Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Mesut Oezil: Thành công bị lợi dụng

Thứ Năm 05/09/2013 22:30(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tài năng chơi bóng của Mesut Oezil giúp anh nổi tiếng và giàu có, nhưng không phải người nhập cư nào ở vùng Ruhr, tương lai đều trải hoa hồng.

Thị trấn Bismarck, nơi cách đây 40 năm, ông của Oezil đặt chân đến từ quê nhà Thổ Nhĩ Kỳ, bây giờ là khu vực được bao quanh bởi các cửa hàng, những chung cư vô chủ, những bức tranh graffiti không sáng tạo và cả những chiếc “lồng của Mesut” có thể bắt gặp quanh khu dân cư.

Ozil và Real Madrid không tìm được tiếng nói chung về chuyện lương bổng
 

Kẻ phá quy luật

Thế hệ ông của Oezil được gọi là “Gastarbeiter” (lao động từ nước ngoài), những người mà chính phủ Đức cần để phát triển nền công nghiệp khai thác mỏ của họ trong thời kỳ bùng nổ kinh tế những năm 1950-1970. Họ làm việc, định cư, sinh con đẻ cái và Oezil là thế hệ thứ 3.

“Lồng của Mesut” theo như cách gọi của người dân địa phương là cái sân bé xíu với hàng rào vây quanh. Đó chính là nơi nuôi dưỡng tài năng của Oezil và cũng là nơi mà câu chuyện thành công của anh trở thành nguồn cảm hứng cho bất cứ người dân nhập cư nào ở Đức. Mesut chính là người nhập cư đầu tiên trở thành cầu thủ trong tuyển quốc gia Đức, trong chặng đường đưa anh thoát khỏi cái sân đất bẩn thỉu ở thung lũng Ruhr.

Bất cứ ai cũng có thể thoát khỏi vùng đất đó với những ước vọng lớn lao nhưng để thành công thì quả hiếm thấy. Kinh tế đã đi qua thời bùng nổ, sự cạnh tranh gay gắt buộc các công ty phải đóng cửa nhà máy ở đây để mở tại các quốc gia nhỏ hòng tiết kiệm chi phí nhân công. Hoàn cảnh hiện tại đẩy gánh nặng lên vai của thế hệ con cháu những người nhập cư năm nào, chật vật mưu sinh trong nỗi khắc khoải về tương lai.

“Oezil bởi thế là sự khác biệt, nằm ngoài quy luật” - một công nhân về hưu 36 tuổi ở Gelsenkirchen vừa nói vừa đưa tay khuấy cốc cà phê đậm đặc được pha theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ.

Thành công bị lợi dụng

Khi Oezil xuất hiện trong đội hình tuyển Đức tại World Cup 2010, các chính trị gia thi nhau lấy anh làm ví dụ để chứng minh cho chính sách “đa văn hóa” đúng đắn của họ. Thủ tướng Angela Merkel thậm chí còn sử dụng Oezil như một “công cụ PR hoàn hảo” khi vào tới tận phòng thay đồ, hồ hởi nắm tay chúc mừng anh sau chiến thắng của Đức trước Thổ Nhĩ Kỳ. Phóng viên đua nhau ghi lại khoảnh khắc đó, báo chí rầm rộ đưa tin, như để chứng minh chính sách “đa văn hóa” đúng đắn của chính phủ.

Nhưng đằng sau ánh hào quang của Oezil là thực tại nhức nhối của người nhập cư ở Đức. Betül Durmaz, giáo viên một trường cấp 2 ở thị trấn Gelsenkirchen với 70% học sinh có nguồn gốc nhập cư, đã viết cuốn sách bán chạy với chủ đề này. Bà cho rằng chính phủ Đức với chính sách hội nhập và giáo dục sai lầm đã đẩy cuộc sống của người nhập cư vào bế tắc.

Trong nhiều năm, chính phủ lên ý tưởng lãng mạn về chính sách đa văn hóa, tin rằng nếu họ cứ bơm tiền hỗ trợ người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Đức là thành công. Nhưng thực tế, họ chẳng có kế hoạch cụ thể, chi tiết khiến mọi thứ trở nên mất định hướng và phản tác dụng. Người nhập cư giờ thiếu việc làm và nghiêm trọng hơn là bị cô lập khỏi xã hội Đức. Trong một góc lớp học của Betül Durmaz, một nhóm học sinh Thổ Nhĩ Kỳ tụm lại với nhau, một nhóm học sinh Liban chơi cùng nhau và nói thứ ngôn ngữ của riêng mình.

Oezil giờ đây bước tới chương mới trong sự nghiệp, đầu quân cho Arsenal với bản hợp đồng kỷ lục. Báo chí Đức tiếp tục tung hê và kỳ vọng về những thành công của anh ở xứ sương mù. Nhưng ở quê nhà Bismarck, người dân mong muốn song hành với niềm tự hào là sự đổi thay mang tính hệ thống, để nơi đây sản sinh thêm nhiều Oezil nữa.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X