Zvonimir Boban: Người anh hùng dân tộc

Tác giả CG - Thứ Hai 16/01/2017 19:27(GMT+7)

Zalo
Nếu bạn là một cầu thủ giỏi, bạn sẽ là thần tượng trong mắt các cổ động viên. Nhưng nếu bạn dám đứng lên, chống lại những áp bức vì quyền lợi của Tổ quốc, bạn sẽ là người anh hùng của đất nước.
Zvonimir Boban: Nguoi anh hung dan toc1
Zvonimir Boban: Người anh hùng dân tộc
Có một con người như thế, một người Croatia đã làm sáng bừng ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa trong mỗi người dân quê hương, anh là Zvonimir Boban. 
 
Thế kỉ 20 chứng kiến một sự xoay vần đến chóng mặt của bản đồ địa chính trị thế giới. Sau khi Quân Đồng minh đánh tan chủ nghĩa phát xít trên toàn cầu, cục diện chính trị thế giới được chia thành hai phe: phe Chủ nghĩa xã hội do Liên Xô làm “anh cả” và phe Tư bản do Mỹ đứng đầu. Đất nước Nam Tư lúc này do những người Cộng sản lãnh đạo mà đứng đầu là lãnh tụ Josip Broz Tito về danh nghĩa đi theo con đường xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Quốc gia lựa chọn mô hình thể chế liên bang, bên trong đó bao gồm các nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Bosnia và Herzegovina, Serbia, Croatia, Macedonia, Slovenia.  Đây là một quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo với những ngôn ngữ khác nhau. Những mâu thuẫn âm ỉ cháy trong lòng liên bang. Và sau khi lãnh tụ Tito qua đời năm 1980, ngọn lửa mâu thuẫn bắt đầu bùng cháy. 
 
Trên phương diện bóng đá, các đội tuyển bóng đá của Nam Tư cũng là tập hợp của rất nhiều những cá nhân đến từ các nước cộng hòa của liên bang. Beli Orlovi (Đại bàng trắng) - Biệt danh của đội tuyển Nam Tư - luôn là một cái tên đáng gờm của bóng đá thế giới thời điểm đó. Đội tuyển U20 của họ thậm chí đã giành chức vô địch giải U20 thế giới năm 1987 với nòng cốt là những Slavoljub Janković, Zoran Mijucić, Robert Prosinečki, Zvonimir Boban... Thế nhưng, thành công của bóng đá không thể nào khiến những mâu thuẫn xã hội suy giảm. Ngược lại, nó chính là phương tiện và công cụ hữu hiệu nhất để thể hiện những biểu đạt về ý thức chính trị và sự phản kháng.
Zvonimir Boban: Nguoi anh hung dan toc2
Zvonimir Boban - mối nguy hiểm của biết bao hàng phòng ngự
Sân vận động Maksimir, ngày 13/5/1990. Cuộc đối đầu rất hấp dẫn trên phương diện bóng đá giữa Dinamo Zagreb và Sao Đỏ Belgrade. Một đội bóng của Croatia và câu lạc bộ còn lại đại diện cho nhà nước Serbia. Tuy nhiên, trận đấu ấy đã diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn gay gắt về chính trị trong lòng Nam Tư đã được đẩy lên tới đỉnh điểm. Croatia tuyên bố muốn rút khỏi liên bang, trở thành một quốc gia độc lập để thoát khỏi sự kiểm soát của người Serbia suốt hàng thập kỉ. Và nó đã trở thành kinh điển, một vết nhơ không thể nào gột rửa trong lịch sử bóng đá.
 
Một cuộc ẩu đả đã nổ ra giữa Bad Blue Boys (Nhóm cổ động viên Dinamo Zagreb) và Delije (Nhóm ultra cuồng nhiệt của Sao Đỏ) để rồi nhanh chóng biến thành bạo loạn. Đám đông cuồng loạn. Các cầu thủ hai bên nhanh chóng rút vào phòng thay đồ. Cảnh sát vào cuộc. Và trong những thước phim ghi lại về khung cảnh náo loạn tại Maksimir ấy, người ta có thể nghe thấy một tiếng hét vang lên: “Cảnh sát đâu? Tên cảnh sát đẫm máu đâu?” và đi cùng với đó là một cú đạp lịch sử vào một viên cảnh sát đang ra sức ngăn chặn và khống chế các cổ động viên Zagreb. Chủ nhân của nó, không ai khác là Zvonimir Boban - thủ quân vào thời điểm đó của Dinamo Zagreb.
 
Sau này, trong bộ phim tài liệu “The Last Yugoslav Football Team” của đạo diễn Vuk Janic, huyền thoại bóng đá Croatia nhớ lại:
 
“Những tên hooligan từ Belgrade tràn vào sân vận động. Còn cảnh sát - những người vào thời điểm đó hoàn toàn là những viên cảnh sát phục vụ thể chế - thì không có một sự ngăn chặn nào cả.”
 
Một điều bất ngờ là viên cảnh sát của Nam Tư đã phải lãnh trọn cú đá định mệnh đó - một người Hồi giáo Bosnia - khi hồi tưởng đã thừa nhận:
“Tôi hoàn toàn hiểu được tại sao Boban lại hành động như thế."
Zvonimir Boban: Nguoi anh hung dan toc6
Zvonimir Boban và Davor Suker: Cặp bài trùng của Croatia một thời vàng son
Theo nhiều sử gia Croatia, cú đạp ấy của Boban như một biểu tượng của sự phản kháng đối với sự kiểm soát trong suốt 70 năm của Serbia tại Nam Tư. Thậm chí, đối với nhiều người dân của quốc gia ấy, đó như một hành động đã khai sinh ra quốc gia của họ. Bởi không lâu sau đó, cuộc chiến tranh đã nổ ra để rồi ngày 25/1/1991, nhà nước Croatia độc lập ra đời.
 
Sinh ra tại Imotski, một thị trấn nhỏ nằm sát với biên giới Bosnia và nổi tiếng vì tinh thần dân tộc chủ nghĩa, ngay từ nhỏ Boban dường như đã thấm nhuần thứ tinh thần luôn nóng bỏng và sôi hừng hực ấy. Nhiều người đã mô tả cựu tiền vệ đội tuyển Croatia như là một người đại diện của chủ nghĩa dân tộc lãng mạn. Là một người thông minh và có học thức, anh lớn lên với việc đọc ngấu nghiến những cuốn sách của Anton Chekhov và Fyodor Dostoyevsky. Thậm chí, trong một cuộc phỏng vấn trước trận giữa đội tuyển Croatia và Italia, cầu thủ sinh năm 1968 đã tếu táo đùa vui:
 
“Nếu ai có thể biến các nhà văn thành cầu thủ bóng đá thì người Ý sẽ thắng mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Dante, Petrarch, Leopardi,… không ai có thể cạnh tranh nổi với họ.”
 
Và Boban cũng sở hữu sự tinh tế và nét đẹp của một số 10 cổ điển. Khả năng của anh được bộc lộ từ rất sớm. Ở tuổi 19, anh trở thành đội trưởng của đội bóng số một Croatia là Dinamo Zagreb. Thế nhưng, những năm tháng rực rỡ nhất của Zorro (Biệt danh của anh) lại gắn liền với màu áo đỏ đen của AC Milan: 10 mùa giải tại San Siro, 178 trận đấu, 21 bàn thắng, bốn Scudetto và một chức vô địch Champions League. Nhờ sự đa năng của mình khi có thể thi đấu ở nhiều vị trí như tiền vệ cánh, tiền vệ trung tâm, tiền vệ tấn công, Boban trở thành một hạt nhân quan trọng của Rossoneri, đặc biệt dưới sự dẫn dắt của ông thầy Fabio Capello. 
Zvonimir Boban: Nguoi anh hung dan toc5
Zvonimir Boban và Bierhoff
Mùa giải 2001-2002, với sự xuất hiện của Rui Costa, vị trí của ngôi sao Croatia bị lung lay và anh được cho mượn tới Celta Vigo. Thế nhưng ở tuổi 34, Boban chỉ được ra sân bốn lần trong màu áo của đội bóng Tây Ban Nha xuyên suốt cả mùa giải. Không hài lòng với điều này, anh quyết định giải nghệ như một sự dừng bước đúng lúc trên đỉnh vinh quang.
 
Là một người hùng của bóng đá Croatia (Không chỉ là cú đá “khai sinh đất nước” mà còn là thủ lĩnh của một tập thể tài năng đã tạo tiếng vang cùng đội tuyển quốc gia tại World Cup 1998), uy tín và tầm ảnh hưởng của Zvonimir Boban với đất nước là rất lớn. Và đặc biệt tại quốc gia vùng Balkan này, bóng đá đóng một vai trò quan trọng. 
 
Franjo Tuđman - Tổng thống đầu tiên của nước Croatia độc lập và cũng là một tín đồ cuồng nhiệt của bóng đá - từng nói:
 
“Các vận động viên là những đại sứ tốt nhất của đất nước.”
 
Và với vị thế cùng những đóng góp của mình, có thể hiểu sức ảnh hưởng của Boban là lớn đến mức nào. Thế nhưng, bóng đá ở đây vẫn là một thứ đầy phức tạp. Zdravko Mamić - Giám đốc điều hành của Dinamo Zagreb - là nhân vật quyền lực nhất, nắm quyền điều khiển cả “làng bóng đá”. “Vòi bạch tuộc” của Mamić vươn khắp nơi và lũng loạn môn thể thao vua nơi này.
Zvonimir Boban: Nguoi anh hung dan toc3
Zvonimir Boban và các đồng đội khi ở Milan
Nhưng Boban thì không chấp nhận điều đó. Dù rất nhiều lời đề nghị cựu ngôi sao của Zagreb và Milan hãy tham gia vào liên đoàn, thế nhưng anh đã từ chối. Đơn giản vì anh không chấp nhận làm việc dưới quyền của một kẻ mà anh coi như một “tên vô lại”.

“Tôi cảm thấy tiếc cho Mamić. Tôi biết ông ta đã lâu và bản thân ông ta là một tấm bi kịch. Nhưng điều đó có thể chấp nhận được nếu bi kịch đó không ảnh hưởng đến chúng ta quá nhiều, cả bóng bóng đá cũng như toàn thể đất nước Croatia. Đó là nỗi xấu hổ của chúng ta, nỗi xấu hổ của đất nước chúng ta.”
 
Thậm chí, Boban không ngần ngại chĩa những chỉ trích vào Davor Šuker – đã từng cùng anh tạo thành cặp bài trùng ở đội tuyển quốc gia và hiện đang là chủ tịch liên đoàn bóng đá Croatia:

“Số chín thiên tài của chúng ta, một kẻ thừa hành vâng lời một doanh nhân phi pháp đã tự đẩy anh ta ra xa khỏi chúng ta theo một cách tàn bạo nhất.”
 
Boban là vậy. Anh khảng khái và cương trực. Anh không chấp nhận để những sự bất công và thiếu minh bạch làm chủ bản thân mình. Suốt 48 năm cuộc đời và mãi về sau, dù còn là cầu thủ hay sau khi đã giải nghệ, tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử, làm chủ nhà hàng bánh ngọt, trở thành cây viết của Gazzetta dello Sport, anh luôn chỉ sống hết mình vì những điều tốt đẹp nhất cho Tổ quốc Croatia. Hai tiếng “Tổ quốc” luôn là hai tiếng thiêng liêng khắc sâu trong tâm khảm của con người ấy.
 
“Croatia là lí do tôi sống. Tôi yêu đất nước như yêu chính bản thân mình. Tôi nguyện chết vì Croatia.”

CG (TTVN)
 

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Rodri: “Quả bóng Vàng không làm thay đổi con người tôi”

Gặp chấn thương phải nghỉ thi đấu dài hạn, Rodri, chủ nhân của Quả bóng Vàng 2024, đã mời tạp chí France Football đến nhà riêng ở Madrid để chia sẻ những cảm xúc của anh về buổi lễ trao giải Ballon d’Or, những lời khen mà anh nhận được và về giải thưởng mà một cá nhân chơi ở vị trí tiền vệ phòng ngự hiếm hoi lắm mới nhận được.

Philipp Lahm: Từ phút ngắn ngủi tại Olympiastadion đến huyền thoại bóng đá Đức

Là cựu đội trưởng của cả Bayern Munich và đội tuyển Đức, Philipp Lahm có thể nói đã có một sự nghiệp thi đấu vô cùng thành công. Trong bài viết này, chúng ta sẽ được trở về với những kỷ niệm để tôn vinh nhà vô địch Champions League, World Cup và đã tham gia sâu vào kế hoạch tổ chức UEFA Euro 2024 của Đức.

X
top-arrow