Dù đã xác định trước những khó khăn, thử thách mà các vận động viên sẽ phải đối mặt nhưng một lần nữa thể thao Việt Nam đang đứng trước nguy cơ 'trắng' huy chương Olympic. Và đã tới lúc các bộ, ban ngành cần vào cuộc để tìm lời giải cho bài toán ở thế vận hội.
Mùa Olympic không như kỳ vọng
Sau khi 'trắng' huy chương tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam đang có nguy cơ tái lập điều tương tự tại kỳ thế vận hội đang diễn ra trên đất Pháp.
Ở sự kiện lần này, thể thao Việt Nam có 16 vận động viên giành quyền dự Olympic với 14 vé chính thức và 2 suất đặc cách. Với lượng VĐV dự giải ít, cơ hội giành huy chương của chúng ta cũng không nhiều, nhất là khi thể thao Việt Nam lại không có nội dung thi đấu nào sở trường, vượt trội các đối thủ.
Sau khi nữ VĐV xe đạp Nguyễn Thị Thật thất bại ở nội dung đua đường trường nữ, đoàn thể thao Việt Nam chỉ còn hai VĐV chưa bước vào thi đấu tại Olympic Paris 2024. Đó là đô cử Trịnh Văn Vinh ở hạng cân 61kg nam và VĐV canoeing Nguyễn Thị Hương ở nội dung đua thuyền C1 200m nữ.
Lực sĩ Trịnh Văn Vinh liệu có giúp thể thao Việt Nam giải cơn khát huy chương tại Olympic? |
Được biết, Nguyễn Thị Hương sẽ thi đấu vòng loại nội dung nói trên vào 15h30 ngày 8/8. Nếu vượt qua vòng loại, cô sẽ thi đấu vòng bán kết cho đến chung kết (nếu qua được bán kết) vào ngày 10/8. Tuy nhiên, khả năng vượt qua vòng loại và nhất là khả năng có huy chương của cô được đánh giá là không cao.
Vì thế mọi hi vọng còn lại vào lúc này gần như đang được đặt lên vai nam VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh. Lực sĩ của Việt Nam sẽ thi đấu từ vòng tứ kết hạng cân 61kg nam vào 20h00 ngày 7/8. Tuy nhiên theo đánh giá, cơ hội để Văn Vinh có huy chương cũng không thực sự sáng sủa.
Ở hạng cân này, các đối thủ chính của Trịnh Văn Vinh gồm các lực sĩ Li Fabin (Trung Quốc, thành tích tổng cử cao nhất 314kg), Hampton Morris (Mỹ, 303kg), Sergio Massidda (Italy, 302kg), Yuli Irawan (Indonesia) và John Ceniza (Philippines), cùng có thành tích tổng cử 300kg.
Trong khi đó, thành tích tổng cử cao nhất mà Trịnh Văn Vinh từng có là 307kg, được thiết lập tại SEA Games năm 2017. Đây cũng là kỷ lục SEA Games cho đến giờ. Nếu tái lập thành tích vừa nêu, Trịnh Văn Vinh có cơ hội giành huy chương cho thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024.
Tuy nhiên sẽ không dễ để Văn Vinh có thể tái lập kỷ lục của mình cách đây 7 năm. Chưa kể với áp lực của người gánh vác trọng trách giành huy chương Olympic Paris 2024 cho thể thao Việt Nam, điều này có thể khiến Trịnh Văn Vinh thất bại trong mục tiêu mà mình đã đề ra. Và khi đó giấc mơ về một kỳ thế vận hội có danh hiệu của thể thao Việt Nam cũng sẽ... tan thành mây khói.
Thể thao Việt Nam cần sớm hành động
Có một thực tế là tính tới thời điểm này, thể thao Việt Nam mới chỉ giành được 5 tấm huy chương trong lịch sử tham dự đấu trường Olympic kể từ lần đầu tiên góp mặt vào năm 1980, với thành tích giành được 1 tấm HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Điều này cũng cho thấy độ khó để giành huy chương ở Olympic.
Người đầu tiên giành huy chương thế vận hội cho thể thao Việt Nam là nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân với tấm HCB ở hạng 57kg môn Taekwondo ở Olympic 2000. Trong khi đó, VĐV mang về tấm HCV duy nhất cho chúng ta tính tới lúc này chính là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam môn bắn súng tại Olympic Rio 2016.
Hoàng Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất tính tới lúc này giành HCV Olympic |
Hoàng Xuân Vinh cũng chính là VĐV gần nhất giành huy chương thế vận hội cho Việt Nam bởi ở Olympic Tokyo diễn ra cách đây 3 năm, chúng ta đã không thể hoàn thành mục tiêu đề ra sau khi thất bại ở tất cả các nội dung thi đấu.
Và một điều tương tự rất có thể sẽ được tái hiện ở Olympic lần này. Và có lẽ cũng đã tới lúc các bộ, ban ngành cần vào cuộc để tìm lời giải cho bài toán giành huy chương ở thế vận hội, trong bối cảnh chúng ta không phải không có những môn thi đấu có thể cạnh tranh danh hiệu.
Vấn đề đang tồn tại là chúng ta dường như đang chưa thực sự có những sự đầu tư trọng điểm cho các môn thi Olympic, thay vào đó là sự đầu tư dàn trải ở quá nhiều môn thi với mục tiêu để cạnh tranh trong khu vực.
Đây cũng chính là nguyên nhân tại sao dù liên tiếp góp mặt trong tốp 3 quốc gia giành nhiều huy chương vàng trong các kỳ SEA Games gần đây (thậm chí phá kỷ lục về số HCV giành được ở SEA Games 31 tại Hà Nội) nhưng khi ra 'biển lớn', thể thao Việt Nam gần như đã 'mất tích' trên bảng tổng sắp huy chương cả ở đấu trường ASIAD cho tới Olympic.
Thiết nghĩ thay vì đầu tư quá rộng, dàn trải ở nhiều môn thi đấu để 'đua tốp' tại sân chơi khu vực SEA Games thì thể thao Việt Nam nên tập trung đầu tư, chú trọng phát triển ở các môn thi đấu tiềm năng, có thế mạnh của mình. Đó sẽ là các môn võ, cử tạ hay các nội dung bắn súng,... bởi đây đều là những môn thế mạnh mà đoàn thể thao Việt Nam từng giành được không ít huy chương tại Olympic và ASIAD.
Phát triển các môn thi đấu thế mạnh, có khả năng cạnh tranh danh hiệu cũng đang là hướng đi của các quốc gia khu vực. Nhắc tới Thái Lan, chúng ta có thể nghĩ ngay tới những môn thế mạnh của họ như boxing, cử tạ, điền kinh, taekwondo .. Malaysia có cầu lông, Indonesia có bắn súng, Singapore có bơi còn thể thao Philippines lại mạnh ở các nội dung boxing, bóng rổ,...
Việt Nam chỉ đứng thứ 6 về số lượng VĐV dự Olympic Paris trong khu vực ĐNÁ. |
Trong khi đó với Việt Nam, dù đang đứng đầu trên BXH huy chương ở hai kỳ SEA Games gần nhất (31 và 32) nhưng đáng tiếc là những nội dung được xem là có thế mạnh của Việt Nam lại không 'đứng tốp' nếu so với thế giới. Và đây cũng là lời giải thích cho việc vì sao số lượng VĐV Việt Nam tới Pháp tham dự Olympic lần này chỉ xếp thứ 6 khu vực với vỏn vẹn 16 người đủ tiêu chuẩn.
Lực lượng tham dự ít, lại không có nhiều nội dung thi đấu thế mạnh so với thế giới, không bất ngờ khi thể thao Việt Nam bị tụt lại so với các nước trong khu vực. Tính tới lúc này, đoàn thể thao Philippines đã giành được 2 tấm HCV sau màn tỏa sáng của nam VĐV TDDC Carlos Yulo. Indonesia, Malaysia cũng đã có HCĐ ở môn cầu lông trong khi Thái Lan đang sáng cửa giành HCV khi tay vợt Kunlavut Vitidsarn vừa giành quyền vào chung kết đơn nam môn cầu lông.
Bởi vậy mới nói thể thao Việt Nam sẽ phải thay đổi sau kỳ Olympic lần này. Những người làm thể thao sẽ cần tư duy, cách nhìn mới để tập trung phát triển các môn thi trọng điểm. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới tránh được nguy cơ 'trắng' huy chương tại thế vận hội trong tương lai.
Thành tích thi đấu của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic
Trần Hiếu Ngân (HCB môn taekwondo, hạng cân 57kg nữ Olympic Sydney 2000)
Hoàng Anh Tuấn (HCB cử tạ, hạng cân 56kg nam Olympic Bắc Kinh 2008)
Trần Lê Quốc Toàn (HCĐ cử tạ, hạng cân 56kg nam Olympic London 2012)
Hoàng Xuân Vinh (HCV 10m súng ngắn hơi nam Olympic Rio 2016)
Hoàng Xuân Vinh (HCB 50m súng ngắn hơi nam Olympic Rio 2016)
Với việc xếp thứ 7 tại chung kết 25m súng ngắn Olympic 2024, xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã bỏ lỡ cơ hội tranh huy chương.
Với việc phải đối đầu với nhiều tay đua hàng đầu thế giới, tay đua Nguyễn Thị Thật đã không thể tạo bất ngờ tại Olympic Paris 2024.
Thể thao Thái Lan đang có cơ hội lớn giành tấm HCV đầu tiên tại kỳ Olympic 2024 khi tay vợt Kunlavut Vitidsarn vừa giành quyền vào chung kết đơn nam môn cầu lông.
Bất chấp sức mạnh từ phía đối thủ, nữ võ sĩ quyền anh Thái Lan Janjaem Suwannapheng tin rằng mình đủ khả năng đánh bại đối thủ mang nhiễm sắc thể nam giới Imane Khelif để hiện thực hóa giấc mơ giành HCV Olympic Paris.
Màn thi đấu giữa hai vận động viên Judo Lee Joon-hwan (Hàn Quốc) và Teddy Riner (Pháp) rõ ràng là không cân sức khi hai bên quá chênh lệch về thể hình.