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ hay Steven Gerrard bên ngoài tiền sảnh một khách sạn năm sao tại Indonesia, gần như mọi ngành nghề ở châu Á đều muốn hợp tác với Premier League để quảng bá hình ảnh. Một chuyến du đấu, chẳng hạn như Kuala Lumpur, nơi Chelsea sẽ tới vào cuối tháng 7 này, sẽ là cách tốt nhất để câu lạc bộ thu hút những nhà tài trợ địa phương mới và sử dụng họ để tiếp cận với người hâm mộ.

Ngoài ra còn là ảnh hưởng với các nhà tài trợ hiện tại. “Bạn hãy xem Arsenal, họ sẽ tới Việt Nam năm nay, nơi họ có những nhà tài trợ và các hợp đồng ở một thị trường mang tính khai phá”, Raincock phân tích. “Năm ngoái, họ đã tới Nigeria vì nhà tài trợ chính của họ là hãng hàng không Emirates, hãng hoạt động rất mạnh ở châu Phi. Năm nay họ dành để phát triển nhà tài trợ mới, chiến lược là rất rõ ràng. M.U thì có nhà cung cấp điện thoại di động chính thức ở châu Á. Có du đấu, họ mới có thể bán những gói dịch vụ khác nhau tại những khu vực khác nhau”.

Tình yêu hay tiền bạc?

Du đấu là cách tốt nhất để M.U kích cầu với các sản phẩm thương mại của mình

Tất nhiên, những thương vụ đó cũng là cơ hội để đội bóng đáp lại tình yêu của cổ động viên, những người hàng tuần ngồi dán mắt vào ti-vi vào giờ trái khoáy và chi tiêu nhiều cho các gói truyền hình hay thương mại, bằng việc tổ chức các trận đấu và xuất hiện để người hâm mộ thấy những người hùng của họ bằng xương bằng thịt. Premier League có thể chỉ lắng nghe trái tim đồng thời với việc thể kiếm ra tiền, nhưng ít nhất là nó vẫn tỏ ra có trái tim. Một lý do khác khiến các đội bóng du đấu nước ngoài là sức hút với khán giả. Trong khi các sân ở Malaysia, Trung Quốc, Việt Nam hay Indonesia sẽ luôn chật kín khi chào đón M.U, Arsenal hay Liverpool, thì nước Anh quá bé nhỏ và thừa mứa bóng đá đỉnh cao, khiến lượng người tới sân cho những trận đấu vô thưởng vô phạt mang tính khởi động mùa bóng không thể cao.

Nếu Chelsea bay tới Malaysia, họ có thể thu hút 100.000 khán giả cho một trận đấu ở Kuala Lumpur, giúp cho giá vé giảm tương đối vì lợi thế do quy mô, nói theo kiểu kinh tế học. Nhưng cũng nhờ sân đông, các cầu thủ đá quyết tâm hơn. Cũng có đôi lúc, sức ép nằm ở chỗ sợ bị tụt hậu trước đối thủ. Arsenal từng một thời gian dài làm ngơ với các tour du đấu nước ngoài, trước khi có chuyến đi đầu tiên tới châu Á năm 2011. Mùa hè trước, chính huấn luyện viên Arsene Wenger thừa nhận đó là một sự thỏa hiệp vì đội bóng của ông phải cạnh tranh với những Man City, M.U và Chelsea.

“Trong trường hợp của Arsenal, tôi cho có sự đấu tranh giữa tài chính và chơi bóng thuần túy. Với cá tính của ông ấy, Wenger không muốn đưa đội bóng đi nửa vòng trái đất để chơi những trận cầu không có nhiều ý nghĩa về mặt chuyên môn, nhưng đội ngũ làm kinh doanh lại phản bác rằng: nhìn kìa, chúng ta đang bị tụt lại phía sau M.U. Tôi cho rằng vài năm qua đã có cuộc đấu tranh giữa hai bên và cuối cùng tiền bạc chiến thắng”, Raincock phân tích. “Arsenal có nguy cơ tụt hậu so với các câu lạc bộ lớn khác, bởi các thị trường mới nổi là nơi cất giữ tiền bạc và các đội bóng Premier League đang ở trong vị trí tuyệt vời để nắm giữ chúng”.

Arsenal đã chạm trán với Man City của Roberto Mancini tại sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh tháng 7/2012 trong ngày đầu tiên diễn ra Thế vận hội London. Còn năm nay, họ đi ba nước châu Á Việt Nam, Indonesia và Nhật Bản. Tự bản thân các trận cầu đã là thử nghiệm hấp dẫn của quyền lực bóng đá, dù chất lượng chuyên môn có ra sao. Sự hấp dẫn tuyệt đối của Premier League thậm chí mở ra cơ hội chỏ cả những đội nhỏ hơn giành lấy một phần của chiếc bánh ở châu Á. “Cũng giống như hoạt động trên sân cỏ ở Premier League thôi, sẽ có người giàu và kẻ nghèo”, Raincock cho biết thêm. “Tất cả rồi cũng trả lời cho câu hỏi then chốt: bạn sẽ kiếm được bao nhiêu? So sánh M.U với Sunderland, du đấu châu Á mang lại cho họ những lợi ích hoàn toàn khác nhau, các đội nhỏ chỉ là những kẻ “theo voi ăn bã mía””.

Những ý kiến bảo thủ ở Anh thì cho rằng cạm bẫy tiềm tàng của các chuyến đi nửa vòng trái đất mỗi đầu mùa giải là sự kiệt sức của các cầu thủ và mùi kim tiền quá nồng nặc. Các trận đấu ở Abu Dhabi và Singapore thường chơi trong thời tiết nhiệt độ cao, chưa kể đến việc di chuyển không ngừng trên máy bay. Mặc dù vậy, những mặt tích cực của du đấu ở châu Á trước mùa giải đang lấn át những tiêu cực đối với các đội bóng hàng đầu tại Anh. Đó là lý do tại sao trong mùa hè, 20 sân tập tại xứ sương mù, bao gồm những sân lớn nhất, vắng bóng các cầu thủ.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X