Đó là những sân bóng từng chứng kiến các cuộc tranh tài nảy lửa, là nơi từng được hun đốt bới sức nóng từ các khán đài. Nhưng giờ đây, chúng tiêu điều thê lương. Những kẻ bạo gan bước vào sân bóng này chỉ thấy cảm giác rờn rợn chạy dọc sống lưng và trong đầu hiện ra đầy những hình ảnh ma quái đáng sợ. Chúng là những sân bóng bị đồn là ma ám.
Bóng ma treo trên khung thành trống
Sân Cathkin Park là một trong những sân bóng cổ nhất thế giới. Nằm ở Glasgow, thành phố lớn nhất Scotland, sân Cathkin Park được xây từ năm 1884 và từng là nơi tổ chức những trận đấu được dư luận thời đó đặc biệt quan tâm: Anh gặp Scotland (15/03/1884) hay trận chung kết British League Cup năm 1902 giữa Rangers và Celtic. Báo chí khi ấy nói sân bóng này chỉ có 12.000 chỗ nhưng nó thật sự đáng sợ với đội khách vì các khán đài ngay sát sân đấu tạo ra áp lực kinh khủng với cầu thủ.
Theo cuốn "Lịch sử sân cỏ nước Anh" (Football Grounds of Britain), trong thời gian đầu, sân này mang tên Hampden Park và thuộc quyền sở hữu của CLB Queen Park. Về sau, Queen Park thăng hạng chuyên nghiệp và họ chuyển sang sân khác lớn hơn. Sân Cathkin Park được chuyển sang cho CLB nghiệp dư Third Lanark. Năm 1967, Third Lanark giải thể và sân đấu gần như vô chủ. Chính quyền địa phương không dẹp bỏ sân bóng này mà vẫn giữ lại để cho người dân địa phương sử dụng. Vào ban ngày, thỉnh thoảng vẫn có người đến chơi nhưng khi hoàng hôn phủ xuống thì sân đấu không một bóng người. Có nhiều lời đồn xung quanh sự hoang vắng của sân bóng do oan hồn của một CĐV đã tự sát ở sân.
svd
CLB Third Lanark có một CĐV nhiệt thành mang tên Scott. Y thường xuyên mang kèn túi đến sân thổi cổ động đội nhà và từng tuyên bố: "Third Lanark là lẽ sống của đời tôi". Vào đúng ngày Third Lanark giải thể (25/04/1967), Scott đã đi uống rượu rất say với đám bạn cùng cổ vũ Third Lanark. Sau khi ra về, Scott bảo các bạn về trước còn y vào sân một mình ngắm sân bóng lần cuối.
Sáng hôm sau, người ta phát hiện ra Scott đã treo cổ bằng thắt lưng buộc trên xà ngang một khung thành. Ghê rợn hơn, phần chân của y bị lũ chó hoang cắn nát tơi tả. Có người nói Scott tự sát vì nợ nần, có người nói y gặp chuyện buồn gia đình nên nghĩ quẩn, có người đoán đây là vụ án mạng được dàn cảnh tự sát để phi tang nhưng tựu chung là Scott đã chết một cách thê thảm nhất trong thị trấn yên bình.
Năm đầu Scott qua đời không có chuyện gì xảy ra nhưng đến năm sau thì có nhiều điều khiến người dân quanh vùng cảm thấy sợ hãi khi qua đây. Vào những đêm trăng sáng, người ta nghe thấy tiếng kèn túi thổi đúng điệu mà Scott khi đi xem bóng đá trước đây thường thổi. Pha lẫn trong tiếng kèn túi não nề là tiếng chó hoang tru lên đến rợn người. Nghe phản ánh của người dân, chính quyền đã làm lại cửa sân và bịt hết những chỗ mà chó hoang có thể xé rào vào được nhưng những âm thanh ma quái không hề dứt.
Bạn bè Scott tin rằng oan hồn của gã chưa thể lên thiên đường và đang trú ngụ ở cột khung thành nơi gã tự sát. Vì thế, họ cho đóng nhiều khung sắt trên khán đài với ý nghĩ y sẽ có nơi cư ngụ tạm trong lúc họ "mượn" khung thành chơi bóng. Hầu như năm nào, bạn bè của y lại đóng một khung thành nhỏ trên khán đài và cũng chẳng ai phản đối vì sân này như bỏ hoang rồi.
Tuy là bạn bè đi chăng nữa nhưng họ cũng sợ không dám tới đây buổi tối. Một nhóm thanh niên địa phương trèo lên trần nhà dân xung quanh để điều tra chuyện ma. Họ mang theo cả máy quay, ống nhòm hồng ngoại chầu trực trên nóc nhà suốt 3 ngày. Hai hôm đầu trời trong veo thì không có gì nhưng đêm thứ 3 sương mù giăng khắp thì họ nghe thấy tiếng chó tru. Tất cả đều nghe thấy tiếng và có 2 người nhìn thấy có bóng người treo lủng lẳng ở khung thành.
Tuy nhiên, khi dùng ống nhòm hồng ngoại để nhìn trong đêm thì họ không thấy gì và khi về xem video quay lại thì cũng không thấy gì nốt. Dù sao chuyện 2 người trong nhóm thấy bóng Scott cũng đủ để họ tin rằng đó là oan hồn của CĐV xấu số này. Phải đến năm 2008, khi CLB Third Lanark thành lập lại thì hiện tượng này mới chấm dứt. Nhưng tiếng đồn về oan hồn của Scott khiến người ta vẫn rợn người khi vào sân.
Mồ chôn tập thể dưới nền sân bóng
Tại huyện Cách Nhĩ Mộc, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) có một sân bóng được dân địa phương gọi là Lâm Khốc. Chỉ riêng cái tên này thôi đã khiến người ta phải rùng mình khi nghe rồi vì Lâm Khốc là rừng khóc, là bản nhạc mà phường bát âm thường tấu lên khi đưa tiễn người thân sang bên kia thế giới. Sân Lâm Khốc được xây dựng từ hồi thập niên 1950 ngay cạnh một cánh rừng. Ban đầu không có chuyện gì xảy ra.
Sân Lâm Khốc là nơi mà người dân tổ chức các hoạt động thể thao phong phú và đặc biệt đông mỗi khi đội Cách Nhĩ Mộc gặp đội láng giềng Đức Linh Cáp. Nhưng về sau, người ta nghe tiếng khóc gào rất lớn phát ra từ sân bóng trong đêm khuya. Những đêm mưa phùn thì tiếng khóc nỉ non hòa quyện với tiếng gió rít qua hàng thông càng tạo ra âm thanh đáng sợ.
Khi người dân phản ánh với chính quyền địa phương thì cũng có đoàn chuyên gia được cử xuống. Họ đi một vòng sân rồi kết luận âm thanh ma quái như tiếng khóc phát ra từ sân bóng chỉ là do tiếng gió cộng hưởng khi thổi vào khán đài thôi và khuyên người dân yên tâm. Nhưng về sau thì kể cả những đêm không gió, người ta vẫn nghe thấy tiếng khóc nỉ non ở trong sân bóng. Vào những đêm trùng thất (7/7 âm lịch) thì tiếng khóc này càng lớn. Người dân tự động lập một nhóm đi điều tra và đốt đuốc vào sân xem thì không có gì.
Còn theo các cụ cao niên trong vùng, tiếng khóc đó là của các oan hồn chiến binh tử trận đang sống vất vưởng nơi đất khách quê người. Theo sử sách ghi lại, vào năm Ung Chính thứ 3, Niên Canh Nghiêu đã truy sát quân Hòa Thạc Đặc tại Thanh Hải vào chém vài vạn thủ cấp. Nơi xảy ra huyết chiến giữa quân đội hai bên chính là sân Lâm Khốc. Người dân tin rằng dưới sân bóng chính là mồ chôn tập thể của hàng ngàn hàng vạn chiến binh từ gần 300 năm trước.
Các cụ cao niên còn cho biết hồi chưa xây dựng sân bóng thì hàng đêm còn nghe tiếng chặt cây, hành quân như là xây dựng doanh trại. Nhưng nhờ xây sân bóng nên các oan hồn tự nhiên được sẵn luôn một pháo đài và tiếng chặt cây biến mất. Dù vậy, vào những đêm mưa gió, các oan hồn vẫn nhớ quê và cất tiếng khóc sụt sùi. Họ còn nói mỗi ngọn cỏ trên sân có thể là nơi trú ngụ của các chiến binh xấu số.
Tuy đây chỉ là ý kiến của một số cụ già nhưng nó mang sức lan tỏa rất lớn. Cộng thêm một số sự kiện xảy ra sau đó khiến người ta càng phải bán tín bán nghi. Đã có hai đứa trẻ trèo lên khán đài sân chơi đùa và bị ngã phải đi bó bột. Chúng kể rằng khi đang đuổi nhau thì thấy như bị ai xô đẩy. Lập tức có người phán là các âm binh làm vì lũ trẻ nghịch quá. Vậy là sau vụ đó, các gia đình nghiêm cấm trẻ em vào sân chơi đùa. Sân bóng vốn là nơi sinh hoạt cho người dân thị trấn bỗng trở nên hoang vắng tiêu điều và cỏ mọc um tùm trên mặt sân và bò lên cả khán đài.
(Theo Bóng đá và cuộc sống)