Niềm kiêu hãnh của BLĐ và các CĐV M.U trong phút chốc đã biến thành nỗi xấu hổ bởi sự vô trách nhiệm trong khâu quản lý tại đây. Mỗi tuần, sân Old Trafford đón tiếp hàng vạn CĐV đến thăm quan và thưởng thức các trận đấu của MU. Thế nhưng, dường như họ bị sự hoành tráng của sân vận động hút hết hồn đến mức chẳng ai nhận ra dưới chân mình là hàng đàn chuột đang tranh thủ kiếm chút đỉnh thức ăn cho mình. Chỉ đến khi những nhân viên của Ủy ban vệ sinh dịch tễ tới kiểm tra, sự tắc trách trong khâu quản lý sân và các dịch vụ ở sân đấu hoành tráng nhất nhì nước Anh mới bị phanh phui.
Bên trong vẻ hào nhoáng của Old Trafford
Nhìn từ bên ngoài, Old Trafford vẫn đứng sừng sững đầy kiêu hãnh. Với sức chứa hơn 76.000 người, kích thước 105m x 68m, Old Trafford là sân vận động lớn thứ hai nước Anh (sau sân vận động quốc gia Wembley). Sân cũng được biết đến với thiết kế hiện đại bậc nhất với các khu vực dành cho ban huấn luyện, phòng kiểm soát an ninh, khu tác nghiệp truyền hình, cửa hàng lưu niệm và cả nhà hàng sang trọng...
Chuột chạy trên sân Old Trafford
Ngay cả đoàn kiểm tra vệ sinh khi mới bước vào cũng bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng của Old Trafford và cách bày trí lung linh với tông màu đỏ chủ đạo. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng biến thành nỗi sợ hãi khi họ bật đèn pin vào những lỗ hổng nhỏ tại đó. Từng đàn chuột rủ nhau đến làm tổ và chạy lúc nhúc qua các lỗ hỗng và trong các rãnh thoát nước nhỏ ở Old Trafford, biến nơi đây thành nỗi kinh hoàng.
Thực ra, vấn nạn “giặc chuột” chưa phải lần đầu tiên bị phát hiện tại Old Trafford. Thi thoảng trong các trận cầu tại đây, máy quay truyền hình cũng đã ghi lại cảnh những chú chuột chạy đi chạy lại trên đường pitch. Thế nhưng không ai có thể nghĩ rằng Old Trafford lại có ngày bị biến thành “lãnh địa” của loài gặm nhấm.
Lãnh đạo M.U khi được hỏi thì đổ lỗi cho việc các cầu thủ đội khách thường mang pho mát tới phòng thay đồ ở đây và ăn không hết tạo điều kiện cho lũ chuột sinh sôi nảy nở. Họ cũng đưa ra những lý do nghe rất khách quan khác để thuyết phục mọi người.
“Chúng tôi nằm giữa một con kênh và một đường xe lửa, cho nên lượng rác ở đây là rất lớn. Giống như những nơi công cộng khác, chúng tôi cũng thấy chuột ở trong và ngoài sân. Nhưng đó không phải là một thảm hoạ. Chắc chắn là như vậy”.
Thế nhưng, khi các nhân viên kiểm tra vệ sinh phát hiện côn trùng chết, nhà hàng phục vụ gà chưa nấu chín và cả gà hết hạn sử dụng cũng nằm trong kho thực phẩm tại Old Trafford thì BLĐ đội bóng này im lặng chưa có câu trả lời.
Hãy học tập Anfield và Emirates
Dù đang là những đội bóng hàng đầu tại Premier League nhưng khi sự thật nói trên được Daily Star công bố, M.U và Chelsea đã mất điểm trầm trọng trong mắt người hâm mộ của chính đội bóng. Họ chi hàng đống tiền mua vé để ủng hộ đội bóng và làm tăng lợi nhuận từ các nhà hàng đặt tại sân. Thế nhưng những gì mà các fan nhận được là thái độ phục vụ thiếu trách nhiệm của cấp quản lý.
Trong khi đó, Arsenal và Liverpool đã tạo được hình ảnh tốt. Các nhân viên của đoàn kiểm tra vệ sinh khẳng định rằng sân Emirates và Anfield đều đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh cũng như khâu quản lý, phục vụ. Hồi tháng 10 năm ngoái, Arsenal cũng được Ủy ban Quản lí du lịch Anh quốc (VisitEngland) chọn là đội bóng có khả năng điều hành, quản lí bậc nhất tại Premier League.
Tổ chức này đã dựa vào các gói du lịch bóng đá, những ý kiến đánh giá của khán giả, qua đó chỉ ra rằng, Arsenal là điểm đến tốt nhất, từ quản lí điều hành tới chế độ phục vụ trên sân cỏ.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)