Zlatan Ibrahimovic: "Tôi là một tạo vật dị biệt của tạo hóa"

Tác giả Nam Khánh - Thứ Năm 15/08/2024 16:09(GMT+7)

Ai cũng biết đặc trưng của “Thương hiệu Zlatan Ibrahimovic” chính là sự ngông cuồng, ngạo mạn và cái tôi cao ngút, nhưng thực sự thì phía sau hình ảnh đó là một con người như thế nào? Cuộc trò chuyện gần đây của ngôi sao người Thụy Điển với nhà báo Adam Crafton từ The Athletic sẽ mang đến cho chúng ta một “bức tranh” đáng tham khảo cho câu hỏi đó.

 

Zlatan Ibrahimovic khệnh khạng bước vào quầy bar của một khách sạn ở New Jersey. “Tôi chỉ có duy nhất 1 luật trong một buổi trả lời phỏng vấn thôi,” anh nói với khuôn mặt nghiêm túc.

“Bất kỳ tay nhà báo nào đến phỏng vấn tôi thì trước tiên phải mặc bộ đồ này vào đã,” anh chỉ tay về phía bên kia căn phòng, hướng tới bộ đồ quỷ đỏ của AC Milan đang nằm trên một chiếc bàn. Bầu không khí trở nên thoải mái, thư giãn hơn hẳn sau câu đùa đó của Ibrahimovic, anh cười khúc khích và dẫn đường đến một phòng họp yên tĩnh. “Thời gian của tôi quý giá lắm đấy nhé,” anh cười. “Chúng ta bắt đầu thôi.”

Chào mừng đến với thế giới của Zlatan, nơi mà chúng ta sẽ được thấy một Zlatan đúng chất Zlatan nhất có thể. Cả thế giới đều biết một bức biếm họa về Zlatan sẽ trông như thế nào; sự cao ngạo, tự tôn cao ngút, không ngần ngại so sánh bản thân với những tên tuổi vĩ đại nhất, và các phát ngôn không sợ trời không sợ đất. Tôi đã tự hỏi liệu có điều gì mà anh ấy đặc biệt muốn nói tới hay không.

“Tất cả mọi thứ,” anh trả lời. “Bởi vì tôi khác với mọi người. Tôi là một sinh vật đầy khác biệt.”

Tất cả những lời tuyên bố tự đề cao bản thân của Ibrahimovic sẽ luôn đi kèm với một nụ cười tinh quái hoặc một cái nháy mắt khiến bạn cảm thấy như thể người đàn ông này đang cố tình trêu ngươi thế giới với các phát ngôn ngạo mạn đó. Nhưng đồng thời, ngay cả khi dao động giữa sự khoe khoang và chân thành, anh cũng tạo ấn tượng rằng bản thân hoàn toàn tin tưởng vào những gì mình đã nói.

Chỉ riêng bề ngoài của Ibrahimovic thôi cũng đã đủ để khiến người khác ấn tượng mạnh rồi. Anh cao tới 1m97, đồng thời vạm vỡ, cơ bắp và mạnh mẽ đến mức chắc chắn anh sẽ không có lấy bất kỳ một phút giây lạc lõng nào nếu xuất hiện tại Olympic 2024. Liệu có môn thể thao nào khác ngoài bóng đá mà Ibrahimovic muốn thử sức không?

 

“Tôi sẽ là người giỏi nhất trong mọi môn thể thao chơi với bóng,” anh khẳng định. “Tôi cũng có thể trở thành một cái tên đáng gờm nếu chơi võ thuật. Tôi từng tập taekwondo. Với đôi chân của mình, tôi rất nhanh nhẹn và di chuyển tốt. Lợi thế lớn nhất của tôi là cao tận 1m97 nhưng di chuyển như một chàng trai 1m6. Đó chính là lý do tôi tin mình là một tạo vật dị biệt của tạo hóa. Tôi không hề chém gió ba hoa đâu. Những lời này hoàn toàn là sự thật. Nhưng điều tôi thích nhất ở taekwondo là cảm giác phấn khích mà nó mang tới. Tôi yêu những cuộc đấu tay đôi. Tôi cần cảm thấy mình thực sự đang sống. Đó là điều duy nhất mà tôi nhớ nhung ở bóng đá. – không phải là việc chơi bóng, mà là cái cảm giác mình thực sự đang… sống.”  

Anh dang rộng vòng tay. “Hãy tưởng tượng anh đang đứng trước 80 ngàn người, anh bạn. Dù cho anh có nhỏ bé đến mức nào thì khi ấy anh cũng sẽ trở nên rất đỗi to lớn. Và hãy tưởng tượng thời khắc anh khiến 80 ngàn con người ấy đứng bật dậy hoặc làm cho họ khóc xem nào. Đó chính là con người tôi đấy.”

Ibrahimovic hiện đã 42 tuổi và chỉ mới hơn 1 năm trôi qua kể từ ngày cựu tiền đạo người Thụy Điển quyết định từ giã sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp. Đó là một sự nghiệp đáng kinh ngạc, bắt đầu tại đội bóng Thụy Điển Malmo, sau đó chu du qua Ajax, Juventus, Inter Milan, AC Milan (2 lần), Barcelona, Paris Saint-Germain, Manchester United và LA Galaxy. Anh đã ghi tổng cộng 561 bàn cho các CLB mình khoác áo và ĐTQG Thụy Điển, giành được 12 chức vô địch quốc gia tại 4 đất nước. Người đàn ông cao ngạo này chính là một trong những cầu thủ bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại.

Mùa hè này, Ibrahimovic đã đến New York với tư cách là một thành viên trong chuyến du đấu tiền mùa giải 2024-25 của AC Milan tại Mỹ. Hiện nay, anh đang làm việc với vai trò một cố vấn cấp cao cho ban lãnh đạo của CLB Italy này và đồng thời được xem là một đối tác điều hành (operating partner) đắc lực bởi Gerry Cardinale, người đứng đầu Quỹ đầu tư RedBird, một tổ chức đang quản lý 10 tỷ đô vốn trong lĩnh vực thể thao, truyền thông và giải trí, và hiện chính là chủ sở hữu của Rossoneri. Ibrahimovic đã mô tả vai trò hiện tại của anh là một “công việc thường nhật”. Anh cho biết vị trí của mình bao trùm cả 2 mảng chiến lược thương mại và chiến lược thể thao. “Tôi tham gia vào nhiều hạng mục để hỗ trợ thu về những kết quả tốt nhất có thể và nâng cao giá trị của CLB, luôn làm việc cùng tham vọng chiến thắng.”

 

Anh là thành viên của một “đội đặc nhiệm”, cùng với CEO Giorgio Furlani và giám đốc kỹ thuật Geoffrey Moncada, chính họ đã tư vấn cho “sếp tổng” Gerry Cardinale bổ nhiệm Paulo Fonseca làm huấn luyện viên trưởng của CLB vào mùa hè này. Sau khi kết thúc mùa giải trước ở vị trí thứ hai chung cuộc, Milan đang nỗ lực tìm cách tạo ra sự cải thiện trong mùa giải sắp tới để đạt được một kết quả cao hơn. Cậu con trai cả 17 tuổi của Ibrahimovic là Maximilian vừa chính thức ký hợp đồng chuyên nghiệp với Rossoneri mùa hè này. Trong khi đó, cậu hai là Vincent, sinh năm 2008, cũng đang nằm trong hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ của AC Milan. “Thằng út đang ngày càng trưởng thành”, anh nói, “nhưng tôi sẽ giữ im lặng, không nói gì thêm.”

Ibrahimovic cho biết anh đã thường xuyên tham dự các buổi tập của đội một, quan sát những ngôi sao như Rafael Leao và Christian Pulisic, tầm 2 lần một tuần. “Nhưng tôi không phải một người trông trẻ,” Ibrahimovic cảnh báo. “Các cầu thủ của tôi đều là người lớn cả rồi và họ cần phải tự chịu trách nhiệm về bản thân. Họ phải tự giác làm việc với 200% sức lực ngay cả khi tôi không có mặt.”

Anh có nghĩ đến chuyện trở thành một huấn luyện viên không? “Thôi, xin kiếu.”

Sao lại thế? “Anh có thấy tóc tôi có sợi bạc nào không?” anh nói, chỉ vào mái tóc đen nhánh của mình. “Chỉ cần làm huấn luyện viên một tuần thôi là sẽ bạc hết cả đầu đấy. Một huấn luyện viên sẽ phải làm việc tận 12 tiếng mỗi ngày. Anh sẽ hoàn toàn không có chút thời gian rảnh nào cả. Vai trò của tôi hiện tại là đảm bảo sự kết nối trong mọi khía cạnh của CLB; ‘sắm vai’ một nhà lãnh đạo từ trên xuống dưới, duy trì tính tổ chức và sự trơn tru của bộ máy, không cho phép ai được lười biếng, chểnh mảng khỏi nhiệm vụ của mình.”

 

***

Khi xem xét sự việc theo góc nhìn của CLB AC Milan, bạn sẽ dễ dàng hiểu được lý do ông trùm truyền thông và giải trí của họ, Gerry Cardinale, muốn giữ Ibrahimovic tiếp tục ở lại CLB sau khi anh giải nghệ. Trên khía cạnh thương mại, Ibrahimovic là một biểu tượng toàn cầu với 64,5 triệu người theo dõi trên Instagram, và anh sở hữu khả năng hiếm có khó tìm trong việc thu hút khán giả cũng như phát triển thương hiệu AC Milan.

Điều này phù hợp hoàn hảo với những nỗ lực quyết liệt mà Milan đang thực hiện để nâng cao vị thế của họ tại Mỹ. Mùa hè này, các trận giao hữu của CLB với Manchester City ở Yankees Stadium và với Real Madrid ở Soldiers Field (Chicago) đều đã bán sạch vé. Milan đã sắp xếp để Christian Pulisic xuất hiện trên chat show của Jimmy Fallon, ngoài ra, cả Pulisic và Ibrahimovic cũng đã cùng nhau góp mặt trong chương trình CBS Mornings. Rossoneri còn hợp tác với các thương hiệu thể thao hàng đầu Hoa Kỳ, bao gồm NFL, để quảng bá bộ trang phục thi đấu sân khách mới của họ tại Manhattan, sau đó, ngôi sao bóng rổ Ayo Dosunmu của đội Chicago Bulls đã tham dự trận giao hữu với Real Madrid rồi giao lưu với Pulisic và Ibrahimovic sau trận.

Với phong cách sống và cách phát ngôn của mình, huyền thoại người Thụy Điển gợi nhớ đến Eric Cantona, một cựu siêu sao bóng đá đã chuyển từ sân bóng sang trình diễn trên màn ảnh và sân khấu.

“Tôi rất có hứng thú với ngành giải trí,” Ibrahimovic chia sẻ. Gần đây, anh đã nói rằng mình sẵn sàng đóng một vai phản diện trong một bộ phim James Bond. “Nhưng tôi sẽ chỉ tham gia vào những dự án mà mình thực sự tin tưởng. Sẽ không đời nào có chuyện tôi chỉ vì muốn quảng bá bản thân mà dính vào mấy thứ không ra gì.”

Tại Milan, dĩ nhiên Ibrahimovic nhận được sự tôn trọng rất lớn từ bộ phận bóng đá. Việc anh quay trở lại với môi trường đỉnh cao của bóng đá châu Âu trong tư cách một cầu thủ, khoác áo Rossoneri một lần nữa vào năm 2020, sau vài năm “dưỡng già” tại MLS ở độ tuổi ngoài 30, là một quyết định rất hiếm thấy. Trước đó, Ibrahimovic đã gia nhập LA Galaxy vào năm 2018 sau khi bình phục chấn thương dây chằng chéo đầu gối dính phải tại Manchester United. Ngôi sao người Thụy Điển đã chia sẻ rằng việc chuyển đến Mỹ chơi bóng “là để test xem liệu tôi có còn ‘sống’ hay không”.

“Và tôi nhận ra mình vẫn ‘sống’. Thế rồi điều đó lại trở thành vấn đề. Sau khi thấy rằng mình vẫn còn có thể chơi bóng ngon nghẻ, tôi cần quay lại nơi mà mình thực sự thuộc về.”

 

Khi Ibrahimovic trở lại Milan, họ đang đứng dưới tận vị trí thứ 11 ở Serie A, chỉ kiếm được trung bình 1,2 điểm mỗi trận, nhưng anh đã tự tin tuyên bố với giới truyền thông rằng CLB này sẽ giành được chức vô địch quốc gia Italy. Tập thể Rossoneri mà anh gia nhập khi ấy là đội bóng trẻ nhất giải đấu, với độ tuổi trung bình là 24,5, và rất nhiều người đã tỏ ra nghi ngại khi CLB này quyết định đưa về một cầu thủ gần 40 tuổi. Tuy nhiên, Ibrahimovic đã đảm đương một cách tuyệt vời nhiệm vụ ‘sắm vai’ người thủ lĩnh, người đàn anh soi đường dẫn lối cho đoàn quân trẻ trung này, và lời tuyên bố táo bạo của huyền thoại người Thụy Điển khi mới trở lại Rossoneri đã trở thành sự thật: Mùa giải sau đó, AC Milan đã giành được Scudetto đầu tiên kể từ mùa 2010-2011 (thuở ấy, chính Ibrahimovic cũng là trụ cột hàng đầu của họ). Trong chiến dịch lịch sử đó, các cầu thủ như thủ môn Mike Maignan, trung vệ Fikayo Tomori, tiền vệ Sandro Tonali và tiền đạo cánh Rafael Leao đều đã vươn lên những tầm cao mới. 

“Khi gia nhập AC Milan lần thứ hai, tôi đã cho đi nhiều hơn là nhận về. Tôi muốn mở đường cho một thế hệ mới. Tôi phải là tấm gương, là người truyền cảm hứng, và phải thường xuyên nhắc nhở, khuyên nhủ họ về những điều nên làm và phải làm vì lợi ích của sự nghiệp bản thân nói riêng và CLB nói chung. Khi khoác áo Milan, anh là thành viên của một đội bóng thuộc tầng lớp hàng đầu thế giới: Những áp lực, yêu cầu và nghĩa vụ cực kỳ lớn lao luôn luôn hiện hữu. Anh phải có tinh thần trách nhiệm, phải trở thành một người đàn ông thực thụ, bởi vì một cầu thủ  thực sự đáng nể không chỉ được tạo nên bởi những màn trình diễn trên sân cỏ mà còn bởi cách sống của anh ta bên ngoài sân đấu nữa. Tôi chính là điểm tựa của họ. Tôi không ‘chém gió’ chút nào về chuyện này đâu. Hồi ấy, tôi giống như một…”

Anh khựng lại, tìm kiếm ra một cụm từ thật phù hợp.

“Thiên thần hộ mệnh,” Ibrahimovic quyết định chọn cụm từ này. “Vì thế, mọi thứ  áp lực sẽ đổ dồn lên tôi thay vì bọn họ, nhưng đồng thời chính tôi cũng sẽ tạo áp lực lên họ.”

Tôi đã chỉ ra rằng việc một cầu thủ lớn tuổi đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp chấp nhận đảm nhận vai trò “một người cha” trong đội, với nhiệm vụ chính lúc này là “chăm sóc và dẫn lối” cho các cầu thủ trẻ tuổi, là một chuyện rất hiếm thấy, bởi vì hầu hết các danh thủ khác thường không chấp nhận nổi việc mình đã ở tuổi xế chiều, cố chấp kháng cự sự lụi tàn chẳng thể tránh khỏi của thứ ánh sáng rực rỡ từ thuở trẻ trung sung mãn. Tôi đã hỏi Ibrahimovic có theo dõi Cristiano Ronaldo tại kỳ Euro vừa rồi không? Biểu tượng vĩ đại của bóng đá Bồ Đào Nha dường như đã bị dày vò khổ sở bởi những giới hạn mà vị thần thời gian áp đặt lên anh. Ibrahimovic mỉm cười.

 

“Tùy thuộc vào tính tình của mỗi người,” anh trả lời một cách khôn ngoan. “Bản thân tôi thì tin rằng dù có thêm hay bớt vài bàn thắng thì cũng chẳng ảnh hưởng mấy đến sự nghiệp mà tôi đã tạo dựng. Tại giai đoạn đó của sự nghiệp, việc mà tôi thấy quan trọng hơn là chuẩn bị tương lai cho đám hậu bối, vì tôi tin rằng thế hệ trẻ này cần một người thủ lĩnh chuẩn mực để noi theo. Nếu họ không có tấm gương nào để học hỏi, đặc biệt là khi chơi ở các CLB lớn, vậy thì ai sẽ chỉ đường dẫn lối cho họ đây?” 

“Tôi đã làm việc này với tâm lý hoàn toàn đặt lợi ích của đội bóng lên trên bản thân. Dàn cầu thủ trẻ măng của chúng tôi khi đó chưa từng có cơ hội chinh chiến tại Champions League hay giành được danh hiệu nào. Khi anh già đi, anh sẽ cần tìm kiếm những mục tiêu mới để kích thích nhiệt huyết. Sau 20 năm chơi bóng, dăm ba cái chuyện hợp đồng chẳng còn quan trọng nữa. Mục tiêu đã ‘kích thích nhiệt huyết’ trong tôi khi đó chính là soi đường dẫn lối cho những cậu trai trẻ tại Milan.”

Hỏi câu này có vẻ sẽ hơi thừa thãi: Liệu Ibrahimovic có từng cảm thấy lo lắng hay bất an chút nào khi trở về châu Âu từ MLS hay không?

“Hoàn toàn không.”

Có khi nào trong đời anh cảm thấy bất an không?

“Cũng không luôn.”

Sao lại thế được?

“Tôi luôn dốc toàn lực vào mọi việc mình làm, sau đó thì hoặc là thành công, hoặc là thất bại. Nghe thì có vẻ tỷ lệ thành – bại là 50/50, phải chứ? Nhưng không, trong trường hợp của tôi thì khả năng thành công lên tới 99% đấy. Tôi sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được thành công. Mấu chốt chính là bản lĩnh. Tôi biết mình giỏi tới mức nào. Thậm chí, nói đúng hơn thì khả năng thành công của tôi là tận 99,9% luôn cơ.

“Mọi thứ tuỳ thuộc vào chính bản thân anh thôi. Tôi thì luôn tin chắc về bản thân mình. Còn khả năng 0,1% hoặc 1% thất bại kia thì phụ thuộc vào họ. Hoặc là họ nghe theo tôi, hoặc là họ chống đối, nhưng bất kỳ ai chống đối tôi đều sẽ nhận lấy cái kết là thất bại thảm hại. Lần này, họ đã nghe theo tôi. Và chúng tôi đã thắng cuộc chơi.”

 

***

Nếu bạn muốn hiểu thực sự rõ về con người Ibrahimovic, hãy quay trở lại thời thơ ấu của anh ở Rosengard, một khu phố của người nhập cư tại thành phố Malmo của Thuỵ Điển. Anh là con trai của một người mẹ Croatia theo Công Giáo và một ông bố Bosnia theo Hồi Giáo. Mẹ anh làm nghề quét dọn, còn bố anh là một nhân viên bảo vệ. Hai người họ đã ly hôn khi anh chỉ mới 2 tuổi. Ibrahimovic đã phải trải qua một tuổi thơ đầy rẫy khó khăn và bất ổn. Nhưng anh khẳng định rằng chính nó đã tôi luyện nên những nét tính cách mà anh đã giữ lại cho đến ngày nay.

“Bố mẹ đã dạy cho tôi tính kỷ luật,” anh hồi tưởng với giọng điệu trầm hơn. “Tôi được nuôi nấng bởi cha, nhưng cũng đã đến thăm mẹ mỗi ngày. Điều đầu tiên mà ông ấy dạy tôi chính là sự kỷ luật. Và tôi đã tuân theo nguyên tắc đó cho đến tận ngày hôm nay. Tôi cũng đã truyền dạy nó cho mấy đứa con và cả đội bóng nữa. Kỷ luật chính là chìa khoá dẫn tới thành công.”

Mức độ kỷ luật mà anh phải tuân thủ hồi đó khắt khe đến mức nào? “Gắt kinh lắm,” Ibrahimovic kể. “Một ví dụ cụ thể nè: Nếu bố bảo tôi, ‘Về nhà lúc 8 giờ tối nhé’ thì tôi sẽ không được phép trễ dù chỉ 1 phút, vì chỉ cần về muộn nhiêu đó thôi là tôi sẽ bị phạt rồi.”

Hình phạt sẽ là gì? Anh phồng má. “Căng lắm đấy. Mỗi gia đình sẽ có cách giáo dục riêng. Gia đình tôi thì theo lối nghiêm khắc. Bởi vì cả bố và mẹ tôi đều có xuất thân khốn khó. Tôi được sinh ra ở Thuỵ Điển và bố mẹ tôi đã gặp nhau vào thời điểm 10 năm trước cuộc chiến tranh Balkan, sau đó, chiến tranh nổ ra. Thế nên môi trường quanh tôi cực kỳ khắc nghiệt.”

Tôi đã khoe với Ibrahimovic rằng mình đã tìm hiểu về một số hình xăm trên người anh ấy để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Anh ấy trông có vẻ bối rối. Tôi thì lập luận rằng những hình xăm có thể cho chúng ta biết nhiều điều về một con người.

Zlatan Ibrahimovic tập luyện ở tuổi 40

“Tôi không chắc là anh có thể biết được nhiều chuyện từ những hình xăm của tôi đâu,” anh cười. “Nhưng được rồi, kể cho tôi những gì anh đã tìm hiểu được đi. Nói tôi nghe vị trí và lý do tôi xăm chúng.”

Có phải trên ngực anh có xăm dòng chữ, “Chỉ có Chúa mới có quyền phán xét tôi’.

“Tôi không có hình xăm nào trên ngực cả. Vậy là anh chưa nghiên cứu chăm chỉ rồi.”

Ibrahimovic vén áo lên. Chính xác thì hình xăm đó nằm trên xương sườn của anh. Ôi trời!

Là con trai của một người mẹ Công Giáo và một người bố Hồi Giáo, anh có theo đạo nào không?

“Không, đức tin của tôi là sự tôn trọng. Vậy theo anh, hình xăm ‘Chỉ có Chúa mới có quyền phán xét tôi’ này là tôi đang nhắm tới ai?”

Những kẻ đã, đang và sẽ chỉ trích anh ư? “Không phải.”

Lẽ nào từ “Chúa” ở đây là ám chỉ chính bản thân anh? Ibrahimovic gật đầu. “Tôi sẽ kể cho anh nghe một ví dụ hoàn hảo. Khi anh trai tôi qua đời vì bệnh bạch cầu, Chúa đang ở đâu? Chúa có giúp anh ấy không? Người ta cảm ơn Chúa, cầu nguyện Chúa mỗi ngày, nhưng Chúa đang ở đâu? Theo quan niệm của tôi, mỗi người đều là Chúa của chính bản thân mình. Đó là đức tin của tôi. Đó là quan niệm của tôi.”

Trên lưng Ibrahimovic có nhiều hình xăm hơn đằng trước, trong đó bao gồm cả những câu triết lý của Phật Giáo.

“Hãy giải thích xem tại sao chúng lại được xăm ở trên lưng tôi?”

Để anh không thể nhìn thấy chúng ư?

“Chính xác,” anh vỗ tay. “Bởi vì nếu anh nhìn thấy chúng quá thường xuyên, anh sẽ thấy chán chúng. Khi xăm thế này, tôi sẽ không bao giờ thấy chán ghét chúng.”

Phải chăng đây cũng chính là lý do khiến anh thường xuyên thay đổi CLB – để không phải cảm thấy nhàm chán vì sự quen thuộc?

“Không phải đâu. Tôi thay đổi CLB là để thử thách bản thân. Tôi thích xách ba lô lên và tìm đến những khu vườn mới lạ. Một nền văn hoá khác, một thứ ngôn ngữ khác, rời xa quê nhà. Tại khu vườn của riêng anh, anh được mẹ nấu cho ăn, giặt giũ quần áo giúp anh, anh có hết mọi thứ mà mình muốn. Anh được sinh ra và nuôi nấng tại đó. Nơi ấy là vùng an toàn của anh. Tôi thì muốn rời khỏi vùng an toàn của mình và tự thử thách bản thân.”

 

***

Nhưng AC Milan đã tạo dựng được một vị trí rất đặc biệt trong tim Ibrahimovic. Huyền thoại người Thụy Điển chia sẻ rằng CLB này “đã mang đến cho tôi sự hạnh phúc ở lần đầu tiên khoác áo họ và tình yêu ở lần thứ hai gia nhập.”

Ibrahimovic gia nhập Milan lần đầu vào năm 2010, ban đầu là theo dạng cho mượn, sau một khoảng thời gian đầy thất vọng tại Barcelona. Anh đã viết và nói rất nhiều về Pep Guardiola, vị HLV đã dẫn dắt đoàn quân Barca có sự góp mặt của anh giành chức vô địch La Liga. Ibrahimovic từng gọi nhà cầm quân này là “một tên hèn hạ không bi”. Ngôi sao người Thụy Điển đã khẳng định trong cuộc phỏng vấn này rằng anh chỉ đơn giản là cảm thấy Guardiola chưa bao giờ giải thích rõ ràng với mình vấn đề giữa họ là gì, nhưng có vẻ đây không phải là một câu chuyện mà anh muốn tiếp tục dây dưa. Chuyến du đấu tại Mỹ vừa qua đã mang đến một cuộc giảng hòa tương đối giữa hai người đàn ông này, khi họ vui vẻ bắt tay và trao nhau một cái ôm trước trận giao hữu của Milan và Man City tại Yankee Stadium. Các chuyên gia ngôn ngữ cơ thể ắt hẳn đã có một ngày bận rộn với đoạn clip được Ibrahimovic đăng trên trang Instagram của mình kèm dòng chú thích “Chỉ là một trận giao hữu”.

Tại Milan, vai trò của Ibrahimovic bao quát cả đội một và học viện đào tạo cầu thủ trẻ. Công việc của anh là mang đến sự chỉ dẫn, dìu dắt và lãnh đạo. Thời còn thi đấu, trong số những người đã nắm giữ vai trò đó với chính anh thì anh ấn tượng với ai nhất?

“Chính là Fabio Capello, thuở tôi khoác áo Juventus. Ông ấy đã hủy diệt tôi, nhưng đồng thời cũng giúp tôi phát triển.”

Bằng cách nào? “Đơn giản thôi. Hôm nay ông ấy chửi bạn thể hiện như c.ứt. Hôm sau ông ấy khen bạn là thằng giỏi nhất. Và chuyện này cứ thế mà lặp đi lặp lại. Khi bạn nghĩ mình là số một, ông ấy sẽ hủy diệt bạn. Điều đó khiến bạn hoảng hốt và hoang mang: ‘Đ*t m*! Rốt cuộc là mình giỏi thật hay mình như c.ứt đây?’. Nhưng khi anh tụt dốc và chán nản, ông ấy sẽ vực anh dậy.”

Phương pháp huấn luyện này có hiệu quả không? “Tôi đã trở thành người giỏi nhất. Vậy nên câu trả lời là có.”

 

Anh có thích phương pháp đó không? “Tôi chỉ đơn thuần là chẳng thể thấu hiểu nó thôi. Ông ấy khiến cho đầu óc tôi… như thể bị chao đảo. Nhưng nó cũng đã khiến tôi luôn cống hiến 200% sức lực. Ông ấy đã định hình tôi. Tuy nhiên, để đạt được thành công, anh cũng sẽ cần đến sự giúp sức của bản sắc, văn hóa và truyền thống từ CLB nữa, chúng quan trọng không kém gì một người thầy giỏi đâu. Một nhà vô địch sẽ tạo nên những nhà vô địch. Đám thất bại không thể làm điều đó. Văn hóa chính là thế đấy. Vì vậy, khi anh đến một CLB nào đó, với tư cách một tài năng trẻ hoặc một cầu thủ có tiềm năng lớn, chính CLB ấy sẽ định hình anh, vì anh sẽ trưởng thành cùng cách thức hoạt động của nó và môi trường mà nó tạo ra. Tại Milan, chúng tôi muốn tạo ra điều này theo hướng tích cực.”

Phải chăng khía cạnh này chính là một trong những khó khăn lớn nhất mà Ibrahimovic đã gặp phải trong chuyến trải nghiệm ở Manchester United? Ngôi sao người Thụy Điển gia nhập đội chủ sân Old Trafford dưới thời Jose Mourinho vào mùa hè năm 2016, ghi 29 bàn sau 53 lần ra sân, trong đó bao gồm 2 bàn trong chiến thắng trước Southampton ở một trận chung kết League Cup, nhưng CLB này đã chẳng thể nào tiến gần tới chức vô địch Premier League kể từ sau khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu.

“Môi trường tại đó hoàn toàn khác với những gì mà tôi đã quen,” anh kể.

Cụ thể là gì? “Tôi cảm thấy mình chỉ đơn thuần là một con số ở đó. Còn trong thâm tâm, tôi muốn tạo nên một lịch sử của riêng mình tại đây. Không có ý xúc phạm, nhưng tôi thực sự chẳng hề quan tâm đến lịch sử trước đó của họ. Đúng là quá khứ huy hoàng ấy sẽ tạo áp lực buộc các cầu thủ ở đây phải cố gắng để đáp ứng những tiêu chuẩn cao quý và lâu đời của CLB. Nhưng tôi không có chút hứng thú nào với việc nghe kể lể về ‘Thế Hệ 92’ cả. Câu chuyện ấy chẳng giúp ích gì cho tôi hết, bởi vì đó có phải là đội bóng mà tôi hâm mộ đâu, và tôi muốn tự mình làm nên một lịch sử mới. Tôi muốn mọi người phải trầm trồ rằng, ‘Anh và Man United đã cùng nhau giành chiến thắng.’

 

Mặc dù Man United đã không thể giành được các danh hiệu lớn nhất khi Ibrahimovic góp mặt trong đội hình, nhưng anh vẫn có thể khiến những người từng phê bình anh phải câm lặng.

“Khi đến Anh, tôi đã 35 tuổi. Rất nhiều người bảo rằng tôi đã quá già, tôi nên nghỉ hưu, bla bla bla. Nhưng những lời chê bai đó đã trở thành động lực cho tôi. Chúng đã kích thích tôi quyết tâm chứng minh rằng họ đã sai.

“Jose là một cỗ máy. Ông ấy có thể giúp anh phát huy hết khả năng của mình. Ông ấy là người như vậy đấy – ông ấy có khả năng thao túng mọi người. Ông ấy biết cách thâm nhập vào đầu anh. Ông ấy biết cách đối xử với từng người, bất kể cấp bậc của anh có là gì đi nữa.

“Ông ấy làm tôi nhớ về Fabio Capello. Nhưng là một phiên bản hiện đại hơn. Kỷ luật. Cứng rắn. Quyết liệt. Không phải kiểu người mềm yếu. Tôi thích những người như vậy. Anh còn nhớ tôi xuất thân từ đâu chứ? Một gia đình cực nghiêm khắc.”

 

***

Liệu có khả năng anh mời tôi đến nhà mình ở Thụy Điển không nhỉ, Zlatan…

Anh ấy cắt ngang lời tôi: “Anh đang tự mời mình đấy à? Không có nhiều người được đến nhà tôi đâu.”

Phải chăng ý anh là chỉ có những người thuộc thế giới bóng đá mới được hưởng đặc quyền đó? “Không, ý tôi là tất cả mọi người nói chung ấy. Chỉ những người đã xây ngôi nhà mới được vào. Sau đó thì không ai cả. Gia đình tôi không phải kiểu quảng giao. Chúng tôi sống rất biệt lập".

Thật ra câu hỏi chính mà tôi muốn đặt ra khi đề cập đến chuyện này là, liệu mọi người có thể nhận ra Ibrahimovic là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới chỉ bằng cách nhìn vào ngôi nhà của anh hay không? Anh có treo bức ảnh nào về các pha “xe đạp chổng ngược” hay những lần nâng cúp trong nhà không?

“Hoàn toàn không,” anh trả lời. “Người ta sẽ chỉ biết là tôi đã kiếm được nhiều tiền từ việc chơi bóng thông qua đống đồ nội thất thôi. Tôi thậm chí còn chẳng treo bức ảnh nào của mình trong nhà luôn cơ. Bởi vì vợ tôi (Helena) từng nói rằng: ‘Thấy hình ảnh của anh ngoài đường nhiều đến phát ngán rồi, em không muốn thấy tấm nào ở nhà nữa đâu’. Vậy nên đành chìu theo ý ‘nóc nhà’ vậy. Nếu anh đến phòng của mấy thằng con tôi, anh sẽ thấy một số áo đấu của các cựu cầu thủ mà chúng nhờ tôi xin cho.”

Chỉ có một chi tiết nhỏ được Ibrahimovic khéo léo sắp đặt trong nhà để tự nhắc nhở về bản thân. “Trong phòng gym tại nhà, tôi đã treo một bức ảnh nổi tiếng về đôi bàn chân của mình. Mục đích là để gia đình tôi nhớ rằng cội nguồn của những thứ mà chúng tôi đang được hưởng là từ đâu.”

Nhưng chẳng phải anh cũng đã ghi được khá nhiều bàn bằng cái đầu của mình sao? “Đó là vào giai đoạn cuối của sự nghiệp rồi. Còn ngôi nhà này thì được ‘tài trợ’ bởi đôi chân tôi.”

Với một chút đượm buồn, anh cũng kể rằng hiện tại anh đang cất giữ những chiếc cúp và kỷ vật bóng đá của mình dưới tầng hầm.

“Thật ra thì tôi cũng muốn xây dựng một bảo tàng tại gia lắm, bởi vì chúng là một phần quan trọng trong câu chuyện đời tôi, vậy nên tôi muốn tôn vinh chúng một cách thật đẹp đẽ. Tuy nhiên, hiện giờ thì vợ tôi nhét chúng xuống tầng hầm hết rồi.”

Rồi anh cười toe toét: “Vậy nên, hoặc là chọn bảo tàng hoặc là chọn cô ấy. Tôi sẽ phải suy nghĩ cho thật kỹ.”

Hy vọng rằng, trong bảo tàng mà Ibrahimovic dự định xây dựng sẽ có cả phần đóng góp từ những cậu con trai của anh. Cậu cả Maximilian, một tiền đạo cánh, sẽ cùng đội Milan Futuro chơi ở giải hạng ba Italy vào mùa giải tới – đây cũng là lần đầu tiên đội bóng này tham dự Serie C. Khi nhắc tới chuyện con cái, Ibrahimovic có phần thận trọng.

 

“Không dễ để đạt được ước mơ ấy, bởi vì rõ ràng là thằng bé có một ông bố quá khủng. Vậy nên áp lực mà thằng bé phải gánh chịu sẽ rất lớn – nó đang mang theo một cái họ quá nặng nề. Bất kể đi đâu thì người ta cũng sẽ so sánh thằng bé với tôi. Tại Milan, với vai trò mà tôi đang đảm đương, thằng bé sẽ chỉ như các cầu thủ trẻ khác ở học viện mà thôi, không có gì khác biệt cả. Tôi sẽ đánh giá thằng bé với tư cách một cầu thủ giống như những đứa trẻ khác, chứ không phải con trai mình. Thằng bé sẽ cần phải học hỏi, phải nỗ lực và tự mình tìm kiếm sự công nhận. Sau đó, chuyện gì phải đến sẽ tự nhiên đến. Thằng bé có tâm lý rất mạnh mẽ. Nhiều người nghĩ rằng bóng đá rất đơn giản, ai cũng có thể thành công trong ngành này cả. Nhưng thực tế không phải vậy.”

Chuyện nuôi dạy con cái của Ibrahimovic hiện tại khác xa với cách anh được nuôi dạy thuở thơ ấu, vì giờ đây những đứa con của anh đang được sống trong sự giàu có, sung túc. “Đúng 100%,” anh đồng tình. “Thằng bé sẽ phải tìm kiếm thứ động lực mà tôi từng có theo những cách khác. Chuyện nó sẽ tìm kiếm điều đó ở đâu thì anh phải hỏi chính nó. Tôi chỉ có thể nói chuyện trong tư cách một người cha. Tôi đã dạy cho thằng bé tinh thần kỷ luật, sự tôn trọng và làm việc chăm chỉ. Nếu anh muốn đạt được một thứ gì đó, anh sẽ phải làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình vì mục tiêu đó. Trên đời này chẳng có gì là miễn phí cả, cả trong cuộc sống lẫn bóng đá. Nhiệm vụ của tôi trong vai trò một người cha là giúp thằng bé biết tự lập khi trưởng thành. Nếu không thể làm được điều đó, tôi sẽ là một ông bố thất bại.

“Tôi đã cố gắng duy trì sự cân bằng, bởi vì khi tôi còn nhỏ, bố tôi đã không thể cho tôi những thứ mà giờ đây tôi có thể mang đến cho con trai mình. Nhưng bố tôi đã làm hết tất cả những gì có thể cho tôi. Và tôi đang làm điều tương tự cho các con của mình. Là một người cha, tôi vô cùng tự hào về chúng.”

Theo Adam Crafton, The Athletic.

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Mark Viduka: Giữa hai dòng máu

Sự phức tạp về lịch sử di cư của nước Úc đã hình thành nên tính cách riêng cho nền bóng đá quốc gia này, với Mark Viduka là một nhân chứng điển hình.

Mogan Rogers: Chú bò tót trên đôi giày trượt băng

Morgan Rogers đã không được triệu tập lên đội tuyển Anh trong đợt tập trung mới nhất ở tháng 10, nhưng điều đó không nên được coi là sự phản ánh về màn trình diễn nổi bật của tài năng Aston Villa trong giai đoạn đầu của mùa giải Premier League 2024-25.

Julio Tous - HLV thể lực Barça: Người góp phần cải thiện sức mạnh Barcelona hiện tại

Julio Tous là một HLV thể lực người Tây Ban Nha, đã gắn bó với Barça vào năm 2004 theo sự giới thiệu và đề bạt của Giáo sư nổi tiếng Paco Seirul·lo, trước khi làm việc ở các CLB là Juventus, Chelsea, Inter Milan, Tottenham lẫn tuyển Italia. Tại Chelsea, Tous nằm trong hàng ngũ ban huấn luyện của Antonio Conte và vô địch Premier League 2016/17.