Ông chủ tịch "quậy" tưng bừng với phong cách thời trang kết hợp giữa sơ mi và áo đấu thể thao chủ nhật vừa rồi hóa ra lại là một doanh nhân đình đám Đông Nam Á.
Cách phối đồ kì lạ và có phần "quê mùa" ấy của chủ tịch Cardiff City đã làm cả mạng xã hội Twitter phát sốt, ấy là chưa kể những hành động ăn mừng đầy phấn khích mà chẳng người đồng nhiệm nào ở Anh từng thể hiện. Rõ ràng, đó là dấu ấn vô cùng đặc biệt của tỷ phú người Malaisia, Vicent Tan. Nó khác xa sự lạnh lùng và có phần "khủng bố" kiểu nhà Glazer hay Roman Abramovich.
Vậy vị chủ tịch kì lạ của Cardiff City là ai? Kì thực, đối với giới doanh nhân Việt Nam, Vicent Tan chẳng phải là cái tên xa lạ gì, trái lại còn rất quen thuộc là đằng khác. Dưới bàn tay gầy dựng của ông, Berjaya từ một công ty bảo hiểm nhỏ bé ở Malaisia đã trỗi dậy và lấn sân sang các lĩnh vực xổ số, dịch vụ ăn uống, tài chính, chứng khoán, du lịch và bất động sản để rồi giờ đây, Berjaya trở thành một trong những tập đoàn hùng mạnh nhất Châu Á, còn bản thân ông cũng sở hữu khối tài sản trị giá hàng tỉ USD.
Vị chủ tịch kì lạ của Cardiff City
Lẽ dĩ nhiên, Vicent Tan cũng không đứng ngoài làn sóng đầu tư vào thị trường Việt Nam khi rót hàng trăm triệu USD vào hàng chục dự án ở Việt Nam vào thời điểm 2008. Đó là những dự án trải dài trên nhiều lĩnh vực như đất đai, du lịch và chứng khoán trải dài từ Hà Nội, Hòa Bình đến TP.HCM, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho đôi bên trong tương lai. Ngoài ra, cũng chính Berjaya là chủ sở hữu của khách sạng sang trọng bậc nhất Việt Nam, Sheraton Hà Nội, cùng khu nghỉ mát xa xỉ Long Beach Resort tại Phú Quốc.
Dù vậy, ít ai biết rằng người đàn ông người Malaisia này đã phải trải qua những ngày tháng khốn khó khi còn đi học. Xuất thân trong một gia đình kinh doanh nhỏ nhưng đến năm 16 tuổi, Vicent Tan không có cơ hội vào Đại Học bởi khó khăn về mặt tài chính. Hai bàn tay trắng, Vicent Tan đành xin vào làm ở ngân hàng và kiêm thêm việc bán báo hiểm vào mỗi buổi tối. Khả năng kinh doanh của ông đã sớm được thể hiện trong thời điểm ấy khi sớm thăng tiến lên những chức vụ quan trọng của công ty bảo hiểm Quốc tế Mỹ vào năm 21 tuổi.
Tới cuối những năm 70, Tan quyết định thoát ly và thành lập công ty riêng, tiền thân của tập đoàn Berjaya sau này. Đến năm 1981, ông thực hiện kế hoạch nhượng quyền thương hiệu với McDonald's và chính thức biến Berjaya thành một tập đoàn kinh doanh đa ngành với các thương vụ khác ở các lĩnh vực xổ số, cá cược, du lịch, và bất động sản.
Thành công là vậy nhưng trái với vẻ bề ngoài lạnh lùng của những ông trùm tài phiệt Mỹ hay Nga, Vicent Tan lại có sự dí dỏm kiểu diễn viên hài Hồng Kông nhờ bộ ria mép đặc trưng và lối nói chuyện hài hước, giản dị nhưng đầy tự tin.
Năm 2010, ông tiếp quản Cardiff City sau khi bỏ tiền mua lại 31,6% cổ phần của CLB và gây ra cuộc tranh cãi bất tận khi biến màu áo xanh truyền thống của CLB vốn được mệnh danh là "Bluebirds" này thành màu đỏ rực lửa, vốn được cho là màu may mắn của ông.
Để thuyết phục các cổ động viên tin vào quyết định của mình, Tan liên tục xuất hiện trước giới truyền thông trong trang phục quần tây áo sơ mi và mặc kèm một chiếc áo đấu của Cardiff ở bên ngoài. Hình ảnh ông chủ tịch lắm tiền nhiều của chấp nhận gắn liền với phong cách dân dã ở bất kì nơi đâu chỉ để quảng bá và tạo niềm tin cho màu áo mới của CLB thực sự đã làm các cổ động viên Cardiff City cảm động .
Không hiểu quyết định mang tính phong thủy này của Vincent Tan có thực sự mang lại may mắn cho CLB này hay không nhưng với hàng chục triệu bảng nhằm nâng cấp cơ sở vật chất và đội hình, Tan đã thực sự biến Cardiff City từ một đội bóng hạng trung ở Cocacola Championship (hạng Nhất Anh) thành một thế lực thực sự.
Chỉ trong 3 năm, họ đã trở thành CLB thứ 2 của xứ Wales có mặt tại Premier League sau Swansea. Đến tối chủ nhật, họ có màn ra mắt hoành tráng nữa khi đánh bại Man City 3-2 đầy thuyết phục. Cuộc phiêu lưu mới của vị tỉ phú người Đông Nam Á ở đấu trường khắc nghiệt nhất hành tinh đã bắt đầu theo cách chẳng thể tuyệt vời hơn.
(Theo VTC)