Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Câu chuyện bóng đá: Lính Đức Quốc xã và huyền thoại bóng đá Anh

Chủ Nhật 28/07/2013 18:04(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Nếu được lựa chọn một thủ môn xuất sắc nhất thế kỷ 20, nhiều người sẽ không đắn đo nói đến cái tên Lev Yashin. Thế nhưng, ít ai biết đến một người gác đền tài năng mà đến “Người nhện” Liên Xô còn phải ngã mũ. Đó là Bert Trautmann, một người Đức bắt đầu sự nghiệp bóng đá trong những nhà tù chiến tranh để rồi khiến cả đảo quốc Sương mù phải ngả mũ kính phục.

Số phận lạ kỳ

Ngày 19/07/13, nước Anh đau đớn trước sự qua đời của một người Đức sinh sống ở Valencia, TBN. Rất nhiều lễ tưởng niệm đã được tổ chức trên khắp đất nước, từ London đến Manchester, để tỏ lòng tiếc thương với Hiệp sỹ Đế chế (OBE) này. Đó là vinh dự đặc biệt mà hiếm cầu thủ ngoại quốc nào có được.

 

Nếu nhìn lại quá khứ, rất nhiều người sẽ cảm thấy khó tin vào những điều kỳ diệu đã đến với cuộc đời Bert Trautmann. Với mái tóc vàng, khuôn mặt lạnh lùng, ông đúng là kiểu mẫu “thuần chủng Aryan” như trong tưởng tượng của gã độc tài Hitler. Chỉ bằng dáng vóc ấy thôi, Trautmann hoàn toàn có thể bị ném đá đến chết khi xuất hiện giữa đám đông người Anh ở thời điểm hậu Thế chiến thứ hai. Nhưng thật lạ lùng, người đàn ông sinh ra ở Bremen này đã vượt qua được những định kiến và thù địch.

Ngay cả việc Trautmann rơi vào tay người Anh cũng tình cờ như một sự xếp sắp của số phận. Năm 1944, sau một cuộc ném bom tấn công của quân Đồng minh trên lãnh thổ Pháp, sỹ quan không quân Trautmann đã may mắn sống sót giữa hàng ngàn nạn nhân và tìm cách đào ngũ. Vài ngày sau đó, ông bị một toán lính Mỹ bắt gặp và đáng lẽ ra đã nhận vài phát đạn nếu không nhanh chân đào thoát rồi rơi vào vòng vây quân Anh. Thay vì bị “xử đẹp”, Trautmann được giam giữ ở Ostend, Bỉ trước khi áp giải về Essex, Anh để thẩm vấn. Ông tiếp tục chuyển trại 2 lần nữa cho đến lúc dừng chân ở Wigan, nơi Trautmann bắt đầu làm quen với trái bóng

Trong họa có phúc

Khi mới tập tọe đá bóng cùng đội nghiệp dư nhà giam Haydock Park, vị trí ưa thích của Trautmann là trung vệ. Ông không phải là một gương mặt nổi bật, cho đến một ngày chấn thương mắt cá buộc ông phải lùi xuống bắt gôn. Từ đó, khả năng phản xạ và tài phán đoán của một người lính không quân đã mang về không ít màn trình diễn ấn tượng. Ông được tung hô đến nỗi sau khi ra tù năm 1948, Trautmann quyết tâm ở lại Anh để theo đuổi nghiệp bóng banh.

Từ đội bóng làng St Helens Town, thủ môn người Đức nổi lên như một hiện tượng lớn nhất khu vực Lancashire. Ngay lập tức,ông nhận được hàng loạt lời mời gọi từ các đội bóng Hạng Nhất. Ngày 7/10/49, Trautmann chính thức trở thành cầu thủ chuyên nghiệp khi đặt bút ký hợp đồng với Man City.

Thế nhưng, mọi chuyện không hề dễ dàng đối với cựu binh Đức Quốc xã. Rất nhiều CĐV Man City đe dọa tẩy chay đội bóng và gửi thư phản đối, thậm chí 20.000 người đã có mặt trong một cuộc biểu tình ngoài SVĐ Maine Road. Sự nghi kỵ còn đến từ trong nội bộ, khi lời chào đón của đội trưởng Eric Westwood cũng sặc mùi thuốc súng: “Phòng thay đồ không phải nơi gây chiến đâu”.

Một vài trận đầu bắt tốt giúp lòng tin của Trautmann thêm vững vàng, thế nhưng đôi lúc ông vẫn phân tâm trước những tiếng la ó của các CĐV đối phương cũng như CĐV nhà. Bảy bàn thua trước Derby County là minh chứng không thể rõ ràng hơn. Mọi chuyện chỉ dần khả quan sau màn trình diễn ở Craven Cottage.

Tháng 1/1950, Bert Trautmann lần đầu đặt chân tới London để gặp gỡ Fulham. Trận đấu này thu hút sự chú ý của toàn nước Anh, bởi đây cũng là lần đầu tiên một sỹ quan Không lực Đức xuất hiện trên SVĐ họ từng ném bom tàn phá. Không có gì lạ kh Trautmann trở thành trung tâm chú ý và phải hứng chịu cơn bão chửi rủa từ những NHM. Một chảo lửa sôi sục trên khán đài, chỉ chực chờ đợi xem Trautmann và đội bóng đang sắp sửa xuống hạng Man City bị vùi dập.

Thế nhưng không có một cuộc “thảm sát” nào cả! Trautmann đã trổ tài đúng lúc, bay lượn trong khung thành để hóa giải hàng chục cú sút nguy hiểm. Vẫn thất bại chung cuộc 0-1, nhưng thủ môn người Đức vẫn khiến 25.000 khán giả tại Craven Cottage đứng dậy để vỗ tay tán thưởng và những cầu thủ Fulham ôm hôn chúc mừng.

Khoảnh khắc bất tử

Bert Trautmann đã “lội ngược dòng” thành công để khiến người London chuyển từ thù địch sang thán phục. Nhưng đó chưa phải là dấu ấn lớn nhất, giúp Trautmann trở thành huyền thoại sống. Hãy trở lại với trận chung kết FA Cup 1956 giữa Man City và Birmingham để biết tại sao người Anh lại yêu mến thủ môn người Đức đến vậy.

Bị đánh giá là đội yếu hơn, Man City đã bất ngờ vượt lên dẫn trước 3-1. Nhưng cách biệt 2 bàn không đảm bảo chiến thắng cho đội bóng thành Manchester, nhất là khi Birmingham thi đấu ngoan cường và tổ chức vây hãm suốt 30 phút cuối. Khi trận đấu còn 17 phút, “The Blues” có cơ hội rút ngắn tỷ số khi tiền đạo Peter Murphy vượt qua Dave Ewing, đối mặt với thủ môn. Bert Trautmann đã dũng cảm lao ra và tóm gọn trái bóng, song pha va chạm với đầu gối Murphy cũng làm ông bất tỉnh nhân sự. Do không được quyền thay người, Man City phải chấp nhận chơi thiếu quân và hậu vệ biên Roy Little được chỉ định làm thủ môn. Tuy nhiên, bằng một nỗ lực thần kỳ, Trautmann đã tỉnh lại và xin được tiếp tục thi đấu. Ông choáng váng, đứng lảo đảo trước khung gỗ với cái cổ đau nhói, song vẫn đủ sức tung người cản phá cú sút của Eddy Brown ở phút 83.

Khi trận đấu sắp kết thúc, lại là Peter Murphy có bóng trống trải trong vòng cấm địa. Trautmann đã liều lĩnh đón bắt và va chạm mạnh với đồng đội Ewing, khiến ông bất tỉnh lần hai kèm theo triệu chứng co giật nhẹ. Trong lúc người Đức bất tỉnh, trọng tài đã nổi hồi còi mãn cuộc, đem về chiến thắng 3-1 và chức vô địch FA Cup thứ 3 cho Man City. Ba ngày sau, Trautmann nhận được kết quả X-quang cho thấy 5 đốt sống cổ bị trật, trong đó đốt sống thứ 2 bị gãy làm đôi. Suýt nữa, ông đã phải trả giá bằng cả tính mạng cho chiếc Cúp của CLB.

Dù sao đi nữa, sự kiên cường và dũng cảm của cựu quân nhân Quốc Xã vẫn lay động 100.000 khán giả ở Wembley huyền thoại cùng 5 triệu người Anh theo dõi qua truyền hình. Chỉ cần một khoảnh khắc bất tử và hào hùng, Bert Trautmann đã đi vào lịch sử bóng đá Anh như một trong những “người con” ưu tú nhất.

(Theo Bóng Đá Toàn Cầu)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X