Thứ Bảy, 27/04/2024Mới nhất
Zalo

AIG: Hợp tác MU, dính đại khủng hoảng

Thứ Tư 14/08/2013 10:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Hai năm sau ngày bắt đầu xuất hiện trên áo đấu của MU, tập đoàn AIG phải hứng chịu cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của mình.

Tháng 4/2006, câu lạc bộ Manchester United chính thức công bố bản hợp đồng tài trợ áo đấu mới với hãng bảo hiểm khổng lồ của Mỹ AIG, với giá trị lên tới 56,5 triệu bảng trong 4 năm.

Đây được coi là một thành công cực lớn về mặt kinh doanh của đội bóng chủ sân Old Trafford, không chỉ bởi giá trị của hợp đồng này lớn gần gấp rưỡi so với hợp đồng tài trợ ký với Vodafone trước đó (chỉ 9 triệu bảng/năm) mà nó còn đưa MU vượt qua Chelsea để trở thành đội bóng kiếm được nhiều tiền nhất từ tài trợ trên áo đấu (hợp đồng của The Blues với Samsung khi đó có giá trị 10 triệu bảng/năm).

Cristiano Ronaldo trong màu áo MU với logo AIG trước mặt ở mùa giải 2008-2009.
Cristiano Ronaldo trong màu áo MU với logo AIG trước mặt ở mùa giải 2008-2009.

Với tên gọi American International Group, thật khó tin khi tập đoàn khổng lồ này lại được thành lập tại …Thượng Hải, Trung Quốc vào năm 1919 bởi một doanh nhân đến từ Chicago có tên Neil Starr. Công việc kinh doanh phát triển nhanh chóng, và đến cuối thế kỷ XX, hãng đã trở thành công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới với hơn 100 000 nhân viên trên toàn cầu, hoạt động tại 130 quốc gia.

Điều trùng hợp là thời điểm AIG ký hợp đồng tài trợ áo đấu với MU cũng là lúc tập đoàn này dính vào khá nhiều những vụ bê bối pháp lý, dẫn đến hệ quả là họ phải nộp phạt hàng tỷ USD tiền phạt cho các cơ quan chức năng ở Mỹ. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất.

Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng ở Mỹ, bắt đầu từ sự sụp đổ của thị trường địa ốc. AIG, vốn là nhà bảo hiểm cho một lượng lớn chứng khoán địa ốc, đồng loạt bị các tổ chức xếp hạng tín dụng lớn như Moody’s, Fitch hạ mức tín nhiệm đồng thời với việc giá cổ phiếu bốc hơi một cách nhanh chóng. Chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm 2008, cổ phiếu AIG đã mất tới 91% giá trị trên thị trường chứng khoán.

Trước tình hình đó, cục dự trữ liên bang Mỹ đã phải vào cuộc với cam kết hỗ trợ 85 tỷ USD để giúp AIG tránh bị sụp đổ, đổi lại việc chính phủ Mỹ sẽ nắm giữ 79,9% cổ phần của tập đoàn này. Cũng từ thời điểm này, AIG bắt buộc phải thu hẹp hoạt động kinh doanh của mình bằng cách đóng cửa hàng loạt công ty con, chi nhánh tại nhiều khu vực trên thế giới, cắt giảm nhân sự với số lượng lớn và thu về 85 tỷ USD từ bán tài sản để trả nợ.

Tháng 1 năm 2009, AIG chính thức tuyên bố sẽ không gia hạn bản hợp đồng tài trợ với MU kết thúc vào tháng Năm 2010, dù áo đấu của Quỷ đỏ vẫn là một trong những mục tiêu quảng cáo vô cùng hấp dẫn, bởi theo tính toán mỗi tháng có tới 60 triệu lượt hình ảnh áo đấu của đội bóng này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, 70% trong số đó đến từ ngoài nước Anh.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trầm trọng thời điểm đó đã khiến thương hiệu AIG bị tổn hại nặng nề và họ buộc phải thay đổi để lấy lại niềm tin của khách hàng. Văn phòng của tập đoàn này tại Manhattan buộc phải đổi tên thành AIU Holdings (ở Việt Nam, công ty bảo hiểm AIG đã đổi tên thành Chartis vào năm 2009), và thậm chí các nhân viên còn được khuyến cáo hạn chế sử dụng đồ có logo AIG.

Phải đến năm ngoái, khi tập đoàn này chính thức trả thành công toàn bộ số tiền đã nhận được từ chính phủ Mỹ trước đó, và tình hình kinh doanh đi vào ổn định, thương hiệu AIG mới bắt đầu được khôi phục. Hiện tại, họ đang là nhà tài trợ chính trên áo đấu của đội bóng bầu dục nổi tiếng nhất thế giới All Blacks của New Zealand.

(Theo VTC)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X