Đối với các cầu thủ chuyên nghiệp, rách dây chằng trước – được gọi gắn gọn là ACL – có thể là dấu chấm hết cho một sự nghiệp.
Ngay cả khi được phẫu thuật và quá trình phục hồi kéo dài, cũng không thể đảm bảo rằng cầu thủ có thể lấy lại được phong độ như trước.
Ám ảnh Ronaldo
Vài chục năm trở về trước, khi chưa hiểu nhiều về chức năng của các dây chằng trong khớp gối, nhiều bác sĩ đã chủ trương điều trị nội khoa cho bệnh nhân bị rách ACL. Sau đó, bác sĩ nhận ra các bệnh nhân sau khi điều trị vẫn gặp vấn đề lỏng gối. Với các vận động viên chuyên nghiệp, vấn đề này ảnh hưởng rất lớn tới phong độ của họ. Họ khó thực hiện các động tác chạy, nhảy, đứng trụ, sút bóng, giữ thăng bằng khi xoay người, ngừng đột ngột hay chạm đất.
Dần dần, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ACL để điều trị chấn thương này nhưng trên thực tế nó vẫn không hoàn toàn giúp cho các VĐV lấy lại phong độ của mình.
Ví dụ điển hình là cựu danh thủ người Brazil Ronaldo “béo”, từng bị chấn thương khớp gối và được mổ tái tạo dây chằng chéo trước 2 lần ở Pháp. Thế nhưng trong trận chung kết World Cup 1998 với tuyển Pháp, Ronaldo đã tái phát chấn thương, nhập viện để mổ lại vì đoạn ghép bị đứt do vận động sớm.
Lần thứ 2, Ronaldo dành 2 năm để tập luyện, phục hồi theo chỉ dẫn sát sao của bác sĩ nhưng phong độ của Ro “béo” ngày càng đi xuống cho tới khi từ giã sự nghiệp.
Ronaldo tất nhiên không phải cầu thủ duy nhất chịu hệ lụy của chấn thương nghiêm trọng này. Tháng 11 năm ngoái, Sami Khedira đã bị đứt hai dây chằng chéo trước và bên cạnh đầu gối phải khi về làm nghĩa vụ cho tuyển Đức trong trận giao hữu với Italy. Chấn thương này khiến Khedira nghỉ thi đấu thời gian dài mới trở lại. Thông thường, các cầu thủ khi bị rách ACL thì phải nghỉ tập luyện từ 6 tháng tới 1 năm.
ACL vì thế trở thành nỗi ám ảnh cho các ngôi sao thể thao cũng như các bác sĩ chuyên về phẫu thuật chỉnh hình.
ALL sẽ làm thay đổi y học thể thao?
Giáo sư, chuyên gia về đầu gối Johan Bellemans tin rằng luôn có chỗ cho những cải tiến về y học. “Khi ai đó bị rách ACL và phải phẫu thuật, chúng tôi biết rằng có 10%-20% bệnh nhân sẽ tiếp tục gặp vấn đề. Điều đó thật chẳng logic bởi chúng tôi đã chữa trị dây chằng bị rách. Từ thực tế đó, chúng tôi bị thuyết phục rằng có một cấu trúc bị phá hỏng vẫn chưa được chữa trị”.
Giờ đây, Bellamans và đồng nghiệp, tiến sĩ Steven Claes ở Đại học Leuven đã xác định được cấu trúc đó dựa trên việc kiểm tra chi tiết hơn 40 đầu gối tự nguyện tham gia vào cuộc nghiên cứu này. Đó là dây nằm giữa 4 dây chằng nối xương đùi và xương ống chân. Họ gọi tên nó ngắn gọn là ALL và khẳng định việc tìm ra ALL sẽ làm thay đổi quá trình điều trị chấn thương dây chằng đầu gối – kẻ thù nguy hiểm nhất của giới cầu thủ.
Tiến sĩ Claes cho biết trong khi ACL nằm sâu bên trong trung tâm của đầu gối thì ALL lại chạy dọc theo mặt ngoài của nó. “Trong khi ACL kiểm soát bất ổn từ trước ra sau đầu gối thì ALL kiểm soát vòng quay của đầu gối. Điều chúng tôi nhận thấy là trong nhiều trường hợp chấn thương ACL, cả hai dây chằng dường như bị rách. Vì thế nếu bạn chỉ điều trị một loại dây chằng ACL thì những bất ổn vẫn còn tồn tại”.
Claes và Bellemans đã công bố nghiên cứu của họ trên tạp chí Anatomy. Theo họ, dù đã trải qua các cuộc phẫu thuật với kỹ thuật tiên tiến, các VĐV khó có thể lấy lại được phong độ như trước khi dính chấn thương. Họ cho rằng các dây chằng ALL nắm giữ chìa khóa để cải thiện quá trình điều trị chấn thương đầu gối và cứu vãn sự nghiệp cho các VĐV trên toàn thế giới.
Theo Thể Thao Văn Hoá