Quãng thời gian hơn 1/4 thế kỷ dẫn dắt M.U chẳng phải chỉ là câu chuyện về sự hồi sinh của một đội bóng lớn mà còn là minh chứng cho sự chuyển đổi của nền kinh tế Anh cũng như đầu óc làm kinh tế “có sỏi” của Sir Alex.
Sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động, con trai của người thợ đóng tàu đã làm cách nào để trở thành HLV giàu có nhất nước Anh? Ông còn đưa M.U trở thành một trong những đội bóng có giá trị nhất trên thế giới dù không chịu trách nhiệm về các vấn đề thương mại. Một trong những nhân tố dẫn đến thành công của Sir Alex là ông biết giá trị của tiền bạc.Sir Alex sành sỏi về kinh doanh dù chẳng qua trường lớp
Biến M.U thành thế lực
Khi nói đến thành tựu mà Sir Alex đạt được, không thể phủ nhận sự tác động tích cực của chính sách. Thuyền trưởng M.U không ưa cố Thủ tướng Margaret Thatcher nhưng thực tế ông hưởng lợi nhờ biết cách theo đúng định hướng phát triển kinh tế mà “Bà đầm thép” đã đưa ra vào thời đó.
Sir Alex thích hình thức đầu tư cổ phần để kiểm soát M.U hơn là định hướng lợi nhuận theo dạng ngắn hạn như những năm trước khi ông về Old Trafford. Cho đến cả bây giờ, trong khi CĐV luôn vận động để đẩy gia đình Glazer ra khỏi lịch sử của M.U bởi lo sợ khoản vay nặng nề sẽ hủy hoại đội bóng, Sir Alex vẫn ủng hộ và công khai ca ngợi giới chủ người Mỹ.
Với Sir Alex, điều quan trọng là nhà Glazer luôn chi tiền đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển đội bóng. Điều này trái ngược hẳn với những năm đầu ông dẫn dắt M.U, thời điểm cầu thủ được bán để “vỗ béo” cho đội bóng mà quên đi sự đầu tư, dẫn đến kết quả nghèo nàn trên sân cỏ mà suýt vì đó mà ông mất việc.
Tất nhiên, để biến M.U thành thế lực, ở Sir Alex còn có nhiều nhân tố khác. Đó là niềm tin vào các tài năng trẻ, đánh bật những chỉ trích “trẻ con chẳng làm nên trò trống gì” với thành công đã được minh chứng của những danh thủ Ryan Giggs, Paul Scholes và David Beckham. Ông hiểu và có thể chiều những học trò cá tính phức tạp để biến họ thành người tài.
Làm giàu cho bản thân
Năm ngoái, Sir Alex dẫn đầu danh sách những chiến lược gia giàu có của nước Anh do Sunday Times thống kê với tổng tài sản 32 triệu bảng. Năm nay, vị trí dẫn đầu tiếp tục thuộc về ông với 2 triệu bảng được bổ sung vào tài khoản.
Con số 34 triệu bảng trên được Sunday Times thống kê dựa trên các khoản thu nhập và các tài sản được định giá công khai. Tất nhiên, đó chỉ là “phần nổi” trong thu nhập của Sir Alex. Ở “phần chìm”, chẳng ai biết ông có bao nhiêu. Mỗi năm, Ferguson đút túi khoảng 7 triệu bảng tiền lương tại M.U. Bên cạnh đó, ông còn thu lợi tức từ một số công ty mà ông là cổ đông chính. Kể sơ qua có công ty khai khoáng với 35 đơn vị thành viên Eclipse, Clyde Films, Cherwell Films và Scotts Atlantic Partners…
Chiến lược gia người Scotland nghiên cứu rất nhiều sách về kinh tế và sự nhanh nhạy được thể hiện qua phương pháp kinh doanh “chia giỏ trứng”, nghĩa là đầu tư vào nhiều kênh. Đua ngựa với ông là một đam mê nhưng cũng là hình thức sinh lãi. Thuyền trưởng M.U đang đồng sở hữu nhiều chú ngựa đua trong đó có con Harry The Viking nổi tiếng đã tham dự giải Grand National. Hình thức mua bán ngựa đua mỗi năm cũng đem về cho Sir Alex số tiền không nhỏ.
Ngoài kiếm tiền trực tiếp từ kinh doanh, “Ông già gân” còn biết cải thiện hình ảnh để qua đó kiếm tiền. Quyết định “làm hòa” với BBC để có thể xuất hiện trong chương trình đặc biệt nói về chặng đường thành công với M.U cho thấy bước đi khôn ngoan của Sir Alex. Ông cũng là quân sư đứng sau những thành công trong việc kinh doanh của cậu con trai Jason (sinh năm 1972) và cứ mỗi khi ký thành công một bản hợp đồng, cậu con sẽ “lại quả” cho ông bố tài danh, dù thực tâm ông muốn giúp đỡ “không công”.Từng ấy công việc kinh doanh đã đủ để chứng minh Sir Alex giàu nhờ đâu. Chẳng giàu có, Sir Alex lấy đâu ra tiền để có tên trong danh sách những nhà tài trợ chính của Đảng Lao động Anh?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)