Bóng đá không phải là môn thể thao vua ở Mỹ, nhưng với mức sống cao, dân Mỹ sẵn sàng bỏ từ 60 đến 80 đôla để mua vé vào xem các ngôi sao đến từ châu Âu chơi bóng. Thành công của đội tuyển Mỹ tại World Cup 2014 vừa qua đã giúp bóng đá cải thiện mạnh mẽ vị thế trong đời sống của người dân Mỹ.
Mức độ hâm mộ bóng đá của dân Mỹ ngày càng tăng, nhờ thành công của đội tuyển quốc gia và những chiêu thức tiếp thị tài ba |
Với một chiến dịch quảng bá khôn khéo, đặc biệt sử dụng sức mạnh của các mạng xã hội, những người làm bóng đá ở Mỹ đã thành công trong việc lôi kéo thêm nhiều người quan tâm đến môn thể thao vua. Vì thế, thị trường Mỹ, vốn đã được đánh giá rất cao về tiềm năng, nay càng béo bở đối với các ông lớn châu Âu sau khi nhận được cú hích trên.
Sau khi trở về từ chuyến thị sát trên đất Mỹ, trưởng ban tổ chức La Liga Javier Tebas đã lên tiếng thúc giục các đội bóng như Real Madrid hay Barca đẩy mạnh việc du đấu Mỹ. Tebas hy vọng những đội bóng mà ông gọi là “hay nhất thế giới” sẽ soán ngôi Man Utd và Liverpool về lượng người hâm mộ, qua đó, chiếm được thị phần khổng lồ mà thị trường mới mang lại.
“La Liga là một trong những giải đấu hàng đầu thế giới và được người dân Mỹ quan tâm theo dõi. Chúng tôi có dự định mở rộng ảnh hưởng tại đây và nhìn nó lớn mạnh qua từng năm. World Cup đã thể hiện niềm đam mê dành cho bóng đá ở Mỹ và thật tuyệt khi có mặt ở đây vào thời điểm đó”, Javier Tebas phát biểu sau khi dự khán trận đấu giữa Atletico Madrid và San Jose Earthquakes.
Tebas cho rằng việc ban tổ chức Giải nhà nghề Mỹ và Liên đoàn bóng đá Mỹ đánh giá La Liga chất lượng hơn Ngoại hạng Anh sẽ là một lợi thế lớn cho các đội bóng Tây Ban Nha khi họ mở đường đến Mỹ du đấu. Tuy nhiên, Tebas thừa nhận La Liga sẽ phải nỗ lực nhiều nếu muốn theo kịp người Anh về giá trị thương mại và độ phủ sóng hình ảnh trên toàn thế giới.
Trong trận đấu vừa qua giữa Man Utd và Real Madrid, một kỷ lục về số khán giả cho một trận đấu bóng đá ở Mỹ đã được xác lập với con số 109.318 người.
Theo Vnexpress