Zdeněk Zeman: Gã điên hay một thiên tài?

Tác giả CG - Thứ Hai 06/03/2017 20:13(GMT+7)

Zalo
Trận đấu giữa Sampdoria và Pescara rạng sáng Chủ nhật vừa qua mang một cột mốc đáng nhớ. Với Zdeněk Zeman, huấn luyện viên trưởng của Pescara, đó chính là trận đấu thứ 1000 của ông trong sự nghiệp cầm quân của mình.
Zdeněk Zeman: Ga dien hay mot thien tai? 1
Zdeněk Zeman: Gã điên hay một thiên tài?
1000 trận, có chiến thắng, có cả những thất bại, nhưng dường như một thứ luôn bất biến trong chính người đàn ông sẽ tròn 70 tuổi vào tháng Năm tới hay những đội bóng mà ông dẫn dắt, đó là niềm vui và sự giải trí. 
 
Một Pescara đang ngụp lặn ở đáy bảng xếp hạng với 5 trận thua liên tiếp và 22 trận đấu liền không thắng nhưng sẵn sàng đả bại Genoa đến 5 bàn không gỡ ngay trong lần đầu tiên vị chiến lược gia người Cộng hòa Séc trở lại với đội bóng miền Trung Italia trong mùa giải này. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với Premium Sport, Zeman khẳng định dù không giành được một chức vô địch lớn nào nhưng xuyên suốt sự nghiệp ông chẳng có gì phải hối tiếc ngoại trừ việc rời khỏi biên giới nước Ý để đến với các đội bóng nước ngoài quá muộn. Và khi nhìn lại quãng đường hơn 40 năm cầm quân của con người này, người ta sẽ phải tự hỏi liệu ông là một “gã điên” nhiều mơ mộng hay là một “thiên tài”?
 
Bước khởi đầu khó khăn
 
Zdeněk Zeman sinh năm 1947 tại đất nước Tiệp Khắc cũ. Những năm tháng đầu đời, môn thể thao mà ông gắn bó không phải bóng đá mà đó là hockey trên băng, bóng chuyền, bóng chày và bóng ném. Ông từ bỏ bóng đá năm 16 tuổi và chưa bao giờ thi đấu chuyên nghiệp. Mùa hè năm 1968, ông chuyển tới sống với người cậu của mình là Čestmír Vycpálek - một cựu cầu thủ Juventus - trong bốn tháng ở đảo Sicily miền Nam Italia. 
 
Thế nhưng, đó cũng là một năm đầy biến động với đất nước nơi ông sinh ra. Trước tình trạng kinh tế khó khăn trong nước, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Tiệp Khắc Alexander Dubček đã tiến hành một cuộc cải tổ mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa có tên gọi “chủ nghĩa xã hội mang khuôn mặt người” nhằm phá bỏ việc độc đảng, kiểm duyệt báo chí-nghệ thuật và tập trung hóa nền kinh tế. Thế nhưng điều này đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của chính quyền Liên Xô vốn là anh cả của các nước Xã hội chủ nghĩa. Đêm ngày 20 rạng sáng 21 tháng Tám năm 1968, Liên Xô và các nước nằm trong khối hiệp ước Warszawa đã cử quân đội tiến vào đất nước Tiệp Khắc nhằm lật đổ chính quyền và xóa bỏ những cuộc cải cách của Dubček. Cuộc tấn công đó đến nay vẫn còn được nhớ tới với tên gọi “Mùa xuân Prague”.
 
Đứng trước tình hình bất ổn về chính trị đó, Zeman quyết định không trở về nước nữa mà ở lại Italia. Ông được cấp thị thực Italia, cưới một người vợ vùng Sicily và bắt đầu việc học tập trong ngành y học thể thao. Năm 1974, ông bắt đầu bước chân vào nghiệp huấn luyện với công việc ở đội U12 Palermo. Năm 1979, ông chính thức có được chứng chỉ huấn luyện viên bóng đá chuyên nghiệp do Liên đoàn bóng đá Italia cấp. Được cấp chứng chỉ với ông năm đó còn có Arrigo Sacchi.
Zdeněk Zeman Ga dien hay mot thien tai hinh anh 2
Zdeněk Zeman khi còn trẻ
Bốn năm sau, ông lựa chọn Licata, một đội bóng nhỏ ở Sicily, làm bến đỗ đầu tiên trong sự nghiệp cầm quân chuyên nghiệp. Zeman ngay lập tức đặt niềm tin vào các cầu thủ và triết lý bóng đá tấn công đầy đam mê của mình. Và thành quả đã đến, các cầu thủ trẻ của đội bóng nhỏ bé ấy đã ghi đến 58 bàn thắng chỉ trong 34 trận đấu để góp phần mang về chức vô địch Serie C2, danh hiệu đầu tiên trong sự nghiệp của Zeman.
Năm 1986, ông rời Licata để đến một bến đỗ mới là Foggia. Thế nhưng, ông phải ra đi chỉ sau một năm khi chủ tịch Pasquale Casillo của Foggia nổi cơn tam bành vì cho rằng vị huấn luyện người gốc Tiệp Khắc (cũ) đã lừa dối ông để đi ăn tối với các quan chức của câu lạc bộ Parma. “Nó giống như khi bạn phát hiện ra vợ đang lừa dối mình vậy. Bạn phải làm gì lúc đó? Hãy bảo cô ta biến đi ngay lập tức!” - Casillo giận dữ.
 
Và quả thực, Zeman đã đến Parma nhưng chỉ được một thời gian ngắn trước khi cập bến Messina và biến đội bóng trở thành câu lạc bộ có hàng công mạnh nhất Serie B. Đó như một bàn đạp để ông trở về Foggia và tạo ra một thánh địa bóng đá tấn công máu lửa của riêng mình.
 
Tấn công, tấn công và tấn công ở Zemanlandia
 
“Mọi người đến sân vận động vì họ muốn thấy những màn trình diễn. Thế nhưng có những trận đấu lại khiến bạn rất buồn ngủ. Với các đội bóng của tôi, điều đó không bao giờ xảy ra.” Zeman từng trả lời như vậy khi được hỏi về cách nhìn bóng đá của ông. Nói cách khác, câu trả lời ấy đã thể hiện triết lý của người đàn ông nghiện thuốc lá nặng này. Đội bóng của ông không được phép thi đấu thực dụng, họ phải cống hiến, phải cho khán giả trầm trồ và rạo rực qua mỗi đường bóng. Với Zeman, “thà thua 4-5 còn hơn là hòa 0-0.”
Zdeněk Zeman Ga dien hay mot thien tai hinh anh 3
Zdeněk Zeman ở Foggia
Và Foggia trong nhiệm kì thứ hai của Zeman là hiện thân cho tư tưởng này. Năm 2009, đạo diễn Giuseppe Sansonna đã làm một bộ phim tài liệu có tên Zemanlandia (Tạm dịch: Xứ sở của Zeman) để ca ngợi về đội bóng, huấn luyện viên và các cầu thủ Foggia năm ấy. Họ vô địch Serie B trong mùa giải 1990/1991 khi ghi nhiều hơn các đối thủ của mình tới 14 bàn và chỉ phải vào lưới nhặt bóng 36 lần trong suốt 38 vòng đấu. Góp mặt ở Serie A là một vinh dự lớn với Foggia. Lúc ấy, dù Arrigo Sacchi cùng AC Milan đã tạo ra một cuộc cách mạng với thứ bóng đá của mình và là một hình mẫu nhiều đội bóng muốn làm theo thì Serie A vẫn là cái nôi của một thứ văn hóa vẫn còn rất bảo thủ với tôn chỉ bóng đá phòng ngự dựa trên nền tảng catenaccio. Thế nhưng, Zeman thì ngược lại. 
 
Ông không thể nào làm trái với tư tưởng và triết lý của chính bản thân. Đội bóng của ông vẫn tấn công và tấn công, bất chấp đối thủ của họ là ai và mạnh đến đâu. Cuối mùa, họ ghi tổng cộng 58 bàn thắng - nhiều thứ hai chỉ sau nhà vô địch AC Milan. Sơ đồ 4-3-3 được thi triển với lối pressing tầm cao và linh hoạt là câu trả lời cho điều này.
 
Nói đến đây, cần phải nhắc tới Ștefan Kovács, vị huấn luyện viên đã dẫn dắt Ajax Amsterdam giành hai chức vô địch C1 năm 1972 và 1973. Đó cũng là thời điểm Zeman mới bước chân vào nghiệp huấn luyện. Huấn luyện viên người Romania đã có một ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới Zeman với sơ đồ 4-3-3 và cách vận hành của nó. 
Zdeněk Zeman Ga dien hay mot thien tai hinh anh 4
Zdeněk Zeman và chiến thuật 4-3-3
“Ông ấy từng nói rằng bạn phải phòng thủ bằng cách tiến lên phía trước. Bạn không được chạy sau đối thủ mà phải đứng trước mặt họ. Ở Ý, các huấn luyện viên sợ nếu thua một trận đấu sẽ khiến họ mất việc. Đó là lí do tại sao hầu hết các đội bóng ở Ý đều không có xu hướng áp đặt lối chơi lên đối thủ thay vào đó là chỉ áp lên chính mình. Bạn phải nỗ lực để giành chiến thắng chứ không phải để tránh một thất bại. Đó là suy nghĩ của tôi” - chiến lược gia người Séc chia sẻ với Blizzard.
 
Sơ đồ 4-3-3 với pressing tầm cao mạnh mẽ và liên tục được Zeman vận hành cho Foggia (và cả những đội bóng sau này ông dẫn dắt) một cách nhuần nhuyễn và uyển chuyển. Để làm được điều này, ông yêu cầu các học trò tập rất nặng và đôi khi là vắt kiệt sức của họ. Điểm xuất phát của đội hình ấy là thủ thành Francesco Mancini - một người không đơn thuần chỉ có nhiệm ngăn chặn những cú dứt điểm mà phải có tốc độ và sẵn sàng dâng cao bọc lót ngay phía sau các hậu vệ. Có thể coi anh như là một trong những “thủ môn quét” đầu tiên của bóng đá thế giới. Và điểm cuối cùng trong đội hình ấy là bộ ba trên hàng công Giuseppe Signori - Roberto Rambaudi - Francesco Baiano, những người luôn thường trực trong vòng cấm địa đối phương và đón những đường bóng từ tuyến dưới. “Bất cứ khi nào chúng tôi tấn công, ba tiền đạo luôn có mặt trong vòng cấm địa, trong khi đó hai trên ba tiền vệ cũng dâng lên phía trước. Bằng cách đó, đối thủ sẽ phải lùi lại. Sau đó khi bạn đưa bóng vào vòng cấm, bạn sẽ có nhiều cơ hội ghi bàn hơn vì áp đảo quân số. Đó không phải là khoa học tên lửa. Đó là một bài toán đơn giản.” - Wall Street Journal dẫn lời Zdeněk Zeman.
 
Điên rồ hơn nữa, một điều thường dễ nhận thấy ở các đội bóng mà Zeman dẫn dắt đó là đôi khi có đến bảy hay tám cầu thủ đứng ở vạch giữa sân khi chuẩn bị giao bóng. Một động thái như để sẵn sàng tràn vào phần sân đối thủ và áp đảo lực lượng ngay khi có bóng. Với tư tưởng có phần “cực đoan” của mình, Zeman và Foggia đã thổi một luồng gió lạ vào Serie A những năm tháng ấy.

Người ươm mầm những ngôi sao trẻ
Zdeněk Zeman là một người thẳng thắn. Ông không ngần ngại lên tiếng hay bày tỏ quan điểm trái với số đông, thậm chí nếu đó là những bất công. Ông từng đứng lên vạch mặt những người có liên quan đến bê bối sử dụng doping mà rất nhiều trong số đó là các nhân vật đến từ Juventus. Zeman ghét sự thực dụng. Huấn luyện viên 69 tuổi đã từng công khai chỉ trích những chiến lược gia mang hơi hướng “thực dụng” như Fabio Capello hay José Mourinho vì lối chơi mà họ áp dụng vào các đội bóng. Ở Italia, rất nhiều người không ưa Zeman vì tính bộc trực này.
Zdeněk Zeman Ga dien hay mot thien tai hinh anh 5
Zdeněk Zeman và Totti
Ông nói: “Tôi phải trả giá đắt, thậm chí với những kết quả trên sân. Hệ thống ấy nói ‘chúng tôi không chọn ông’ và sự nghiệp của tôi đi theo một hướng khác. Đáng ra tôi đã có thể dẫn dắt Milan, Inter hay Real Madrid. Họ chống lại tôi ngay cả khi tôi ở nước ngoài? Tất nhiên, vì mọi thứ bắt đầu từ một hệ thống bên trong. Nhưng với tôi, làm huấn luyện viên ở đâu không quan trọng. Ở Licata, Foggia hay Pescara, những tư tưởng về bóng đá của tôi giống với những giá trị ở Madrid hay Barcelona.”
 
Chính vì sự thẳng thắn ấy mà có lẽ ông thường chỉ thích hợp khi làm việc cùng những cầu thủ trẻ, những người thừa nhiệt huyết nhưng thiếu những kinh nghiệm và sẵn sàng nghe lời. Xuyên suốt bốn thập kỉ “cầm quân đánh trận”, ông đã tạo điều kiện và bệ phóng cho rất nhiều những gương mặt trẻ có dịp thể hiện mà rất nhiều trong số đó đã vươn lên tầm thế giới. Đó là Salvatore Schillaci, chân sút đã ghi 23 bàn thắng trong mùa giải cuối cùng ở Messina dưới sự dẫn dắt của Zeman để rồi sau đó đã được Juventus đưa về; đó là Beppe Signori, tiền đạo trứ danh của Lazio một thời hay gần đây nhất là những Marco Verratti, Lorenzo Insigne hay Alessio Romagnoli. Thế nhưng, những trái ngọt lớn nhất của cựu huấn luyện viên Foggia có lẽ phải là Francesco Totti và Alessandro Nesta.
 
Chính Zeman đã thuyết phục ban lãnh đạo Lazio giữ lại một Nesta - khi đó mới 19 tuổi - thay vì chuyển đến một đội bóng Serie C dưới dạng cho mượn thì ở lại để chính vị huấn luyện viên này rèn giũa. Sự tin tưởng của ông là chìa khóa để Nesta dần dần phát triển và vươn tới đỉnh cao với những kĩ năng thượng thừa của một hậu vệ. Trong khi đó, tại AS Roma, có một Totti bùng nổ dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Cộng hòa Séc. Anh được trao chiếc áo số 10, ghi 30 bàn thắng chỉ sau hai mùa giải và trở thành thủ quân Giallorossi năm 22 tuổi. Phần còn lại đã là lịch sử.
Zdeněk Zeman Ga dien hay mot thien tai hinh anh 6
Zdeněk Zeman và cái ôm dành cho Verratti
Ngày chia tay sự nghiệp cầu thủ, Nesta tri ân người thầy cũ: “Mọi cầu thủ trẻ nên hy vọng được Zeman huấn luyện”. Còn Totti thì khẳng định: “Zeman là một huấn luyện viên và một người có đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển cả trên phương diện cá nhân lẫn sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp của tôi”.

Vậy đó là gã điên hay một thiên tài?
 
Thực tế là Zdeněk Zeman chưa từng giành một danh hiệu đỉnh cao nào trong sự nghiệp huấn luyện của mình. Suốt sự nghiệp cầm quân chuyên nghiệp, ông đã dẫn dắt tổng cộng 16 câu lạc bộ trong đó không ít lần quay trở lại với các đội bóng cũ (thậm chí mùa giải 2014/2015, ông ra đi và trở lại Cagliari chỉ sau vài tháng). Chức vô địch lớn nhất mà ông có được là vô địch Serie B cùng Foggia mùa giải 1990/1991 và Pescara mùa 2011/2012. Có nhiều lí do giải thích cho điều này nhưng có lẽ nguyên nhất lớn nhất xuất phát từ thứ niềm tin có phần “ngây thơ” vào triết lý bóng đá của bản thân. Nhiều người coi ông như một “gã điên” giữa làng bóng đá hiện đại, nơi sự chặt chẽ đang ngày càng tăng lên thì Zeman vẫn trung thành với lý tưởng tấn công “điên dại” của mình.
 
“Chúng tôi có thể thua nhưng đội bóng sẽ rời sân với những tràng pháo tay. Với tôi, đó là điều tuyệt vời nhất”
 
Từ người đàn ông với khuôn mặt nhiều nếp nhăn và cái miệng không ngừng phì phò thuốc lá ấy, nhiều người sẽ bày tỏ cảm thông rằng giá như ông bớt “ngây thơ”, bớt những sự “giải trí” trong lối chơi thì có thể thành công sẽ đến nhiều hơn. Ở Ý, người tạ gọi Zeman là Il Boemo một phần vì cái gốc sinh ra ở Séc nhưng cũng để nhắc tới lối suy nghĩ phóng khoáng và phá cách của ông.
 
Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác, Zeman chính là một trong những người tiên phong phá bỏ những lề lối cũ về chiến thuật của calcio những năm tháng cuối thế kỉ XX. Khi mà người Ý vẫn còn đặt nặng tư tưởng phòng ngự thì ông là một “bông hoa lạ” giữa khu vườn, nổi lên như một nét độc mà lạ. Cựu huấn luyện viên Arrigo Sacchi từng viết trên La Gazzetta dello Sport như sau: “Zeman chỉ thất bại khi ông đến những câu lạc bộ mà các cầu thủ không được chuẩn bị để làm việc theo cách của ông. Những đội bóng của ông ấy là một bản giao của sự hài hòa và vẻ đẹp. Các cầu thủ của ông thi đấu với sự đồng bộ, tốc độ, nhuần nhuyễn và cá tính. Những đội bóng của ông có một bản sắc riêng không thể nào phủ nhân; tính giải trí được đảm bảo, sự nhàm chán và lãng phí thời gian bị cấm tiệt… Zeman không làm ra điều kì lạ nhưng ông ấy là một trong số ít những thiên tài trong thế giới bóng đá của chúng ta”.
 
Vậy, kẻ điên hay thiên tài, có lẽ cũng chỉ do cách chúng ta nhìn mà thôi!

CG
Bài viết sử dụng tư liệu từ:
 
1. Zemanlandia: The Story Of Zdenek Zeman trên Forza Italian Football.
2. Zeman festeggia le 1000 panchine: "Nessun rimpianto, Totti il migliore" trên Repubblica.
3. The birth of Zemanlandia trên These Football Times.
4. Zemanlandia: the truth behind the cult trên These Football Times.
5. The coach of lost cause trên Twenty-Mintue Reads
 
 Theo TTVN

Cùng tác giả

Cùng chuyên mục

Tại Chelsea, Sancho đang trở thành mẫu cầu thủ mà Man Utd từng kỳ vọng?

Điều đáng ngạc nhiên nhất trong pha ghi bàn tuyệt đẹp của Jadon Sancho trước Tottenham Hotspur không phải là bản thân cú sút chìm, đưa quả bóng đi theo quỹ đạo vòng cung từ bên ngoài vòng cấm bay chạm cột xa khung thành của Fraser Forster rồi bật vào lưới. Mà chính là việc anh đã quyết định dứt điểm trong khoảnh khắc đó.

Lối thoát nào cho tương lai Marcus Rashford?

“Trận đấu tiếp theo. Một tuần mới và cuộc sống mới”. Đó là thông điệp của HLV Ruben Amorim gửi đến Marcus Rashford sau khi loại tiền đạo này khỏi đội hình Man United ở trận derby Manchester vào Chủ Nhật tuần trước.

Phía trước Man City là gì khi ngay cả Pep cũng nghi ngờ bản thân?

Sau trận thua ngược 1-2 trước MU ở derby Manchester đêm Chủ nhật vừa qua, Pep Guardiola cay đắng nói rằng ông là một HLV không đủ giỏi. Liệu đấy là một lời thừa nhận mang màu sắc chán nản trong bối cảnh vận đen đeo bám, hay quả thực, Pep đã “hết bài” và không còn đủ khả năng giúp City ngự trị trên đỉnh cao?

X
top-arrow