Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Được như ngày nay, M.U phải cảm ơn… một chú chó

Thứ Năm 18/07/2013 15:21(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
M.U là đội bóng thành công nhất Vương quốc Anh, đồng thời là thương hiệu đắt giá nhất thế giới (“giá” vốn hóa thị trường là 1,86 tỷ USD theo Forbes) thời điểm hiện tại. Thế nhưng, mấy ai biết được rằng, họ đã từng trải qua quá khứ nghèo mạt rệp và đế chế có nguy cơ bị bóp nát từ trong trứng nước. Ngoài ra, có một chi tiết mà ít người biết đến, ân nhân thực sự của “Quỷ đỏ” không phải doanh nhân John Henry Davies, mà là…


Hãy khoan phong thánh cho Davies…

Vào tháng 01/1902, Newton Heath (tên sơ khai của Manchester United) gặp khó khăn về tài chính với khoản nợ 2.670 bảng (tương đương 210.000 bảng theo mệnh giá 2013). Không chấp nhận để đội bóng bị giải thể, các thành viên đau đầu nghĩ cách. Tự quyên góp? Đề xuất này nhanh chóng bị phá sản bởi họ, những cầu thủ trong biên chế người là công nhân, người thất nghiệp và đều chung cảnh ngộ: Nghèo rớt mồng tơi. Còn vay mượn? Liệu có khả thi không khi những năm đầu thế kỷ 20, kinh tế nước Anh đang trên đà suy thoái (10 năm sau đó, họ tụt xuống đứng sau Mỹ, Đức bởi do công nghiệp phát triển quá sớm nên kỹ thuật trở nên lạc hậu). Tuy nhiên, không còn cách nào khác, họ đành phải thử.

M.U, Premier League, lịch sử CLB

Đội bóng Newton Heath năm 1890

Theo những tài liệu ghi lại (và thông dụng khiến ai cũng biết), đó là ông chủ nhà máy bia Walker & Homfray, John Henry Davies đã dang tay cứu vớt. Ngoài việc chi trả khoản nợ, Davies còn sẵn sàng đầu tư thêm 500 bảng để giúp Newton Heath hoạt động. Đổi lại, doanh nhân này sẽ trở thành người điều hành CLB. Như người chết đuối vớ phải cọc, các thành viên của Newton Heath đồng ý ngay tắp lự. Ngoài việc được tiếp tục chơi bóng, dù sao được một ông chủ danh tiếng và nhiều kinh nghiệm quản lý đứng đầu vẫn hơn.

Chưa nói tới những vinh quang sau này, nguyên việc cứu rỗi đội bóng đủ khiến NHM “Quỷ đỏ” ai cũng thầm cảm ơn John Henry Davies, thiếu điều phong thánh cho ông. Họ cũng cho rằng nếu không vì tình yêu với bóng đá, với Newton Heath, ông chủ hãng bia kia chẳng việc gì phải ném tiền qua cửa sổ, đầu tư vào đội bóng vô danh. Nên nhớ rằng trước khi tham gia cùng Newton Heath, Davies đã vô cùng giàu có khi quản lý đồng thời 2 công ty hàng đầu về đồ uống có cồn là John Henry Lees ở Moss Side và Walker & Homfray Brewery. Chưa kể, bà vợ Amy mà ông kết hôn là cháu gái của Sir Henry Tate, ông trùm trong lĩnh vực đường sữa và đương nhiên sở hữu khối tài sản kếch xù.

Vì còn Harry Stafford, và…

Có đúng là Davies đến với M.U bằng tình yêu? Ồ không, những đồn đoán đều sai bét. Cách đây hơn một thế kỷ, bối cảnh hoàn toàn khác hiện nay và Davies cũng không phải Roman Abramovich hay những ông chủ Qatar giàu có với thú vui tao nhã mua một đội bóng để giải trí. Không vì tiền, tình yêu cũng không nốt, vậy lý do là gì? Chuyện là thế này…

Trong lúc cùng quẫn, song hành với việc chạy vạy vay mượn và gõ cửa các doanh nghiệp cầu xin sự cứu rỗi, những người còn lại ở Newton Heath cũng không thể ngồi yên chờ chết. Được đồng nào hay đồng ấy, các thành viên đội bóng quyết định vét sạch tài sản chung của Newton Heath và đem ra khu chợ St. James Hall bán. Từ quần áo đấu, trái banh da, dụng cụ tập cho tới bàn ghế, cốc uống nước, bút, kéo… bất cứ thứ gì có thể đem lại những đồng shilling hoặc penny. Đảm nhận công việc khó coi này, không ai khác ngoài đội trưởng Harry Stafford.

Vì tình yêu đội bóng, Stafford bỏ qua những lời dè bỉu từ những đồng nghiệp cũ ở Công ty đường sắt và can gián của vợ con, ngày ngày lếch thếch đánh xe ra St. James Hall. Tuy vậy, người đội trưởng tận tụy không cô đơn. Bên cạnh anh còn có chú chó St. Bernard. Và, “Người bạn đồng hành” này cũng không hề nhàn rỗi, Stafford còn buộc chiếc hộp thiếc quanh người chú chó với hy vọng kiếm thêm chút đỉnh bố thí từ những người rộng rãi.

Vào một ngày định mệnh, sau khi hoàn toàn chán nản vì ế khách, Stafford quyết định ra về. Thế nhưng huýt sáo đủ kiểu, St. Bernard vẫn mất dạng. Đã không được việc gì lại để mất con chó, vợ anh chắc chắn sẽ không để yên. Vì vậy, Stafford buộc phải gửi chiếc xe hàng cho một người bạn quen, rồi ba chân bốn cẳng đi tìm “ông bạn mải chơi”.

Chú chó St. Bernard

Nhưng phải tới 4 ngày sau, khi đã chạy bộ qua chục con phố theo hàng tá những chỉ dẫn, đội trưởng của Newton Heath tới khu Salford và dừng trước cánh cổng của nhà John Henry Davies. Nỗi lo lắng cho St. Bernard khiến Stafford vượt qua sự sợ hãi, đánh liều gọi cửa doanh nhân hàng đầu ở Manchester. Khi cánh cửa bật mở cũng là lúc con St. Bernard nghe tiếng chủ, chạy ào ra. Theo sau là Rachel, tiểu thư của nhà John Henry.

M.U, Premier League, lịch sử CLB

Chú chó St. Bernard

Té ra, khi cùng người giúp việc ghé qua St. James Hall, Rachel thấy con chó và thực sự muốn có nó. Cũng thật lạ kỳ, St. Bernard cũng không chối từ tình cảm của vị tiểu thư giàu có, nằm gọn trong vòng tay của cô và theo tận về đây. Lúc này, tình thế thật rối ren. Stafford muốn đem con chó về trong khi Rachel cũng không muốn mất nó. Vị tiểu thư luôn muốn gì được nấy khóc như mưa như gió, níu lấy vạt áo Stafford mà cầu xin. Trước sự việc khó xử trên, doanh nhân Davies buộc phải lộ diện. Không để con gái thất vọng, ông đưa ra yêu cầu Stafford bán lại con chó. Đương nhiên, câu trả lời là không. Đồng thời, không muốn bà vợ ở nhà cáu bẳn vì bữa tối bị chậm lại, Stafford cáo từ và ôm St. Bernard về nhà, bỏ lại một Davies quyền thế nhưng bất lực trước nỗi đau khổ của con.

Nhiều ngày sau đó, Davies tìm tới tận nhà Stafford để thuyết phục. Kết quả là đều ra về công cốc. Quá bực mình trước gã khố rách áo ôm ương ngạnh, Davies bắt đầu tìm hiểu về Stafford. Khi ấy, ông mới biết câu chuyện của Newton Heath. Tuy nhiên, họa có điên mới chi tiền cho “đống đồng nát” mà Stafford đang rao bán, Davies đề nghị người đội trưởng về làm việc ở nhà máy bia Walker & Homfray Brewery. Stafford tiếp tục từ chối.

Mặc dù vậy, sự nhiệt tình của Davies, cộng với tình cảm của cô gái nhỏ Rachel với chú chó, Stafford không hỏi ý vợ, quyết định để St. Bernard tới nhà John Henry. Choáng váng với hành động đầy hào hiệp này, Davies cũng thay đổi thái độ, từ bực tức chuyển sang khâm phục và quý mến Stafford.

Tháng 03/1902, tại Islington , ông chủ nhà máy bia đồng ý giúp đỡ đội bóng mà Stafford đang cố níu giữ. Cũng từ đây, Davies cũng có những suy nghĩ tích cực hơn, ngoài việc xây dựng Newton Heath một cách tận tâm, còn trở thành nhà bảo trợ cho nhiều muôn thể thao khác trong khu vực Manchester.

(Theo Bóng Đá Toàn Cầu)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X