Đằng sau sự hào nhoáng về tiền bạc và danh vọng, hiếm ai biết còn có những khoảng tối bủa vây cánh sao sân cỏ. Kết quả khảo sát đối với 180 cầu thủ chuyên nghiệp đang thi đấu tại châu Âu, vừa được Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) công bố khiến nhiều người bất ngờ.Thủ môn Robert Enke của Hannover từng lao đầu vào tầu hỏa tự vẫn vì trầm cảm
Theo kết quả của FIFPro, có tới 26% thừa nhận bị chứng trầm cảm. Hay nói cách khác, cứ 4 cầu thủ thì có 1 người bị chứng trầm cảm ám ảnh bất kể ngày hay đêm. Theo Vincent Gouttebarge, người phụ trách bộ phận y tế của FIFPro, đó là một con số đáng lo ngại: “Áp lực cả trong lẫn ngoài sân cỏ đang đè nặng lên đôi vai của giới cầu thủ. Sự dồn nén đó phần nào đã khiến càng ngày càng có nhiều cầu thủ rơi vào chứng trầm cảm”.
Thực tế, chứng trầm cảm lâu nay được coi là “sát thủ vô hình” với cánh giày đinh áo số trên thế giới. Ví dụ điển hình nhất là trường hợp của thủ môn xấu số người Đức, Robert Enke. Chính vì bế tắc trong cuộc sống, mà thủ thành của Hannover tự kết liễu đời mình khi lao vào đoàn tầu trong ngày định mệnh 10/11/2009. Cái chết đột ngột của Enke đã phủ không khí tang tóc lên làng túc cầu thế giới. Và với kết quả mới đây của FIFPro, chẳng ai dám khẳng định sẽ không còn cầu thủ nào nối gót Enke vì chứng trầm cảm.
Ngoài ra, kết quả cho biết có tới 19% cầu thủ thừa nhận thường xuyên lạm dụng đồ uống có cồn. 7% cầu thủ có thói quen hút thuốc lá. Đặc biệt là có 5% gặp phải hội chứng kiệt sức. Một điều đáng nhắc đến là tỷ lệ gặp phải những vấn đề tương tự còn tăng cao ở số cầu thủ đã giải nghệ.
Qua khảo sát với 121 cựu cầu thủ chuyên nghiệp, có tới 32% bị nghiện rượu và 12% nghiện thuốc lá nặng. Nhân đây cần nói thêm, thống kê trước đó từ Xpro – một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ những cầu thủ giải nghệ tại Anh cho thấy, có đến 33% đã ra tòa ly dị sau 1 năm rời sân cỏ. Đồng thời 40% số cựu cầu thủ rơi vào cảnh phá sản sau 5 năm treo giày.
Theo Bongdaplus.vn