Zinedine Zidane: Khi “may mắn” trở thành thương hiệu

Tác giả Phương GP - Chủ Nhật 04/06/2017 19:55(GMT+7)

Zidane, rạng sáng nay, tiếp tục cùng Real Madrid giành chiến thắng “như thường lệ”. Và cũng “như thường lệ”, mọi người bàn tán rằng: “Real thắng nhờ may mắn bởi những cú sút trúng chân!”. “Real thắng nhờ đội hình quá mạnh!”. “Trận đấu chả mang dấu ấn chiến thuật gì cả”.

Zinedine Zidane: Khi "may mắn" trở thành thương hiệu
Phải rồi, để thắng được Max Allegri-người đã chuyển Mandzukic về tiền vệ cánh, cho đội bóng tấn công từ những đường phát động của Bonucci-thì không cần chiến thuật gì cả. Đều nhờ may mắn cả.
 
Anh may mắn ngay từ đầu khi có trong tay đội hình mạnh. Mạnh đến nỗi một huấn luyện viên “xịn” như Benitez...phải cuốn gói trong vòng vài tháng. Và “đội hình mạnh” mà ông thầy người Tây Ban Nha khi ấy để lại cho Zidane là một mớ bòng bong đúng nghĩa. Thất vọng trong cuộc đua La Liga với Barcelona, cạnh tranh ở đấu trường Champions League vô cùng khó khăn. Nội bộ thì lủng củng với những tranh cãi như “Bale-Ronaldo, ai mới là ngôi sao số một?” khi mà chân sút người Bồ Đào Nha đang trên đà “rớt phanh” so với Messi.
 
Zidane lên nắm đội trong hoàn cảnh thế đấy. Rồi sẵn rối ren, ông thầy người Pháp tuyên một câu xanh rờn: “Ronaldo là số một”. Thế là bỗng Los Blancos không còn chông chênh. Họ thắng liên tục. Bale thậm chí còn kiến tạo cho Ronaldo trong trận Siêu kinh điển lượt về, trận đấu có kết quả khiến cho Barcelona xém chút nữa nhận một mùa giải thất bại nếu không kịp lấy lại tinh thần. Còn Ronaldo, một tuần sau anh lập hat-trick vào lưới Wolfsburg cướp lại cho Real Madrid chiếc vé vào bán kết. Qua đó giúp Zidane có ngay chiếc cúp bạc sau vài tháng huấn luyện. Quả là “Gã hói” thật may mắn thì Ronaldo mới lấy lại phong độ cao đến thế.
Quả là “Gã hói” thật may mắn thì Ronaldo mới lấy lại phong độ cao đến thế
Sẵn được đà “may”, đầu mùa giải Zidane tiếp tục ca ngợi Ronaldo lên mây xanh khi mọi người đều nghi ngờ khi anh đã có tuổi và phong độ ghi bàn đã giảm sút. Ronaldo giảm khả năng ghi bàn thì đúng thật, nhưng có vẻ như “cái may” của ông thầy nó “ếm” luôn vào anh. CR7 chỉ có thể chạy và đệm bóng trong mùa giải năm nay, lạ một điều trận bình thường anh đệm trớt quớt, nhưng trận quan trọng thì sắc còn hơn dao cạo. Sáng nay, khi Real Madrid bế tắc, Ronaldo ra chân một phát mở ngay tỷ số. Sang hiệp hai, sau khi Juventus còn chưa hoàn hồn sau cú sút của Casemiro, ngôi sao Bồ Đào Nha bồi thêm một phát nữa cận thành dứt điểm trận đấu. Zidane may thật, may vì Ronaldo hồi xuân quá khủng khiếp. Và nhất là khi Casemiro, quân bài chủ chốt của anh đã biết cách toả sáng.
 
Giữa một rừng ngôi sao tấn công và có lối chơi hào hoa như Isco, James hay thậm chí là bản hợp đồng gây nhiêu sóng gió mùa hè hai năm trước là Kovacic. Ziadane vẫn cho một người có lối chơi khá “cứng” như Casemiro nơi giữa sân, để cùng Modric và Kroos quán xuyến khu trung tuyến. Tiền vệ người Brazil gần như là canh bạc của Zidane vào thời gian ban đầu nhưng anh vẫn được tin tưởng để đảm nhiệm một vị trí trong đội hình chính thức, và như chúng ta biết số 14 đã trở thành “động cơ không thể thiếu trong chiếc Bentley”. Sự cơ động của Casemiro là nền móng để xây dựng nên một Real Madrid như ngày hôm nay. Một toà “Bạch dinh” tuyệt đẹp không hề có tì vết. 
Bóng bay vào lưới trong sự thất vọng của Buffon
Từ một đống đổ nát thời hậu Benitez, chỉ hơn một năm sau, Zidane đã có được trong tay một trong những đội hình mạnh nhất lịch sử. Điều đó không phải là rất tuyệt vời sao. Mọi bước đi đều là sự lựa chọn của anh, sự kế thừa là có nhưng để nó nên hình hài như hôm nay là một tay của Zidane phải sắp xếp lại. Mọi bước đi của anh từ cái ngày nhận quyết định của Perez đều cho thấy sự đúng đắn. Anh trấn an ngôi sao cũ, ổn định phòng thay đồ và tìm kiếm mảnh ghép mới cho đội bóng. Công sức ấy, may mắn làm sao có thể “gánh vác” hết nếu không có tài năng. Người ta thường gọi huấn luyện viên là chiến lược gia cũng có cái ý nghĩa của nó, tức là lên kế hoạch cho đội bóng vững mạnh ít ra là ở những năm mình cầm quyền. Và với Real Madrid của hiện tại, có lẽ phải xuất hiện biến cố gì quá ghê gớm mới có thể ngay lập tức xô đổ ngôi “Bạch dinh” ấy.
 
Tuy nhiên dù là chiến lược gia hay chiến thuật gia gì thì Zidane cũng đang làm rất tốt vai trò của mình. Rạng sáng nay đâu phải ngẫu nhiên Juventus nhập cuộc kiểu đấy. Ai đã xem Real Madrid trong mùa giải năm nay đều nhận ra một điều, họ nhập cuộc rất chậm rãi, thậm chí bị đối phương lấn át và có thể thủng lưới trước khi hàng công đội bạn quá xuất sắc. Không phải Barcelona hay Atletico Madrid từng nhập cuộc kiểu đó khi đụng Real Madrid hay sao.
 
Nhưng có một điều khi trận đấu đã trôi qua tầm hai mươi phút. Những gì còn lại là một Los Blancos rất cứng cựa, khó chơi và có thể dồn ép đối thủ không kịp thở. Atletico Madrid đã nếm trái đắng trong trận bán kết khi tưởng chừng như ở ngưỡng thiên đường cũng vì đó. Barcelona nếu không nhờ cú sút xa của Rakitic và sự xuất sắc của Messi, thậm chí là sự vô duyên và chủ quan từ các cầu thủ áo trắng thì có lẽ cũng đã buông La Liga từ lâu. 
 
Một người như Max Allegri hẳn đã nhìn ra như thế, ông cho đội bóng dồn ép ngay từ đầu để tìm bàn thắng nhằm sau đó có thể triển khai lối đá sở trường và phần nào khiến Real Madrid nôn nóng mà thiếu tỉnh táo trong cách triển khai lối chơi. Thế nhưng, trong một ngày mà các chân sút quá thiếu sắc bén, họ đã bị “phản đòn” từ lối chơi ấy. Và những phút tiếp theo, chỉ còn biết chịu trận khi đội bóng Hoàng gia đã bắt nhịp trận đấu, còn Zidane đã nhận ra điểm yếu đối phương.
Zinedine Zidane cùng các học trò lên ngôi vô địch
Năm nay Zidane đến với chiếc cúp vô địch đã vượt qua lần lượt: Ancelotti-người thầy cũ của mình trên cương vị huấn luyện, Simeone-một trong những khắc tinh của Real Madrid trước ngày Zidane nhậm chức, và Max Allegri-một trong những người được đánh giá là lớp kế cận của những bậc thầy chiến thuật người Ý. Thắng được những người đấy, có thể Zidane không thể hơn được họ ở trình độ trên sa bàn, thế nhưng chiến thuật của ông thầy người Pháp phải ở một đẳng cấp nhất định.
 
Hình ảnh của Zidane làm nhớ đến Pep năm nào. Đều là huyền thoại một thời của câu lạc bộ. Cũng lên nắm đội trong tình thế đội bóng “rối như tơ vò” với những lục đục nội bộ. Thế nhưng thành công đến quá sớm làm cho nhiều người đã quên đi khó khăn ban đầu mà chỉ biết nhìn vào thành quả. Họ cũng có trong tay một “đội hình mạnh”, triển khai lối chơi dựa trên khả năng của những con người ấy để đi đến thành công.
 
Nếu Pep sở hữu dàn hảo thủ bậc thầy về khống chế bóng, thì Zidane có hàng loạt những cầu thủ có thể đá tốc độ và trực diện đối phương. Cả hai đều tạo nên thành tích vô tiền khoáng hậu, kẻ thì ăn sáu, người thì phá giải lời nguyền Champions League. Kể ra, nếu Pep được “an ủi” thừa nhận phần nào với lối chơi tiki-taka-thứ mà ổng rất ghét. Thì Zizou cũng nên có một chiến thuật mang tên đại khái là “Du-di” chẳng hạn, tức là “du-di” cho đối phương những phút đầu, sau đó khi biết được mọi điểm yếu mạnh, đội bóng bắt kịp nhịp độ thì tràn qua ép không cho đối thủ có không gian thở!
 
Nghiệp huấn luyện viên là nghiệp bẽ bàng. Những con người như Jupp Heynckes cũng phải nếm nhiều cay đắng trước khi được dư luận thừa nhận nhờ cú ăn ba lịch sử cùng Bayern Munich. Mourinho cũng cho ta thấy được khó khăn như thế nào để tìm được sự thừa nhận ở Manchester United. Thậm chí Conte vừa vô địch còn chia sẻ rằng ông không biết năm sau có bị mất ghế không, tựa như điều đã xảy ra với hai nhà vô địch Ngoại hạng Anh trước ông.
 
Thế nên, sự nghiệp huấn luyện của Zidane vẫn còn những chương dài ở phía trước. Anh đã được những Madridista công nhận tài năng, anh cũng đã được phần lớn chuyên gia đưa ra phân tích theo hướng chuyên môn. Còn được sự thừa nhận rộng rãi hay không, thì hãy còn dài. Những thành công ban đầu cứ coi như là “may mắn” cũng được, may mắn như là bước đầu thuận lợi cho cả sự nghiệp trên băng ghế huấn luyện. “Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”, đúng không Zizou?

PHƯƠNG GP (TTVN)
 
 

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Gabriel Martinelli: Thay đổi để thích nghi hoặc ngồi dự bị!

Cầu thủ chạy cánh người Brazil chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt để đòi lại vị trí chính thức trong đội hình xuất phát của HLV Mikel Arteta tại Arsenal, nhất là khi “người đóng thế” Leandro Trossard đang làm rất tốt mỗi khi được trao cơ hội.

Marco Reus: Yêu, sống và cảm nhận...

Lòng trung thành là giá trị xa xỉ trong bóng đá hiện đại. Chúng ta sẽ chẳng thể trách cầu thủ mong muốn ra đi tìm thử thách mới, nhưng một người gắn bó với một đội bóng suốt hơn một thập kỷ thì đó là giá trị đáng trân trọng.

Neymar: Từ thiên tài tới bi hài

Chấn thương, tiệc tùng, những vụ bê bối khiến sự nghiệp của Neymar lao dốc rất nhanh. Ở tuổi 32, liệu anh có thể trở lại đỉnh cao hay không?

Francesco Acerbi: Đóa hoa nở muộn

36 tuổi mới có lần đầu tiên vô địch Serie A dù đã chơi bóng ở Ý từ năm 2006, nếu ví Francesco Acerbi là một đóa hoa nở muộn thì người nuôi trồng đóa hoa ấy là Simone Inzaghi.

Julian Brandt: Gọi giấc mơ về từ quá khứ

Dù chưa bao giờ phát tiết trọn vẹn những phẩm chất cũng như tiềm năng thiên bẩm của mình nhưng tiền vệ người Đức đang cùng Dortmund mơ về một mùa giải đẹp nhất kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp.

Gabriel Heinze và con đường của một gã... Judas

Một hậu vệ mạnh mẽ, phóng khoáng, luôn nhận được sự yêu quý tại bất kỳ nơi nào anh từng thi đấu nhưng rồi những mối nhân duyên quá đỗi phức tạp đã vô tình biến Gabriel Heinze trở thành kẻ phản bội trong mắt người hâm mộ từng giành trọn vẹn tình cảm cho ngôi sao người Argentina.