“Kinh hoàng”, “hú vía”,... là những từ mà cầu thủ Man United dùng để chia sẻ trên mạng xã hội khi nói đến sự cố trong chuyến bay đưa họ tới Đức.
Man United tới làm khách của Bayer Leverkusen ở loạt trận thứ 5 vòng bảng Champions League trên chuyến bay mang số hiệu A321 của hãng Monarch Airlines. Khi máy bay chỉ còn cách mặt đất 400m và phi công chuẩn bị cho máy bay hạ cánh xuống sân bay Cologne thì đột ngột nhận được thông báo rằng có một máy bay khác đang trên đường băng. Gương mặt chưa hết hoảng hồn của cầu thủ MU sau khi máy bay hạ cánh thành công.
Do tình huống khẩn cấp đó, máy bay chở thành viên của đội bóng chủ sân Old Trafford, gồm GĐĐH David Gill, HLV David Moyes và các cầu thủ, đã phải bay lòng vòng trên bầu trời thêm 10 phút trước khi nhận được tín hiệu có thể hạ cánh vào lúc 5h40 chiều ngày hôm qua (giờ địa phương).
Phi hành đoàn đã thông báo sự việc tới tất cả mọi người và cố gắng trấn an họ. Nhưng sự cố khiến các cầu thủ Man United vô cùng hoảng sợ. Chia sẻ với tờ Telegraph, một người có mặt trên máy bay cho biết vẫn chưa thực sự hoàn hồn. Nếu như nhận được thông báo chậm hơn, chắc chắn đã có va chạm và không biết điều gì sẽ xảy ra.
“Đã có mặt tại Đức. Thật hú vía. Chuyến bay có vấn đề khi hạ cánh” – trung vệ Rio Ferdinand cũng không giấu được tâm trạng khi chia sẻ trên mạng xã hội.Đây không phải là lần đầu tiên máy bay chở đội Man United đi thi đấu gặp phải vấn đề trên đất Đức. Ngày 6 tháng 2 năm 1958, một ngày sau khi cầm hòa Red Star Belgrad 3-3 tại Nam Tư để lọt vào bán kết cúp C1, các thành viên của Man United lên máy bay trở về Anh.
Trên đường trở về từ Belgrad, chiếc máy bay mang số hiệu 609 của British European Airlines phải dừng ở Munich để nạp nhiên liệu. Tuyết rơi quá dày tại sân bay Munich khiến chiếc máy bay trật khỏi đường băng khi phi hành đoàn nỗ lực cất cánh, trước khi bốc cháy.
Trong số 44 hành khách, 21 người chết ngay tại chỗ, trong đó có 7 cầu thủ trong đội hình Man United: Roger Byrne, tiền đạo Tommy Taylor, các tiền vệ Eddie Colman, Mark Jones, Geoff Bent, tiền đạo David Pegg và Liam "Billy" Whelan. Sau 15 ngày đấu tranh với tử thần, các bác sỹ đã thất bại trong việc cứu sống Duncan Edwards - vốn được đánh giá là tiền đạo hay nhất nước Anh thời đó.
Theo Thể Thao Văn Hoá