Samsung là đối tác quảng cáo áo đấu của Chelsea từ hè 2005 nhưng hợp đồng giữa hai bên sẽ hết hiệu lực từ cuối mùa này và chỉ giúp đội bóng Ngoại hạng Anh thu về 29 triệu đôla mỗi mùa giải. Con số đó được cho là quá nhỏ bé, so với những món tiền khổng lồ mà các đối thủ của Chelsea kiếm được từ việc bán quảng cáo trên áo đấu. Arsenal nhận mỗi mùa 48,7 triệu đôla từ Fly Emirates, trong khi Man Utd bỏ túi tới 76,3 triệu đôla nhờ cú bắt tay với thương hiệu xe hơi Chevrolet. Ngay cả Tottenham kém xa Chelsea về danh tiếng cũng nhận được gần 31 triệu đôla mỗi mùa từ AIA.
Turkish Airlines đang là đối tác tài trợ di chuyển cho Lionel Messi. |
Đó là lý do khiến Chelsea quyết định sẽ chia tay Samsung trong hè này, để chuyển sang hợp tác với Turkish Airlines - tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ tư trong lĩnh vực không vận ở châu Âu. Quá trình đàm phán bắt đầu từ hè vừa qua và hai bên được cho là đã ký kết hợp đồng quảng cáo trên áo đấu hôm đầu tuần 29/9. Turkish Airlines chưa chính thức xác nhận việc này, sau khi cho xóa bỏ dòng thông báo đăng trên mạng xã hội Twitter rằng họ sẽ là đối tác mới của Chelsea.
Theo báo chí Anh, Turkish Airlines sẽ trả Chelsea xấp xỉ 41 triệu đôla mỗi năm để đổi lấy việc tên họ xuất hiện trên ngực áo đấu của những Fabregas, Diego Costa, Hazard, Courtois... từ hè tới. Thương vụ này, dù chưa được tiết lộ về thời hạn hợp tác, hứa hẹn sẽ giúp Chelsea có thêm tiền để tiếp tục tăng cường lực lượng và không phải bận tâm đến chiếc "vòng kim cô" mang tên Đạo luật Công bằng Tài chính (FFP) mà UEFA đang siết chặt trên toàn châu Âu.
Với Turkish Airlines, bắt tay với Chelsea là một thành công nữa của hãng hàng không này sau khi họ đã hợp tác với cá nhân Lionel Messi, Kobe Bryant và CLB Barca. Thương vụ với CLB thành London cũng giúp Turkish Airlines gỡ gạc thể diện sau khi bị Man Utd hủy hợp đồng để bắt tay với hãng hàng không Nga Aeroflot hồi năm ngoái.
Theo Vnexpress