Zinedine Zidane và Real Madrid: Mối lương duyên giữa hai chân mệnh thiên tử

Tác giả Góc Khán Đài - Thứ Sáu 23/06/2017 18:40(GMT+7)

Kỉ nguyên bóng đá hiện đại đang bị bao phủ bởi hai người ngoài hành tinh, Cristiano Ronaldo và Leo Messi. Những kỉ lục phi phàm liên tục bị cả hai xô đổ trong cuộc so găng dường như không có điểm dừng suốt một thập kỉ vừa qua.
Zidane và Real Madrid: Mối lương duyên định mệnh
Sự thống trị của Cristiano và Leo đôi khi khiến người ta cuốn vào vòng quay vô tận mà quên mất mới ngay trước đó thôi, làng túc cầu thế giới vẫn còn những nhân tài, ở thời điểm đó, vốn là chuẩn mực tưởng chừng không tài nào phá nổi. Một cầu thủ toàn năng, vừa có thể ghi bàn đều đặn, vừa có thể đóng vai nhạc trưởng đạo diễn, anh là Zinedine Zidane.
Hãy tạm quên hai danh hiệu Champions League liên tiếp đi vào lịch sử mà HLV Zidane vừa đoạt được, cùng vặn ngược kim đồng hồ quay về 16 năm trước, khi cầu thủ Zidane chập chững những bước đầu tiên trên thảm cỏ Santiago Bernabeu. Thực ra không phải đến lúc chuyển sang đầu quân cho Real Madrid, người ta mới biết đến danh tiếng của Zizou. Khả năng chơi bóng thiên bẩm của anh đã được thể hiện trong màu áo của Bordeaux, của Juventus lẫn đội tuyển Pháp suốt 9 năm trước. Khả năng ấy được công nhận qua mức giá chuyển nhượng vô tiền khoáng hậu mà Los Blancos chấp nhận bỏ ra để chiêu mộ Zidane. 150 tỉ lire Italy, tương đương với 78 triệu Euro, một con số không tưởng vào thời điểm năm 2001. Kỉ lục ấy còn đứng vững tới tận năm 2009, chỉ bị phá bởi cậu học trò tương lai Cristiano Ronaldo.
Sinh ra trong một gia đình nhập cư gốc Algeria, Zidane lớn lên với hai thứ luôn đeo đẳng, bóng đá và sự phân biệt chủng tộc. Lớn lên trong khu ổ chuột Marseille, kèm thân phận Phi châu thấp kém khiến Zidane luôn trở thành mục tiêu của những lời lẽ ác ý. Cậu bé Zinedine khi ấy quá nhỏ để phản ứng, chỉ biết vùi đầu chơi đùa cùng trái bóng tròn. Cứ thế, cứ thế, cậu chơi đến mức làm chủ được kĩ thuật điều khiển bóng tới mức điêu luyện. Sid Lowe, nhà báo của tờ The Guardian từng viết: "Zidane là câu trả lời của bóng đá cho ballet." Quả thật vậy, nhìn cách Zizou chạy trên sân sẽ thấy một phong thái cực kì nhẹ nhàng và bình yên, không vội vàng, không nóng nảy, anh và bóng dường như đan vào làm một, tất cả mọi thứ khác dường như được bỏ lại sau lưng. Đó là kĩ thuật mà cậu bé tôi luyện trên đường phố Marseille, người thiếu niên trui rèn tại Cannes, người thanh niên lớn khôn tại Bordeaux để rồi tại Juventus, Zidane trở thành người đàn ông thật sự.
Zidane trong màu áo tuyển Pháp
Nhưng tại sao chỉ khi chuyển tới thi đấu và gắn bó với Real Madrid, anh mới thực sự đứng vào hàng ngũ những tượng đài, ngoài lí do nằm ở mức phí chuyển nhượng khổng lồ? Năm năm chơi bóng tại Ý trong màu áo Juventus là 5 năm đáng nhớ của Zidane, cả về mặt thành tích lẫn cuộc sống cầu thủ. Serie A khi ấy là giải đấu hàng đầu châu Âu với bộ "Bảy chị em" huyền thoại, nhưng Juventus cùng Zidane vẫn đạt được những vinh quang nhất định. Dưới trướng Marcelo Lippi và Carlo Ancelotti, hai chiến lược gia một già, một trẻ và thuộc hàng đầu bảng đất nước hình chiếc ủng, Zinedine học tập được những kinh nghiệm quý báu phục vụ cho nghiệp huấn luyện sau này.
Dẫu vậy, vẫn có cái gì đó chưa trọn vẹn. Serie A, Coppa Italia, Super Cup, Intercontinental Cup, World Cup và Euro, những danh hiệu cao quý nhất tại cấp độ CLB lẫn đội tuyển quốc gia đều đã thuộc về anh, ngoại trừ Champions League. Hai thất bại liên tiếp trước ngưỡng cửa thiên đường vào năm 1997 và 1998 khiến niềm khát khao ấy ngày càng lớn hơn. Ở tuổi 29, độ tuổi chín nhất trong sự nghiệp, quyết định tìm đến Tây Ban Nha, ngôi nhà của vị bá chủ châu Âu Real Madrid âu cũng là điều dễ hiểu. Không mất quá nhiều thời gian để gây ấn tượng, Madridistas chắc chắn sẽ chẳng ai quên pha móc bóng ngoạn mục của Zidane tại đêm Glasgow. Bàn thắng ấy đem về chiếc cúp thứ 9 trong phòng truyền thống CLB và cho đến nay, vẫn được chọn là pha ghi bàn đẹp nhất lịch sử Champions League. Phép màu được phù thuỷ Zidane tạo ra ngay trong mùa giải đầu tiên anh hạ cánh xuống Madrid.
Zidane và Enrique
Đó là danh hiệu lớn nhất mà Zizou đoạt được cùng Real Madrid. Có chút gì đó đáng tiếc, bởi anh cùng Ronaldo Lima, David Beckham và Luis Figo khi ấy là những siêu sao hàng đầu thế giới đều quần tụ trên bầu trời Dải Ngân hà Bernabeu. Đáng lẽ họ phải giành được nhiều hơn thế, nhưng Zidane, và có lẽ chỉ Zidane hiểu, mọi thứ đã chấm dứt sau khi người đồng hương Claude Makelele bị Chủ tịch Florentino Perez bán tháo. "Sao phải dát vàng lên chiếc Bentley khi nó đã mất động cơ?" - câu nói thể hiện sự khiêm nhường tột cùng của Zidane khi anh, cầu thủ tấn công hàng đầu thế giới, chủ nhân của một loạt Quả bóng Vàng, lại đi ca tụng một tiền vệ phòng ngự, mà theo lời Perez là "chỉ biết chuyền không quá 5m". Hoá ra, Zidane tiên đoán đúng cả. Makelele đi, 3 năm cuối cùng Zinedine tại Madrid kết thúc tay trắng. Dự án Galacticos 1.0 sụp đổ, Perez cũng phải ra đi không kèn không trống.
Bài học xương máu ấy có lẽ đã được Zidane học thuộc lòng, để rồi đến bây giờ người ta mới thấy Casemiro, một Makelele mới, nhận sự tôn trọng đến nhường nào, dù cho vị trí của anh phải đánh đổi bằng sự vắng mặt của lớp vàng phủ khác, James Rodriguez. Tuy nhiên, đó không phải là bài học duy nhất, cũng càng không phải giá trị lớn nhất Zidane nhận được sau 5 năm gắn bó cùng Madrid. Sinh ra và lớn lên trong sự phân biệt đối xử, tâm lí nặng nề bám theo Zidane mọi lúc, đôi khi nó ảnh hưởng cả lúc anh đã dồn hết tâm trí vào trái bóng như đề cập phía trên. 14 thẻ đỏ Zizou phải nhận trong sự nghiệp thì có tới 12 chiếc đến sau những tình huống bị khiêu khích. Vốn hiền lành và thân thiện, nhưng thiên thần Zidane sẵn sàng nổi khùng nếu bị chọc giận. Tiêu biểu nhất, người ta thấy được hình ảnh ấy trong đêm Berlin định mệnh, nơi cú húc đầu vào ngực Mateo Materazzi để lại cái kết buồn cho sự nghiệp lẫy lừng của Zidane. Người đàn ông ấy luôn tự kiềm chế chính mình, nhưng ai cũng có giới hạn bản thân. Với người từng có tuổi thơ bị tổn thương như Zizou, nỗi đau ấy lại càng hằn sâu hơn và cứ cháy âm ỉ, chờ bị khơi lên.
Zidane và Ronaldo
Cầu thủ gốc Algeria đạp ngực đối thủ tại World Cup, huých cùi trỏ tại Serie A và như trên, húc đầu trong trận chung kết lớn nhất thế giới. Một nhân cách hào hoa, nhưng cũng đầy bất trị và khó lường, giống như vẻ đẹp khó hiểu của nụ cười nàng Mona Lisa. Thế nhưng, cập bến Real Madrid, anh dường như lại được thuần hoá. Khác với Pháp hay Ý, nơi mà Zidane thường xuyên phải nhận những lời lẽ phân biệt cả trên sân lẫn ngoài đường phố, tại Tây Ban Nha, hay cụ thể là Madrid, anh được sống trong môi trường hoà hợp và thân thiện đa sắc tộc. Xứ sở Đấu bò vốn trải qua lịch sử đầy biến động với liên miên những cuộc nội chiến dường như thấm nhuần bài học về lòng vị tha giữa người và người, kèm theo vị trí trung chuyển giữa các lục địa và đại dương, khiến cho con người nơi đây có cái nhìn bao dung hơn những nước láng giềng về vấn đề nhập cư.
14 thẻ đỏ Zidane nhận trong sự nghiệp, chỉ có 3 là xảy ra trong thời kì mặc áo trắng, sự biến chuyển ngoạn mục đối với một cầu thủ. Phải chăng cuộc sống và môi trường chơi bóng tại Ý vốn hấp dẫn, nhưng cũng đầy căng thẳng và khốc liệt, đã làm cho mồi lửa trong Zizou trỗi dậy càng mạnh mẽ hơn và vô tình, lại làm hại chính anh? Nên nhớ, thập niên cuối 90, đầu 2000 là thời kì mà Serie A nổi tiếng với những hậu vệ hào hoa, nhưng cũng đầy ma mãnh và sẵn sàng chém đinh chặt sắt khi cần. Paolo Montero, Fabio Cannavaro, Gennaro Gattuso hay Thomas Helveg mới chỉ là vài đại diện tiêu biểu nhất cho trường phái phòng ngự đặc trưng Catenaccio. Cũng không thể không nhắc đến Mateo Materazzi, đối thủ không đội trời chung vẫn lởn vởn bám theo Zidane đến trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp.
Ở Tây Ban Nha thì khác. Con người vốn dĩ đã cởi mở hơn, lối chơi bóng ở đây cũng khác. Kĩ thuật hơn, hoa mĩ hơn, tắc bóng bị coi như điều gì đó xấu xa và đáng chỉ trích. Cầu thủ tấn công lại thường được các trọng tài ưu ái và bảo vệ. Sau những bầm dập trải qua tại Ý, xứ Iberia thực sự là làn gió mới làm dịu tâm hồn nóng lửa của Zidane. Nhưng sự biến chuyển đó sẽ không thành công nếu chỉ nhờ vào yếu tố ngoại lực. Real Madrid, CLB chủ quản của anh, đã tạo ra một môi trường hoàn hảo giúp Zizou thích nghi nhanh nhất. Tại đây, anh được tôn sùng như một vị thánh dẫn đầu với những thành tựu phi phàm. Tất cả đều tôn trọng anh, từ BLĐ, CĐV tới giới truyền thông. Phân biệt đối xử từ phía các đồng đội ư? Lại càng không. Real vốn dĩ đã có truyền thống tiếp nhận siêu sao ngoại quốc từ rất sớm. Họ từng sở hữu Ferenc Puskas - người Hungary, Paul Breitner - người Đức, Gheorghe Hagi - người Romania hay Predrag Mijatovic - người Nam Tư, tất cả đều xuất thân từ những quốc gia tách biệt với nền văn hoá Latin, nhưng không có sự phân biệt nào cả. Họ đều nhận được sự kính phục tuyệt đối, và Zidane cũng vậy.
Zidane và cú vô lê đáng nhớ ngày ấy
Cuối cùng người con xứ Algeria đã tìm được ngôi nhà thứ hai, chính ở Madrid này. Tại đây, anh tìm thấy sự bình yên trong lòng. Chia tay CLB, Zidane vẫn sống trong ngôi nhà tại ngoại ô thủ đô Tây Ban Nha cùng vợ và bốn cậu con trai, Enzo, Luca, Theo và Elyaz. Tất cả đều theo nghiệp cha, làm cầu thủ và đầu quân cho Real Madrid. Quyết định đầu quân cho Real Madrid 16 năm trước chắc chắn là quyết định sáng suốt nhất trong cả cuộc đời Zidane, bởi nếu không có được bước đi ấy, mọi vinh quang bây giờ chắc hẳn sẽ không hề tồn tại. Los Blancos đã cho anh rất nhiều, từ danh hiệu khoắc khoải chờ mong, tới mái ấm bình yên, tới cả bài học khắc cốt ghi tâm tạo ra nền móng cho thành công sau này. Real Madrid có thể đem lại ít danh hiệu hơn cho anh, nhưng Bernabeu mang tới cảm giác ấm áp gia đình mà Zizou tìm kiếm. CLB vĩ đại nhất thế kỉ 20 đã cho anh rất nhiều, để rồi người con trọng nghĩa kia cũng báo đáp lại bằng quả thơm ngọt ngào. Một mối lương duyên định mệnh, giữa hai chân thiên tử, Real Madrid và Zinedine Zidane.

HOÀNG BÁCH (TTVN)

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Sự can trường của Amad Diallo là động lực giúp MU tiến bước

12 năm trước - cũng vào tháng 12, pha sút phạt thành bàn của Robin Van Persie ở phút 90 đã giúp Man United đánh bại đối thủ cùng thành phố Man City tại Etihad với tỉ số 3-2. Chiến thắng đó trở thành một điểm nhấn quan trọng trên hành trình đăng quang chức vô địch Premier League 2012/13 của “Quỷ đỏ” trong mùa bóng cuối cùng của Sir Alex Ferguson.

Antoine Griezmann: Ly rượu vang chữa lành

Sự thăng hoa hơn cả kỳ vọng của ngôi sao người Pháp chính là “chất men” hảo hạng đưa Atletico Madrid quay trở lại các cuộc đua tại La Liga và Champions League mùa giải năm nay.

Tại sao quả phạt đền của Cole Palmer trước Tottenham là một cú panenka hoàn hảo?

Cú đá Panenka thường được coi là một hành động phô diễn kỹ thuật thuần túy, một rủi ro không cần thiết mà những cầu thủ quá tự tin thực hiện ở những thời điểm không phù hợp. Nhưng khi người thực hiện là Cole Palmer – một cầu thủ bình tĩnh và tài năng đến mức thiên bẩm – thì đột nhiên, nó không tạo ra cảm giác quá mạo hiểm nữa.

Nguyễn Quang Hải: Sự khác biệt của một cầu thủ đặc biệt!

Những gì Nguyễn Quang Hải thể hiện tại Thường Châu, Trung Quốc đầu năm 2018 xứng đáng được coi là màn trình diễn cá nhân xuất sắc nhất của một cầu thủ Việt Nam ở cấp độ châu lục. Tiếp nối chiến tích cá nhân và tập thể khó tin tại VCK U23 châu Á, là một Quang Hải đóng vai trò tối quan trọng trong đội hình “Những chiến binh sao Vàng” thời HLV Park Hang Seo giành Hạng 4 môn bóng đá nam Asiad 2018, Vô địch AFF Cup cùng năm và vào tới Tứ kết Asian Cup 2019.

Mohamed Salah: Ở lại hay ra đi?

Liverpool có 2 giải pháp, nhưng chúng lại tạo ra 1 vấn đề. Cầu thủ xuất sắc nhất của họ đang có mùa giải hay nhất trong sự nghiệp. Họ chỉ đánh rơi 7 điểm sau 19 trận tại Premier League và Champions League. Vì thế, cầu thủ này liên tục được phỏng vấn sau những trận đấu mà anh đóng vai trò quan trọng giúp Liverpool giành chiến thắng.

E-magazine: Santi Cazorla - Địa ngục chấn thương và sự nhiệm màu kỳ lạ của cuộc sống

Những biến cố kinh hoàng tưởng chừng như đã khiến tiền vệ người Tây Ban Nha gục ngã và phải chấp nhận rời xa thế giới bóng đá trong đau đớn và tủi nhục, nhưng rồi bằng niềm đam mê và lòng khao khát cháy bỏng, Santi Cazorla cuối cùng đã vượt qua tất cả để tiếp tục mang đến cho khán giả những phép màu tuyệt vời trên sân cỏ.