Thứ Bảy, 23/11/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá và bài học hồi sinh cho Iraq

Thứ Hai 07/07/2014 17:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
  Bên trong một Iraq hỗn loạn vì những cuộc chiến sắc tộc vẫn tồn tại một đội bóng mà người Arab, Kurd hay Turkmen đều xem nhau là đồng đội. Câu chuyện của Hannah Lucinda Smith trên BBC.

Với một nụ cười tươi rói cùng mái tóc bóng bẩy, Ramyar Ahmed quả thực là hình mẫu khá ấn tượng của đội trưởng một trong những đội bóng nổi tiếng nhất Iraq - Kirkuk FC. Thế nhưng chúng tôi không gặp nhau tại một nhà hàng nổi tiếng, hay bị cánh nhà báo săn đón quyết liệt. Ahmed không được trả lương từ tháng 11 năm ngoái nên chúng tôi chỉ hẹn ăn trưa trong một cửa hàng bình dân.

"Đây là quán ăn ngon nhất ở khu vực này đấy", anh vừa cười vừa giới thiệu với tôi, trong khi cậu bồi bàn rụt rè liếc nhìn chúng tôi với ánh mắt ngạc nhiên. "Đây là một địa điểm nổi tiếng vì những vụ đánh bom đường phố tại khu vực Kirkuk", Ahmed bổ sung thêm. CLB của Ahmed từng có những ngày tháng vinh quang, nhưng nay ngập trong khó khăn.

Cảnh bình yên hiếm hoi ở Iraq
Cảnh bình yên hiếm hoi ở Iraq

Trên bức tường tại trụ sở CLB là những tấm ảnh đã phai màu in hình lịch sử của đội bóng qua hàng thập kỷ, còn bên trong chiếc tủ trưng bày chật ních những chiếc Cup bám đầy bụi. Sân của Kirkuk FC từng là nỗi ghen tị của mọi đội bóng tại Iraq. Nó được người Anh xây dựng để làm sân chơi môn cricket hồi thập niên 1940, trước khi được người dân Kirkuk chuyển đổi thành sân bóng đá.

"Sân vẫn y chang ngày đầu được xây dựng, nhiều năm qua nó vẫn không được nâng cấp. Rất nhiều đội bóng khác muốn được chơi tại đây. Đội bóng của chúng tôi là độc nhất tại Iraq này", Serwan Nejim – một nhân viên phụ trách tài chính của Kirkuk FC - chia sẻ. Nhưng ngày hôm nay có thể thấy rõ tại sân bóng này đường pitch thì mấp mô, cỏ đã chuyển sang úa vàng, và cả CLB đang chìm trong không khí bị lãng quên.

"Năm 2007, chúng tôi thậm chí còn bị chuột tấn công. Có một cái cống ở gần sân, và chúng đã xuất hiện ở đó rồi đào đường phía dưới mặt sân. Có lần anh chàng thủ môn chuẩn bị sút bóng thì bất thình lình một còn chuột xuất hiện làm anh ta giật nảy cả mình lên", Nejim chia sẻ.

Suốt 9 năm nay, thành phố Kirkuk bị chia rẽ về mặt dân tộc bởi hai lực lượng đều đòi làm chủ nơi đây. Một bên là tổ chức chính quyền địa phương người Kurd (KRG), khẳng định thành phố này trước đây là thủ đô của người Kurd nên nó phải thuộc về họ. Trong khi đó chính quyền Iraq tại thủ đô Baghdad thì phản đối quyết liệt và không chấp nhận để mất thành phố này. Trữ lượng dầu mỏ khổng lồ ở Kirkuk thực sự là một món quý mà cả hai phe đều khó lòng để đối phương nắm giữ.

Do thành phố Kirkuk chưa trở thành một phần của KRG, đội bóng không được tổ chức này tài trợ. Mặt khác do các thành viên đội bóng đa số là người Kurd, nên chính quyền Baghdad cũng từ chối quan tâm. Kirkuk FC đứng ngoài các tranh chấp chính trị. Đội bóng này chơi ở cả hai giải vô địch quốc gia: một của người Iraq, một của người Kurd. Các cầu thủ trong đội đến từ mọi cộng đồng trong thành phố. Người Arab, người Kurd hay người Turkmen, bất kể là ai thì trên sân bóng cũng là đồng đội.

Tuy nhiên, mùa giải vừa rồi quỹ tài chính của đội bóng đã cạn kiệt. Mọi cầu thủ đến với Kirkuk FC ngay từ đầu đã có mức lương khiêm tốn, đơn cử như Ahmed cũng chỉ nhận khoảng 350 đôla một tháng (trên 7 triệu đồng), và bỗng nhiên họ không được trả lương nữa. "Tôi đã cố gắng giải thích với đồng đội rằng đây là vì thể thao chứ không phải vì tiền. Thế nhưng trước đây họ được trả lương chỉ đủ để sống qua ngày. Và rồi khi không còn có lương nữa, họ không tránh khỏi việc mất đi động lực thi đấu", Ahmed chia sẻ.

Đầu mùa giải, Kirkuk FC nắm giữ vị trí đầu bảng tại giải đấu của người Kurd. Thế nhưng khi quỹ tài chính cạn kiệt, họ rơi dần xuống vị trí thứ năm. Giờ đây, có vẻ CLB này không còn đủ khả năng để thi đấu ở mùa giải tiếp theo nữa... Tuy nhiên, diễn biến hiện nay tại Iraq có thể quyết định tương lai của Kirkuk FC, thậm chí cứu sống đội bóng này.

Thành phố vừa trở thành một phần của chính phủ người Kurd, trong khi đó chính quyền tại Baghdad đang trên bờ vực sụp đổ. Kirkuk FC có vẻ sau một thời gian rất lâu đã quay trở lại bàn tay của người Kurd. Bản thân Ahmed hy vọng đội bóng của anh sẽ do chính quyền người Kurd quản lý bởi anh tinh rằng chỉ khi đó nó mới được hỗ trợ về tài chính và tiếp tục tồn tại. Nhưng hơn thế, Ahmed nói rằng anh mong những nhà lãnh đạo Iraq nên nhìn vào đội bóng này như một ví dụ về sự bình yên mà Iraq có thể đạt được.

"Kirkuk FC thực sự rất đặc biệt. Khi một cầu thủ ghi bàn, mọi cầu thủ khác đều ăn mừng, bất kể họ thuộc về về dân tộc hay tôn giáo nào. Tôi mong rằng vào một ngày không xa, các chính trị gia sẽ có cách suy nghĩ giống như những cầu thủ bóng đá này. Và nếu như điều đó xảy ra, Iraq sẽ là một quốc gia vững mạnh hơn rất nhiều".

Theo Vnexpress

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X